Booster shot - Bao giờ cho đến mũi 3? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Booster shot - Bao giờ cho đến mũi 3?

Mũi tiêm tăng cường là câu chuyện về phân phối nguồn lực vaccine giữa các nước hiện nay.
Booster shot - Bao giờ cho đến mũi 3?

Nguồn: AP

1. Booster shot là gì?

Booster shot có nghĩa là mũi tiêm vaccine tăng cường, nhằm sốc lại hệ miễn dịch của người đã tiêm vaccine sau một thời gian. Với một số bệnh như uốn ván, bệnh bạch hầu, người trưởng thành thường được khuyến cáo tiêm một mũi nhắc lại sau mỗi 10 năm.

Với vaccine ngừa Covid-19, booster shot là mũi tiêm thứ 3 cho những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi. Tuy nhiên, trong số các loại vaccine hiện tại, chỉ có booster shot của Pfizer-BioNTech là đã được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) thông qua. Đối tượng được tiêm mũi tăng cường này là người trên 65 tuổi, hoặc người có hệ miễn dịch suy giảm, và đã tiêm đủ 2 liều Pfizer cách đó hơn 6 tháng.

Hiện tại, mới chỉ có booster shot của Pfizer-BioNTech là đã được FDA thông qua | Nguồn: Reuteurs

2. Nguồn gốc của booster shot?

Theo từ điển Merriam-Webster, cụm từ ‘booster shot’ được dùng lần đầu vào năm 1944.

Lo ngại các biến chủng Covid mới, tháng 8 vừa qua, Israel là nước đầu tiên triển khai tiêm mũi tăng cường cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và nhân viên y tế. Theo một thống kê của nước này, 10 ngày sau khi tiêm mũi Pfizer thứ 3, những người trên 60 tuổi được bảo vệ tốt hơn 4-6 lần so với tiêm 2 mũi (Nguồn: reuters.com).

Cho dù vậy, theo nhà dịch tễ học Céline Gounder từ Đại học Y NYU Grossman, các con số trên chưa đủ để kết luận về hiệu quả chung của mũi tiêm tăng cường (newyoker.com).

Vì theo lẽ thường, đa số người cao tuổi có bệnh nền và hệ miễn dịch kém, nên khả năng tiếp nhận 2 liều vaccine của họ cũng kém hơn người khác. Việc tiêm vaccine tăng cường, do đó, có thể tạo lực đẩy kháng thể cho nhóm đối tượng này, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn.

Còn về lâu dài, mũi tiêm tăng cường sẽ quan trọng nếu nó không chỉ giúp sốc lại kháng thể, mà còn giúp củng cố hệ miễn dịch của người được tiêm. Bởi hơn cả số lượng kháng thể, độ nhạy và sức mạnh của hệ miễn dịch mới là “lá chắn” bền vững giúp ta chống lại dịch bệnh.

3. Vì sao booster shot phổ biến?

Sau bước đi tiên phong của Israel, một số nước như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, hay gần Việt Nam là Campuchia, Malaysia, Nhật Bản đã công bố về kế hoạch tiêm vaccine tăng cường cho người dân.

Dù vậy, cho đến hiện tại, chưa có đủ nghiên cứu để kết luận về mức độ an toàn lẫn tính cấp thiết của liều vaccine tăng cường.

Theo WHO, nhìn chung, người đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn được bảo vệ tốt trước các biến chủng Covid hiện tại, bao gồm cả biến chủng Delta. Vì thế, mũi tiêm tăng cường chỉ thật sự cần thiết với những người có hệ miễn dịch kém, hoặc người phải sinh hoạt và làm việc ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trong khi chúng ta vẫn cần thêm thời gian để tìm hiểu về mũi tiêm tăng cường, thì vẫn còn rất nhiều nơi trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng thấp dưới 4%, như tại châu Phi. Những nơi này, rất có thể là “lò ủ” sinh ra các biến chủng virus mới.

Nên theo các nhà khoa học, so sánh với việc tiêm mũi thứ 3, thì việc tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các nước quan trọng hơn. Bởi, chìa khóa chấm dứt đại dịch không ở khả năng miễn dịch của riêng ai, mà là ở khả năng miễn dịch của cả cộng đồng.

4. Cách dùng cụm từ booster shot?

Tiếng Anh

A: Hey do you think we should get a Covid booster shot?

B: If we are still young and strong, maybe we should spare the available shots to those who haven’t been vaccinated.

Tiếng Việt

A: Theo bà thì tụi mình có nên tiêm mũi vaccine Covid tăng cường không?

B: Trẻ khỏe như tụi mình, chắc nên nhường những suất hiện có cho những người chưa được tiêm thì hay hơn.