Những năm gần đây, các khóa đào tạo “tư duy phản biện/phê phán (critical thinking)” được quảng cáo khắp nơi. Kỹ năng phản biện là điểm cộng đáng giá trên các bộ hồ sơ du học và cả trong công việc.
Phản biện là nhu cầu hợp lý của nhiều thế hệ học sinh trong một nền giáo dục dân chủ. “Cô đọc - trò chép” không còn phổ biến ở các trường điểm của thành phố nữa. Người học cần có tiếng nói độc lập về những kiến thức họ được học, cốt để thấu hiểu sâu sắc hơn.
Ngoài ra, sự phản biện trong lớp học cũng là dấu hiệu của sự thay đổi vai trò trong sư phạm: Giáo viên là người dẫn dắt, chứ không phải là kho lưu trữ kiến thức như trước đây.
Lý tưởng về giáo dục tư duy phản biện nghe rất đẹp và đáng để hướng tới. Nhưng trong thực tế, nội hàm của nó dường như đã bị quy giản đi phần nhiều.
Truyền thông nói gì về “tư duy phản biện”?
Nếu bạn thuộc thế hệ Z và quan tâm đến tư duy phản biện, có thể bạn đã quen với những màn tranh luận “nảy lửa” được phát trên TV và viral trên mạng xã hội. Trên truyền thông, thực hành phản biện/phê phán thường được đặt trong văn cảnh của sự ganh đua.
Những màn tranh luận "viral" trên các gameshow truyền thông có mô-típ dạng như: Đội A đưa ra quan điểm ủng hộ một quan điểm nào đó, còn đội B ra sức tung “chưởng” bằng những lập luận phản pháo. Đến cuối cùng, vẫn sẽ phải có bên thắng và bên thua.
Còn trong lòng khán giả, bất kể kết quả chung cuộc như thế nào, họ vẫn sẽ tiếp tục tranh luận phân bua trong nhiều tiếng xem A và B, ai nói sai ai nói đúng. Những “trận đấu” về quan điểm và trí tuệ nóng bỏng đến nỗi đôi lúc sẽ có người phải rơi nước mắt.
Phản biện: Cần nhiều hơn là lập luận chặt chẽ
Khi tôi tham khảo quan điểm của một vài trung tâm đào tạo giáo dục, hầu hết đều khẳng định rằng tư duy phản biện phức tạp hơn những gì truyền thông cho thấy.
Họ cho rằng sự phê phán không phải là cố tình bất đồng với một quan điểm đã có sẵn, và cũng không nhất thiết phải “gay gắt” như thể biểu diễn văn nghệ kèm lập luận.
Điểm tốt ở hầu hết các chương trình giáo dục cách phản biện hiện nay là việc hướng đến các kỹ thuật lập luận tốt. Tiêu chuẩn tốt ở đây được thể hiện qua việc sử dụng câu từ mạch lạc, và có dẫn chứng cụ thể, nói có sách, mách có chứng.
Một người tranh luận tốt vừa phải có khả năng sắp xếp suy tư của mình thành luận điểm, luận cứ lớp lang, vừa phải biết phân tích dữ liệu để đưa ra chứng cứ bảo vệ cho luận điểm của mình.
Nhưng triết lý đằng sau tư duy phản biện vẫn khá mập mờ theo những gì các khóa học chỉ ra. Nếu mục tiêu tột cùng của sự phản biện là trau dồi khả năng thuyết phục người khác, phải chăng chúng ta sẽ lậm vào những tranh luận về cách sử dụng ngôn ngữ?
Nếu phản biện và phê phán để tìm ra và thấu hiểu điều đúng đắn và điều sai lầm, thì nó cần nhiều hơn một vài lập luận chặt chẽ.
Phản biện không chỉ là câu chuyện đúng-sai
Cùng mang chữ “critical”, song Lý thuyết phê phán (Critical theory) chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận tư duy phê phán/phản biện. Nhưng đây là hệ thống lý thuyết đưa ra câu trả lời toàn diện nhất cho câu hỏi “phê phán để làm gì?”
Câu hỏi trọng tâm mà Lý thuyết phê phán đi tìm lời giải đáp không phải “Lập luận nào là đúng, lập luận nào là sai?”, mà là:
“Suy nghĩ của chúng ta đang bị chi phối bởi những điều gì?”
Lý thuyết phê phán được xây dựng vào những năm 1930 ở Đức bởi các thiên tài triết học thuộc Trường phái Frankfurt (Frankfurt School) như Theodor Adorno, Max Horkheimer và Herbert Marcuse. Họ quan tâm đến cách hoàn cảnh xã hội kiểm soát tư duy của con người.
Các triết gia nhận thức được những vấn đề chủ nghĩa tư bản tạo ra cho xã hội như tình trạng bóc lột và tiêu thụ không có hồi kết. Họ phê phán cách chủ nghĩa tư bản chi phối suy nghĩ và quan điểm của con người, khiến chúng ta mắc kẹt trong guồng xoay sản xuất - tiêu thụ.
Giả dụ, một mặt, ta thừa nhận rằng người lao động trong xã hội tự bản đang bị bóc lột một cách tồi tệ. Mặt khác, nhờ sự bóc lột đó, người tiêu dùng chúng ta mới có cơ hội sở hữu hàng hoá giá rẻ và có nhiều lựa chọn trong việc tiêu thụ.
Vì lợi ích sâu xa này, ta sẽ không nghĩ tới việc thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một loại hình xã hội khác, dù đó mới là cách triệt để nhất để xoá bỏ sự bóc lột.
Suy tư theo kiểu Lý thuyết phê phán yêu cầu chúng ta phải tư duy về mối liên hệ giữa văn cảnh xã hội và quan điểm ta cần phải tranh luận về. Nhiệm vụ của tư duy phản biện không phải ủng hộ hoặc bác bỏ một quan điểm có sẵn.
Thay vào đó, người tranh luận tìm ra những nguồn cơn có tính hoàn cảnh xã hội, khiến quan điểm đó được ủng hộ hoặc bị phản đối bởi phần đông xã hội.
Sự phê phán lúc này nhắm vào những đối tượng có tính chất tổng thể và tầm ảnh hưởng lớn như “hệ thống xã hội”, “nền kinh tế” hoặc “ý thức hệ”.
Ứng dụng Lý thuyết phê phán vào giáo dục
Nhà triết học giáo dục người Brazil Paulo Freire là người tiên phong đưa lý thuyết phê phán vào môi trường sư phạm. Với cuốn sách vô cùng ảnh hưởng mang tên Sư phạm cho những người bị áp chế, ông thành lập trường phái Sư phạm phê phán (Critical Pedagogy). Trường phái này cổ vũ tinh thần chiến đấu của học sinh trong nhà trường.
Với Paulo Freire, kiến thức được giảng dạy không bao giờ trung lập và khách quan. Chúng được tạo ra để phục vụ lợi ích tư tưởng của một thiểu số quyền lực bên trong xã hội. Tư duy phê phán phải giúp người học trò nhận ra và phản kháng cường quyền bên trong xã hội.
Freire sẽ không đồng ý với cách tiếp cận “A đúng, B sai” trong giáo dục tư duy phản biện. Để đưa ra một lời đánh giá nhanh chóng và vội vã như vậy, người học trò sẽ phải dựa vào những luận điểm và dữ liệu có sẵn được cung cấp từ phía người dạy hoặc truyền thông, ngay cả khi chưa có cơ hội được suy nghĩ sâu về chúng.
Ông gọi lối dạy tư duy phản biện đó là “giáo dục nhà băng (banking education)”. Trong lối giáo dục này, kiến thức được đối xử giống như tiền. Nếu tiền có thể được chuyển từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác, thì kiến thức cũng có thể được “bắn” từ đầu người này sang đầu người khác. Việc học dễ dàng trở thành nhồi nhét quan điểm và định kiến vào đầu trẻ con.
Giáo dục tư duy phản biện kiểu này không hướng đến sự tự do, đặc biệt là khi tư duy của người học dễ dàng bị thao túng bởi người dạy. Kể cả khi đứa trẻ lên lớp biết cãi thầy cô nhem nhẻm, thì chúng cũng phải được dạy thái độ này từ đâu đó khác.
Trong Sư phạm phê phán, Freire dạy học sinh nhìn bao quát cả một bối cảnh xã hội, và nhận ra cách suy nghĩ của mình bị ảnh hưởng bởi bối cảnh đó như thế nào. Tư duy phản biện vì vậy cần có tính bao quát và hệ thống.
Cần những hành trang gì để bắt đầu với tư duy phản biện?
Tự hỏi vì sao mình suy nghĩ như vậy
Đầu tiên, hãy biết tự phê phán chính mình. Nếu như đã có sẵn niềm tin rằng làm điều A là tốt đẹp, làm điều B là xấu xa, bạn hãy lục lại trong ký ức xem mình đã được dạy về những điều này trước đây như thế nào.
Rất có thể, niềm tin và quan điểm của cả bạn và tôi đều đã được xác lập từ những định kiến xã hội từ khi còn rất bé.
Giữ khoảng cách với những gì mình biết
Khi đã có tinh thần phê phán với chính mình, hãy biết giữ khoảng cách với những kinh nghiệm và tri thức sẵn có trong đầu chính mình. Điều này giúp bạn và tôi không thể đưa ra những đánh giá đúng/sai quá vội vã và dễ dãi.
Tư duy phản biện không nhất thiết phải đi kèm với tốc độ. Hơn hết, nó yêu cầu bạn và tôi phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, trải nghiệm và nghiên cứu vấn đề nghiêm túc.
Cẩn trọng với sự gay gắt
Có tinh thần phản biện không đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải gay gắt. Sau khi nghiên cứu để nhận ra bối cảnh xã hội bao trùm lấy mình, hãy nhớ rằng bên ngoài bối cảnh đó còn rất nhiều người có quan điểm, lối sống và niềm tin khác mình.
Ta cần chấp nhận nền tảng của sự đa dạng trước khi phản biện và phê phán. Điều đó cần rất nhiều lòng khoan dung và thấu hiểu đối với những người khác ta.