Bất kỳ ai cũng có quyền định nghĩa tác phẩm nghệ thuật? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bất kỳ ai cũng có quyền định nghĩa tác phẩm nghệ thuật?

Hiểu rằng khán giả, chứ không phải tác giả, mới quyết định ý nghĩa của tác phẩm, ta có một cách thưởng thức nghệ thuật mới.
Bất kỳ ai cũng có quyền định nghĩa tác phẩm nghệ thuật?

Nguồn: Saint Jerome Writing bởi Caravaggio

Khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, ý kiến của ai quan trọng nhất? Câu hỏi này dễ được đặt ra khi dư luận chia phe khen/chê một bộ phim hay một tác phẩm văn học.

Liệu đó sẽ là nhận định của các nhà phê bình, những người đã dành cả cuộc đời họ để nghiên cứu về nghệ thuật? Hay đó sẽ là những cảm nhận riêng tư, đến từ chính trải nghiệm cuộc sống của khán giả?

Dạo qua các cuộc tranh luận khen/chê tác phẩm nghệ thuật, chúng ta dễ dàng bắt gặp những trò chơi trốn tìm, trong đó tác giả đi trốn và nhà phê bình đi tìm. Nhà làm phim này non tay đến đâu? Nhà thơ này tự cao kiểu gì? Phê bình nghệ thuật kẹt lại ở câu "tác giả có nói thế thật không?"

Vậy nếu chúng ta là những khán giả bình thường không quá am hiểu về nghệ thuật, liệu diễn giải của chúng ta có ý nghĩa gì không?

stylewidth 767986px fontsize 18px fontweight 300 maxwidth 768px stylewidth 767986px maxwidth 768px
Nguồn: Laura Seymour

Dưới lăng kính triết học, một câu hỏi mới hiện ra: “Liệu ý nghĩa tột cùng của một tác phẩm nghệ thuật có nằm ở trong tay chính tác giả, người đã tạo ra tác phẩm đó?”

Trong số Triết Xuất lần này, Vietcetera sẽ giới thiệu đến độc giả một khái niệm mang tên “Cái Chết Của Tác Giả” (The Death Of The Author). Khái niệm này sẽ cho ta một góc nhìn khác với nghệ thuật, nơi mà quyền lực đánh giá một tác phẩm được đưa về cho chính những người khán giả.

Cái Chết Của Tác Giả nói với ta những gì?

Cái Chết Của Tác Giả là một tiểu luận của triết gia/nhà phê bình văn học người Pháp Roland Barthes (1915-1980). Nói "cái chết của tác giả," Barthes không ám chỉ một cái chết thân xác, mà ông từ giã việc tôn sùng tác giả như người duy nhất quyết định ý nghĩa của tác phẩm.

Trong tiểu luận, Barthes phản biện lối phê bình nghệ thuật truyền thống, nơi người ta tìm hiểu về xuất thân và hoàn cảnh ra đời của tác giả để đưa ra một cách đọc tác phẩm “chính xác nhất.” Với ông, sự sống của tác phẩm không phụ thuộc vào tác giả, mà được dung dưỡng dựa trên nhiều cách đọc và diễn giải khác nhau.

Sản phẩm nghệ thuật không phải sự sáng tạo nguyên bản từ đầu. Giá trị sáng tác của người nghệ sĩ nằm ở đâu khi họ không mượn cảm hứng từ cảnh quan và con người xung quanh mình, hay từ bản thân các nghệ sĩ đi trước và những người đương thời?

Vì thế, không phải đấng sáng thế quyết định toàn diện ý nghĩa của phim ảnh, âm nhạc hay thơ ca, tác giả chỉ là người kết hợp các kinh nghiệm và nguồn cảm hứng sáng tác đã có với góc nhìn cá nhân của mình.

Từ đó, ta hiểu rằng không nên giới hạn tiềm năng về ý nghĩa, sức biểu đạt, và thẩm mỹ của tác phẩm vào tác giả. Những cảm thụ đa dạng của độc giả cũng có vai trò quan trọng trong việc hiểu và cảm nhận tác phẩm một cách tối ưu nhất.

Tác giả đã chết, vậy ta cảm thụ nghệ thuật kiểu gì?

Hiểu cảm thụ nghệ thuật theo Cái Chết Của Tác Giả giúp giải quyết được vô số tranh luận trên mạng, với mở đầu là phủ định "tác giả đâu có nói vậy" và kết thúc là cảm thán "giờ đây ai cũng trở thành nhà phê bình." Gợi mở của Barthes còn hoá giải bao "uẩn ức" của học sinh phổ thông trong môn nghị luận văn học.

Barthes hé lộ cho chúng ta thấy những ý kiến đa chiều về tác phẩm, dù đến từ khán giả, nhà phê bình hay tác giả, tất cả đều có giá trị trong việc làm dày ý nghĩa của tác phẩm. Với tư cách là một người cảm nhận nghệ thuật, chúng ta nên xem những nhận định khác nhau này như những nguồn thông tin song song để tạo nên ý kiến của riêng ta về tác phẩm.

Theo chiều ngược lại, gặp phải ý kiến trái chiều khi bình luận về một tác phẩm nghệ thuật, hãy tranh luận dựa trên những nhận định ta có về tác phẩm. Việc tranh luận để tìm ra ý kiến đúng và sai dựa trên một “ý nghĩa tuyệt đối” mà tác giả dành cho tác phẩm có lẽ đã không còn là một chuyện nên làm.

alt
"Đây không phải một cái tẩu" | Nguồn: René Magritte

Quan trọng hơn cả, Barthes không cào bằng giá trị của mọi bình luận về tác phẩm nghệ thuật. Ông muốn đặt cả người sáng tác và người cảm thụ vào bối cảnh xã hội, để nhìn rõ những nguồn cơn định hình cách sáng tạo và cách tiếp nhận tác phẩm.

Điểm chạm giữa tác phẩm và người cảm thụ là điểm chạm giữa nhiều thế giới: thế giới cũ và mới, của tầng lớp tinh hoa và bình dân, của các nền văn hoá khác biệt...

Kết

Dù đã ra đời hơn 50 năm về trước, Cái Chết Của Tác Giả lại trở nên cực kì quan trọng trong một thời đại mà bất kì ai cũng có thể tiếp nhận và phê bình tác phẩm nghệ thuật. Tuy trao khán giả nhiều thẩm quyền đánh giá tác phẩm hơn, có lẽ Cái Chết Của Tác Giả cũng hình thành một cách suy nghĩ mới đến với những người làm nghệ thuật.

Khi một tác giả nhận ra rằng mỗi khán giả đều cảm nhận tác phẩm dựa trên chính thế giới quan và trải nghiệm sống cá nhân, họ sẽ có được một cái nhìn rõ ràng hơn trong việc đánh giá và nhìn lại tác phẩm của chính mình.

Khi mà danh tính của bản thân không còn được gắn trên những tác phẩm, một tác giả có thể bỏ qua những công kích cá nhân nhắm đến danh tính của mình mà tập trung vào những cuộc trò chuyện về tác phẩm giá trị hơn.

Sau cùng, Cái Chết Của Tác Giả tạo ra một không gian phê bình mà tại đó, cả tác giả lẫn khán giả đều trở thành không ai cả. Những cá nhân ấy trở thành những vị trí biểu tượng không danh tính, không địa vị, không thành tựu, không giới tính... Chỉ còn những ý kiến và nhận định về ý nghĩa tác phẩm tự tuyên ngôn cho chính chúng.