Chủ nghĩa Vị tha: Khi cho đi cũng là nhận lại | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Chủ nghĩa Vị tha: Khi cho đi cũng là nhận lại

Chủ nghĩa Vị tha thúc đẩy những giá trị tích cực của xã hội.
Chủ nghĩa Vị tha: Khi cho đi cũng là nhận lại

Chủ nghĩa Vị tha được thể hiện khi con người hành động đặt lợi ích của người khác trên lợi ích của bản thân | Nguồn: Better Help

1. Chủ nghĩa Vị tha là gì?

Chủ nghĩa Vị tha (Altruism) là một nguyên lý đạo đức, được thể hiện khi con người hành động đặt lợi ích của người khác trên lợi ích của bản thân. 

Trong cuộc sống, Chủ nghĩa Vị tha được thể hiện qua những câu chuyện người tốt việc tốt hay những hoạt động từ thiện. Sự khoan hồng và ân xá của pháp luật dành cho các tù nhân cũng là ví dụ của Chủ nghĩa Vị tha.

Hệ tư tưởng này là khía cạnh nền tảng của nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Những tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo đều đề cao Chủ nghĩa Vị tha như một giá trị đạo đức quan trọng.

Trong triết học, Chủ nghĩa Vị tha có nhiều sự tương quan với Chủ nghĩa Vị lợi (Utilitarianism) và đối lập với Chủ nghĩa Vị kỷ (Egoism).

2. Chủ nghĩa Vị tha bắt nguồn như thế nào?

Thuật ngữ “Altruism” (Chủ nghĩa Vị tha) được đặt ra vào giữa thế kỷ 19 bởi triết gia người Pháp Auguste Comte. Đến cuối thế kỷ 19, hệ tư tưởng này được phát triển rộng hơn bởi các triết gia George Eliot, G. H. Lewes và John Stuart Mill.

Trong nghiên cứu khoa học về bản chất xã hội của con người, Comte chứng minh rằng tình cảm vị tha đã có từ khi chúng ta sinh ra.

Comte cũng đưa ra giải pháp mà theo ông sẽ giúp phát triển lòng vị tha trong xã hội. Theo đó, chúng ta cần thừa nhận một thực tế rằng phụ nữ vị tha hơn nam giới do họ có bản năng làm mẹ. 

Qua việc thiết lập nên hệ tư tưởng này, Comte hy vọng rằng các quốc gia văn minh sẽ phát triển đến một giai đoạn mà tình cảm vị tha chiếm ưu thế hơn tình cảm vị kỷ. Tuy nhiên, việc làm thế nào để mang lại một xã hội như vậy mới là vấn đề lớn mà nhân loại phải đối mặt.

altruism
Theo Comte, việc làm thế nào để xây dựng một xã hội vị tha là vấn đề lớn mà nhân loại phải đối mặt | Nguồn: Shutterstock

3. Chủ nghĩa Vị tha có những đặc điểm nào?

Khác với Chủ nghĩa Vị kỷ, vốn đề cao tình cảm đối với bản thân, Chủ nghĩa Vị tha đặt quyền lợi của người khác cao hơn tất cả. Theo tâm lý học, hành vi của Chủ nghĩa Vị tha có thể được chia thành những loại sau:

  • Vị tha di truyền (Genetic altruism): Loại hành vi vị tha này đề cập đến việc thực hiện các hành động có lợi cho các thành viên thân thiết trong gia đình, ví dụ như cha mẹ hy sinh cho con cái.
  • Vị tha tương hỗ (Reciprocal altruism): Loại hành vi vị tha này dựa trên mối quan hệ cho và nhận lẫn nhau. Nó nói về việc chúng ta giúp đỡ người khác với suy nghĩ rằng một ngày nào đó họ có thể trả ơn.
  • Vị tha có chọn lọc (Group-selected altruism): Khi hành xử theo loại hành vi vị tha này, chúng ta thường nỗ lực giúp đỡ những người trong cộng đồng của mình hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội nhằm mang lại lợi ích cho một cộng đồng cụ thể.
  • Vị tha thuần túy (Pure altruism): Hành vi vị tha thuần túy đề cập đến việc giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện, ngay cả khi ý thức rõ mình sẽ gặp rủi ro. Loại hành vi vị tha này được thúc đẩy bởi các giá trị đạo đức mà chúng ta cho là đúng.

4. Có thể thấy Chủ nghĩa Vị tha ở đâu trong cuộc sống?

Chủ nghĩa Vị tha có thể được áp dụng thực tế trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là chính trị - xã hội và kinh tế.

Trong chính trị, Chủ nghĩa Vị tha đề cập đến việc các nhà lãnh đạo xây dựng cơ chế chính sách nhằm bảo vệ các nhóm người yếu thế. Đó có thể là người tị nạn, người lao động nhập cư, cộng đồng LGBTQ+ và những người có quyền cơ bản đang bị xâm hại.

altruism
Di dân tị nạn là một trong những vấn đề nhân đạo của thời đại | Nguồn: Reuters

Chủ nghĩa Vị tha cùng có thể được áp dụng trong vận hành kinh tế. Các doanh nghiệp theo đuổi Chủ nghĩa Vị tha sẽ không coi lợi nhuận là mục tiêu tiên quyết. Điều này giúp họ đặt ra nhiều mối quan tâm hơn đến môi trường và trách nhiệm xã hội, thay vì chỉ tập trung làm sao để tối đa hóa lợi nhuận.

Tại Việt Nam, sự nở rộ của các doanh nghiệp xã hội làm nổi bật Chủ nghĩa Vị tha trong kinh doanh. Theo thống kê, có đến 35% số doanh nghiệp xã hội tham gia khảo sát đi vào hoạt động kể từ năm 2015.

Một số doanh nghiệp xã hội nổi bật tại Việt Nam có thể kể đến Vulcan Augmetics - startup chuyên sản xuất tay chân giả với mục tiêu giúp khoảng 38 triệu người khuyết tật trên thế giới có cơ hội tiếp cận việc làm.

vulcan
Sản phẩm tay giả cho người khuyết tật của Vulcan Augmetics | Nguồn: Báo Đầu Tư

KOTO là một doanh nghiệp xã hội nổi bật khác của Việt Nam. Startup hoạt động phi lợi nhuận này đặt mục tiêu giúp đỡ việc làm cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn bằng cách đào tạo toàn diện cho họ về lĩnh vực nhà hàng - khách sạn.

koto
KOTO đào tạo toàn diện về lĩnh vực nhà hàng - khách sạn cho thanh thiếu niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn | Nguồn: KOTO

Những doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam phần lớn được lãnh đạo bởi những người trẻ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế và môi trường. Với những thành tựu đã đạt được, họ chính là những người đi đầu trong công cuộc phát triển Chủ nghĩa Vị tha trong xã hội.