Bo Burnham: Inside - Trải nghiệm của sự cô đơn | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 07, 2021
Điện Ảnh

Bo Burnham: Inside - Trải nghiệm của sự cô đơn

Một bộ hài độc thoại được làm hoàn toàn bởi một con người đã cho chúng ta nếm trải cái đáng sợ của sự cô độc như thế nào ?
Bo Burnham: Inside - Trải nghiệm của sự cô đơn

|Nguồn: Inside

*Bài viết có tiết lộ nội dung

*Mọi trích dẫn đều được tạm dịch bởi người viết

"Một tác phẩm phản ánh hoàn hảo thời đại chúng ta đang sống. Inside xoa dịu chúng ta bằng tiếng cười và bằng nhận thức rằng chúng ta không hề cô đơn với những cảm giác tệ hại của chính mình." (Karl Quinn viết về Bo Burnham: Inside trong tờ The Age của Úc)

Với số điểm cực kì cao ở cả hai nền tảng đánh giá phim nổi tiếng bậc nhất thế giới (8.8 trên IMDb và 97% trên Rotten Tomatoes), Bo Burnham: Inside cho chúng ta một trải nghiệm hoàn toàn khác so với những vở hài độc thoại thông thường ngoài kia.

Được viết, biểu diễn, dựng và sản xuất bởi một mình Bo Burnham. Tác giả đã dẫn chúng ta qua những suy nghĩ phức tạp và đa chiều về bản chất của truyền thông, sự cô đơn và căn bệnh trầm cảm.

Realism - Hiện thực tàn nhẫn qua lăng kính hài hước 

Inside được viết và quay vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang bùng phát tại Mỹ và người dân đang đổ xuống đường để biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Khoảng thời gian đỉnh điểm của sự căng thẳng tại quốc gia này. 

Ngay từ những phút đầu của Inside, Bo đã tự đặt ra một câu hỏi: “Ai lại đi đùa giỡn vào lúc này cơ chứ?” trong bài hát “Comedy”. Và ngay sau đó, một giọng nói trong anh vang lên “Không, tôi phải cứu rỗi thế giới bằng sự hài hước của mình.”

Bài hát "Comedy" | Nguồn: Inside

Bo lại tự trả lời giọng nói đó một cách đầy chế giễu: “Đúng rồi, nếu nhà bạn đang đầy khói. Đừng hoảng loạn, gọi ngay cho tôi để tôi kể cho bạn một câu đùa.”

Bo Burnham nhận thức rất rõ việc anh muốn sử dụng sự hài hước của mình. Khác với hầu hết những nghệ sĩ hài độc thoại và văn hóa đại chúng thời nay, nơi mà Cyninism (chủ nghĩa tiêu cực) và Nihilism (chủ nghĩa hư vô) được dùng như một phương tiện để đưa khán giả trốn tránh thực tại. Bo Burnham lại dùng chính cái chất châm biếm của mình để bắt khán giả phải đối mặt với hiện thực đó. 

Điều này đã được thể hiện không chỉ ở Inside mà còn ở một comedy special trước đó của anh là Make Happy (2016).

Ngay phần đầu phim, một giọng nói được vang lên nhắc nhở khán giả: “Đây không phải là một show diễn để bạn trốn tránh thực tại. Thế giới không có gì đáng cười cả. Đây không phải là nơi để bạn trốn tránh những khó khăn của riêng bạn. Khi mà bạn đã hiểu được điều này rồi, hãy cùng bắt đầu show diễn…”

Từ sự cô đơn cùng cực…

Đúng với cái tên gọi của nó, Inside được làm và thực hiện với các cú máy, set up, bối cảnh... tất cả đều nằm trong một căn phòng trong nhà riêng của Bo Burnham. 

Xuyêt suốt Inside, sợi dây để kết nối mọi thứ lại với nhau là một cảm giác cô đơn và buồn chán. Điều này được thể hiện qua những loại hình truyền thông giải trí khác nhau. Những reaction videos không hồi kết. Những dòng sexting do không thể gặp nhau giữa đại dịch. Hay chỉ đơn giản là hàng trăm, hàng ngàn tiếng đồng hồ lang thang vô định trên Internet.

Bo Burnham Inside
Bo Burnham react lại chính mình. | Nguồn: Inside

Mặc dù những tiện ích và phương tiện như Facetime, Instagram, Twitch... hay như chính tác phẩm này đều thiết kế để đưa mọi người lại gần với nhau. Bo Burnham, bằng một cách thần kì nào đó, đã truyền tải được cái cảm giác biệt lập và cô độc một cách rất hiệu quả và chân thật.

Để cuối cùng chốt lại, khi mà Bo đã tạo sự kết nối với khán giả qua cảm giác cô đơn mà ai cũng có trong khoảng thời gian này, anh bắt chúng ta cùng nhìn vào bên trong, vào chính bản ngã của mình.

…đến sự tự nhận thức và nghi ngờ bản thân

Có một khái niệm trong viết lách, đó là “The Pact with the Reader” (tạm dịch là “hiệp ước với độc giả”).

Khái niệm này được dùng trong cuốn On Autobiography của tác giả Philippe Lejeune. Ông khẳng định rằng khi người đọc đã bỏ sự chú ý của mình vào tác phẩm thì tác giả phải trao đổi bằng sự chân thật và những thông tin có giá trị.

Để đạt được điều này, Philippe Lejeune viết trong một cuốn sách khác của ông rằng, “Có một sự thật rất đối ngược đó là chúng ta dễ đặt niềm tin vào người viết khi họ không ngại bộc lộ sự không chắc chắn, tự ngờ hoặc của mình lên trang giấy.”

Inside đã làm quá tốt việc kí kết "một hiệp ước với khán giả". Vì Bo Burnham biết được rằng những thông điệp của anh sẽ không bao giờ được truyền tải hiệu quả nếu khán giả không tin tưởng vào anh và vào câu chuyện. 

Trong phân đoạn video reaction, Bo đã tự nhận xét về chính mình: “Tôi nghĩ rằng, nếu tự nhận thức được mình là một thằng khốn, thì bằng một cách nào đó, nó sẽ giúp tôi bớt là một thằng khốn hơn. Nhưng mà thật ra không phải vậy, sự tự nhận thức không làm cho ai hay bất cứ thứ gì bớt đi bản chất của nó.” 

Bo burnham inside
Bài hát "Welcome to the Internet" | Nguồn: Inside

Thông qua những ngờ vực về bản thân, Bo Burnham cho người xem thấy mặt dễ bị tổn thương của mình và từ đó mời khán giả cùng tự chiêm nghiệm chính mình.

Xem Inside là cùng Bo Burnham đi vào hành trình của việc tự ngẫm nghĩ và tự suy tàn. Khi mà bên ngoài, mọi thứ xung quanh ta, mọi sự xao nhãng biến mất thì chúng ta bỗng bị bắt buộc phải lắng nghe chính bản thân rõ hơn. Chúng ta là ai và chúng ta ở đây để làm gì?

Và sự đáng sợ của việc nhìn vào bên trong

Tại chính điểm giữa của Inside, tại phút 49 giây 43 của special comedy này, Bo Burnham bước qua tuổi 30. Trong ngôn ngữ điện ảnh, đó chính là điểm không thể quay đầu (The point of no return) của Bo Burnham. 

Kể từ đây những vấn đề của thế giới bên ngoài quay ngược vào bên trong. Chúng trở thành những khoảnh khắc ngờ vực bản thân và Bo Burnham bị nhấn chìm trong sự cô đơn và trầm cảm.

Chúng ta ai dù ít hay nhiều cũng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID. Có thể đó là việc kinh doanh của bạn đi xuống, hay bạn bị mất việc làm. Cũng có thể là bạn đã trải qua những thời khắc quan trọng của cuộc đời như lễ tốt nghiệp, lễ cưới, sinh nhật, một cách không kèn không trống, chỉ có một mình bạn ngồi đó và nhâm nhi nỗi cô đơn. 

Hay chỉ đơn giản là khoảng cách giữa bạn và người thân, người thương bỗng trở nên xa vời vợi do giãn cách xã hội. Những điều này dễ mang đến cho chúng ta sự thất vọng và những nỗi buồn dai dẳng.

bo Burnham Alone
Bo Burnham trong "phim trường" của mình. | Nguồn: Inside

Chúng ta tự thấy mình qua những hình ảnh Bo ngồi một mình giữa căn phòng bừa bộn để xem lại những tác phẩm của mình. Chúng ta thấy mình vùi đầu vào công việc, vào thú vui tiêu khiển như những sự phân tâm để quên đi cảm xúc của chính mình.

Và chúng ta thấy chính chúng ta gục ngã trước những suy nghĩ không hồi kết về việc “mình là ai”, “mình đang thật sự cảm thấy thế nào” và “liệu mình có đủ để được chấp nhận hay không?”.

Tất cả điều đó đều được truyền tải qua Bo Burnham: Inside.

Kết

Cái hay của Bo Burnham: Inside có lẽ không nằm trong những câu đùa hay những bài hát mang tính châm biếm cực kì cao. Mặc dù chúng thực sự hay, nhưng nếu chỉ có vậy thì chúng ta đang cho Bo Burnham: Inside quá ít sự công nhận.

Inside có thể được coi là một bộ phim arthouse hoàn chỉnh với những thông điệp rất trừu tượng về truyền thông, sự cô đơn, trầm cảm và ngờ vực bản thân. Inside không hề khó hiểu vì tác giả phần nào đã cho chúng ta cảm nhận những gì anh muốn nói trước khi cho chúng ta hiểu thêm về nó. 

Một tác phẩm nghệ thuật, được thực hiện hoàn toàn bởi một người, lại có thể bắt chúng ta, những kẻ quan sát, hiểu và cảm được nỗi niềm của chính con người đó, và từ đó thấy chính chúng ta bên trong tác phẩm. 

Bo Burnham hiện đang được phát hành qua nền tảng Netflix. Các bạn cũng có thể nghe trọn những bài hát từ Inside qua Spotify.