Bạn đã biết gì về xu hướng biotech beauty? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 08, 2021
Beauty

Bạn đã biết gì về xu hướng biotech beauty?

Ứng dụng sinh học vào ngành làm đẹp đang có những bước tiến mạnh mẽ. Những khái niệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về việc chăm sóc nhan sắc trong tương lai.
Bạn đã biết gì về xu hướng biotech beauty?

Biotech beauty ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành làm đẹp | Nguồn: Bellerophon

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi và mang đến nhiều xu hướng mới trong cuộc sống. Ngành công nghiệp làm đẹp cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong bối cảnh đó, vai trò của biotechnology (viết tắt là biotech) đang ngày càng được khẳng định hơn. 

Vậy, biotech chính xác là gì? Và vì sao nó là một trong 14 xu hướng mới thay đổi cục diện của ngành làm đẹp của năm 2021. 

1.  Biotechnology 

Biotechnology (công nghệ sinh học) là ứng dụng các kiến thức sinh học, quy trình công nghệ và thiết bị để tạo ra các sản phẩm thương mại có giá trị cao. 

Trước đây, nhược điểm lớn nhất của các loại mỹ phẩm từ thiên nhiên là thời gian sử dụng không dài, dễ gây lãng phí. Với công nghệ sinh học, các thành phần thiên nhiên được "gia cố" thêm sức mạnh để có thời gian sử dụng lâu hơn, tránh lãng phí và phát huy tối đa các tác dụng.

biotech beauty
Biotechnology là sự giao thoa giữa công nghệ và làm đẹp | Nguồn: Herbal Medicines

Công nghệ sinh học cũng được xem là giải pháp để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên, thông qua việc tái tạo các thành phần dưỡng da từ thiên nhiên trong phòng thí nghiệm, giữ lại trọn vẹn các tác dụng vốn có.  

Người tiêu dùng cũng dần cởi mở hơn với mỹ phẩm có chứa thành phần được tạo ra bên trong những căn phòng thí nghiệm. Bởi họ hiểu rằng, đây không chỉ là cách mang đến cho bản thân những sản phẩm tốt nhất mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái.

Một số thương hiệu đã và đang cung cấp mỹ phẩm sinh học hiện nay là Biossance, Dr.Belter, Natura Siberica,... 

biotech beauty
Biossance, Dr.Belter, Natura Siberica,... là những thương hiệu đi đầu trong việc mang đến mỹ phẩm sinh học | Nguồn: Editorialist

2.  Microbiome

Microbiome là xu hướng làm đẹp bằng công nghệ vi sinh. Bác sĩ da liễu Marnie Nussbaum ở New York cho biết hệ vi sinh vật của da (Microbiome) bao gồm hàng tỷ vi khuẩn, nấm và virus có trên da. Chúng có nhiệm vụ duy trì khả năng miễn dịch của da và ngăn chặn sự phát triển của các bệnh da liễu. 

Chỉ cần hệ vi sinh của da bị mất cân bằng (vi khuẩn có hại phát triển nhiều hơn), da của chúng ta sẽ bị tổn thương, mắc bệnh hoặc viêm. Nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn này có thể là do việc sử dụng chất làm sạch, tẩy da chết không phù hợp, dùng thuốc kháng sinh liều cao hoặc lão hóa.  

Microbiome sẽ là giải pháp tối ưu nhất giúp cân bằng hệ vi sinh vật trên làn da của bạn. Nguyên lý làm đẹp bằng công nghệ vi sinh là làn da chỉ thật sự khỏe mạnh khi các yếu tố tự nhiên đều hài hòa và phát triển tốt. 

Các dòng mỹ phẩm microbiome sẽ tập trung bổ sung những họ lợi khuẩn phổ biến như probiotic và prebiotic. Đồng thời, đặc tính của các sản phẩm này đều rất nhẹ nhàng, phù hợp với mọi loại da để đảm bảo hệ vi sinh tự nhiên của da sẽ không bị phá vỡ. 

biotech beauty
Vichy Mineral 89 Probiotic Fractions với công nghệ Probiotic bổ sung lợi khuẩn cho làn da | Nguồn: AB Beauty World

3.  Antibacterial beauty

Đảm bảo vệ sinh là một trong những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến chất lượng của các sản phẩm làm đẹp. Nhất là trong thời kỳ đại dịch, khi nhận thức của chúng ta về các loại vi khuẩn lây lan ngày càng nhanh thì tính kháng khuẩn trong mỹ phẩm lại càng được chú ý hơn nữa. 

Antibacterial beauty là thuật ngữ được dùng để chỉ các sản phẩm chăm sóc da có tính kháng khuẩn. Yếu tố này có thể phụ thuộc vào các thành phần kháng khuẩn như dầu cây trà, dầu tầm xuân và benzoyl peroxide. Những thành phần này giúp kiểm soát hệ vi sinh vật của da (vi khuẩn và lợi khuẩn) rất tốt. 

biotech beauty
Dầu tầm xuân là một trong những thành phần có tính kháng khuẩn cao | Nguồn: Flipboard

Không chỉ dựa vào những thành phần kể trên, không ít thương hiệu mỹ phẩm đã và đang ứng dụng công nghệ antibacterial để tạo lớp màng kháng khuẩn cho các sản phẩm làm đẹp. Công nghệ này chú trọng vào cách thức bảo quản: 

  • Giúp môi trường bên trong sản phẩm làm đẹp không chỉ ức chế sự phát triển của vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài.

  • Hạn chế tối đa việc sinh sôi của nấm men từ bên trong. 

Chuyên gia thẩm mỹ Cheryl Woodman nhận định, công nghệ kháng khuẩn đã được ứng dụng từ lâu trong một số sản phẩm làm đẹp. Song nó đang phát triển và phổ biến rộng rãi hơn trong thế giới hậu COVID. 

biotech beauty
Công nghệ kháng khuẩn được xem là bước tiến mới trong việc bảo quản các sản phẩm làm đẹp | Nguồn: Stylist

4.  Endangered ingredients 

Endangered ingredients là những nguyên liệu có nguy cơ tuyệt chủng. Nhu cầu tiêu dùng cao là tác nhân thúc đẩy các thương hiệu khai thác tối đa nguồn động thực vật từ thiên nhiên và đe dọa sự tồn tại của chúng. 

Khi đó, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất mỹ phẩm sẽ là lời giải cho bài toán có nguồn nguyên liệu tốt nhưng vẫn bảo vệ môi trường tự nhiên. 

biotech beauty
Công nghệ sinh học đang cải tiến để bảo vệ các thành phần có nguồn gốc thiên nhiên | Nguồn: The Chicsta Blog

5 năm trước, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có chính sách kiểm soát các thành phần có nguy cơ tuyệt chủng trong mỹ phẩm. Vẫn có một số thành phần tự nhiên được phép sử dụng trong mỹ phẩm đã được Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) liệt kê như: 

  • Xương rồng

  • Một số loài lô hội

  • Dầu gỗ hồng 

  • Dầu trầm hương

  • Cây dương xỉ đen

Mặc dù vậy, bất cứ một loài động thực vật nào được con người khai thác đều có nguy cơ đối mặt với tuyệt chủng. Vì thế, nhiều thương hiệu mỹ phẩm đã bắt đầu áp dụng công nghệ sinh học hoặc nuôi cấy tế bào gốc trong phòng thí nghiệm.

Đồng thời, họ cũng tận dụng công nghệ để chiết suất các thành phần quý hiếm từ rễ, thay vì sử dụng tất cả bộ phận của cây. 

biotech beauty
Công nghệ nuôi cấy tế bào gốc sẽ góp phần bảo vệ các loài động thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng | Nguồn: FASHION Magazine

Một vài thành phần sinh học được sản xuất từ các phòng thí nghiệm như: tế bào gốc của táo Thụy Sỹ, loài táo có từ thế kỷ XVIII có công dụng giúp trẻ hóa da nhưng số lượng trong tự nhiên lại vô cùng khan hiếm. Hay thành phần chống lão hóa Prenylium được chiết xuất từ rễ cây Morus alba trong phòng lab.

5.  Active ingredients

Active ingredients (thành phần hoạt tính) là các thành phần chính trong mỹ phẩm. Chúng là những chất hóa học có tác dụng giải quyết chính xác vấn đề về da mà sản phẩm hướng đến, đồng thời đã được khoa học chứng minh và đảm bảo chất lượng. 

Dưới sự phát triển của công nghệ sinh học, các thành phần hoạt tính còn được cải tiến để thay thế nguyên liệu từ thiên nhiên.  

Tiến sĩ Da liễu Hadley King tại New York cho biết, hiện nay, công nghệ sinh học đã có thể sử dụng vi khuẩn và nấm men để sản xuất nano, từ đó tạo ra các thành phần hoạt tính. 

Trước đây, các thành phần hoạt tính thường có nguồn gốc từ động thực vật. Về lâu dài, chúng sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường và năng lượng dự trữ trên hành tinh. Do đó, thành phần hoạt chất được sản xuất từ các nhà máy sẽ được xem là một phần của xu hướng làm đẹp bền vững (sustainable beauty).

biotech beauty
Biossance Squalane oil là sản phẩm tiêu biểu chứa thành phần hoạt tính được sản xuất từ phòng thí nghiệm | Nguồn: Thoughtful Misfit