Báo chí điện tử thay đổi như thế nào sau nghị định mới? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Báo chí điện tử thay đổi như thế nào sau nghị định mới?

Nghị định 38/2021 dường như giúp người đọc có một không gian báo mạng sạch hơn, không có quảng cáo làm phiền. Tuy nhiên ngành báo chí sẽ hứng chịu rủi ro gì?
Báo chí điện tử thay đổi như thế nào sau nghị định mới?

Tóm Lại Là: Người đọc cười, báo chí khóc với nghị định mới

1. Sau ngày 01/06 sẽ có gì khác?

Ngày 29/03/2021, Chính Phủ đã ban hành nghị định 38/2021, quy định về việc xử phạt và vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Quy định này đã tạo ra những thay đổi trong hoạt động quảng cáo của cơ quan báo chí.

Với người đọc, nghị định này giúp trải nghiệm đọc trên mạng “dễ thở” hơn khi không bị làm phiền bởi những quảng cáo xen kẽ trong bài báo. Bên cạnh đó, người đọc có thể tắt các video quảng cáo “nhảy” vào màn hình chỉ sau 1.5s thay vì 5-6s như trước đây.

2. Tại sao nhà làm luật thay đổi?

Sự ra đời của nghị định này nhằm giải quyết các nạn liên quan tới quảng cáo trong thời gian gần đây. Nổi bật trong số đó có quảng cáo thuốc “nhà tôi 3 đời", quảng cáo bia rượu hay nghệ sĩ quảng cáo.

Ngoài ra, theo nghị định này, các công ty báo chí khi muốn sử dụng dịch vụ quảng cáo của quốc tế (đa số là Facebook và Google) phải thông qua công ty quảng cáo trong nước. Sự thay đổi này nhằm tránh thất thoát thuế và giúp việc quản lý nội dung dễ dàng hơn.

3. Điều này ảnh hưởng gì tới báo chí?

Đại diện của báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động,... đã sớm lên tiếng về sự bất hợp lý của nghị định, khi nó làm giảm nguồn doanh thu tới từ quảng cáo của báo chí (Nguồn: thanhnien.vn).

Trước giờ, các cơ quan báo vẫn đặt xen kẽ quảng cáo giữa bài viết nhằm dùng nội dung thu hút sự chú ý của độc giả. Các video quảng cáo cũng cần có tối thiểu 6s để có thể kịp truyền đạt thông điệp cũng như giới thiệu sản phẩm tới người xem.

Nghị định này đã làm giảm tính cạnh tranh của báo điện tử so với mạng xã hội trong mắt nhãn hàng và doanh nghiệp. Thay vào đó họ sẽ chuyển qua các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook,... nơi có ít những ràng buộc liên quan tới quảng cáo hơn.

4. Nền tảng công nghệ lớn cạnh tranh với cơ quan báo chí như thế nào?

Năm 2020, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước tính đạt 820 triệu USD. Tuy nhiên, 80% số tiền này đổ vào các công ty nước ngoài như Google và Facebook. Có thể thấy, việc quảng cáo của báo đã phải cạnh tranh với nhiều bên, tới bây giờ lại đối mặt nhiều khó khăn hơn với nghị định mới.

Ngành báo chí thế giới cũng gặp vấn đề tương tự. Gần đây nhất, chính phủ Úc kiện Facebook khi ông lớn này góp một phần không nhỏ trong sự sụt giảm doanh thu của các hãng truyền thông nước này. Facebook cũng đối mặt với yêu phải trả tiền cho cơ quan báo chí của 7 vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

5. Tại sao nguồn thu chỉ từ quảng cáo?

Thep Hiệp hội Báo chí Thế Giới (WAN - IFRA), trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh thu của các báo điện tử có tới 70-80% từ quảng cáo. Để giữ chân được khách hàng, yêu cầu báo chí phải câu view. Điều này giải thích cho việc các nội dung “cướp-giết-hiếp" lên ngôi.

Theo như ông Lê Quốc Vinh, giám đốc công ty truyền thông Le thì thu phí người đọc cũng chỉ mới “manh nha" phát triển. Vậy nên để có thể giữ được cho báo chí miễn phí chỉ có thể dựa vào quảng cáo.

6. Có giải pháp nào khác để báo kiếm tiền?

Câu trả lời cho việc này chính là “đa dạng nguồn thu" với một mô hình kinh doanh mới. Các tờ báo lớn tại Mỹ đã chuyển mô hình với tay phải viết báo, tay trái kinh doanh.

New York Times vẫn chọn đánh vào thị trường quảng cáo, đón đầu xu hướng bằng cách thành lập ra T-Brand, một agency về nội dung quảng cáo cho riêng mình. Washington Post và Vox, hướng tới thị trường các báo khác là khách hàng với CMS - hệ thống quản trị nội dung.

Báo chí hiện đại không chỉ đơn thuần là một nhà xuất bản mà còn bán những dịch vụ và sản phẩm, bên cạnh sản xuất nội dung.

7. Tương lai của báo chí có thể là gì?

Theo nhà kinh tế truyền thông Christian Wellbrock, để có thể đối đầu được với các người khổng lồ công nghệ, báo chí địa phương phải cùng chung tay biến thành một gã khổng lồ.

Để làm được điều này, các tờ báo sẽ cùng chia sẻ với nhau ở một nền tảng trả phí chung, tương tự như Spotify hay Netflix. Khi nền tảng này đủ lớn thì các nhà quảng cáo sẽ tự động tìm tới nó, thay cho Facebook hay Google.

Ứng dụng đọc tin trả phí Apple News+ chính là một thử nghiệm của giải pháp này. Cái hiện tại còn cần chính là thời gian để kiểm định được tính hiệu quả của nó.