Đại học Việt Nam: Học sao cho hiệu quả? | Vietcetera
Billboard banner

Đại học Việt Nam: Học sao cho hiệu quả?

Phương pháp 1: Học thầy hơn là học sách!
Đại học Việt Nam: Học sao cho hiệu quả?

Ở đâu cũng vậy, việc học phụ thuộc lớn nhất vào bản thân mình. | Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera.

Giáo dục đại học ở mọi nơi trên thế giới luôn là đối tượng của những cuộc tranh cãi không có hồi kết. Quả thực, không có nền giáo dục nào là hoàn hảo. Đào tạo ra một công dân “hữu ích” cho xã hội không phải dễ.

Giáo dục đại học Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, vì thế ta cần đánh giá công bằng điểm cộng và điểm trừ để mở ra những hướng đi mới.

Tôi thực hiện bài viết này dựa trên những trải nghiệm đại học và cao học của mình ở Việt Nam. Thực tế, tôi là một đứa trẻ rất may mắn khi gặp được một người nhà giáo tốt vào ngay những ngày đầu tiên của đại học. Cô đã đồng hành cùng con đường học vấn của tôi trong gần 6 năm kể từ đó.

Cô nói, tôi có “beginner’s luck”, hay “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, ý chỉ điềm may rơi trúng đầu từ xuất phát điểm. Beginner’s luck trao cho tôi những cơ hội không thể ngờ tới. Tôi được làm trợ lý nghiên cứu cho nhiều người đi trước, nhận vô vàn sự giúp đỡ khi thực hiện công trình nghiên cứu đầu tiên của mình ở cấp cử nhân, hay được xuất bản từ rất sớm.

Tôi tin rằng nếu không có sự may mắn, mình sẽ không thể đạt được những điều trên. Vì thế, hãy coi những kinh nghiệm dưới đây tôi viết ra như những lời tâm sự. Nếu bạn không thể làm theo bất cứ điều gì trong số đó, không sao cả, vẫn còn vô số con đường khác bạn có thể đi.

Đại học Việt Nam đang ở đâu?

Trước khi nói về phương pháp, ta cần nắm bắt được hoàn cảnh. Với tôi, giáo dục đại học của đất nước ta vẫn đứng ở ngã ba đường.

Về tư tưởng, cái bóng của ngôi trường Nho giáo ngàn năm Quốc Tử Giám vẫn phần nào đó phủ lên cách dạy học có phần nghiêm khắc và giáo điều. Về cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà trường hơi hướng Liên Xô cũ vẫn là hiện trạng chung của hầu hết giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo dục phương Tây vì thế giữ một số ưu thế nhất định khi ta nói về câu chuyện tương lai, song nguồn lực hạn chế luôn là vật cản khổng lồ.

Vị trí đặc biệt trên khiến người học ở Việt Nam phải nỗ lực nhiều để có chất lượng học ngang bằng với sinh viên quốc tế. Chúng ta có một chương trình học chưa hoàn thiện và còn thiếu nhất quán. Giáo trình đại học có thể đã lỗi thời cả vài thập kỷ.

Số lượng giảng viên ít ỏi so sánh với số lượng sinh viên khổng lồ cũng là một thách thức. Trong một lớp học quá đông, người dạy khó có thể sát sao đôn đốc từng người học.

“Đại học là tự học” - câu nói này rất đúng, đặc biệt là trong văn cảnh Việt Nam. Để học thực sự chất lượng, sinh viên không thể chỉ lệ thuộc vào học liệu và chương trình chính thống trên trường đại học. Những nỗ lực tự thân là cực kỳ cần thiết.

Vậy ta có thể làm việc này như thế nào?

1. Hãy học thầy hơn là học sách!

Theo học những người giỏi nhất

Nhớ lại thời học cử nhân, tôi không cố gắng học dàn trải kiến thức theo những yêu cầu của chương trình học. Hết học kỳ 1 của năm nhất, tôi tìm ra chủ đề học thuật mình muốn theo đuổi trong hằng hà sa số những đơn vị lý thuyết vô cùng nặng, của một trường đại học thiên hướng nghiên cứu.

Càng đào sâu, tôi càng thấy chương trình tiêu chuẩn của đại học không đáp ứng được những khát khao hiểu biết của mình. Tôi may mắn được học một người giảng viên sẵn sàng dẫn sinh viên tư duy vượt ra khỏi địa giới của học liệu tiêu chuẩn. Tôi đã học bám sát theo giáo trình môn học do cô tự thiết kế, bên cạnh đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của môn học do nhà trường yêu cầu.

Bộc bạch ham muốn học hỏi, cùng lĩnh vực tri thức mình quan tâm, tôi được cô gửi một danh mục tài liệu tham khảo khá chi tiết. Nó bao gồm tên của những tác giả và tác phẩm kinh điển của ngành học. Hầu hết chúng không thể được tìm thấy tại các giá sách tiếng Việt.

Đây là thử thách, và cũng là cơ hội để tôi tiếp cận tới những kho tư liệu trực tuyến và những chuyên trang hàn lâm uy tín. Thậm chí, tôi còn dám gửi email cá nhân tới các tác giả (nếu họ còn sống) để trao đổi thêm về những luận điểm của họ, cũng như xin thêm tài liệu quý giá.

Hãy tận dụng những lợi thế của thầy cô!

Làm trợ lý học thuật cho các thầy cô

Được tin tưởng trên phương diện khả năng và mức độ cam kết với lĩnh vực nghiên cứu, tôi được tham gia vào những dự án nghiên cứu của giảng viên và của trường đại học.

Tôi được tham dự nhiều hội thảo khoa học kín chỉ dành cho giới chuyên môn chứ không dành cho sinh viên bình thường. Tôi giúp thầy cô chỉnh sửa và hiệu đính nghiên cứu, từ đó học hỏi kỹ thuật xây dựng một trong những sản phẩm hàn lâm phức tạp bậc nhất này.

Những công việc như vậy làm dày kinh nghiệm cá nhân của tôi hơn những gì học liệu trường lớp có thể cung cấp. Hơn vậy, tôi cũng được nhiều nhân vật “sừng sỏ” trong giới chuyên môn lưu ý tới, có cơ hội học hỏi và cộng tác với họ trong tương lai.

2. Biết phản tư với kiến thức

Phản tư là một thực hành vô cùng cần thiết trong giáo dục. Khi người học phản tư, sự học không còn là sự tiếp nhận kiến thức một chiều từ sách vở vào trí não.

Kiến thức vì thế sẽ được đặt trong sự đối thoại với chính trải nghiệm thực tế của sinh viên. Người học sẽ định vị được mình trong biển kiến thức thông qua những kỹ thuật cụ thể sau:

Đọc song song kiến thức trong và ngoài nhà trường

Tôi thường so sánh những gì mình được học ở trường lớp với những tri thức mình học hỏi được từ tài liệu tham khảo ngoài chương trình. Cuốn học liệu chính thống từ nhà trường sẽ được đọc song song với vô vàn tài liệu tham khảo ngoài chương trình khác. Khi những gì chúng ta học được đặt trong một bức tranh rộng lớn hơn, ta sẽ hiểu vì sao mình phải học thứ đó.

Sự đối chiếu nhiều tài liệu với nhau cũng giúp ta nhìn thấu xem cùng một đơn vị kiến thức, các nền giáo dục khác nhau cho sinh viên tiếp cận khác nhau như thế nào. Từ đó, ta hiểu ưu và nhược điểm của chương trình trong nước và điều chỉnh cho hợp lý.

Trong trải nghiệm cá nhân của tôi, tôi đã từng đọc hai cuốn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin song song với bộ Tư bản luận (Capital) phiên bản tiếng Anh của Marx. Ngay cả khi việc này không giúp điểm số của tôi cao hơn, tôi vẫn khoan khoái khi hiểu thấu một môn học mà hầu hết bạn bè đồng trang lứa không hiểu gì cả.

Khi những gì chúng ta học được đặt trong một bức tranh rộng lớn hơn, ta sẽ hiểu vì sao mình phải học thứ đó.

Gợi mở các cuộc tranh luận tri thức

Tôi cố gắng áp dụng những gì mình tự đúc rút vào các bài tiểu luận bắt buộc ở đại học. Làm vậy, thời gian tự đọc và tìm hiểu ngoài chương trình chính thức của tôi sẽ không bị phung phí.

Đưa kiến thức mới vào những hoạt động bài vở trên lớp, hơn thế, là cách để gợi mở những trao đổi học thuật với bạn học và các giảng viên khác. Thông qua đối thoại và tranh luận, kiến thức sách vở thực sự trở thành kiến thức của những ai tham gia vào tranh luận. Một đơn vị kiến thức sẽ được nhìn qua vô vàn bộ lọc khác nhau.

3. Viết thật nhiều

Viết để khẳng định sự hiểu biết của mình

Viết là hình thức đánh giá sự thấu hiểu kiến thức của sinh viên đại học phổ biến nhất. Điều này có lý do của nó.

Sự viết, thường dưới dạng tiểu luận, bài báo và công bố khoa học, là sản phẩm tri thức kết tinh nhiều nỗ lực nhất của người học. Sau khi nghe hàng trăm giờ giảng dạy và đọc vô số học liệu, sinh viên có cách hiểu và tổng hợp kiến thức của riêng mình.

Thông qua sản phẩm này, mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức trường lớp của sinh viên được đánh giá kỹ càng.

Sản phẩm xuất bản gia tăng cơ hội nghề nghiệp

Không chỉ trong nhà trường, lập luận và văn phong cá nhân cũng được coi như những tiêu chí đánh giá năng lực quan trọng khi bạn đi xin việc. Đặc biệt là khi công việc bạn hướng tới có liên quan đến nghiên cứu hàn lâm.

Muốn trở thành một học giả ở đại học, ở các viện nghiên cứu, hoặc tìm cơ hội học tập và công tác ở các cấp học cao hơn, bạn buộc phải viết tốt.

Ở cấp học cử nhân, bạn có thể thử sức bằng cách phát triển các bài tiểu luận hết môn của mình thành bài công bố khoa học hoàn chỉnh. Sau đó, hãy thử gửi bài đến các chuyên trang học thuật uy tín trong nước.

Có xuất bản từ khi còn trẻ, bạn sẽ được đánh giá rất cao trong hệ thống hàn lâm. Công cuộc nộp hồ sơ thạc sĩ và tiến sĩ cũng dễ dàng hơn.

Lắng nghe những ý kiến đa chiều

Khác với đọc, viết không phải một công việc cá nhân. Để xuất bản, bài viết của bạn phải được chỉnh sửa và phản biện nhiều lần. Chính sự phản biện ấy là cơ hội để bạn lắng nghe và tiếp thu những quan điểm và tri thức đa chiều.

Tôi cảm thấy mình đã lớn lên rất nhiều sau mỗi lần giao phó bài viết của mình cho người khác. Những lần như vậy, tôi được học lại cùng một đơn vị kiến thức qua nhiều lăng kính khác nhau.

Sự phản biện là cơ hội để bạn lắng nghe và tiếp thu những quan điểm và tri thức đa chiều.

Kết

Tóm lại, trở thành một người học tốt khi chỉ học đại học ở Việt Nam không phải điều không thể. Song điều đó đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.

Tôi nhớ tấm gương của thầy Hoàng Tụy - tác giả của công trình toán học đồ sộ Tối ưu hoá toàn cục (Global optimization). Thầy vừa là một người học hoàn toàn trong nước, và cũng có những năm tháng đại học vô cùng gian khó ở chiến khu Việt Bắc. Vậy mà công trình thầy để lại có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Nhưng nhìn nhận công bằng thì trí óc thiên tài của một vài sinh viên nội địa không xuất phát hoàn toàn từ hệ thống đại học trong nước. Chúng còn là kết quả của vô số nỗ lực tự nghiên cứu và đúc kết kiến thức.

Đôi lúc, quá trình tự giáo dục ấy đem lại kết quả đáng giá hơn rất nhiều so với những gì chương trình học chính thống có thể đem lại.