Đáng Tiền: 150 triệu "bán tải" niềm vui | Vietcetera
Billboard banner

Đáng Tiền: 150 triệu "bán tải" niềm vui

Tôi đặt cọc tiền, làm hợp đồng, nhờ bạn đi "bốc" biển số xong xuôi rồi mới đưa ô tô về "ra mắt" bố mẹ.
Đáng Tiền: 150 triệu "bán tải" niềm vui

Nguồn: Ngân Giang

Sau mấy năm du học tại Nga, tôi tiết kiệm được một khoản tiền kha khá từ học bổng và đi làm thêm. Trở về Việt nam (2016), tôi nuôi ý định tiếp tục đi du học. Tôi đã xin học bổng một trường ở Canada nhưng đến phút cuối phải hoãn lại. Chuyện đã lỡ thì tôi cho dở luôn: quyết định ở lại Việt Nam và chuyển vào TP HCM làm việc.

Trước khi “bỏ nhà” đi lần nữa, tôi quyết định tặng cho bố mẹ một món quà. Tôi lấy hết số tiền tiết kiệm 150 triệu đi mua ô tô. Tôi đặt cọc tiền, làm hợp đồng, nhờ bạn đi "bốc" biển số xong xuôi rồi mới đưa xe về "ra mắt" phụ huynh.

Tất nhiên, bố mẹ tôi không vui như lần tôi mua máy giặt hay thay điều hòa mới cho gia đình trước đó. “Bài ca” của bố mẹ tôi là, có xe máy đủ rồi; máy giặt cũ còn chưa hỏng; điều hòa sửa lại vẫn sử dụng tốt...

Nhưng tôi quyết định mua ô tô cho bố mẹ là có lý do. Thứ nhất, họ có một phương tiện tránh mưa tránh nắng khi đi lại. Và thứ 2, bố mẹ tôi đều thích đi phượt. Nghĩ đến cảnh phụ huynh vi vu trên các cung đường phượt bằng ô tô khiến tôi yên tâm phần nào đó.

Những khoản chi tiêu cho gia đình lúc nào tôi cũng thấy rất đáng tiền. Với một người thường xuyên “bỏ nhà” đi, đó là một kiểu chi phí để khuây khỏa khi tôi ở xa, không được bên cạnh chăm sóc cho bố mẹ, gia đình.

Tôi chỉ có 150 triệu trong tay nhưng tổng giá trị chiếc xe bán tải lại lên đến 700 triệu. Mua ô tô trả góp cho bố mẹ xong tôi ôm một… cục nợ.

Sau đó, tôi sống dưới áp lực “con nợ”. Ngày vào TP HCM làm việc, tôi chỉ có trong tay 10 triệu đồng. 5 triệu thuê nhà và 5 triệu để chi tiêu trước khi có tháng lương tiếp theo.

Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền trả nợ. Tôi “cày cuốc” việc ở tòa soạn, làm thêm các việc bên ngoài, cân đối thu chi để không rơi vào “bẫy” kiệt quệ thu nhập.

Tôi chấp nhận ở ngôi nhà nhỏ hơn, chi tiêu ít đi và làm nhiều nhất có thể. Tôi cũng tham gia các khóa học ngắn hạn về tài chính cá nhân bên cạnh các khóa học chuyên ngành để có cách quản lý chi tiêu và cuộc sống tốt hơn.

Sau 5 năm, tôi vẫn tiếp tục sống dưới áp lực trả nợ. Sau khi hoàn thành trả góp mua ô tô cho bố mẹ, tôi tiếp tục mua trả góp căn nhà đầu tiên của mình ở TP HCM. Nhờ chủ động “nợ”, tôi học được thêm nhiều điều về kiến thức tài chính, và có động lực hơn để kiếm tiền.

Điều vui nhất sau tất cả, tôi nhận thấy sự tin tưởng và vui vẻ ở bố mẹ. Mỗi tháng tôi đều đặn gửi tiền cho bố với lời nhắn, “Bố lấy tiền này mua xăng nhé.” Và mỗi dịp tết về nhà, cảm giác cùng gia đình ngồi trên chiếc xe ô tô du xuân thật tuyệt vời.

“Chiếc xe này con gái lớn của tôi mua đấy!”, chỉ cần nghe bố mẹ khoe với mọi người như vậy, tôi đã thấy vui lắm rồi.

(Câu chuyện của Ngân Giang, hiện sinh sống và làm việc tại TP HCM.)