Babylon - Chào mừng quý vị đến với 'cái trôn' của Hollywood*! | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 02, 2023
Sáng TạoĐiện Ảnh

Babylon - Chào mừng quý vị đến với 'cái trôn' của Hollywood*!

Tại sao bộ phim của một “dream team,” một tác phẩm giàu tham vọng bậc nhất năm qua nhằm tri ân thời vàng son của điện ảnh Hollywood lại có thể ngã ngựa đau đớn đến thế?
Babylon - Chào mừng quý vị đến với 'cái trôn' của Hollywood*!

Nguồn: Paramount Pictures

Tôi đã tự đặt câu hỏi đó trong suốt quá trình thưởng thức Babylon – bộ phim dài tới 189 phút với nguồn năng lượng mạnh mẽ như lũ cuốn. Những cú máy cuồng loạn gây hoa mắt chóng mặt. Những đại cảnh dàn dựng hoành tráng, hoang dã nhất có thể tưởng tượng được. Những cảnh hậu trường làm phim (phim trong phim) thời thập niên 20 của thế kỷ 20 được tái hiện một cách điên rồ và trào lộng.

Chúng lần lượt phơi bày những số phận thăng trầm, lên voi xuống chó trong thế giới điện ảnh lắm hào quang nhưng cũng quá nghiệt ngã. Đó là những kẻ mới say sưa nhập cuộc đến vong thân hoặc đánh mất danh tính, những ngôi sao hết thời ngụp lặn trong sự cay đắng vì bị phế bỏ,....

Để rồi khi bộ phim kết thúc với màn tri ân điện ảnh đầy xúc động, tôi chợt thấy nó lạc quẻ và hiểu tại sao nó thất bại thê thảm tại phòng vé và trong cuộc đua Oscar (phim chỉ được đề cử ở 3 hạng mục là Thiết kế mỹ thuật, Trang phục và Nhạc nền mà hoàn toàn vắng bóng ở những đề cử quan trọng cho Phim, Đạo diễn, Kịch bản và Diễn xuất).

Dù đã xem vô số phim nói về bi kịch của những "đại lộ hoàng hôn" hay "đại lộ của những giấc mơ tan vỡ," chưa có bộ phim nào khiến tôi thấy Hollywood hiện lên tăm tối, trụy lạc và không một chút hy vọng về con người như thế. Nó đích thị như một câu thoại của gã xã hội đen lập dị và biến thái (Tobey Maguire đóng): "Xin chào mừng quý vị đến với cái 'lỗ trôn' của Hollywood"!

“Có một giọt nước mắt trong mỗi nụ cười ở Hollywood"

Trong bộ phim Showgirl in Hollywood (1930), một nữ diễn viên vốn xuất thân từ “showgirl” là Donny (Blanche Sweet đóng) đã hát rằng: “Có một giọt nước mắt trong mỗi nụ cười ở Hollywood.”

03feb2023mv5bztdmytvhzgutytq4zi00mmi2lwi4yjytnjc4ywrhn2yxmjqyxkeyxkfqcgdeqxvyotc5mdi5njev1jpg
Showgirl in Hollywood (1930) | Nguồn: IMDb

Câu hát ấy có lẽ đã nói một cách ngắn gọn mà chính xác nhất về Hollywood – kinh đô điện ảnh mang lại hào quang cho lắm ngôi sao nhưng cũng làm tan vỡ hàng triệu giấc mộng không thành. Và thậm chí, ngay cả khi đã trở thành ngôi sao đi nữa, Hollywood cũng có thể loại bỏ nếu ngôi sao đó đã mất giá trị hoặc không còn sức hút.

Bi kịch của ngôi sao hết thời, của “đại lộ hoàng hôn” đã được đạo diễn huyền thoại Billy Wilder tái hiện trong bộ phim Sunset Blvd (1950) – tác phẩm nhận 11 đề cử Oscar và thắng 3 giải, trong đó có Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Với tôi, đó là một kiệt tác thực sự, một bộ phim khiến ta thấm thía về hào quang và sự vỡ mộng của một ngôi sao điện ảnh phim câm đã qua thời.

Nhân vật ngôi sao điện ảnh Norma Desmond (Gloria Swanson) trong Sunset Blvd đã trở thành một hình mẫu mang tính biểu tượng khi nói về những ngôi sao đã hết thời nhưng vẫn nghĩ mình đang ở đỉnh cao. “Tôi vĩ đại, còn các bộ phim đã trở nên tầm thường nhỏ bé” – câu nói của Norma Desmond trở thành câu thoại kinh điển để nói về ảo mộng của một ngôi sao hết thời.

03feb202335041jpg
Nhân vật Norma Desmond do Gloria Swanson thủ vai. | Nguồn: Paramount Pictures

Hollywood đã chứng kiến vô số “đại lộ hoàng hôn” như thế. Và tất nhiên, nó cũng kể rất nhiều câu chuyện bi thương về “đại lộ của những giấc mơ tan vỡ,” của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi đến Hollywood với giấc mơ đổi đời, nhưng ánh hào quang mãi không chiếu tới và phải vật lộn với sự vỡ mộng hoặc phải trả những cái giá quá đắt để được tỏa sáng.

Babylon của Damien Chazelle tiếp nối dòng phim nói về giấc mơ đổi đời và sự nghiệt ngã ở Hollywood sau Whiplash (2014) và La La Land (2016) của đạo diễn trẻ sinh năm 1985. Cả hai bộ phim đều ở quy mô nhỏ (hoặc vừa) kể về những hành trình của cá nhân nhưng lại mang tính phổ quát khiến nhiều khán giả thấy mình trong đó.

Whiplash La La Land đều thành công lớn, và quan trọng là giới thiệu được một đạo diễn trẻ tài năng có phong cách kể chuyện sắc sảo và hấp dẫn đại chúng. Whiplash có kinh phí 3 triệu USD, thu về 50 triệu USD, nhận 5 đề cử Oscar (trong đó có Phim hay nhất) và thắng 3 giải.

La La Land có kinh phí 30 triệu USD, thu về 472 triệu USD toàn cầu, nhận tới 14 đề cử Oscar (là 1 trong 3 phim có nhiều đề cử nhất trong lịch sử) và thắng 6 giải, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Damien Chazelle, biến anh thành đạo diễn trẻ nhất thắng giải này.

Với một “profile” hoàn hảo như thế, Damien Chazelle được hãng Paramount rót ngân sách tới 80 triệu USD để anh thực hiện thêm một giấc mơ lớn khác của mình: tái hiện thời hoàng kim của Hollywood giai đoạn 1920s đến 1950s – thời kỳ chuyển giao từ phim câm sang phim có tiếng.

Đây cũng là bối cảnh của nhiều bộ phim thành công khác như Sunset Blvd hay The Artist (2011) – bộ phim đen trắng của đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius từng thắng 5 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất.

03feb2023arton41041450x800cjpg
The Artist là một bộ phim khác thành công với bối cảnh Hollywood trong giai đoạn 1920-1950 | Nguồn: The Artist

Nhưng nếu hai bộ phim trên khiến khán giả đồng cảm hoặc xót xa trước bi kịch của những ngôi sao hết thời, và tái hiện một Hollywood dù cay đắng và nghiệt ngã nhưng vẫn thấy tình người, thì Babylon của Damien Chazelle khiến tôi tá hỏa vì sự cuồng bạo, suy đồi, trụy lạc và cả sự vô tri của nó. Hollywood trong Babylon hiện lên như một thế giới mục ruỗng, không chút tình người.

Babylon cho ta thấy Hollywood là một cỗ máy kim tiền nghiền nát cuộc đời của bao người, khiến bao kẻ phải chết vô danh trên trường quay, chết vô nghĩa trong những bữa tiệc trác táng, chết vì sốc thuốc, chết vì tự sát… Còn những kẻ sống sót hoặc tồn tại được thì phải vong thân, bán mình hoặc phải rời bỏ Hollywood đi nơi khác.

Nhà văn, triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre từng nói “tha nhân là địa ngục”. Và ta nhìn thấy những “địa ngục vì tha nhân” như thế trong Babylon.

Mặt đen tối của thời đại hoàng kim

Tất nhiên, nếu đủ yêu điện ảnh, có lẽ không ai không hiểu sự nghiệt ngã hay những mặt tối ở Hollywood. Vô số bộ phim, vô số bài báo và cuốn sách đã phơi bày những sự thật không đẹp đẽ gì ở kinh đô điện ảnh này.

Nhưng tới mức độ đen tối, trụy lạc, hoang dã và điên loạn như Babylon thì có lẽ Damien Chazelle đã tiếp cận những chất liệu bị phóng đại quá đà, những giai thoại và truyền thuyết chưa được kiểm chứng hoặc đơn giản là chỉ khai thác sự tăm tối của Hollywood mà không thấy được mặt sáng của nó.

Tờ Hollywood Reporter cho rằng, Damien Chazelle lấy cảm hứng từ cuốn Hollywood Babylon của tác giả Kenneth Anger để làm nên bộ phim của mình. Năm 1975, khi cuốn sách này được xuất bản, nó thực sự là một “quả bom hẹn giờ” với mục đích bôi nhọ điện ảnh Hollywood thời hoàng kim.

03feb202391yqgds3iljpg
Cuốn sách Hollywood Babylon (1975) | Nguồn: Amazon

Cuốn sách có nhiều thông tin không đáng tin cậy, mô tả những năm 20 của thế kỷ này là một “thập kỷ cuồng loạn” với những bữa tiệc khiêu vũ trác táng có đủ ma túy, rượu, những cô gái khỏa thân, tình dục và cả một con voi đang dậm chân tại chỗ. Tờ New York Times gọi nó là “cuốn sách không mang lại một giá trị nào,” trong khi tờ Los Angeles Times nhận xét cuốn sách này “tồi tệ một cách lừa dối.”

Thế nhưng, những “chất liệu” bị phóng tác quá đà ấy lại được tái hiện một cách hoang dã nhất trong bữa đại tiệc tại dinh thự của giám đốc điều hành Kinoscope Studios ngay ở đầu phim Babylon. Và sự điên rồ không dừng lại ở đó mà tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trong bộ phim với nồng độ ngày càng đậm đặc.

Trên nền bối cảnh đầy sa đọa và tăm tối đó, Babylon lần lượt giới thiệu đến khán giả những nhân vật “tương xứng”: Manuel (Diego Calva) – một anh chàng người Mexico nhập cư đang tìm chỗ đứng trong một hãng phim, kẻ ngay lập tức say đắm Nellie LaRoy (Margot Robbie) – một cô gái hoang dã và tham vọng tự xưng mình là “ngôi sao;” Jack Conrad (Brad Pitt) – một ngôi sao phim câm có lối sống bê tha đang dần dần lụi tàn…

Nguồn: Paramount Pictures.

Bữa tiệc đó còn có Lady Fay (Li Jun Li) - một nữ ca sĩ hộp đêm đồng tính người Mỹ gốc Hoa và nghệ sĩ kèn trompet người Mỹ gốc Phi Sidney Palmer (Jovan Adepo), cùng vô số tên tuổi tai to mặt bự khác trong giới làm phim ở Hollywood.

Buổi tiệc xa hoa trác táng đó kết thúc với cái chết của hai diễn viên vì sốc ma túy. Đây là cơ hội đổi đời cho Nellie LaRoy khi cô được chọn để thay thế nữ diễn viên trẻ vừa qua đời. Trường đoạn về bữa tiệc điên rồ này kết thúc với một cú máy tuyệt đẹp theo chân cô gái hoang dại LaRoy từ bên trong bước ra bên ngoài và nhảy múa dưới bầu trời khi ánh bình minh vừa ló.

Thế nhưng, những gì tiếp diễn sau đó trong bộ phim vẫn cứ điên rồ, hoang dã và cuồng nhiệt như thế. Tất cả như một đám thiêu thân lao vào ánh lửa bất chấp cái chết vô nghĩa. Trong ba nhân vật chính, tôi không thấy đồng cảm với bất cứ ai. Hay nói cách khác, trong hành trình của họ, ta không thấy được sự trưởng thành của nhân vật.

Manuel, nhờ sự giúp đỡ của Jack Conrad đã nhanh chóng thăng hạng trong hãng phim nhưng cũng lập tức cắt đứt nguồn gốc Mexico của mình. Anh ta Mỹ hóa tên mình thành “Manny” và trong một bữa tiệc lớn sau đó do William Randolph Hearst (một ông trùm truyền thông, nguyên mẫu của kiệt tác Citizen Kane) tổ chức, anh ta tự nhận mình là người Tây Ban Nha.

03feb2023imagejpg
Jack Conrad (Brad Pitt) và Manuel hay Manny (Diego Calva) trong phim. | Nguồn: Paramount Pictures

Để đạt được “giấc mơ Mỹ” của mình, Manny sẵn sàng “vong thân,” xóa bỏ danh tính cá nhân để có được một chỗ đứng vững chắc và xứng đáng với mối tình lãng mạn giả tưởng mà anh ta hướng tới với LaRoy.

Nhân vật LaRoy của Margot Robbie cũng mang đến một nguồn năng lượng xấu khác. Cô leo lên danh vọng nhanh chóng nhờ sắc đẹp và tài năng của mình, nhưng cô cũng đạp đổ nó vì lối sống bản năng hoang dã, chứng nghiện ngập và bài bạc để rồi lún sâu vào những bi kịch không lối thoát.

Jack Conrad của Brad Pitt – một ngôi sao phim câm đang ở “đại lộ hoàng hôn” của sự nghiệp, phần nào cũng được xây dựng giống như hai ngôi sao phim câm hết thời trong Sunset BlvdThe Artist. Nhưng cách Damien Chazelle phát triển tâm lý của nhân vật này không khiến người xem đồng cảm và xót xa.

Anh là một hình mẫu ái kỷ điển hình và chọn cho mình một cái kết bi thảm khác khi mọi thứ tàn lụi. Rõ ràng, cách xây dựng và phát triển tâm lý của 3 nhân vật chính trong Babylon cho thấy Damien Chazelle đang đi sai hướng nghiêm trọng và kéo bộ phim càng về cuối càng đi sâu vào sự bế tắc với những kết cục bi thảm.

Việc nhồi nhét quá nhiều góc nhìn (tiêu cực) vào bộ phim, phí phạm nguồn năng lượng và tài năng của các diễn viên khiến Babylon càng lúc càng sa đà vào sự hỗn loạn và tăm tối mà kẻ kể chuyện đã lạc mất hướng đi của mình.

Hậu quả là một bộ phim đầy tham vọng, được dàn dựng vô cùng công phu và thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn lại đã thất bại trong việc chinh phục khán giả và giới hàn lâm – điều mà Damien Chazelle đã làm rất tốt trong WhiplashLa La Land.

Sự thất bại này cũng khiến cho đoạn kết với phần tri ân điện ảnh – đáng lẽ ra vô cùng cảm động - trở nên lạc quẻ và vô nghĩa. Những tác phẩm điện ảnh kinh điển hiện lên trong những khuôn hình tưởng tượng của Manuel hay những giai điệu lạc quan tươi vui của bộ phim nhạc kịch Singin' in the Rain xuất hiện trên màn ảnh hoàn toàn không nhận được sự tôn vinh xứng đáng.

Bởi đơn giản là Babylon không xứng đáng vì những gì mà Damien Chazelle kể trước đó. Bộ phim chỉ làm nổi bật sự tăm tối, xấu xí và hạ thấp con người, hạ thấp điện ảnh của chính anh!

*Đây là một trích dẫn trong bộ phim Babylon