Bóc tách sân khấu Trống Cơm: Tình bằng là chuyện tình buồn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
07 Thg 08, 2024
Âm Nhạc

Bóc tách sân khấu Trống Cơm: Tình bằng là chuyện tình buồn

Trên áo dài có hoa văn gì? Nón lá không hẳn là nón lá? Và còn nhiều giá trị tinh túy khác.
Bóc tách sân khấu Trống Cơm: Tình bằng là chuyện tình buồn

Nguồn: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Sau khi vòng công diễn một của chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai lên sóng, tiết mục Trống Cơm đã leo lên vị trí Top 1 Trending Music trên YouTube. Để tạo nên một sân khấu được yêu mến như vậy, đã có không ít chi tiết tôn vinh văn hóa được cài cắm trong phần biểu diễn.

Với mong muốn thực sự hiểu hết những giá trị đó, Vietcetera đã cùng trao đổi với ekip của chương trình và đây là 4 điều để bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về sân khấu Trống Cơm.

Phục trang biểu diễn nhắc nhớ giá trị xưa

Áo chẽn ngũ thân và chí làm trai

Theo lời của nhà Hoa Niên (bên thực hiện trang phục biểu diễn cho tiết mục Trống cơm), ba anh tài đã mặc áo ngũ thân tay chẽn, lấy cảm hứng từ cổ vật triều Nguyễn. Hoa văn in trên áo là họa tiết hoa mai cách điệu được lồng vào chữ “Phúc”, chữ “Thọ”.

Trong đó, “Phúc”, “Thọ” là hai mỹ tự mang hàm ý tốt đẹp. Còn cây mai theo quan niệm của người xưa là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, loài hoa này đã vượt qua giá lạnh của mùa đông, để rồi đâm chồi nảy lộc và bung tỏa rực rỡ.

alt
Nguồn: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
alt
Chiếc áo cổ vật triều Nguyễn là nguồn cảm hứng tạo dựng nên phục trang biểu diễn của ba nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, bộ trang phục áo ngũ thân của nam giới sẽ luôn đi kèm với khăn vấn (khăn đóng) theo kiểu hình chữ “Nhân” nhằm đề cao phẩm chất làm người hoặc chữ “Nhất” là muốn thể hiện chí khí kiên cường, tung hoành ngang dọc của nam nhân.

Áo tơi, nón chúp xà - Trong cái khó ló hiên ngang

Ngoài ra, khi ca khúc chuyển sang giai điệu hào hùng hơn, ba nghệ sĩ cũng khoác thêm những phụ kiện đặc biệt. Chiếc nón chúp xà được đội là loại nón lá đặc trưng của người miền núi phía Bắc, đặc biệt là người Nùng ở Cao Bằng. Tên gọi "Chúp Xà" trong tiếng Nùng có nghĩa là phần đỉnh của nón, phản ánh thiết kế với phần chóp là điểm nhấn nổi bật nhất.

alt
Nón chúp xà và áo tơi đã tạo điểm nhấn giúp phân đoạn cao trào của Trống Cơm thêm bùng nổ.

Cùng với đó là chiếc áo tơi dù bị coi là biểu tượng cho sự nghèo khó nghèo rớt mồng tơi, nhưng chiếc áo được kết lại từ những lớp lá như vảy cá lại là vật dụng đa năng vừa che mưa che nắng, vừa trải ra như cái chiếu để ngả lưng, giúp người dân có thể làm đồng dưới cái nắng nóng gay gắt.

Thậm chí vào cuối thế kỷ XIX (1884), bác sĩ Hocquard đi theo đoàn quân viễn chinh Pháp tới phía Bắc nước ta bây giờ đã cảm thán hình ảnh của dân ta trong chiếc áo này đầy hiên ngang và vững chãi: “Với chiếc nón to trên đầu như một mái nhà hình chóp và áo lá quấn quanh người, trông họ chẳng khác gì những chòi canh gác bảo vệ”.

Vũ đạo hiện đại đi cùng dân gian để kể lại câu chuyện ngàn đời

Hai biên đạo Lê Vinh và Ngọc Liên chia sẻ đã cố gắng lồng ghép những điệu nhảy hiện đại với điệu múa dân gian, kết hợp cùng đạo cụ truyền thống trống cơm, quạt giấy và cờ ngũ sắc.

Trong phân đoạn vũ đạo đặc sắc nhất, khúc dance break (đoạn phô diễn kỹ thuật nhảy) đã sử dụng các động tác slow motion và thể loại Krump hiện đại để tái hiện tinh thần mạnh mẽ, bất khuất của ông cha ta.

Khi tiết tấu bài nhạc bắt đầu đẩy nhanh dần lên, các động tác nhảy của Cường Seven lấy cảm hứng từ Tapping dance được dùng để đẩy cảm xúc lên cao trào cộng hưởng cùng với màn đánh trống hội, loan cờ đầy nhiệt huyết của NSND Tự Long.

alt
Nguồn: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Nhằm khắc họa rõ nét hơn bầu không khí hào hùng, gợi nhớ về một thời oanh liệt không ngại xông pha xung quanh còn có thêm vũ đoàn múa cờ ngũ sắc. Mà theo như các câu chuyện dân gian, cờ ngũ sắc đã được nhắc tới ở Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng (thế kỷ 1 SCN). Lá cờ này vì thế được gọi là cờ Thần, tượng trưng cho sức mạnh của thần thánh, với màu sắc hội tụ đủ Ngũ hành và phía ngoài cùng mang hình dạng như ngọn lửa bừng cháy.

Chiếc đàn bầu một dây thôi nói biết bao lời

Phân cảnh độc tấu đàn bầu của SOOBIN nhận lời khen “cháy” như gảy guitar điện hay DJ “chà đĩa". Nhưng sự thật có lẽ còn hơn như thế, bởi đàn bầu chỉ có một dây duy nhất nhưng lại thể hiện được thanh âm phong phú, giàu sức gợi mà trong ca khúc Tiếng đàn bầu đã mô tả “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”, mỗi khi cất lên đều có thể “rung lòng người sâu thẳm”.

alt
Nguồn: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Để chinh phục được nhạc cụ này, đòi hỏi người chơi phải dày công tập luyện để thuần thục những kỹ thuật rất khó dành riêng cho mỗi tay. Tay phải cầm que, tùy vào điểm cạnh bàn tay chạm vào và điểm trên dây đàn được que gảy mà tạo nên điểm nút, điểm gảy khác nhau. Còn tay trái thao tác trên cần đàn và dây đàn tạo nên:

  • Ngón rung: Khi khảy dây, các ngón tay trái rung nhẹ cần đàn, âm thanh sẽ phát ra tựa như làn sóng.
  • Ngón vỗ: Vỗ ngón cái, vỗ ngón trỏ tạo ra âm thanh hãm và thăng giáng liên tục, ngắt quãng do dao động âm tắt nhanh.
  • Ngón vuốt: miết ngón tay vào cần đàn để tạo độ trượt qua các thang âm và dừng lại ở thang âm trong bản nhạc.
  • Ngón luyến: kéo thẳng cần để tăng hoặc giảm tới âm mong muốn.
  • Ngón tạo tiếng chuông: Nhấn cườm tay vào dây đàn để hãm bớt âm chính và tạo ra âm bội trên âm chính có sẵn...

Chuyện tình buồn có cái trống cơm

Có nhiều sự tích về nguồn gốc của cái trống cơm nhưng nhìn vào kịch bản sân khấu của nhà Sao Sáng có lẽ truyền thuyết về chuyện tình buồn sau đây là nguồn cảm hứng chủ đạo để tạo nên phần trình diễn mà chúng ta đã xem.

Chuyện kể rằng xưa có chàng nho sinh lận đận thi cử mãi không thành danh, túng quẫn quá phải đi xin ăn. Chàng may mắn được con gái phú hộ giúp đỡ, ngày ngày sai người hầu đem cơm cho, rồi khích lệ chàng đi lập nghiệp, ngày thành danh sẽ cùng nên duyên.

Chàng biết mình không đủ duyên với quan trường nên chuyển hướng chọn theo âm nhạc. Sau 3 năm, chàng lập ra một ban nhạc thành tài trở về thì hay tin người xưa đã qua đời vì bạo bệnh, gia đình đang làm đám tang cho nàng.

Quá đau buồn, chàng tạo ra một chiếc trống nhỏ dài, hai mặt đính hai nắm cơm nhỏ để nhắc lại ân nghĩa xưa. Sợi dây vải màu trắng treo trống lên cổ là mảnh khăn tang chàng khóc thương nàng. Cứ thế, chàng theo đám tang nàng, mượn tiếng trống để giãi bày nỗi niềm sâu kín.