Bom tấn Hàn năm 2022 đang lặp lại chính mình | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 08, 2022
Điện Ảnh

Bom tấn Hàn năm 2022 đang lặp lại chính mình

Phải chăng phim bom tấn Hàn đang xuống dốc về chất lượng?
Bom tấn Hàn năm 2022 đang lặp lại chính mình

Nguồn: IMDb, CGV

Điện ảnh Hàn có sức ảnh hưởng tại Việt Nam. Giống như các bom tấn Hollywood, giờ đây, những bộ phim mới nhất của Hàn cũng trình chiếu gần như đồng thời tại Việt Nam và đạt nhiều thành tích tại phòng vé.

Tần suất ra phim dồn dập, thể loại đa dạng nhưng chất lượng của các phim Hàn không còn gây nhiều ngạc nhiên vì kịch bản khá khuôn mẫu và lặp lại. Với tham vọng chinh phục những thể loại vốn là sở trường của Hollywood, nhiều phim Hàn năm nay đi vào vết xe đổ của những bom tấn Trung Quốc: phô trương kỹ xảo nhưng “rỗng,” nặng tính sắp đặt, dàn dựng nhưng lại hời hợt về nội dung, vốn là thế mạnh của điện ảnh Hàn trước đây.

The Roundup: Ăn khách, nhưng xôi thịt và bôi xấu Việt Nam

The Roundup (Ngoài vòng pháp luật 2) chính thức bị cấm chiếu ở Việt Nam vì “quá bạo lực” và “hư cấu quá tay” khi xây dựng bối cảnh TP.HCM với nhiều hình ảnh sai lệch trong gần một nửa thời lượng phim.

Bộ phim kể về cuộc chiến của một nhóm cảnh sát đặc vụ, dẫn đầu bởi viên thám tử vai u thịt bắp Ma Seok-do (do Ma Dong-seok đóng). Hình ảnh mạnh mẽ và ngón đòn cực kỳ quyết liệt, thậm chí hung bạo của thám tử Ma làm nên sức hấp dẫn của bộ phim này, đồng thời phần nào gợi nhớ đến những ngôi sao của dòng phim hành động “xôi thịt” của Hollywood thập niên 80, 90 như Sylvester Stallone hay Jean-Claude Van Damme.

22aug2022theroundupmadongseokbicamungho23168jpg
Tài tử Ma Dong-seok trong The Roundup. | Nguồn: Báo Thanh niên

Năm 2017, phần đầu tiên của loạt phim tội phạm Crime City có nhan đề là The Outlaws ra mắt thành công với gần 7 triệu lượt khán giả và doanh thu 53 triệu đô. Bốn năm sau cái kết mãn nhãn trong phần trước, loạt phim tội phạm đô thị này tiếp diễn cùng The Roundup với chủ đề khá tương tự, tiếp tục chứng tỏ sức hút của Ma Dong-seok - nam diễn viên người Mỹ gốc Hàn thành công nhất nhì ở Hàn Quốc gần đây.

Để tăng thêm sức hấp dẫn và mở rộng quy mô truy bắt tội phạm, The Roundup chuyển bối cảnh chính sang TP.HCM, nơi thám tử Ma và đồng nghiệp truy bắt tên tội phạm nguy hiểm Kang Hae-sang (Sukku Son). Hắn chuyên bắt cóc và tống tiền một số khách du lịch người Hàn giàu có và sẵn sàng trừ khử họ nếu gây phiền nhiễu cho hắn.

Hơn nửa bối cảnh của phim diễn ra tại Việt Nam với những địa danh cụ thể, tuy vậy, hình ảnh TP.HCM được các biên kịch và đạo diễn hư cấu sai lệch và đôi lúc quá đà (với những hình ảnh xấu xí và tràn ngập cảnh bạo lực), chỉ để phục vụ cho mục đích giải trí.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn về mặt thị giác của phim với những cảnh cận chiến ngoạn mục, đặc biệt là những cú máy dài điêu luyện sắp đặt trong bối cảnh chật chội để tăng độ “ép phê” cho khán giả. Tuy nhiên, phim chỉ để phô trương sức mạnh của nắm đấm, vì thế khá hời hợt theo kiểu “B-movie.”

22aug2022theroundupmadongseokbicamungho15921jpg
The Roundup bị từ chối tại Việt Nam. | Nguồn: Báo Thanh niên

Thế nhưng The Round up lại thành công ngoạn mục tại phòng vé xứ Hàn. Có lẽ bộ phim mang lại những khoảnh khắc giải trí hợp thời với khán giả Hàn khi kết hợp sự hung bạo với sự hài hước.

Tính đến thời điểm hiện tại, phim này đã thu tới 12,6 triệu lượt người xem với mức doanh thu hơn 100 triệu đô, lọt vào top 9 phim Hàn ăn khách nhất mọi thời đại. Nhưng The Roundup là một điểm trừ của điện ảnh Hàn với khán giả Việt Nam.

Những quả bom xịt

Alienoid - Choi Dong-hoon

Trong khi đó, Alienoid (Cuộc chiến xuyên không) và Emergency Declaration (Hạ cánh khẩn cấp) – hai phim “bom tấn” đầy tham vọng của điện ảnh Hàn đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ, dù đều do hai đạo diễn tên tuổi và dàn sao hùng hậu “bảo chứng.”

Alienoid là một bộ phim khoa học giả tưởng pha lẫn cổ trang và xuyên không của điện ảnh Hàn Quốc với tham vọng xây dựng một “vũ trụ điện ảnh” gồm nhiều phần. Bộ phim có kinh phí lên đến 33 tỷ won (25 triệu đô) cùng một dàn sao tên tuổi. Biên kịch và đạo diễn phim là Choi Dong-hoon, tác giả của nhiều thành công lớn bao gồm The Thieves với 12.9 triệu lượt khán giả và Assassination với 12.7 triệu lượt.

Tuy nhiên, Alienoid lại là cú ngã ngựa khá đau của Choi, có lẽ bởi tham vọng vượt tầm khi thực lực chưa đủ mạnh, nhất là với thể loại chưa bao giờ là thế mạnh của điện ảnh châu Á nói riêng và Hàn Quốc nói chung: khoa học giả tưởng (sci-fi).

Alienoid đón nhận những phản ứng trái chiều từ giới phê bình nội địa lẫn quốc tế, nhưng phần chê cao hơn. Bộ phim gây mất tập trung vì pha trộn quá nhiều yếu tố khác nhau, nhiều chất liệu nhưng xử lý không tới tầm, gây nhầm lẫn về các nhân vật và truyền thuyết. Nỗ lực của đạo diễn và dàn diễn viên cuối cùng đã không được khán giả đón nhận.

Sau một tháng trình chiếu, Alienoid đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng nề. Hiện tại, bộ phim chỉ thu được khoảng hơn 12 triệu đô và hơn 1,5 triệu lượt người xem. Mặc dù đứng thứ 7 trên 10 phim nội địa ăn khách nhất Hàn Quốc năm nay, Alienoid còn xa mức hòa vốn là 7 triệu lượt khán giả.

Emergency Declaration - Han Jae-rim

Phải chịu số phận tương tự là Emergency Declaration (Hạ cánh khẩn cấp) – một tham vọng khác của điện ảnh Hàn về dòng phim thảm họa, với mong muốn tiếp nối thành công vang dội của Train to Busan (2016). Bộ phim nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ giới phê bình, dù sở hữu một dàn sao với những tên tuổi lớn như Song Kang-ho, Lee Byung-hun và Jeon Do-yeon.

Kể về một thảm họa hàng không do kẻ xấu phát tán vũ khí sinh học trên một chuyến bay từ Seoul đến Hawaii, Emergency Declaration thoạt tiên gây tò mò vì một đề tài hấp dẫn, cùng đạo diễn và dàn diễn viên toàn sao.

Ra mắt tại LHP Cannes 2022 ở hạng mục Out of Competition (không tranh giải), Emergency Declaration nhận số điểm khá thấp trên RottenTomatoes (48% qua 23 bài reviews với số điểm trung bình là 4.6/10).

22aug20221croptile1024x6241jpg
Dàn diễn viên nổi tiếng không thể bù đắp cho chất lượng phim. | Nguồn: Emgergency Declaration

Ngoại trừ không khí hấp dẫn tạo dựng từ CGI và những giây phút sinh tử nghẹt thở, bộ phim lại gặp nhiều nhược điểm trong việc xây dựng tính cách nhân vật và để lộ quá nhiều chi tiết nặng tính dàn dựng, sắp đặt để làm “lóa mắt” khán giả.

Nhân vật phản diện quá yếu, nhân vật chính diện quá khuôn sáo, và cái kết sắp đặt lộ liễu để câu nước mắt khiến khiến khán giả dần không còn tin vào câu chuyện, vào nhân vật và vào thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải.

Bộ phim có kinh phí khoảng 20 triệu (26 tỷ won), tức phim phải thu về ít nhất 40 triệu đô mới hòa vốn. Tuy nhiên sau gần một tháng chiếu, mới chỉ có 2 triệu lượt vé bán ra với doanh thu hơn 15 triệu đô.

Ba điểm sáng trong tháng 8

Thế mạnh của điện ảnh Hàn là tính bản địa, các giá trị văn hóa, lịch sử hay những sự kiện có thật nhằm truyền cảm hứng hay đề cao tinh thần dân tộc. Điều này đã được chứng minh qua một loạt phim bom tấn thành công trong 2 thập niên qua và tiếp tục thành công với 3 bộ phim ra mắt trong tháng 8 này.

Hansan: Rising Dragon - Kim Han-min

Đứng thứ 2 trong bảng doanh thu phòng vé thành công nhất năm nay tại Hàn là phim hành động sử thi Hansan: Rising Dragon (Thủy chiến đảo Hansan: Rồng trỗi dậy). Sau ba tuần ra mắt, hiện bộ phim đã gần vượt mốc 7 triệu lượt vé với doanh thu hơn 50 triệu đô. Phim dự định khởi chiếu tại Việt Nam từ 26/8.

Đây là bộ phim thứ hai trong bộ ba phim của đạo diễn Kim Han-min nhằm tái hiện những trận chiến lịch sử của người Triều Tiên, do đô đốc Yi Sun-sin dẫn đầu. Bộ phim này được xem là prequel (phần trước) của bộ phim The Admiral: Roaring Currents (Đại thủy chiến) năm 2014 – đến nay vẫn giữ kỷ lục phim ăn khách nhất của Hàn tại thị trường nội địa với gần 18 triệu lượt người xem.

Diễn ra vào năm 1592, phim kể về cuộc đối đầu của đô đốc Yi Sun-sin và hạm đội của ông trược sự xâm lược của hải quân Nhật Bản. Khi lực lượng Triều Tiên rơi vào khủng hoảng, đô đốc Yi đã sử dụng các con tàu rùa đặc trưng của người Hàn nhằm thay đổi cục diện của trận thủy chiến này.

22aug2022hansanrisingdragon1jpg
Thủy chiến ngoạn mục trong Hansan: Rising Dragon. | Nguồn: Lotte Entertainment

Giới phê bình Hàn Quốc đánh giá khá cao sự ngoạn mục, hấp dẫn về mặt dàn dựng, đề cao sức mạnh tinh thần và sự mưu dũng của những anh hùng trong lịch sử Hàn. Diễn xuất của Park Hae-il trong vai Đô đốc Yi và trận hải chiến ly kỳ kéo dài tới 51 phút là những điểm sáng giúp bộ phim ăn điểm trong lòng khán giả.

Hunt - Lee Jung-jae

Bên cạnh đó là Hunt, bộ phim đầu tay của Lee Jung-jae trong tư cách biên kịch và đạo diễn, đồng thời đảm nhận vai nam chính bên cạnh ngôi sao Jung Woo-sung. Sau khi gây ấn tượng toàn cầu và nhận một loạt đề cử quốc tế, trong đó có Emmy nhờ series Squid Game, Lee Jung-jae cho thấy anh là một tên tuổi đáng gờm của điện ảnh Hàn thuộc thế hệ Làn sóng mới, nổi lên từ cuối những năm 90.

Sau khi trình chiếu không dự thi tại Cannes hồi tháng 5 và nhận 7 phút vỗ tay của khán giả sau buổi chiếu, Lee đã tiết lộ trong buổi họp báo mới đây rằng anh đã dựng lại bộ phim và chỉnh sửa lại thoại với tham vọng chinh phục khán giả Bắc Mỹ.

22aug2022allkpop1652911791untitled11jpg
Không dừng lại ở Cannes, Hunt tiến tới thị trường Bắc Mỹ. | Nguồn: Poster phim

“Khi viết kịch bản Hunt, tôi nghĩ tới đối tượng khán giả là thế hệ trẻ ở Hàn Quốc, những người ít nhiều hiểu biết về các sự kiện chính trị được mô tả trong phim do đã học qua sử sách. Tôi cứ nghĩ khán giả nước ngoài cũng vậy. Nhưng sau buổi chiếu ở Cannes, khoảng 30% các bài báo nước ngoài phàn nàn rằng họ khó theo kịp câu chuyện, vì không biết gì về chính trị Hàn Quốc trong những năm 1980” – Lee nói.

Bộ phim kể về cuộc truy lùng căng thẳng kẻ nội gián, một điệp viên Bắc Triều Tiên được cài cắm vào một đơn vị an ninh quốc gia. Pyong-ho (Lee Jung-jae) và chỉ huy đơn vị Kim Jung-do (Jung Woo-sung) được giao nhiệm vụ tối mật: truy lùng tên điệp viên để ngăn chặn một âm mưu ám sát tổng thống của kẻ địch.

Dù còn bộc lộ vài khiếm khuyết của một đạo diễn/biên kịch đầu tay, giới phê bình đánh giá khá cao kỹ thuật quay phim, cách tạo dựng không khí lôi cuốn của đạo diễn, biên kịch Lee và diễn xuất của dàn diễn viên.

Hunt sẽ tiếp tục ra mắt khán giả tại LHP Toronto trong tháng 9 trước khi bán bản quyền cho một hãng phim Hollywood để trình chiếu tại Bắc Mỹ vào tháng 12.

Decision to Leave - Park Chan-wook

Một điểm sáng khác của điện ảnh Hàn trong năm nay, thuộc về phim nghệ thuật Decision to Leave của đạo diễn tên tuổi Park Chan-wook. Tài năng chín muồi của Park trong việc dàn dựng một bộ phim tâm lý hình sự lãng mạn cùng diễn xuất tuyệt hảo của Thang Duy và Park Hae-il đã khiến bộ phim nhận được hiệu ứng truyền miệng của khán giả, dù không hề dễ xem.

22aug2022decisiontoleave351401657800937png
Một thành công khác của Park Chan-wook. | Nguồn: IMDb

Decision to Leave gây bất ngờ khi hiện đứng ở vị trí thứ 6 trong top 10 phim ăn khách nhất của Hàn năm nay với hơn 1,8 triệu lượt khán giả và doanh thu vượt 14 triệu đô. Và sau giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes cho Park Chan-wook, điện ảnh Hàn cũng vừa có quyết định gửi bộ phim này tranh giải Phim quốc tế xuất sắc nhất tại Oscar 2023.

Một số trang điện ảnh của Mỹ thậm chí còn dự đoán bộ phim này sẽ lọt sâu vào vòng tranh giải Oscar năm tới, không chỉ dừng lại ở hạng mục Phim quốc tế mà có thể nhiều hạng mục quan trọng khác, như Đạo diễn (Park Chan-wook) và Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Park Hae-il và Thang Duy.

Kết

Điện ảnh Hàn có vẻ như vẫn còn nhiều nội lực để khiến thế giới phải ngạc nhiên. Thế nhưng, đó phải là những bộ phim đề cao được giá trị bản địa của nước này.

Ở chiều ngược lại các phim bom tấn tham vọng chinh phục quốc tế bằng những thể loại và chất liệu vốn không phải là thế mạnh của điện ảnh Hàn là con dao hai lưỡi. Không nhiều phim thoát được sự khuôn mẫu của thể loại, mà AlienoidEmergency Declaration hẳn là bài học lớn của điện ảnh nước này.