"Cân đường hộp sữa" và vì sao quà tặng không bao giờ là miễn phí | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

"Cân đường hộp sữa" và vì sao quà tặng không bao giờ là miễn phí

Những món quà không chỉ là những vật phẩm thông thường, mà là thứ gắn kết cũng như ràng buộc chúng ta với những người xung quanh.
"Cân đường hộp sữa" và vì sao quà tặng không bao giờ là miễn phí

Nguồn: Unsplash

Ai trong chúng ta cũng đã từng được nhận quà, và từng đi tặng quà cho những người xung quanh. Ta coi những món quà là hiện thân của thành ý mà ta dành cho đối phương, và những ai coi trọng văn hóa trao tặng theo kiểu “cân đường hộp sữa” thì xem đó như một cử chỉ không yêu cầu sự hồi đáp.

Ngược lại, nhiều người nghĩ về chuyện biếu xén như một hành động không minh bạch và nhấn mạnh không phải lúc nào quà tặng cũng xuất phát từ cái tâm vô tư, phi vụ lợi. Theo góc nhìn này, món quà là kết tinh của sự luồn lách để kiếm lợi cho bản thân mình.

Vậy chúng ta cần phải hiểu thế nào về hành động tặng quà? Liệu món quà chỉ là một sự trao đi đầy vô tư, hay là một sự trục lợi khôn khéo?

Trong số Triết Xuất lần này, Vietcetera sẽ giới thiệu đến độc giả tư tưởng của Marcel Mauss - tác giả cuốn sách Luận về Biếu tặng. Tư tưởng của ông sẽ giúp chúng ta vượt trên cách hiểu đúng sai thông thường về chuyện biếu tặng để xem xét kỹ hơn hành động này.

Món quà hay món nợ?

Marcel Mauss (1872-1950) là một nhà nhân học người Pháp. Ông nổi tiếng với công trình mang tên Luận về Biếu tặng (1925) và được coi là cha đẻ của ngành nhân học Pháp. Ảnh hưởng của ông còn vươn tới những ngành như triết học, ngôn ngữ học, lịch sử, và tôn giáo học.

20jul2022mmauss187219501jpg
Chân dung nhà nhân học Marcel Mauss. | Nguồn: SACES

Trong Luận về Biếu tặng, Mauss nghiên cứu hành vi trao đổi và biếu tặng của một số tộc người khu vực Thái Bình Dương, cũng như trong xã hội Ấn Độ và châu Âu cổ đại. Ông xác định ba quy luật bất thành văn trong thực hành này: bắt buộc phải tặng, bắt buộc phải nhận, và bắt buộc phải hồi đáp.

Từ đây, ông đặt câu hỏi: "Có sức mạnh nào trong đồ vật mà người ta biếu, bắt người nhận nó phải đáp tặng cho người đã biếu?"

Đi từ băn khoăn này, Mauss chứng minh rằng những món quà không hề miễn phí mà có rất nhiều giá trị. Những giá trị ấy mang hàm ý thể hiện danh dự, địa vị của cả người tặng lẫn người nhận.

Hành động tặng quà không chỉ là sự trao đi và nhận lại thông thường, mà có khả năng xây dựng mối quan hệ giữa người với người cũng như giữa các cộng đồng với nhau. Chính mối quan hệ giữa món quà và người tặng tạo ra "nghĩa vụ" đáp trả cho người nhận.

Mauss chỉ ra rằng mấu chốt của tập quán tặng quà là sự trao đổi, sự đáp trả. Quà tặng vừa là biểu tượng cho địa vị của người trao quà, vừa là lời thách thức đối với người nhận quà.

Trong một mối quan hệ, người có khả năng trao đổi món quà có giá trị cao hơn sẽ có lợi thế hơn. Ngược lại, ta sẽ sống trong cảm giác mang nợ nếu không thể biếu lại đối phương một thứ gì có giá trị tương đương.

Điều này cộng hưởng với tính chất có qua có lại trong hành động trao tặng khiến cho những món quà trở thành trung gian cấu kết cá nhân và cộng đồng. Nó làm ta cảm thấy mình có sự liên quan với người tặng ta quà, hoặc nhận quà từ ta.

Dĩ nhiên không phải lúc nào sự liên đới này cũng dễ chịu. Theo Marcel Mauss, người trả giá trước và trả giá cao hẳn có thể thao túng đối phương bằng cách nhắc cho đối phương biết về trách nhiệm đáp trả. Người nhận bị nhốt vào tâm lý nợ nần và phụ thuộc vào người còn lại.

Như vậy, ta khó có thể xem những món quà mà người khác trao cho ta hay ngược lại như sự cho đi đơn thuần. Ẩn trong mỗi phần quà là kỳ vọng về sự hồi đáp của đối phương dưới dạng một món quà khác, hoặc là những quyền lợi vô hình.

Biếu xén: xưa và nay

Khi đã hiểu khả năng cấu kết cộng đồng và tính chất “có qua có lại mới toại lòng nhau” của việc biếu xén, ta có cơ sở để đánh giá sâu hơn về tập quán trao tặng trong xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, ta nhìn ra những sự khác biệt giữa cách thực hành biếu xén của thế hệ trước với thế hệ chúng ta.

Biếu xén là câu chuyện thường trực trong đời sống của người trẻ. Chuyện tặng quà sinh nhật hay mừng đám cưới dần không còn là câu chuyện tùy tâm theo kiểu “của ít lòng nhiều” như khi ta còn bé nữa.

20jul2022phongbicuoi1jpg
Mừng cưới bao nhiêu tiền luôn là một câu hỏi khó trả lời. | Nguồn: 2Sao

Với các thế hệ đi trước, người có vị thế xã hội thấp hơn sẽ tìm đến người có vị thế cao hơn để biếu xén và mong đợi sự đáp trả bằng một lợi ích tương đương. Còn với thế hệ trẻ, kẻ mạnh sẽ chốt giá trước và đợi đối phương trả nợ.

Nếu một người bạn thể hiện tình cảm với người còn lại bằng một chiếc iPhone, thì người kia sẽ phải làm nhiều cách để đáp trả. Những cách này có thể là làm bài tập hộ, bao che bạn làm những điều không tốt, và không bao giờ dám nói xấu người ngã giá trước.

Sự khác nhau lớn nhất trong thực hành biếu xén của hai thế hệ nằm ở điều mà món quà thể hiện. Trong khi thế hệ trước quan tâm nhiều hơn đến cảm giác của người nhận quà, thì người trẻ coi món quà là cơ hội thể hiện cá tính của bản thân mình, tức chú trọng tới cảm giác của người trao quà.

Nhưng dù nhìn từ góc độ của thế hệ nào, ta cũng thấy rằng hành động trao tặng phức tạp hơn là vẻ ngoài ngây thơ của lớp giấy gói quà. Ẩn mình sau cân đường hộp sữa là cả một nền kinh tế ngầm nơi người ta cầm quà, nói lời hay ý đẹp để giành lợi ích và đạt được mục đích của mình.

Kết

Tiếp cận chuyện biếu xén từ góc nhìn của Marcel Mauss, ta có cảm giác rằng vấn đề vừa tiêu cực hơn, vừa phức tạp hơn. Dù vậy, điểm nhìn này chỉ cho ta thấy giá trị xã hội ẩn sau việc tặng quà, đồng thời dùng quà tặng để giải thích mối liên hệ và lệ thuộc giữa các cá nhân trong một cộng đồng.

Sự tiêu cực trong việc biếu xén không phải do bản thân hành vi này không tốt. Gốc rễ của những món nợ sau mỗi lần ta tặng quà nhau là tâm lý chi li, tính toán thay vì đối thoại để tìm ra một điểm thỏa hiệp cho cả hai bên.

Nhưng nếu nghĩ theo hướng tích cực thì việc biếu xén mang chúng ta lại gần nhau hơn và cung cấp cho ta một mục đích sống. Ta sống vì ta có liên đới với những người xung quanh, và cần phải trả nợ cho họ. Những món nợ nhiều khi do ta tự thêu dệt nên, giống như cách những người con cảm thấy có nghĩa vụ phải báo hiếu cho cha mẹ.

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Chuyện bé xé to, episode 1: Văn hóa biếu xén