Chánh niệm tác động lên não bộ như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 06, 2020
Chất Lượng Sống

Chánh niệm tác động lên não bộ như thế nào?

Chánh niệm có mối liên hệ gì với cách mà não bộ hoạt động? Vì sao chánh niệm giúp bạn làm chủ suy nghĩ tốt hơn?
Chánh niệm tác động lên não bộ như thế nào?

Khi còn học tiến sĩ tại Đại học Penn State, Gary Weber (tác giả cuốn sách “Happiness Beyond Thought: A Practical Guide to Awakening” – tạm dịch: "Hạnh phúc vượt ngoài suy nghĩ: Làm thế nào để thức tỉnh") từng cảm thấy mất kiểm soát trước những lo âu về quá khứ, tương lai và sự bấp bênh của cuộc sống.

Để giải quyết tình trạng này, Weber không ngừng đọc sách, học hỏi từ những người đi trước. Đồng thời, ông dành hai tiếng mỗi ngày để thực hành chánh niệm và tìm lại sự tĩnh tại sâu lắng trong tâm hồn.

Đó là bước đệm để Weber cùng những nhà khoa học khác nghiên cứu về mối liên hệ giữa chánh niệm và cách não bộ hoạt động.

Họ cho rằng: Khi chúng ta cân nhắc những bản chất cốt lõi của chánh niệm, chúng ta sẽ hiểu được cách chánh niệm giúp chúng ta cải thiện chất lượng sống và lý do chúng ta cần phương pháp này.

1. Một cách hiểu về bản sắc cá nhân

Chaacutenh niệm taacutec động lecircn natildeo bộ như thế nagraveo

"Bản sắc cá nhân"– điều không ngừng thay đổi theo thời gian.

Chánh niệm giúp chúng ta hiểu thêm về bản sắc cá nhân của mình. Bản sắc cá nhân chính là những điều được gắn liền với cái tôi cá nhân, là những điều cốt lõi bên trong bạn.

Bản sắc này được xác định bởi “dòng chảy tâm lý” (psychological continuity). Chúng ta có thể già đi, trở thành một người khác và thay đổi quan niệm sống. Nhưng dòng chảy ký ức và trải nghiệm thì vẫn luôn tồn tại. Đây chính là một chuỗi sự kiện trong cuộc đời của chúng ta, bao gồm những thay đổi của bản thân theo thời gian.

Một đứa trẻ nhút nhát, từng đối diện với bạo lực học đường, có lẽ sẽ không giống con người tự tin của bạn ở hiện tại. Tuy nhiên, đứa trẻ đó vẫn góp phần tạo nên bạn.

Bản sắc cá nhân không phải là một điều bất biến. Nó là chuỗi những trải nghiệm sống không ngừng thay đổi theo thời gian.

2. “Mạng lưới mặc định” và cách nó ảnh hưởng tới suy nghĩ

Chaacutenh niệm taacutec động lecircn natildeo bộ như thế nagraveo

Chánh niệm – cách kiểm soát những cuộc chiến nội tâm, giúp não bộ được "nghỉ ngơi".

Dòng chảy tâm lý bao gồm hai loại trải nghiệm: trải nghiệm thực tế từ môi trường bên ngoài (external environment) và độc thoại nội tâm (internal monologue).

Dòng chảy tâm lý phần lớn được hình thành dựa trên thế giới mà chúng ta sống và các kích thích bên ngoài (external environment). Bên cạnh đó, giọng nói nội tâm (internal monologue) cũng góp phần không nhỏ trong việc chi phối dòng chảy này. Và đây là điều mà mỗi chúng ta phải vật lộn mỗi ngày.

Giọng nói nội tâm là một phần của não, được gọi là “mạng lưới mặc định” (default mode network). Mạng lưới mặc định khá liên kết với nhau, nhưng lại không liên kết tới nhiều vùng khác của não bộ.

Nó hoạt động khi chúng ta thiếu sự gắn kết với thế giới bên ngoài mà lại quá tập trung vào suy nghĩ bên trong. Từ đó, nó khiến ta trở nên lo lắng về quá khứ và tương lai mà ít chú ý vào thực tại.

Vì vậy, Weber và những nhà khoa học khác cho rằng chánh niệm có thể giúp mạng lưới mặc định này nghỉ ngơi, cho chúng ta cảm giác được tách rời khỏi những luồng suy nghĩ đang diễn ra trong đầu. Một số giả thiết cho rằng, nhiều dạng tổn thất về tinh thần cũng bắt nguồn từ mạng lưới này.

Theo một số nghiên cứu, mạng lưới mặc định sẽ ít ảnh hưởng đến những người đã thiền định lâu năm hơn người không thực hành thiền định. Việc thực hành chánh niệm có thể giúp chúng ta thay đổi nhận thức và làm chủ những cuộc chiến nội tâm.

3. Phương pháp R.A.I.N cho một góc nhìn khách quan

Chaacutenh niệm taacutec động lecircn natildeo bộ như thế nagraveo

Thực hành chánh niệm theo mô hình R.A.I.N để thay đổi góc nhìn của bạn.

Thực hành chánh niệm không hẳn sẽ giúp hoàn toàn kiểm soát được tâm trí mà nó giúp bạn dừng lại, quan sát và suy ngẫm. Ví dụ, thay vì vô thức uống một ly trà sữa trong giai đoạn giảm cân, bạn có thể dừng lại một chút để nhận ra điều nên làm và vượt qua được cám dỗ.

Điều này cũng áp dụng với chứng sợ hãi và lo âu. Thay vì mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực về quá khứ và tương lai, chánh niệm sẽ khiến những vướng bận này nhanh chóng qua đi.

Việc dừng lại quan sát và cân nhắc không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu với mô hình R.A.I.N, một mô hình thường được sử dụng trong trị liệu nhận thức.

  • R (Recognize what is happening): nhận ra những gì đang tiếp diễn
  • A (Accept it all): chấp nhận nó
  • I (Investigate where it's coming from): tìm hiểu nguồn gốc của nó
  • N (Non-identification): tách rời khỏi nó

Nhìn chung, ý tưởng của mô hình R.A.I.N này là giúp bạn dành ra những khoảng lặng để nhìn nhận, xác định, cân nhắc và tách rời khỏi vấn đề, từ đó có góc nhìn khách quan. Nhờ vậy, ta kiểm soát những thử thách dễ dàng hơn và làm chủ được cuộc sống của mình.

Kết

Tại phương Đông, yoga và thiền định luôn được biết đến như phương pháp thực hành chánh niệm và gần đây đã thu hút được sự chú ý từ phương Tây. Nghiên cứu của Weber phần nào cho thấy chánh niệm thật sự đem đến những lợi ích nhất định cho não bộ.

Chánh niệm không thần thánh đến mức có thể ngay lập tức đem đến giải pháp cho mọi vấn đề trong cuộc sống, nhưng nó giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận chúng. Từ đó mỗi người có thể tự giải quyết vấn đề của riêng mình và hiểu được bản thân sâu sắc hơn.

Bài viết này được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Zat Rana trên Medium.