Đại học Việt Nam: Nên nhìn nhận thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Đại học Việt Nam: Nên nhìn nhận thế nào?

Ta cần nhìn nhận công bằng kiến thức và trải nghiệm đại học trong nước.

Đại học Việt Nam: Nên nhìn nhận thế nào?

Càng học về Việt Nam, tôi càng thấy mình chưa hiểu nhiều về Việt Nam. | Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 190 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Bộ cũng cho biết mỗi năm người Việt chi 3-4 tỉ USD cho du học - một con số rất lớn.

Những con số trên cho thấy việc du học luôn là một xu hướng. Trái lại, việc học trong nước lại mang những định kiến. 

Đối với tôi, Việt Nam vừa là nơi tôi được sinh ra, vừa là thực tiễn duy nhất tôi có. Trong nỗ lực hiểu thấu nơi mình sống, tôi thấy những nền tảng tri thức ở đại học trong nước là chất liệu suy tư cực kỳ tốt, dù còn nhiều hạn chế. 

Với những hiểu biết đó, ta nên nhìn nhận thế nào về những định kiến ở việc học trong nước? Việc học ở Việt Nam có những ưu điểm nào không?

Vì sao du học?

Lý do người trẻ đi tìm cơ hội du học nói lên nhiều điều về văn cảnh giáo dục Việt Nam.

Sau khi mở cửa với thế giới vào năm 1986, đất nước ta bước vào thời kỳ toàn cầu hoá sâu rộng.

Bước ra khỏi “đêm trường bao cấp”, chúng ta nhìn quốc tế như đại diện cho cái mới, sự văn minh và tiến bộ. Lớp trẻ chúng ta hẳn đã quen thuộc với câu “Việt Nam chúng ta đi chậm hơn so với thế giới”. 

Giáo dục Việt Nam không đứng ngoài sự so sánh này. Chúng ta đối diện với cơ sở vật chất nghèo nàn. Triết lý cốt lõi thì vẫn chịu ảnh hưởng bởi hệ thống Xô Viết, vốn đã suy yếu và sụp đổ sau chiến tranh Lạnh. Giáo dục phương Tây dần trở thành mô hình phát triển đáng ao ước của các nhà hoạch định chính sách. 

Song song với toàn cầu hoá, đất nước chúng ta hòa nhịp với nền kinh tế thị trường toàn cầu. Khi khối tư nhân được công nhận quyền làm kinh tế, nhiều người làm giàu nhanh chóng.

Họ có đủ khả năng chi trả tiền học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Trong khi trước đây, du học sinh các nước Đông Âu và Liên Xô phụ thuộc vào các khoản bao cấp chính phủ. 

Trong bức tranh giáo dục toàn cầu đầy sôi động, giáo dục đại học công lập trong nước không nằm trong ưu tiên của các tầng lớp khá giả. 

du học
Du học là mục tiêu của nhiều người trẻ.

Luôn có một con đường

Tôi từ bỏ dự định du học cấp cử nhân vào lớp 12. Cùng năm đó, tình hình tài chính gia đình tôi chạm đáy. Nhìn một phần ba lớp chuyên của mình lúc đó cất cánh, tôi thất vọng tràn trề.

Song, tôi cũng tự nhủ rằng nỗi buồn không thay đổi được thực tế. Tôi lao đầu vào ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và đỗ một ngôi trường đại học định hướng nghiên cứu ở trong nước. 

Tôi thấy mình là một đứa trẻ may mắn. Nỗi thất vọng vì bỏ dở giấc mơ du học nhanh chóng mờ nhạt. Ngôi trường trong nước lấp đầy những khao khát học thuật trong tôi.

Được dẫn dắt bởi một nhà giáo tốt, tôi bước chân vào con đường nghiên cứu từ sớm và gặt hái nhiều thành quả. 

Trong quá khứ, khi nuôi quyết tâm bay đến vùng đất mới, tôi chỉ nghĩ đến kết quả đầu ra rằng mình sẽ có một tấm bằng có sức nặng và kiếm được công việc lương cao để chăm sóc gia đình. 

Năm tháng trôi qua, tôi nhận ra mục đích của sự học không chỉ là quản trị rủi ro cho tương lai. Học còn là để hiểu bản thân và hiểu những gì xảy ra xung quanh mình, hiểu về đất nước của mình.

Là một mảnh đất màu mỡ, càng học về Việt Nam, tôi càng thấy mình chưa hiểu nhiều về Việt Nam.

đại học
Học còn là để hiểu bản thân và hiểu những gì xảy ra xung quanh mình, hiểu về đất nước của mình.

Tuy vậy, chuyện học ở Việt Nam vẫn mang định kiến. Sự đối lập giữa giáo dục trong nước và giáo dục quốc tế như bị thổi phồng: Một bên thì bảo thủ và trì trệ, một bên thì bừng sáng trong tiến bộ và cởi mở.

Kết quả là dù mỗi năm có hàng ngàn cánh chim bay đi, rất nhiều trong số đó không quay trở về.

Định kiến về sinh viên “trong nước” và du học sinh

Người từng học ở nước ngoài về có trình độ chuyên môn cao hơn người học trong nước hay không?

Câu hỏi này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và câu trả lời tuỳ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Song mỗi khi trường đại học của tôi tuyển giảng viên, chiếc bằng đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài tạo ưu thế cực lớn cho các ứng cử viên. 

Đơn cử như trong thông báo tuyển dụng ngày 19/04/2021 của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thông báo này, yêu cầu có văn bằng quốc tế được nhấn mạnh: 

“Có bằng Thạc sĩ và đang học nghiên cứu sinh trở lên; trong đó có ít nhất một bậc học (cử nhân/thạc sĩ/nghiên cứu sinh) ở các nước tiên tiến, học bằng Tiếng Anh.”

Tôi không rõ các nước tiên tiến được văn bản tuyển dụng nhắc đến bao gồm những nước nào. Nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam không nằm trong danh sách đó. 

Những "điểm trừ"

Quả thực, chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Theo báo Nhân Dân, hệ thống đại học trong nước đang gặp phải ba vấn đề chính.

Thứ nhất, chưa có trường đại học Việt Nam nào có mặt trong top 500 trường đại học hàng đầu thế giới, theo tiêu chí của các bảng xếp hạng uy tín.

Thứ hai, với nhu cầu học đại học ngày càng cao, nhiều cơ sở giáo dục được thành lập ồ ạt. Song chất lượng cơ sở vật chất, giảng viên và bài giảng chưa đạt yêu cầu. 

Cuối cùng, các cơ sở giáo dục trong nước thường kém ở khâu định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Cầm bằng trên tay, nhiều cử nhân vẫn lúng túng trong việc sử dụng những công cụ nghề nghiệp cơ bản nhất, như các phần mềm văn phòng hay kỹ năng mềm. Kết quả là trung bình mỗi năm có khoảng 72 nghìn sinh viên thất nghiệp. 

Những lập luận phía trên là minh chứng cho thấy những giới hạn của môi trường học tập trong nước. Điều đó không nói lên rằng khả năng của tất cả sinh viên trong nước đều không bằng sinh viên quốc tế.

du học
Liệu có thể so sánh khả năng của sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế?

Tuy vậy, ở bình diện vĩ mô, các nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào những hạn chế này để coi du học sinh là những lựa chọn “an toàn” hơn cho các vị trí nhân sự của mình. 

Kéo theo đó, thị trường việc làm có thể xoáy sâu vào những điểm trừ của sinh viên trong nước thay vì đánh giá công bằng. 

Câu chuyện của nền giáo dục

Mô-típ nhân tài ở Việt Nam 

"Cấp 1 học tại một trường điểm. Tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi và học lò luyện cuối cấp để đỗ cấp 2, cấp 3 trường chuyên. Bắt đầu cày các văn bằng tiếng Anh và làm hồ sơ du học từ khoảng lớp 11. Sau đó lên kế hoạch mới cho cuộc đời khi đã đặt chân tới những quốc gia xa xôi nằm phía bên kia đường chân trời."

Đó là đường học của nhiều đứa trẻ được sinh ra ở thành thị, gia đình tạm gọi là có điều kiện đổ lên. Tôi không phải trường hợp ngoại lệ. Từ bé, bố mẹ đã cho tôi những định hướng cuộc đời rõ ràng theo mô-típ này. 

Những đứa trẻ có điều kiện gia đình khá giả hơn tôi còn được học ngoại ngữ ở trung tâm từ trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn đầu tư cho con đi học các môn năng khiếu từ nhỏ, như âm nhạc và hội hoạ. 

Bất bình đẳng trong giáo dục

Đây mới chỉ là một góc rất nhỏ trong bức tranh giáo dục Việt Nam. Theo thống kê năm 2019 của Vụ giáo dục đại học, Việt Nam là nước có người trong độ tuổi 18 - 29 tham gia học đại học thuộc hàng thấp nhất thế giới, với chỉ 28.3%.

Con số này ở Thái Lan và Malaysia lần lượt là 43% và 48%, và tiếp tục tăng khi khảo sát ở các nước phát triển. 

Trong nhóm tham gia học đại học ít ỏi này, chỉ có một thiểu số có đủ nguồn lực để bước chân vào các hệ thống giáo dục tinh hoa, và đi du học.

Câu chuyện của giáo dục nước ta và nhiều quốc gia thu nhập thấp khác vì thế vẫn là câu chuyện của bất bình đẳng xã hội. 

Với số tiền trung bình để hoàn tất chương trình đại học ở phương Tây là 71.580 đô la Mỹ, không có nhiều cơ hội du học dành cho con em thuộc các gia đình thu nhập thấp. Đối với những hộ gia đình nghèo, tiền học của các chương trình đại học công lập trong nước còn khó để cáng đáng. 

Có thể thấy tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục ở các nền kinh tế châu Á mới nổi chưa có xu hướng hạ nhiệt. Có đến 53% số du học sinh toàn cầu đến từ châu lục này, theo báo cáo “Không ngừng vươn cao” của Tập đoàn HSBC.

Nâng cao chất lượng giáo dục và làm nổi bật những ưu thế của đại học trong nước, vì thế là một trong những phương án giúp gia tăng cơ hội vào đại học cho con em của những gia đình không khá giả.

Vậy những ưu điểm của đại học trong nước là gì?

Học phí rẻ hơn nhiều!

Ưu điểm đầu tiên cần được nhắc tới là học phí. Đương nhiên, có sự chênh lệch về học phí giữa các trường công được nhận bao cấp nhà nước như hệ thống Đại học Quốc gia Việt Nam, và các trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Nhưng ngay cả ở các trường tự chủ, học phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với du học. Như vậy, nói không ngoa thì chi phí đào tạo của các trường nhận bao cấp nhà nước là phù hợp đối với đại bộ phận sinh viên Việt Nam.

Nhưng chất lượng thì cũng không hề "rẻ" đâu

Ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới, chất lượng các trường đại học chỉ là tương đối. Có những trường tốt, và có những trường kém hơn.

Sự thật là ngay cả khi chất lượng trường học tệ thì chất lượng của nhiều giảng viên vẫn tốt. Chúng ta cần nhìn nhận công bằng rằng không thể đánh đồng giữa chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục với chất lượng của từng giảng viên.

Không có công thức chung nào cho việc dạy kiến thức và tiếp thu kiến thức. Nếu bạn đủ cam kết với ngành học và sẵn sàng tiếp cận những chuyên gia trong lĩnh vực đó, bạn có thể tìm thấy những người thầy tốt.

Ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới, chất lượng các trường đại học chỉ là tương đối.

Trường đại học trong nước đã trao cho tôi nhiều tri thức.  Ngoài kiến thức trên trường, tôi học từ những trao đổi cá nhân với thầy cô, từ những email trao đổi học liệu và các bài báo học thuật. Tôi cũng học được nhiều từ những dự án nghiên cứu được cùng tham gia.

Với đặc thù của nghiên cứu hàn lâm, tôi cho rằng nhà trường phải là một nơi hào phóng với tri thức. Sự hào phóng này có thể được hiểu theo nghĩa, nhà nghiên cứu được chìm đắm trong thế giới học thuật của riêng họ, thay vì chạy theo những nhu cầu cơm áo gạo tiền của thị trường.

Đối với người ngoài, một số đề tài hoặc ý tưởng nghiên cứu có thể điên rồ và phi thực tiễn, song chúng là những nền tảng lý thuyết quan trọng cho tương lai. Những trường đại học tốt nhận thức được điều này.

Học lý thuyết cũng có thể là một điểm tốt!

Nhiều người phê phán đại học Việt Nam thiên về lý thuyết hơn là thực hành. Đối với tôi, đó lại là một điểm tốt, đặc biệt với khối ngành Xã hội và Nhân văn.

Lý thuyết không có nhiệm vụ mô tả những quy luật tuyệt đối của thế giới. Nó là lăng kính để ta nhìn cuộc đời với nhiều góc độ và màu sắc hơn. Ưu tiên đào tạo về lý thuyết, tức là coi trọng việc giáo dục nên những thế hệ người học biết hoài nghi và cẩn trọng trước khi hành động.

Tôi trân trọng những điểm tốt của giáo dục Việt Nam. Tôi cũng nhận thức được rằng chúng không khoả lấp được những nhược điểm còn tồn đọng.

Phát triển một nền giáo dục tốt hơn trong tương lai vừa có nghĩa là tạo ra những điểm cải tiến mới, vừa có nghĩa là bảo tồn và phát triển những điều chúng ta đã làm tốt trong quá khứ.

Kết

Tóm lại, dù có nhiều hạn chế, đại học Việt Nam vẫn cung cấp cho ta những chất liệu học thuật quý giá để hiểu hơn về chính mình và thế giới quanh ta.

Hơn nữa, nếu như được đánh giá nghiêm túc, chính những trải nghiệm trong nước định hình nên con đường ta sẽ đi sau này, cũng như vị trí của ta trong khung cảnh toàn cầu. Có điều, những nỗ lực tự thân là chưa đủ để hoàn thiện hơn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Vì thế, có thể tôi vẫn sẽ lựa chọn du học ở những bậc học cao hơn. Dẫu vậy, tôi trân trọng và ghi nhận công bằng những trải nghiệm và tri thức mà môi trường trong nước đã trao cho mình.