Đi làm mà cứ bị hỏi tuổi thì phải làm sao? | Vietcetera
Billboard banner

Đi làm mà cứ bị hỏi tuổi thì phải làm sao?

Một vài gợi ý hay cho bạn khi chưa biết phải trả lời câu "Bao nhiêu tuổi đấy" khi đi làm.
Đi làm mà cứ bị hỏi tuổi thì phải làm sao?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Với văn hóa Á Đông có chia thứ bậc như Việt Nam, hỏi tuổi là chuyện hết sức bình thường. Đây là cách đơn giản nhất để tìm được lối xưng hô phù hợp khi hai người lần đầu gặp gỡ.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở môi trường công sở, việc này đôi khi bị biến thành công cụ xác định quyền lực ngầm giữa hai bên. Nhiều bạn chia sẻ với Vietcetera: “Mình rất sợ bị hỏi tuổi khi đi làm, vì lỡ mà người kia biết mình nhỏ hơn, thì xác định luôn sẽ bị đánh giá thấp năng lực!”. Office Gossip Đi lagravem magrave cứ bị hỏi tuổi thigrave phải lagravem sao0 Nếu chẳng may rơi vào tình huống này, Vietcetera xin gợi ý một số cách đối đáp sau bạn có thể mượn tạm lúc cần kíp.

1. “Đoán xem mình bao nhiêu tuổi?”

“Câu này mình áp dụng thường xuyên nhất và cũng hữu hiệu nhất. Thông thường nghe mình đáp thế ai cũng hiểu là mình không thoải mái và sẽ lịch sự chuyển chủ đề.

Tuy nhiên, nếu đối phương vẫn ngoan cố hỏi tới thì cứ trả lời nước đôi rồi kết lại gọn lỏn: Thôi biết để làm chi, cứ giữ bí mật thế cho nó thú vị!.

Cách này mình chỉ dùng trong những mối quan hệ đồng nghiệp ngang hàng hoặc trong những hoàn cảnh thoải mái như giờ ăn trưa hay team building mà thôi. Và mình cũng sẽ dễ thương hết mức có thể khi đối đáp với họ.” - Huyền Phạm, 35 tuổi.

2. “Em mười tám tuổi!”

“Đẹp trai không bằng chai mặt! Đối phương càng ngoan cố, mình càng kiên định. Dù có biết mình đang xạo, họ cũng chẳng thể làm gì.

Sau một thôi một hồi không khai thác được nữa, người ta cũng sẽ thấy nản mà bỏ cuộc.

Mình hay dùng cách này khi biết rõ người kia có ý đồ xấu. Nhưng dĩ nhiên sẽ tỏ ra hóm hỉnh một chút, như kiểu cậu em trai vui tính ấy, để không tạo hiềm khích với đối phương.” - Minh Trần, 27 tuổi.

3. “Định giới thiệu em với ai à?”

“36 Kế, tẩu vi thượng sách! Nếu bạn không trả lời được, cũng không muốn trả lời thì cứ nhằm hướng khác mà chạy. Bẻ lái thật gấp để chuyển trọng tâm khỏi mình.

Chẳng mấy chốc đối phương sẽ thấy mình mới là người trả lời, còn bạn thì đã chuyển sang làm công chuyện khác từ đời nào mất rồi.

Câu này sẽ phù hợp để dùng với nhiều chị em thích buôn chuyện trong phòng. Mình vừa tránh khỏi làm mất lòng họ vì không trả lời, lại vừa mớm được chủ đề thú vị để cả hội cùng thảo luận, tiện cả đôi đường còn gì!” - Nga Phạm, 30 tuổi.

4. “Mình cộng thêm 2-3 năm vào tuổi thật!”

“Chiêu này thật ra mình chỉ dùng cho những mối quan hệ gặp một lần rồi thôi, vì lâu dài thế nào cũng bị phát hiện.

Mình sẽ dò thử thái độ người kia trước, nếu cảm thấy có khả năng bị đánh giá do độ tuổi khiêm tốn hơn so với chức vụ, mình mới tăng tuổi thêm một tí.

Lúc thử cách này, mình cứ hay bị sợ ấy! Sợ người ta phát hiện khi trò chuyện với ai có biết mình hay tình cờ nhìn thấy ngày tháng năm sinh của mình trên Facebook. Nên mình ẩn hết thông tin cá nhân, từ Facebook đến LinkedIn. Nhiều lúc cảm giác như đang trốn nợ vậy.

Vì thế hãy nhớ là chỉ nên dùng cách này trong một cộng đồng lạ và không có liên hệ gì tới các mối quan hệ công việc quan trọng thôi nhé!” - Minh Ngọc, 23 tuổi.

5. “Mình tự xưng là anh/chị trước luôn!”

“Kế này mình được mấy anh chị làm quan hệ khách hàng bày đấy. Nhưng chỉ dùng khi đã nghe trước tiếng xấu của đối phương và chắc chắn họ lớn tuổi hơn mình thôi.

Vừa gặp đã bị gọi là em thì đố ai mà dám hỏi lại tuổi tác của “anh chị”? Có hỏi thì mình vẫn có thể dùng quyền lực bề trên mà đàn áp thôi. Sau này có lỡ bị lộ thì mình: “Ồ thế hả?” rồi xí xóa, cũng chẳng có hậu quả gì.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là chỉ áp dụng được khi đôi bên không gặp mặt trực tiếp hoặc bạn có vẻ đẹp của người “đứng tuổi” thôi nhé.” - Thảo Trần, 26 tuổi.

6. “Mình cứ đáp tuổi thật thôi”

“Thật ra trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, chẳng ai đánh giá bạn về tuổi tác cả. Đặc biệt nếu đối phương là người từng trải và hiểu biết, họ sẽ không quan tâm gì khác ngoài năng lực của bạn.

Mình luôn trả lời thẳng thắn khi người kia chân thành hỏi tuổi để tiện xưng hô khi giao tiếp. Sau đó, mình cũng không cảm nhận bị họ đánh giá thấp hay gì cả.

Mình nghĩ một mối quan hệ công việc được xây dựng trên sự thật và tôn trọng lẫn nhau sẽ bền vững hơn nhiều.” - Long Nguyễn, 26 tuổi.