Bậc thiền sư Yasujiro Ozu: Đời thì ngắn, mà tình thì dài | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 08, 2021
Điện Ảnh

Bậc thiền sư Yasujiro Ozu: Đời thì ngắn, mà tình thì dài

Cùng chiêm nghiệm những kiệt tác điện ảnh dung dị, nhưng dày dặn chiều sâu về tình cảm gia đình của đạo diễn huyền thoại Yasujiro Ozu.
Bậc thiền sư Yasujiro Ozu: Đời thì ngắn, mà tình thì dài

Cảnh từ phim Late Autumn. | Nguồn: Shochiku.

Trong những ngày dịch bệnh nhiều đau thương mất mát này, nếu bạn muốn tìm một nơi để trú ngụ và chữa lành thân tâm, có lẽ những bộ phim đậm tính thiền của Yasujiro Ozu là phù hợp hơn cả. Điện ảnh của bậc thiền sư Nhật Bản thấm đẫm hương vị nhân sinh, gợi cho ta những suy tư về sự hư vô, nỗi cô đơn của kiếp người.

Nhưng trên tất cả, những di sản của Ozu mang lại cho chúng ta lòng trắc ẩn và những giá trị tình thân của gia đình, để rồi khi khuôn hình tĩnh tại cuối cùng của bộ phim hiện lên, ta thấy thấm thía tinh thần điện ảnh của ông: “Đời thì ngắn mà tình thì dài”.


Yasujiro Ozu là một đạo diễn kỳ lạ của điện ảnh Nhật Bản, người tạo ra những triết lý và ngữ pháp điện ảnh mà không nhà làm phim nào có thể bắt chước được, dù rất nhiều đạo diễn thừa nhận ảnh hưởng tinh thần của ông.

Ozu sống trọn vẹn một cuộc đời kéo dài đúng 60 năm (12/12/1903 – 12/12/1963) và để lại một di sản điện ảnh đồ sộ với hơn 50 bộ phim do chính ông biên kịch và đạo diễn. Nhiều trong số các bộ phim đó đã thất lạc do chiến tranh (chủ yếu là phim câm giai đoạn đầu), nhưng vẫn còn nhiều phim vẫn tồn tại với thời gian. Và như một thứ rượu được ủ lâu năm, càng lúc chúng càng nồng đượm hương vị thời gian.

it1
Đạo diễn Yasujiro Ozu. | Nguồn: Film Inquiry.

Lúc sinh thời, những bộ phim của Ozu chỉ được biết bên trong nước Nhật, một vài phim của ông từng được gửi đi tranh giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, nhưng không bao giờ được đề cử.

Tuy nhiên, kể từ khi Ozu qua đời, những bộ phim điện ảnh của ông bắt đầu lan tỏa ra khắp thế giới qua nhiều chương trình tri ân ở các liên hoan phim quốc tế, hay các tuần phim của riêng ông được tổ chức nhiều nơi. Không chỉ ở châu Á, giới phê bình và giới làm phim ở Âu Mỹ cùng bày tỏ sự ngưỡng mộ và tình yêu dành cho những kiệt tác của Ozu.

Vào năm 2012, hàng trăm nhà làm phim và nhà phê bình tham gia cuộc bình chọn 10 tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại của Viện phim Anh và Sight and Sound tổ chức. Tại sự kiện này, bộ phim Tokyo Story (1953) của Ozu xếp hạng 1 trong bảng bình chọn của nhà làm phim, và hạng 3 trong bảng xếp hạng của giới phê bình.

Tokyo Story và những tầng suy tưởng dưới mặt hồ phẳng lặng

Khoảng 20 năm trước, lần đầu tiên tôi xem Tokyo Story tại rạp Hanoi Cinematheque, một rạp chiếu phim nghệ thuật chủ yếu dành cho người nước ngoài sống tại Hà Nội trong một buổi tối mùa đông lạnh giá.

Đây là một bộ phim dung dị về đề tài gia đình với những góc máy tĩnh và chậm rãi. Dù tiết chế tối đa về kịch tính, nhưng cảm xúc mà bộ phim mang lại, đặc biệt là đoạn kết khiến tôi khó lòng ngăn được những giọt nước mắt, cùng với tiếng sụt sịt của không ít khán giả ngoại quốc trong rạp.

Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Tokyo Story, biết đến Ozu và biết đến một thứ điện ảnh đậm tính thiền như thế.

it1
Poster Tokyo Story. | Nguồn: Shochiku.

Bộ phim là một bức chân dung nhẹ nhàng nhưng có nhiều sắc thái đối lập của một gia đình truyền thống Nhật Bản trước những thay đổi của đời sống hiện đại, khi đất nước này đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau Thế chiến thứ 2.

Phim kể về hai ông bà già ở quê, lâu lắm không thấy con cháu về chơi, bèn dắt nhau lên phố một bận “dối già” và cũng xem đám con cháu ăn ở, bận rộn thế nào mà chẳng quan tâm đến bố mẹ ở quê. Đẻ được 5 người con thì một đứa con trai mất vì tử trận, một cô con gái út chưa chồng làm giáo viên đang sống chung với ông bà. Còn ba người con, hai trai một gái thì ở phố (Osaka và Tokyo), giờ đều đã thành đạt, nhưng bận rộn với sự nghiệp, con cái.

ts1
Hai cụ già và gia đình những người con của mình. | Nguồn: Shochiku.

Biết bố mẹ lên mà chẳng có thời gian, được hôm đầu họ còn tử tế hỏi thăm phục dịch, hôm sau nữa thì phân công nhau, hôm sau nữa thì sắp xếp để hai cụ xoay xở với nhau. Mấy đứa cháu thì xa lạ và vô tình vì chúng nó có biết ông bà hay có sự kết nối tình thân gì đâu.

Hai cụ già quê, loay hoay ở phố, vừa lạc lõng vừa cô đơn lại không muốn phiền lụy con cái, hẹn hò đi gặp bạn già uống vài ly hơi quá chén thì về bị đứa con gái cả trách móc. Điều này khiến ông bà càng thêm tủi thân vì phiền lụy đến con cái.

May trong cái đận thăm Tokyo ấy có cô con dâu hiếu thảo, người lấy đứa con trai giữa của ông bà, đã chết trận hơn 8 năm trước. Xét về lý thì cũng như người dưng nước lã rồi. Vậy mà trái ngược với ba đứa con ruột, cô con dâu hiếu thảo chăm sóc hai cụ rất chu đáo, rất tận tâm, làm hai cụ phần nào đỡ chạnh lòng nơi đất khách.

ts2
Cô con dâu Noriko là một người tử tế và đôn hậu. | Nguồn: Shochiku.

Rồi sau cái đận từ Tokyo trở về quê ấy, chẳng hiểu phiền muộn hay gió máy gì mà bà cụ đang khỏe tự nhiên đổ ốm nặng rồi qua đời, không kịp một lời trăng trối. Đám ma bà cụ, ngoài cô con gái út chưa chồng ở với ông bà cụ, có ba người con ruột từ Tokyo về và tất nhiên là cả cô con dâu.

Đám ma xong, mấy đứa con ruột cáo bận công việc và con cái không ai trông nom, xin về Tokyo sớm. Chỉ có cô con dâu ở lại, an ủi ông già đang cô đơn vì người bạn đời đầu gối tay ấp cả đời đi trước ông mà không một lời trăn trối.

ts3
Cụ bà ra đi đột ngột ngay sau khi gặp 5 người con của mình lần cuối. | Nguồn: Shochiku.

Rồi cũng đến cái ngày cô trở về phố thị. Hai người, một già một trẻ bùi ngùi chia tay. Ông cụ nói, mẹ con lúc còn sống, rất lo cho con, mong con quên con trai chết trận của chúng ta đi mà bước tiếp để vơi nỗi cô đơn.

Cô con dâu, Noriko đáp bố trong tiếng nấc nghẹn, rằng con cũng ích kỷ lắm, có ngày, thậm chí nhiều ngày con không nghĩ đến anh ấy, hay còn quên luôn anh ấy. Ông cụ nói, con quên được đi là tốt. Rồi lấy một cái đồng hồ dây, kỷ vật của bà cụ lúc còn sống, trao lại cho cô.

Ông nói, mẹ con nói với ta, chúng ta có con cái ruột thịt nhưng người chăm sóc và đối xử tử tế với ta lại là người dưng nước lã, và bà ấy muốn trao kỷ vật này cho con. Cô con dâu ôm mặt khóc nức nở, rồi ra đi, để lại người cha già với khoảng trống cô độc của những ngày dài phía trước…

Cảnh cuối, Noriko ngồi trên chuyến tàu, trên gương mặt cô thời gian như ngưng đọng lại, như vĩnh viễn không trôi nữa. Đời thì ngắn mà tình thì dài là vậy!

ts4
Cô con dâu ra đi trong bồi hồi, để lại người bố chồng già cùng quãng đời cô đơn còn lại. | Nguồn: Shochiku.

Cuộc đối thoại giữa người bố chồng (Chishū Ryū đóng) và cô con dâu (Setsuko Hara) trong đoạn cuối của Tokyo Story với tôi là những cảnh phim giàu cảm xúc nhất, và thể hiện chính xác nhất tinh thần điện ảnh của Ozu. Đó là nơi mà ông thể hiện thứ triết lý và ngữ pháp điện ảnh giàu tính ẩn dụ và luôn để lại những tầng suy tưởng bên dưới bề mặt tưởng như phẳng lặng tựa mặt hồ.

Sau này, khi đã xem nhiều phim của Ozu và quay lại xem Tokyo Story với một cái nhìn lý tính hơn, tôi nhận ra những điểm đặc trưng quen thuộc trong phong cách điện ảnh của ông. Đó là những góc máy cố định, hầu như không bao giờ di chuyển máy quay, là cách ông đặt ống kính ngang với tầm mắt người khi ngồi trên chiếu tatami truyền thống của người Nhật, là cách sắp xếp bố cục chặt chẽ và tạo chiều sâu ở mỗi cảnh quay.

ts6
Ozu đặt chủ thể trong những chiếc khung tạo ra bởi bối cảnh. | Nguồn: Shochiku.

Trong cách dựng, Ozu cũng có phong cách thật khác biệt, ví dụ như dựng tỉnh lược những chi tiết quan trọng, mang tính chìa khóa của bộ phim (ví dụ như cái chết của người mẹ), trong khi một vài trường đoạn thì ông cố tình kéo dài bằng cách mô tả các chi tiết, ví dụ như cuộc trò chuyện giữa người bố và những người bạn trong quán rượu, nơi họ bày tỏ nỗi buồn và sự thất vọng về con cái và sự đổi thay của xã hội sau chiến tranh…

Phong cách làm phim này làm mất tính cân bằng trong câu chuyện và phá bỏ những kịch tính của câu chuyện.

Ozu cũng giữ phong cách nhất quán đó qua một loạt các bộ phim khác, đặc biệt là những bộ phim về gia đình và những thời khắc giao mùa, nơi ông chia sẻ những suy tưởng mang tính ẩn dụ về những thời khắc của đời người.

Những khoảnh khắc giao mùa thấm đẫm hương vị nhân sinh

Ngôn ngữ điện ảnh và cách kể chuyện của Ozu thật khác biệt, thậm chí đối lập với đạo diễn cùng thời là Akira Kurosawa. Nếu Kurosawa đề cao sự chuyển động để tăng hiệu quả thị giác cho điện ảnh, lựa chọn những đề tài đậm tính sử thi, giàu kịch tính và âm nhạc hùng tráng thì Ozu ngược lại hoàn toàn.

Những phát ngôn của Ozu thể hiện rất rõ sự nhất quán trong phong cách điện ảnh của ông, như, “ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình”, hay, “tôi không nghĩ rằng bộ phim phải có ngữ pháp. Tôi không nghĩ rằng bộ phim chỉ có một thể loại. Nếu kết quả đánh giá là bộ phim hay thì chính bộ phim đó đã tạo ra ngữ pháp của riêng mình”.

Trong khoảng 10 bộ phim của Ozu mà tôi đã xem, tôi nhận ra ông lặp đi lặp lại đề tài là gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Sự khác biệt thế hệ, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái hay bổn phận của con cái đối với cha mẹ trở đi trở lại trong các bộ phim của ông, phản ánh tinh thần Phật giáo và Nho giáo đậm nét.

Các câu chuyện trong phim đều rất dung dị với nhịp điệu chậm rãi, hầu hết là bối cảnh nội, thi thoảng xen kẽ với các cảnh ngoại với mục đích chuyển cảnh hay mang chức năng thông báo. Âm nhạc trong phim của Ozu cũng được sử dụng một cách tiết chế, chủ yếu trong các cảnh chuyển hay mô tả tâm trạng nhân vật. Ông sử dụng những bản nhạc truyền thống Nhật Bản hoặc những bản Jazz với giai điệu hoài cổ.

Ngoài Tokyo Story, trong những bộ phim được thực hiện vào giai đoạn sau Thế chiến 2, Ozu tập trung khai thác những bộ phim về đề tài gia đình. Hầu hết trong số đó đều kể những câu chuyện lặp đi lặp lại việc một người cha già góa vợ (hay một người mẹ góa chồng) sắp xếp việc kết hôn cho cô con gái đang ở cùng họ. Thậm chí, đôi lúc ta có cảm giác như Ozu đang làm đi làm lại một bộ phim. Chùm phim có cùng đề tài này luôn liên quan đến các mùa trong năm, bắt đầu bằng Late Spring (1949), Early Summer (1951) và 3 bộ phim màu cuối cùng của ông là Late Autumn (1960), The End of Summer (1961) & An Autumn Afternoon (1962).

it5
Poster phim Late Spring, Early Summer, Late Autumn, The End of Summer, An Autumn Afternoon. | Nguồn: Shochiku.

Lý giải về việc lặp đi lặp lại đề tài quen thuộc này, Ozu từng phát ngôn rằng: "Tôi luôn nói rằng mình như một người bán đậu phụ và chỉ biết làm đậu phụ. Cùng một người không thể tạo ra những bộ phim hoàn toàn khác nhau.

Ngay cả khi chúng có vẻ giống nhau trong mắt người khác, các bộ phim của tôi cũng biểu lộ những điều hoàn toàn khác nhau và tôi luôn tìm được ở đó sự hứng thú tươi mới. Việc tôi làm giống hệt như một họa sĩ luôn tìm cách vẽ một bông hoa hồng duy nhất.”

Các bộ phim về mùa này giống như cách biểu đạt về chu kỳ thời gian và chu kỳ của đời người. Xuân qua rồi hè tới, thu đến rồi thu đi. Ở những khoảnh khắc giao mùa đó, ta cũng cảm nhận được sự thay đổi của con người trước vạn vật và cách họ chấp nhận sự thay đổi đó với những suy nghiệm về nỗi cô đơn và cái chết.

Trong Late Spring (Xuân muộn), bộ phim được đánh giá xuất sắc không kém gì Tokyo Story, câu chuyện phim chỉ đơn giản xoay quanh việc một người bố góa vợ đã lâu (Chishū Ryū) sắp xếp cho hôn sự của cô con gái (do Setsuko Hara đóng), trong khi cô con gái chỉ muốn ở vậy để chăm sóc bố. Người bố phải giả vờ lên kế hoạch tái hôn để cô con gái có thể yên tâm đi lấy chồng.

it6
Bố và con gái trong Late Spring. | Nguồn: Shochiku.

Trong Late Autumn (Thu muộn), một người mẹ góa bụa (lại do Setsuko Hara đóng) cũng phải giả vờ lên một kế hoạch tái hôn để cô con gái có thể yên tâm đi lấy chồng. Trong bộ phim cuối cùng, An Autumn Afternoon (Một buổi chiều thu), người cha già (Chishū Ryū) cũng phải tìm mai mối và khuyên nhủ cô con gái đi lấy chồng và đừng lo lắng gì cho ông…

it7
Hai mẹ con trong Late Autumn. | Nguồn: Shochiku.

Để rồi đến đoạn kết của mỗi bộ phim, khi các cuộc dựng vợ gả chồng cho cái cái đã diễn ra trọn vẹn, Ozu để những nhân vật ông bố bà mẹ ấy đối diện với nỗi cô đơn của chính mình, với nỗi buồn thăm thẳm của người cha hay giọt nước mắt lăn trên má của người mẹ trong căn nhà trống trải của họ. Giống như câu thoại của bà hàng xóm trong Tokyo Story: “Sống một mình như thế này, những ngày phía trước dài đằng đẵng”.

it8
Những ngày phía trước dài đằng đẵng. | Nguồn: Shochiku.

Những bộ phim với một chủ đề quen thuộc cứ tái diễn, nhưng kỳ lạ thay, ta vẫn muốn được xem chúng một cách trọn vẹn, để được đắm chìm vào những hương vị thấm đẫm nhân sinh ấy.