Cây cột điện và bài học về sự kỳ vọng | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 02, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Cây cột điện và bài học về sự kỳ vọng

Chúng ta và những cây cột điện giống nhau thế nào?
Cây cột điện và bài học về sự kỳ vọng

Nguồn: Gabriel Cattaruzzi/ Unsplash

Có một lần khi đang đi trên đường và nghĩ vẩn vơ về chuyện đời thì mình nhìn thấy một cây cột điện bị dán chi chít trên đó những tờ giấy quảng cáo, tìm việc làm, khoan cắt bê tông,... Tự nhiên khoảnh khắc đó mình chợt nhận ra, chúng ta cũng thật giống cây cột điện – cũng đang bị dán vô số nhãn mác lên người.

Có thể khởi đầu chúng ta là những cây cột điện đáng thương bị dán đầy những chiếc nhãn của gia đình và xã hội, nhưng hành trình phát triển bản thân sẽ bắt đầu khi chúng ta nghiêm túc ngồi xuống, nhìn lại xem những chiếc nhãn nào đang cản trở hoặc làm mất đi những cơ hội khám phá tiềm năng của bản thân.

Bài viết này là câu chuyện của mình về bài học của việc dán nhãn.

Những chiếc nhãn đầu đời

Hồi mình mới từ Huế chuyển vào Sài Gòn, do nói giọng địa phương, nên mỗi lần tới giờ ra chơi thường bị các bạn xúm lại trêu chọc là đồ “Bắc Kỳ con”… Lúc đó dù không hiểu vì sao các bạn lại trêu trọc, và cũng không hiểu vì sao cần phải đi giải thích mình không phải là người Bắc, nhưng mình cứ thế phản ứng lại, để rồi bị các bạn ấy đánh hội đồng mà vẫn cứng đầu đi cãi.

Lúc đấy có cô giáo dạy môn Nhạc cũng không cho phép mình hát đứng lên hát vì cô sợ mình làm lạc giọng cả lớp. Và thế là một những những cái mác tiêu cực đầu tiên xuất hiện trong đời mình.

Mình dần tự định danh mình là “người địa phương”, có chất giọng khó nghe, nên từ đó trở nên rụt rè, không dám phát biểu. Thậm chí khi viết được một bài văn được giáo viên chọn làm bài văn mẫu cho cả trường, rồi cô muốn mình đọc trước cả lớp - đó thực sự là một vinh dự, nhưng cuối cùng vì sợ hãi mà mình đã không thể đứng lên đọc.

Cũng trong khoảng thời gian đó, vì không kết bạn được với ai, nên sau giờ học mình chỉ dành nhiều thời gian cho 2 hoạt động, đó là đọc sách và học. Vì vậy thành tích học tập cũng có thể gọi là tốt.

Năm lớp 8, mình được giáo viên chủ nhiệm xếp vào nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi lấy thành tích cho trường. Lúc đó mình được tham gia tận 5 môn: Toán, Hóa, Lý, Văn và Vi tính. Đồng thời vì từ nhỏ được học karatedo lẫn taekwondo nên mình cũng được thầy thể dục đưa đi thi Hội khỏe Phù Đổng.

Và lúc đó, chiếc nhãn thứ hai xuất hiện – “học sinh giỏi toàn diện”...

Cụm “học sinh giỏi” không đáng sợ, vì mình nghĩ hồi cấp hai chỉ cần chịu khó siêng một tí thì đã dễ dàng đạt được danh hiệu học sinh giỏi rồi. Hai chữ “toàn diện” kia mới là thứ khiến cho mình cảm thấy áp lực, không dám bỏ cái gì, để rồi kết quả là… Ngoài chiếc huy chương cấp thành phố về môn võ thì mình thất bại toàn tập trên các mặt trận khác.

Rồi cũng vì kết quả đó mà mình thấy bản thân đã làm thất vọng các thầy cô bộ môn, từ đó đâm ra chán học, bắt đầu lêu lỏng, mê chơi game. Lên cấp 3 thì mình chìm đắm trong game như đã từng kể nhiều lần.

Còn bạn, bạn có nhận ra mình cũng đã từng bị dán những chiếc nhãn tương tự như vậy trước đây?

Chiếc nhãn tự dán

Đi làm được một thời gian, mình may mắn được cộng đồng thiết kế công nhận, đạt được một vài thành tựu nho nhỏ, rồi tham gia vào công ty GEEK Up với vai trò là một chuyên gia thiết kế sản phẩm số.

Ở giai đoạn đầu cần xây dựng hình ảnh cho công ty, đồng nghiệp thường nói mình cần phải tỏ ra tự tin, chứng minh được năng lực chuyên môn. Mình phải là người chống đỡ cuối cùng cho mọi vấn đề của đội thiết kế, xa hơn nữa là cả dự án của công ty, vì thiết kế là trụ cột bấy giờ của GEEK Up.

Dù bây giờ mình hiểu rằng, đó là một lời động viên và gửi gắm niềm tin từ các đồng đội đang cùng mình dành hết tâm huyết cho công ty. Nhưng lúc đấy, mình lại không nghĩ được như vậy. Nguyên nhân là do cái tôi của mình đã được nuôi dưỡng quá lớn qua một thời gian dài, nên cái tôi này nghĩ rằng đó là một sự công nhận. Hay nói cách khác, một chiếc nhãn mới đã được dán lên mình – chiếc nhãn “mình là một chuyên gia”.

Vì chiếc nhãn này mà mình đã có một khoảng thời gian phải gồng mình luôn tỏ ra biết tuốt, và luôn cứng đầu bảo vệ quan điểm của bản thân. Hậu quả là mình tự tạo ra những trận chiến phân thắng thua không đáng có, khiến cho nhiều đồng đội, khách hàng của công ty không vui. Và hơn hết là mình luôn cảm thấy mệt mỏi cả tinh thần lẫn cảm xúc, rồi rơi vào trạng thái kiệt sức.

Hóa ra nhãn dán độc hại không chỉ đến từ người khác, mà còn do chính mình dán cho mình.

Còn bạn, bạn có đang tự dán cho mình chiếc nhãn nào để rồi cuối cùng mệt mỏi vì nó hay không?

Sống với “nhãn mác”

Mình thường nghĩ, người ta càng lớn càng giống cây cột điện, bị xã hội dán chi chít các loại nhãn dán khác nhau lên người, như con ngoan, trò giỏi, nhân viên gương mẫu, chuyên gia…

Những chiếc nhãn này sẽ đi cùng với vô số những quy tắc, quy chuẩn mà chúng ta phải gồng mình mới theo nổi. Nếu không thể đáp ứng được những quy chuẩn này, ta lại đâm ra hoài nghi về bản thân, mất dần sự tự tin và không thể trân trọng nỗ lực mà bản thân đã bỏ ra, như trong câu chuyện chiếc nhãn học sinh giỏi toàn diện mình kể ban đầu.

Còn với những bộ nhãn mác mà tự chúng ta lại dán lên mình như là người hướng nội, hài hước,... thì đôi khi ta lại tự gò ép chính mình cho phù hợp với chúng.

Có lẽ đến một lúc nào đó chúng ta sẽ đều cần phải ngồi xuống, nhìn nhận lại mình đang bị dán lên người bao nhiêu chiếc nhãn. Bao nhiêu trong số đó đang làm ta mệt mỏi? Bao nhiêu trong số đó là ta thật sự muốn có và xem chúng như quy chuẩn để xây dựng phiên bản mà ta mong muốn?

Mình hy vọng bài viết này là một nơi bắt đầu để bạn có thể nhận ra những chiếc nhãn mác độc hại đang có. Chỉ cần có thể nhận ra chúng thì việc xé bỏ sẽ dễ dàng hơn.

Nguồn Thiago Matos Pexels
Nguồn: Thiago Matos/ Pexels

Thật ra bản thân việc dán nhãn không hề xấu. Vì về mặt kinh tế học nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và năng lượng để đưa ra quyết định. Về mặt tâm lý học, nó có thể là những viên gạch đầu tiên để ta bắt đầu xây dựng cách hiểu về bản thân.

Nhưng mọi thứ đều có hai mặt. Và những chiếc nhãn cũng có thời hạn của chúng. Việc khư khư giữ những chiếc nhãn cũ kỹ khiến ta dễ mắc kẹt lại trên hành trình phát triển bản thân.

Mình hiểu rằng những chiếc nhãn càng bị dán lâu ngày thì khi xé ra lại càng đau đớn. Nhưng mình tin đó là một nỗi đau xứng đáng để chúng ta, những cây cột điện đáng thương, rũ bỏ những kỳ vọng độc hại, những định kiến nặng nề, và cả những niềm tin vô lý đang cản trở ta khám phá tiềm năng của bản thân.

Mình chúc bạn xé được thật nhiều nhãn dán và chọn được những chiếc nhãn phù hợp với cuộc sống mà bạn muốn.