Tiêu tiền khôn ngoan hơn với 5 tựa phim chủ đề tài chính | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 11, 2020
Sáng TạoĐiện Ảnh

Tiêu tiền khôn ngoan hơn với 5 tựa phim chủ đề tài chính

Trước khi vung tiền mua hàng giảm giá dịp Black Friday, cùng xem qua những bộ phim sau để có cái nhìn đúng về đồng tiền và việc tiêu tiền.
Tiêu tiền khôn ngoan hơn với 5 tựa phim chủ đề tài chính

Cảnh phim 'The Wolf Of Wall Street'. | Nguồn: Paramount Pictures

Tiền bạc, những tờ giấy xanh đỏ tím vàng mang nhiều năng lượng. Chúng ta hào hứng khi nói về việc kiếm tiền, buồn bã khi nói về việc mất tiền. Tiền làm chúng ta hưng phấn nhưng cũng đem lại nhiều nỗi lo. Tiền là quyền, và tiền cũng là phiền. Có quá nhiều vấn đề để nghe về chủ đề này, vậy chúng ta cần phải nói gì về nó?

Sẵn dịp lễ hội tiêu tiền Black Friday, hãy cùng có những góc nhìn, kiến thức mới về tiền bạc qua lăng kính điện ảnh của 5 bộ phim sau.

1. Wall Street

Wall Street kể về cuộc đua kiếm tiền quyết liệt và không thấy đích đến của những người khao khát đổi đời, và của cả những người xài tiền không hết.

Nhân vật chính là chàng trai trẻ Bud Fox, tới từ gia đình thuộc tầng lớp lao động và làm việc môi giới chứng khoán ở phố Wall. Thần tượng của Bud là triệu phú Gordon Gekko, một người không ngừng tìm kiếm và chớp lấy những thương vụ khổng lồ.

Và để theo chân học hỏi Gordon, Bud đã trải qua một hành trình đánh đổi những gì mình từng trân quý nhất để lấy tiền: gia đình, nhân phẩm, đạo đức.

Wall Street vừa khắc họa những gì tiền bạc có thể đem tới cho cuộc sống con người, nhưng cũng đồng thời đối chiếu điều đó với những gì họ đánh mất. Vì vậy, đứng trước một thứ có nhiều năng lượng như đồng tiền, bộ phim nhắn nhủ người xem luôn cần đắn đo xem mình thực sự được gì và mất gì sau những cuộc đổi chác.

2. The Big Short

The Big Short dựa trên câu chuyện có thật về cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 tại Mỹ, gây nên bởi bong bóng bất động sản và bong bóng tín dụng. Trong bối cảnh này, một thiên tài phân tích số tên Michael Burry đã tìm được cách để kiếm tiền trên đống đổ nát của nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải Michael, mà những khoản nợ trong xã hội mới là nhân vật chính của bộ phim.

Nợ là thứ không ai muốn, nhưng có lẽ ai cũng cần trong một số thời điểm nhất định. Rõ ràng là không khôn ngoan khi vướng những khoản nợ tiêu dùng, nhưng cũng hãy cẩn thận trước những dự định đầu tư trong tương lai, vì thị trường luôn bất ổn và tiềm ẩn những rủi ro mà chỉ có những người trong ngành mới thấy trước.

3. Catch Me If You Can

Catch Me If You Can là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một bác sĩ chưa từng học y, một phi công chưa từng học bay và một luật sư chưa từng học luật. Tất cả những chức vụ này đều được đóng tròn vai bởi nhân vật chính Frank Abagnale, một cậu trai 17 tuổi chưa tốt nghiệp phổ thông. Frank là một tay lừa xuất chúng khi dùng mưu lược để tạo cho mình những thân phận giả để trục lợi, chơi bời miễn phí và kiếm nhiều tiền, nhiều hơn tất cả những cậu bé 17 tuổi khác.

Tuy không là một bộ phim hoàn toàn về tiền, Catch Me If You Can lại đề cập tới cách chúng ta định giá một thứ gì đó. Nhân vật Frank hiểu rất rõ một tâm lý của con người: giá trị của bất kỳ thứ gì đều được định đoạt bởi sự ham muốn, và ham muốn của con người thì luôn thiên về cảm xúc hơn là lý trí.

Vì vậy lần tiếp theo bạn cảm thấy muốn mua thứ gì, hãy dừng lại một nhịp thở, và tự hỏi xem điều gì đang chi phối quyết định của chúng ta.

4. The Wolf Of Wall Street

Trong The Wolf Of Wall Street, “tiền” được khắc họa như một chất kích thích, hay thậm chí là một vị thần được tôn sùng.

Bộ phim dựa trên cuốn sách hồi ký cùng tên của Jordan Belfort, một cựu môi giới chứng khoán. Liên tục trong phim là những cú chốt deal được “hoành tráng hóa” của Jordan Belfort. Cứ mỗi lần tiền về là Jordan và những nhân viên của mình lại được cảm nhận một luồng hưng phấn cực độ. Tiền dễ kiếm dễ xài, nên họ lại vung tiền để kéo dài sự hưng phấn bằng tiệc tùng, tình dục và chất kích thích.

Và rồi cuối những cuộc vui, họ dần nhận ra ngoài kiếm nhiều tiền, họ còn tạo ra vô số những hệ lụy tới cuộc sống của mình và những người xung quanh.

Qua bộ phim có thể rút ra thông điệp: giàu có là một cảm giác, chứ không phải là tài sản bạn có. Như những nhân vật trong phim, bạn có thể vừa có tất cả những thứ tiền mua được, vừa chẳng có gì thực sự mang ý nghĩa trong cuộc sống.

5. The Pursuit of Happyness

Christopher Gardner là một nhân viên bán hàng với khát vọng đổi đời. Mơ ước giàu sang đã khiến anh có những quyết định sai lầm trong đầu tư, đánh mất tất cả tiền tiết kiệm và trở thành nguyên nhân gia đình anh tan vỡ.

Anh bắt đầu xây dựng lại cuộc sống từ con số 0 với cậu con trai của mình. Cuộc sống của Christopher tuy chật vật, nhưng luôn tràn ngập sự tích cực và tình thương từ cậu con trai bé nhỏ.

The Pursuit of Happyness không chỉ trích đồng tiền như những phim trên, mà kể về hành trình mưu cầu hạnh phúc qua nỗ lực kiếm tiền, vươn lên trong cuộc sống.

Lúc này, có thể thấy tiền thực ra chỉ là công cụ để phục vụ một mục tiêu duy nhất: đem tới cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn cho chính mình và những người xung quanh.