Binance "lên thớt" với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ | Vietcetera
Billboard banner

Binance "lên thớt" với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ

Nếu Binance thực sự có sai phạm, thì đây chắc chắn sẽ là cái kết cho chính sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, cũng như thị trường tiền mã hóa trên toàn thế giới.
Binance "lên thớt" với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ

Nguồn: Genesis Block

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - Binance - hiện đang bị điều tra bởi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ với các cáo buộc rửa tiền và thực hiện giao dịch bất hợp pháp, theo tờ Reuters. Cuộc điều tra này thực tế đã bắt đầu từ 2018, nhưng chỉ tới gần đây vụ việc này mới thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông và giới đầu tư.

Cũng theo Reuters, nhóm điều tra của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đang bị chia rẽ trong việc đi tới kết luận điều tra. Trong khi một số công tố viên tin rằng họ có đủ chứng cứ để chính thức khởi tố ban lãnh đạo của Binance, bao gồm cả CEO Changpeng Zhao, thì số khác lại cho rằng họ cần thêm thời gian để xem xét những bằng chứng đang có trong tay.

2. Có những thông tin gì về cuộc điều tra Binance?

Một cuộc điều tra khởi nguồn từ 2018, nhưng phải đến giữa năm 2021 mới được đưa vào tầm ngắm của các kênh truyền thông. Reuters và Bloomberg là những đơn vị đầu tiên nêu vấn đề điều tra Binance cũng như các vấn đề về dòng tiền của sàn giao dịch này.

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, cơ cấu của Binance khiến chính phủ Hoa Kỳ nghi ngờ rằng công ty này đã cố tình né tránh các quy định về tài chính và lách luật bằng nhiều cách khác nhau.

Theo những thông tin mà Reuters đăng tải từ ngày 01/09 năm nay, đội chống rửa tiền của Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Binance cung cấp tin nhắn của CEO Zhao cùng với 12 người khác trong Ban quản trị Binance và các đối tác của đơn vị này để phát hiện những giao dịch bất hợp pháp tại Mỹ của sàn giao dịch này.

Bên cạnh đó, các điều tra viên cũng đòi hỏi Binance nộp lại tất cả các văn bản, giấy tờ, chứng từ về cơ cấu điều hành của công ty, về hoạt động của dòng tiền, và về các hoạt động chống rửa tiền mà Binance phải thực hiện.

3. Binance bị cáo buộc những gì?

Bên cạnh Bộ Tư pháp, tờ Reuters đã tiến hành điều tra độc lập kết hợp với việc phỏng vấn những nguồn tin quan trọng, từ đó vẽ nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về những sai phạm và lỗ hổng mà Binance có thể đã gây ra.

Reuters đưa ra cáo buộc rằng trong suốt 5 năm qua, Binance là “cái ổ” chứa chấp những kẻ lừa đảo, những hacker hay những thế lực buôn bán chất cấm để rửa tiền.

Báo cáo của Reuters cho rằng năng lực quản lý dòng tiền của Binance rất kém cỏi. Công ty không hề biết dòng tiền đang chảy trên nền tảng của mình là từ đâu ra, và do ai chuyển. Hệ quả của việc này là 2,35 tỉ đô đã được rửa sạch thông qua Binance trong vòng 5 năm từ 2018 tới 2022.

Cáo buộc nghiêm trọng nhất và cụ thể nhất nhắm vào Binance là việc công ty này đã trở thành nền tảng giao dịch của những kẻ buôn chất cấm. Cụ thể, nhiều người dùng của một chợ đen bán “mai thúy” tên là Hydra đã tiến hành nhiều giao dịch trên Binance với tổng trị giá 780 triệu đô trong khoảng thời gian từ 2017 tới 2022.

13dec2022hydramarketjpg
Chợ đen Hydra của Nga định giá chất cấm bằng Bitcoin. | Nguồn: Reuters

Nếu sự kết nối giữa Hydra và Binance là thật, thì nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ phải đối mặt với một cáo buộc nghiêm trọng khác bên cạnh rửa tiền, đó là phân phối chất cấm.

4. Thị trường crypto bị ảnh hưởng thế nào?

Khi FTX phá sản, Binance và Changpeng Zhao đứng trước cơ hội trở thành gương mặt đại diện duy nhất của thế giới tiền mã hóa. Trong bối cảnh các ông lớn đã gục ngã hoặc lui về “dưỡng thương” sau những tổn thất tài chính nghiêm trọng, thì sự phát triển của sàn giao dịch Binance cũng đồng nghĩa với sự phát triển của giới đầu tư tiền mã hóa nói chung.

Thông tin về cuộc điều tra ắt sẽ cản trở sự mở rộng của Binance. Nghiêm trọng hơn, nó tăng thêm sự nghi ngại và ngờ vực của các nhà đầu tư - những người vốn đã không còn nhiều sự kiên nhẫn và niềm tin sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra từ tháng 4 năm nay tới thời điểm hiện tại.

Vụ điều tra cũng cho thấy rằng các nhà chức trách đang siết chặt việc giám sát và điều phối thị trường tiền mã hóa. Không chỉ các công ty tiền ảo, mà cả các quỹ đầu tư tài chính cũng đang được yêu cầu phải khai báo những khoản đầu tư vào thị trường tiền ảo mà họ đang tiến hành.

5. Thị trường tiền mã hóa còn phải nhận những “drama” mới nào?

Ngoài việc Binance bị điều tra, một thông tin khác được nhiều người quan tâm là việc Sam Bankman-Fried - cựu CEO FTX - đã bị bắt tại Bahamas. Dự kiến anh sẽ được đưa về Mỹ để tiến hành một cuộc điều trần vào sáng ngày 13/12 theo giờ Mỹ.

13dec2022boyla4xrfmnotj1eyjnm1jpg
Sau hội nghị DealBook, Sam Bankman-Fried sẽ sớm "hội ngộ" với công chúng | Nguồn: News Drum

Bên cạnh đó, có một cáo buộc mới nhắm vào Sam: rằng anh này đã cố tình thao túng thị trường và là một trong những tác nhân trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của đồng LUNA. Không dừng lại ở đó, Changpeng Zhao chỉ ra rằng quỹ Alameda (do Sam thành lập) đã thực hiện một giao dịch trị giá 250 ngàn đô với mục đích làm yếu đồng Tether.

So với một đồng tiền trụ cột như Tether, một giao dịch 250 ngàn đô không lớn và là chuyện diễn ra hàng ngày. Nhưng cáo buộc của Changpeng Zhao chỉ ra một yếu tố khác: rằng quá trình phá hoại và thao túng thị trường của Sam, nếu có, không tới từ giao dịch lớn, mà thể hiện qua nhiều giao dịch nhỏ trong một thời gian dài.

Đây dường như cũng là cách mà Alameda và FTX đã đầu tư vào đồng LUNA trước đó.