1. Chuyện gì đang xảy ra?
Có thể bạn đã biết rằng, phim Mai của Trấn Thành là bộ phim điện ảnh Việt cán mốc 100 tỷ đồng doanh thu nhanh nhất. Nhưng cùng thời điểm đó, một dấu mốc điện ảnh nội địa khác cũng hình thành: Đào, Phở, và Piano - bộ phim do nhà nước đặt hàng và tài trợ toàn phần có mức doanh thu vượt 1 tỷ đồng.
Hiện nay, sức hút của phim là rất lớn với khán giả mà đặc biệt là giới trẻ. Đối với một bộ phim lịch sử về chiến tranh do nhà nước đặt hàng, đây là một hiện tượng chưa từng thấy. Vì thế, có lẽ sẽ là không quá nếu ta gọi Đào, Phở, và Piano là trường hợp cá biệt trong số những dự án điện ảnh chính phủ tài trợ.
2. Chuyện gì sẽ xảy ra với phim nếu không được khán giả “phát hiện?”
Có lẽ Đào, Phở, và Piano là sản phẩm điện ảnh duy nhất ra rạp rồi mới có trailer. Trước đó, khi các thông tin công bố sản xuất dự án, hay là các thông tin công chiếu xuất hiện, gần như không ai quan tâm. Phim chỉ trở thành trào lưu khi một số ít khán giả đi xem phim và review, kêu gọi trên các mạng xã hội như Facebook hay TikTok.
Đó là bước ngoặt lớn với một bộ phim nhà nước, bởi nếu không có sự phát hiện và truyền miệng của khán giả, thì Đào, Phở, và Piano sẽ có cái kết giống phần lớn các sản phẩm điện ảnh đặt hàng khác: chiếu lay lắt tại một số sự kiện miễn phí hay các liên hoan phim trong nước, ngắc ngoải tại rạp trong vài ngày, rồi phủ bụi trong những kho lưu trữ.
3. Tại sao gọi Đào, Phở, và Piano là trường hợp cá biệt?
Ngay từ đầu, sự ra đời và phát triển của điện ảnh Việt Nam trong chiến tranh phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ đạo, hướng dẫn, và hỗ trợ của các đơn vị nhà nước. Trong một thời gian dài, dòng phim chiến tranh là nguồn cảm hứng chủ đạo của điện ảnh Việt, sản sinh ra nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và cả ngoài nước.
Nhưng từ những năm 2000 cho tới nay, trước những tiến bộ về kỹ xảo, công nghệ làm phim cùng sự mở rộng của thị trường điện ảnh và văn hóa đại chúng, các phim chiến tranh do nhà nước đặt hàng bắt đầu hụt hơi và cho thấy những lối mòn trong thủ pháp điện ảnh, lẫn những bất cập trong quá trình tiếp cận và sử dụng nguồn vốn của chính phủ.
Vì vậy, những bộ phim như Đào, Phở, và Piano trong quá khứ phải chịu lép vế trước những sản phẩm điện ảnh tư nhân hoặc quốc tế. Có những phim nhận được nhiều lời khen khi ra mắt tại liên hoan phim trong nước, nhưng tới khi ra rạp lại ế ẩm. Có phim thậm chí không thể ra rạp do các vấn đề về kinh phí.
Thế nên chỉ riêng việc được ra rạp và có một lượng người xem ổn định đã là một… chuyện lạ đối với một tác phẩm như Đào, Phở, và Piano. Nếu như không tính Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - dự án điện ảnh đầu tiên có sự kết hợp giữa đơn vị tư nhân và nhà nước, thì Đào, Phở, và Piano có lẽ là bộ phim đặt hàng duy nhất có doanh thu vượt 1 tỷ đồng trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.
4. Tại sao Cục Điện ảnh phải vận động để chiếu phim toàn quốc?
Khi mới ra rạp, phim chỉ chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ở Hà Nội với số lượng suất chiếu rất hạn chế. Trước sự quan tâm ngày càng lớn của khán giả, số suất chiếu tăng, một số cụm rạp khác đồng ý phát hành phim. Nhu cầu và sức ảnh hưởng của phim lớn tới mức Cục Điện ảnh đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch về việc chiếu phim trên toàn quốc.
Tại sao Cục Điện ảnh phải đề xuất? Tại sao đoàn làm phim không thể làm việc trực tiếp với các cụm rạp để ra phương án phát hành phim trên toàn quốc?
Nguyên nhân là bởi Đào, Phở, và Piano hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Con số 20 tỷ VND tài trợ mà ta thấy trên truyền thông trong những ngày qua chỉ có thể sử dụng vào mục đích làm phim, chứ không thể dùng để quảng bá phim - kể cả khi làm phim xong vẫn còn tiền.
Mặt khác, việc phối hợp với các nhà phát hành, các cụm rạp không phải là chuyện đơn giản, bởi những đơn vị kinh doanh này luôn phải tính bài toán kinh tế. Điều đó có nghĩa là đoàn làm phim sẽ phải chia phần trăm doanh thu với các nhà phát hành.
Tuy nhiên, theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện nay không có quy định chiết khấu tỉ lệ phần trăm cho các rạp chiếu phim do nhà nước đặt hàng. Đây có lẽ là lí do khác đằng sau việc hai cụm rạp là Beta và Cinestar đồng ý chiếu phi lợi nhuận phim Đào, Phở, và Piano bằng cách gửi toàn bộ doanh thu về cho nhà nước.
5. Ta nhận thấy điều gì từ lời đề xuất của Cục Điện ảnh?
Điều đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, và cũng là vấn đề xưa cũ của phim nhà nước: không có kinh phí quảng bá, không có kế hoạch phát hành, và còn thiếu cả cơ chế, quy định để điện ảnh do chính phủ đặt hàng ra rạp thuận lợi. Sở dĩ nói đây là vấn đề cũ bởi vì, gần như năm nào cũng có những bộ phim nhà nước được giới chuyên môn đánh giá tốt, nhiều lời khen, nhưng đìu hiu tại rạp.
Một ví dụ là bộ phim Những người viết huyền thoại (2013) của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Sau khi xem công chiếu, cây viết Lê Hồng Lâm đã khẳng định: “Đó là một bộ phim xứng đáng để chiếu rạp, xứng đáng để nhiều khán giả đến xem, để họ ra về, thấy ngạc nhiên là xem phim Việt mà sao lòng xúc động.”
Với chất lượng như vậy, giới điện ảnh đã nghĩ rằng phim sẽ gây sự chú ý và có doanh thu, hoặc ít nhất là hòa vốn. Thế nhưng, dù đã giảm sâu giá vé tới một nửa, thì khán giả đi xem phim vẫn có cảm giác mình đã… “bao” cả rạp vì quá vắng vẻ.
Điều thứ hai, lời kêu gọi của Cục Điện ảnh cho thấy rằng chủ đề chiến tranh và những đề tài về văn hóa sống thời chiến, quá trình chiến đấu, tình yêu quê hương xứ sở lồng ghép với tình yêu đôi lứa vẫn là những mảng nội dung thu hút khán giả - bất chấp việc đây là những nội dung quen thuộc tới mức dễ thành khuôn sáo.
Khi khán giả ra rạp, nhất là những người trẻ, họ có cơ hội nhìn vào một giai đoạn của quá khứ qua ô cửa sổ là chiếc màn hình. Họ đồng cảm với câu chuyện của những người Hà Nội trong kháng chiến, và thấy đồng cảm với chính tình yêu xứ sở, yêu văn hóa quê hương trong mình.
Đó có lẽ là yếu tố lớn nhất đã và đang kéo khán giả ra rạp và tán dương bộ phim, dù cho tác phẩm chưa hoàn hảo về nhiều mặt.