Brain Huy với sự chữa lành trong tranh vẽ Bụt và văn hoá Phật Giáo | Vietcetera
Billboard banner

Brain Huy với sự chữa lành trong tranh vẽ Bụt và văn hoá Phật Giáo

Các tác phẩm của Huy là sự giao thoa giữa phong cách thiếu nhi và chính thống. Huy muốn hình ảnh của Bụt gần gũi mọi người, từ đó sự chữa lành mới xuất hiện.
Brain Huy với sự chữa lành trong tranh vẽ Bụt và văn hoá Phật Giáo

Tác phẩm cá nhân của Brain Huy

Brain Huy là hoạ sĩ minh hoạ sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh. Huy bắt đầu vẽ từ bé, đến cấp 3 Huy đã tạm gác công việc hội họa để chuyển sang học thời trang, nhưng tốt nghiệp lại làm graphic design. Công việc gần nhất của Huy là Art Director cho Agency độc quyền của Unilever. 

Trải qua nhiều thăng trầm trong công việc và các mối quan hệ, Huy trăn trở tìm lại bản thân và lý do mình được sinh ra trong vũ trụ này. Cùng với đó là câu trả lời cho câu hỏi:“Tại sao mình tồn tại như một cỗ máy? Đang làm đúng những công việc mơ ước tại sao vẫn không hạnh phúc?”

Hoạ sĩ Brain Huy

Huy đã quyết định từ bỏ tất cả để bắt đầu lại từ con số không - học vẽ lại, rồi cơ duyên cho Huy gặp đạo Bụt ngay lúc tưởng chừng đang ở tận đáy. Lúc đầu Huy vẽ để chữa lành cho bản thân. Đến khi bản thân đã hồi phục, Huy lại mong muốn đem những trải nghiệm đó đến với những người có cùng tâm trạng, hoàn cảnh. 

Thông thường, Huy sẽ đi theo hướng cảm xúc vũ trụ dẫn dắt, vì nhân duyên là điều cần thiết trong Phật Giáo. Từ cảm xúc sơ khai này, Huy tìm hiểu về một vị phù hợp. Sau đó tìm hiểu kỹ chi tiết từ các nguồn tranh, hiểu rõ ý nghĩa hình tượng thì mình mới bắt đầu vẽ. 

1. Khi nào thì một tác phẩm hoàn thành? Khi nào là “đủ”?

Với mình, một tác phẩm hoàn thành không đơn thuần chỉ là sự hoàn thiện về hình thức bên ngoài. Mà quan trọng hơn cả, tác phẩm đó cần có sự hoàn thiện về cảm xúc, năng lượng, sự bình an từ bên trong. 

Tác phẩm cá nhân "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát" | Nguồn: Brain Huy

Định hướng các tác phẩm của Huy là mang đến sự ấm áp – bình an, ít nhất là đối với bản thân. Nên có những tác phẩm đã “đủ” ngay sau vài ngày, nhưng có những tác phẩm lại phải mất một thời gian khá lâu mới trọn vẹn. 

Vậy nên “đủ” chính là sự cân bằng trạng thái chữa lành cho chính mình, để rồi lan tỏa đến những người khác.

2. Làm sao để biết một sản phẩm là phù hợp cho khách hàng?

Điều may mắn nhất là hầu như mọi khách hàng đều tìm đến Huy với mong muốn tìm sự chữa lành, bình an. Chỉ cần một vài trao đổi ngắn là mình và khách hàng có thể tìm đến điểm chung.

Tác phẩm cá nhân "Di Lặc Phật và 6 đồng tử" | Nguồn: Brain Huy

Kể cả những sản phẩm khác ngoài đề tài tranh Phật giáo, Huy và khách hàng thường bắt đầu là những người bạn, mà đã là bạn thì quá trình đưa ra một tác phẩm phù hợp nó diễn ra tự nhiên lắm.

3. Theo bạn, đâu là bước nhiều riêng tư nhất trong quá trình vẽ tranh?

Vẽ Bụt thì không có gì riêng tư vì Bụt đâu có giấu gì riêng tư cho mình. Nói vui, Huy nghĩ “riêng tư” là tâm trạng cân bằng khi vẽ. Chắc chắn trong khi vẽ Bụt không thể mở nhạc tình yêu đôi lứa, nhạc rap, hay bất cứ những gì làm tâm mình xao động.

Tác phẩm cá nhân "Bình Yên" | Nguồn: Brain Huy

Khi buồn quá hay vui quá, cả khi bản thân có quá nhiều mối bận tâm về chuyện xã hội thì Huy khó có thể vẽ tranh.

4. Lời khuyên sự nghiệp tệ nhất bạn từng nghe?

Thật sự mình cũng không nhớ, vì đã là lời khuyên sao gọi là tệ? Khi người ta thương người ta mới cho mình lời khuyên, không phù hợp thì mình né, hợp thì mình nghe. Thậm chí dù không phù hợp, mình cũng sẽ đúc kết được vô vàn bài học nếu trải nghiệm qua.

Tác phẩm cá nhân "Liên Hoa Sinh Đại Sư" | Nguồn: Brain Huy

5. Có câu chuyện nào đáng nhớ đằng sau mỗi tác phẩm về ông Bụt bạn vẽ không?

Mỗi một tác phẩm đa phần đều có một câu chuyện đáng nhớ, nếu ngồi kể hẳn bạn sẽ thấy vô vàn sự nhiệm màu – huyền bí và tâm linh. 

Tác phẩm cá nhân "Quán Thế Âm Bồ Tát" | Nguồn: Brain Huy

Có lần, một vị sư thấy hình ngài Quán Thế Âm Bồ Tát của mình vẽ được đăng trên trang cá nhân, sư xin lưu về máy để cho một cậu bé xem, do cậu sắp mất vì căn bệnh nan y. Sau đó, sư nhắn mình là bé đã mỉm cười khi nhìn thấy bức tranh, và bé đã ra đi than thản, không đau đớn – thật kì diệu. Điều này khiến mình cảm thấy con đường theo đuổi thật ý nghĩa.

6. Với một ý tưởng xuất hiện trong đầu, làm sao bạn biết cách để thể hiện nó cho phù hợp?

Như mình đã chia sẻ về phần lấy concept, ý tưởng xuất hiện trong đầu, việc tiếp theo mình tìm hiểu dòng tranh của các văn hoá khác nhau.

Tác phẩm cá nhân "Địa Tạng Vương Bồ Tát" | Nguồn: Brain Huy

Khi có tâm trạng, năng lượng tốt, mình dựa trên sự nghiên cứu đặc điểm văn hoá và biến nó thành tác phẩm hoàn chỉnh bằng nét vẽ cùng cảm xúc, năng lượng được trao. Vẽ tranh Bụt, mình không sáng tạo về hình tượng, mình chỉ trình bày lại bằng đường nét của riêng mình.

7. Tại sao lại là ông Bụt mà không phải một chủ thể khác thường xuất hiện trong các tác phẩm của bạn?

Thú thật, mình là một đứa trẻ lớn xác, mình mê truyện cổ tích, những gì liên quan đến ông Bụt ngay từ bé. Sau này nghiên cứu, thì ra ông Bụt là phát âm từ phiên âm Buddha (thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng có nhắc đến).

Tác phẩm cá nhân "Phật A Súc Bệ" | Nguồn: Brain Huy

Bụt đã xuất hiện từ rất lâu trong tiềm thức mỗi người. Chỉ là sau này mạng xã hội xuất hiện, xã hội hiện đại nên chúng ta dần quên đi mà thôi. 

Ngoài ra, mình lựa chọn vẽ Bụt vì đây là hành trình chữa lành vết thương cho chính mình. Do vậy, ngoài sự yêu kính, mình mong muốn những người giống mình cũng được chữa lành. 

8. Điều bạn nhận được nhiều nhất sau mỗi dự án cá nhân là gì?

Hạnh phúc và bình an.

9. Từ ý tưởng tới thực hành sáng tạo, quan trọng nhất là điều gì?

Ý tưởng vốn dĩ là những hình ảnh và nguyện vọng của bản thân, những người thân, người thương, bạn bè. Kết hợp với sự sáng tạo để chuyển hóa những ước muốn đó thông qua hình ảnh mà mình nghiên cứu.

Tác phẩm cá nhân "Phật Mẫu Chuẩn Đề" | Nguồn: Brain Huy

Do vậy, điều quan trọng từ ý tưởng đến lúc sáng tạo là "sự kết nối tâm tư, cảm xúc, năng lượng" bằng hình ảnh một vị (nhân vật) mà mình tìm và vẽ sao cho gần gũi nhất. 

Nói đơn giản, một người khát khao tìm sự yêu thương thì vị nào là biểu tượng tương ứng, hay một người tìm kiếm tri thức thì biểu tượng của tri thức là vị nào.

10. Bạn học từ nguồn nào? 

Với chủ đề này, rất khó để có một nguồn chính thức vì sự đa dạng về quốc gia, văn hóa vùng miền. Mình đọc từ tài liệu kinh vẽ và tạc tượng, sách hướng dẫn vẽ các hình tranh cổ xưa. Rồi nghiên cứu cả tranh Thangka Tây Tạng.

Cứ mỗi lần nghiên cứu lại học thêm được những điều mới.

Instagram | Website