"Đĩa than hàn gắn sự đứt đoạn của nhạc Việt." | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 06, 2021
Sáng TạoÂm Nhạc

"Đĩa than hàn gắn sự đứt đoạn của nhạc Việt."

Cùng với Vũ, Dũng và Huy, Minh đã lập nên Vọc Records, với mong muốn lan truyền thứ văn hóa tưởng như đã bị lãng quên một cách bài bản và quy củ nhất.

"Đĩa than hàn gắn sự đứt đoạn của nhạc Việt."

Minh cùng Dũng và Vũ - 2 người bạn đồng sáng lập ra Vọc Records | Nguồn: Vọc Records

Năm 2017, Minh quyết định bỏ học ở Nhật Bản để về Việt Nam, theo học ngành truyền thông. Bên cạnh đó, mình hỗ trợ bố trong việc kinh doanh với cửa hàng đĩa than. Với tâm lý của một người trẻ, Minh vướng phải rào cản khoảng cách thế hệ khi kinh doanh cùng bố.

Minh quyết định rủ ba người bạn là Huy, Dũng và Vũ tự mở một thương hiệu riêng để có thể toàn quyền kiểm soát, vận hành và dĩ nhiên vẫn hỗ trợ được cho gia đình. Vọc Records ra đời với khát khao mở rộng, lan truyền thứ văn hóa tưởng như đã bị lãng quên một cách bài bản và quy củ nhất có thể đến giới trẻ Việt Nam. 

Ai là người truyền cảm hứng cho niềm đam mê đĩa than của Minh?

Không ai khác chính là bố (Trần Hải Đăng) và bác mình (Trần Đại Dương). Bố mình theo học nhạc từ khi 14 tuổi, sau theo nghiệp kỹ sư âm thanh, giờ là Phó Viện trưởng Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia. Năm 2010, bố và bác mình mở cửa hàng Hà Nội Đĩa Than, trở thành tụ điểm quen thuộc của giới chơi đĩa than Hà Thành. 

Ông Trần Hải Đăng | Nguồn: Vọc Records
Ông Trần Hải Đăng | Nguồn: Vọc Records

Ở thời điểm đó, Hà Nội có rất ít cửa hàng. Với bố và bác mình, Hà Nội Đĩa Than không câu nệ việc buôn bán mà chỉ muốn là điểm hẹn để mọi người chung đam mê đến đàm đạo.

Vọc "hàn gắn" sự đứt đoạn của âm nhạc bằng cách nào?

Vì có cơ hội tiếp xúc âm nhạc nhiều nên mình nhận thấy sự đứt đoạn trong cách thưởng thức âm nhạc của nhiều thế hệ Việt Nam. Những năm 1960 đến 1980 được coi là kỷ nguyên vàng của âm nhạc quốc tế nhưng lại khá mờ nhạt tại Việt Nam, có lẽ một phần vì chiến tranh.

Không chỉ thế, ngay cả âm nhạc trong nước vì nhiều lý do cũng không được phổ biến rộng rãi, khiến cho giới trẻ hiện tại hầu như lãng quên, hoặc muốn tìm lại âm nhạc xưa thì rất khó. Thật may mắn là những giai điệu ấy vẫn còn tồn tại trên nền tảng đĩa than, nên mình coi việc truyền tải văn hóa đĩa than cũng chính là một cách để hàn gắn sự đứt đoạn này. 

Những giai điệu Việt Nam xưa trên đĩa than | Nguồn ảnh: Vọc Records
Những giai điệu Việt Nam xưa trên đĩa than | Nguồn ảnh: Vọc Records

Hơn nữa, mặc dù cũng có một số người có điều kiện tiếp xúc và chia sẻ những giai điệu hiếm trên mạng, nhưng hầu như thiếu sự dẫn dắt và điều hướng nên người nghe thường không thưởng thức được trọn vẹn bài hát. Mặt khác, những nền tảng trực tuyến mặc dù tự động và dễ sử dụng nhưng lại bị áp đặt quá nhiều thuật toán, khiến cho hành trình khám phá không được tự nhiên. Vọc muốn là người đứng ở giữa, tuyển chọn kỹ lưỡng và dẫn dắt một cách tự nhiên nhất, để người nghe có được trải nghiệm lắng nghe tốt nhất với đĩa than.

Những khó khăn ban đầu khi mới thành lập hãng đĩa?

Khi bắt tay vào làm, mình mới nhận ra là những loại nhạc mà mình thích và muốn "bán" hầu như không có sự hiện diện trong tâm trí của khách hàng Việt Nam bấy giờ, hoặc có thì bộ phận đó rất ít. Cho nên cách duy nhất để có thể bán được một album lạ là làm công việc của một record label tốt. Tức là quảng bá cho âm nhạc ở trong đó theo cách hấp dẫn nhất, đồng thời phải chia sẻ cho những người mới tiếp cận về văn hóa đĩa than.

Sự kiện Hanoi Records Day | Nguồn: Vọc Records
Sự kiện Hanoi Records Day | Nguồn: Vọc Records

Trước Vọc, mình nhận thấy các hội đĩa than ở Việt Nam hầu như sinh hoạt theo kiểu khép kín và người chơi có tuổi đời cao, cho nên rào cản với người mới là rất lớn nếu như thiếu sự hướng dẫn. Vì thế nỗi trăn trở của Vọc nhằm xoá tan rào cản này để lan truyền, khuyến khích người trẻ có đam mê dám dấn thân vào bộ môn này.

Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của mọi người rằng đĩa than là thứ xa xỉ chỉ dành cho người có tiền?

Sở dĩ có sự so sánh đắt rẻ trong âm nhạc là vì mọi người nghĩ đến giá tiền bỏ ra để có thể nghe nhạc. Hiện tại, hình thức nghe nhạc phổ biến nhất không thể bàn cãi là nhạc streaming (tạm dịch: nghe nhạc trực tuyến). Rõ ràng về giá cả, không gì có thể rẻ như streaming, nhưng thứ mà mọi người hay nhầm lẫn là trải nghiệm nghe nhạc đem lại. Cùng đầu ra là âm nhạc, nhưng trải nghiệm đến từ hình thức đĩa than khác hẳn so với nhạc số.

Đĩa than Khánh Ly thu âm tại Nhật của hãng Denon, phát hành năm ‘79 |  Nguồn: Vọc Records
Đĩa than Khánh Ly thu âm tại Nhật của hãng Denon, phát hành năm ‘79 |  Nguồn: Vọc Records

Không chỉ có vậy, dù đã có từ lâu nhưng đĩa than lại là thú chơi có phần khép kín nên hay bị dính rất nhiều định kiến sai. Một trong số đó là chơi đĩa tốn rất nhiều tiền. Đĩa than cũng giống như bất kì thú chơi nào khác, ở mỗi điều kiện tài chính lại chơi một kiểu khác nhau.

Ở Vọc, bọn mình quan niệm là bán trải nghiệm âm nhạc chứ không phải bán đĩa than, không câu nệ việc phải chi quá nhiều tiền cho những thiết bị đắt đỏ mà vẫn có thể thưởng thức giai điệu một cách trọn vẹn nhất.

Vậy nên nghe nhạc theo "phương thức" nào thì hơn?

Mình chọn cả hai chứ không thiên vị bất cứ phe nào.

Nghe nhạc trên đĩa than tức là đang thực sự sở hữu âm nhạc trong đó. Đĩa than một thực thể có thể cầm nắm và tương tác cùng, nên sẽ có giá trị thể hiện qua mặt vật chất hơn. Nghe nhạc ở đĩa than cho mình cơ hội khám phá âm nhạc một cách thuần túy nhất, vì có những thứ như poster, lyrics book hay postcard hiếm đi kèm chỉ đĩa than mới có.

Sự tự do trong khám phá đĩa than | Nguồn: Vọc Records
Sự tự do trong khám phá đĩa than | Nguồn: Vọc Records

Trong khi ấy, nghe nhạc trên các nền tảng trực tuyến thì giống như việc đi "thuê" âm nhạc, "cửa hàng cho thuê" thì sẽ gợi ý bạn album mới nhờ thuật toán. Đây cũng là nguồn để tham khảo âm nhạc rất tiện khi người nghe muốn tiến tới việc mua đĩa than.

Mô hình Record Shop ở Việt Nam có nhiều không?

Mô hình Record Shop (tạm dịch: cửa hàng đĩa) ở Việt Nam hiện nay đã phổ biến hơn rất nhiều từ thời của bố mình. Tuy nhiên thì mình nghĩ những mô hình này sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều trong vòng 5 năm tới, cho đến khi đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Khi ấy mình tin là thú chơi đĩa than sẽ được phổ biến và mang nhiều chất riêng của người Việt mình hơn, không còn bị nhìn nhận là thú chơi sính ngoại nữa.

Người chơi đĩa than ở Việt Nam không hề hiếm | Nguồn: Vọc Records
Người chơi đĩa than ở Việt Nam không hề hiếm | Nguồn: Vọc Records

Điều thú vị trong lúc làm Vọc Records là gì?

Mọi người nhìn từ ngoài vào sẽ thấy bọn mình là những người trẻ bán mặt hàng hơi "già". Nhưng đứng từ phía Vọc nhìn ra thì mình thấy tất cả mọi người đủ các độ tuổi, tầng lớp đến tìm kiếm và say mê những chiếc đĩa phát ra nhạc.

Tiếp đến là mình đã có cơ hội "vọc" qua rất nhiều những chiếc đĩa mang thể loại nhạc độc và lạ để sàng lọc trước khi đưa ra cửa hàng bày bán. Nhiều người chỉ nghe nhạc trong lúc rảnh còn mình thì "buộc" phải nghe nhạc thì mới làm việc được.

Âm nhạc Việt Nam trên nền tảng đĩa than | Nguồn: Vọc Records
Âm nhạc Việt Nam trên nền tảng đĩa than | Nguồn: Vọc Records

Với Vọc, mình cùng Vũ, Dũng và Huy đều là những người có niềm đam mê âm nhạc lớn và muốn chia sẻ những giai điệu này đến mọi người. Nếu mình không "nhân" tình yêu này để lan tỏa văn hóa đĩa than thì còn chờ ai làm nữa?

Còn Hanoi Records Day?

Hanoi Records Day là một sự kiện chia sẻ âm nhạc miễn phí, điều đặc biệt là 100% âm nhạc trong sự kiện đều được phát ra từ đĩa than. Sự kiện này xuất phát từ một ý tưởng rất đơn giản: hành trình khám phá.

Đầu tiên là khám phá về nghi thức thưởng thức âm nhạc từ rất lâu nhưng khá xa lạ với đa số người Việt Nam. Mình từng sang Nhật và chứng kiến cộng đồng chơi đĩa than rất sôi nổi ở bên đó, nên cảm thấy khá chạnh lòng khi thấy ở Việt Nam người chơi đã ít, mà còn khép kín chứ không có tính chia sẻ cao.

Giới trẻ hưởng ứng ngày hội đĩa than đầu tiên tại Hà Nội | Nguồn: Vọc Records
Giới trẻ hưởng ứng ngày hội đĩa than đầu tiên tại Hà Nội | Nguồn: Vọc Records

Những người mới bắt đầu sẽ rất khó để tìm hiểu và giữ lửa đam mê lâu dài. Vì thế mình muốn tạo một sân chơi mà tất cả mọi người có thể tham gia trải nghiệm cái hay ho, phức tạp của đĩa than. Mình không mong ai đến nghe thử cũng phải mua đĩa của Vọc, chỉ cần nhìn thấy sự vui thích của các bạn trong lúc nghe là đạt được phần nào mục đích rồi.

Thứ hai là khám phá về thế giới âm nhạc ở kỷ nguyên vàng của nó. Ngay cả những giai điệu của chính người Việt mình cũng có khoảng cách với thế hệ trẻ. Mình muốn hàn gắn sự đứt đoạn đó và Hanoi Records Day là dịp không thể tuyệt vời hơn để tái khám phá lại những thứ âm nhạc này một cách chủ động nhất. Người nghe có được sự tự do tìm kiếm và thử nghiệm chứ không có máy móc hay thuật toán nào can thiệp cả.

Là nghệ sĩ, tại sao không tìm cảm hứng cho mình trên định dạng đĩa than? | Nguồn: Vọc Records
Là nghệ sĩ, tại sao không tìm cảm hứng cho mình trên định dạng đĩa than? | Nguồn: Vọc Records

Sau cùng, mình muốn Hanoi Records Day như một nơi cung cấp cho những bạn producer (tạm dịch: nhà sản xuất âm nhạc) có cơ hội tìm kiếm được giai điệu mà họ chưa bao giờ nghe, rộng hơn là tìm được cảm hứng. 

Trong Hip-Hop có một kỹ thuật gọi là sampling. Và những người sampling giỏi nhất đều có một thói quen chung, đó là chuyên đi "đào bới" đĩa than lạ rồi đem về tự biến tấu, sample lại thành nhạc của mình. Nổi tiếng nhất có thể kể tới Nujabes hay J Dilla. Việt Nam cũng đã có nghệ sĩ sử dụng đĩa than cho các tác phẩm của họ. 

Hiện tại Vọc Records hoạt động như thế nào? 

Vọc vẫn hoạt động với tư cách là một cửa hàng đĩa than và phần nào đó là record label, bởi vì công việc chính của Vọc hiện tại là giới thiệu về những nghệ sĩ, album đang có. Hy vọng trong tương lai gần mình có thể đưa Vọc trở thành một record label chuyên nghiệp.

Vọc quan niệm bán trải nghiệm âm nhạc chứ không phải định dạng | Nguồn: Vọc Records
Vọc quan niệm bán trải nghiệm âm nhạc chứ không phải định dạng | Nguồn: Vọc Records

Bên cạnh đó, Vọc đang có những bước chuyển mình trong việc truyền tải thông tin đến người xem. Trước đây, bọn mình chủ yếu cung cấp thông tin và kiến thức về đĩa than qua các bài đăng trên mạng xã hội. Nhưng giờ đã có thêm nền tảng blog trên vocrecord.vn và cả channel YouTube để mọi người tiện theo dõi.

Album Beginning của Mariya Takeuchi trong dự án Lost And Found Grooves | Nguồn: Vọc Records
Album Beginning của Mariya Takeuchi trong dự án Lost And Found Grooves | Nguồn: Vọc Records

Hiện tại chúng mình đang triển khai dự án Lost And Found Grooves, bao gồm chuỗi bài viết giới thiệu về các nghệ sĩ, dòng nhạc cũ mà mới. Đồng thời kèm video set đĩa than tuyển chọn với chủ đề được đầu tư cùng hình ảnh và âm thanh bài bản đăng tải lên YouTube. Người xem có thể vừa nghe vừa đọc bài viết để cảm nhận sâu sắc hơn về nội dung, nếu thích hoàn toàn có thể lưu về cho những lần nghe sau.

Trong thời đại nhạc số phát triển thế này, Minh có nghĩ giới trẻ Việt sẵn sàng bỏ qua để chơi đĩa than?

Không phải nghĩ mà mình biết chắc chắn, nhiều người trẻ sẵn sàng theo văn hóa đĩa than.

Mọi người hay nghĩ nhạc streaming và đĩa than là đối thủ triệt tiêu nhau, nhưng thực ra là ngược lại. Nhạc streaming giúp người nghe có cơ hội tiếp xúc nhiều nghệ sĩ, thử nghiệm nhiều phong cách trước khi quyết định bỏ tiền ra để sưu tầm và ủng hộ nghệ sĩ đó.

Hơn nữa, không chỉ những nghệ sĩ cũ mà hiện nay những tên tuổi đương đại lớn như Kendrick Lamar, Bruno Mars hay Taylor Swift đều cho ra những ấn bản đĩa than và còn liên tục cháy hàng. Đây là bằng chứng cho sự trường tồn của đĩa than.

Liệu có một ngày đĩa than sẽ là định dạng phổ biến của nghệ sĩ trẻ Việt Nam? | Nguồn ảnh: Vọc Records
Liệu có một ngày đĩa than sẽ là định dạng phổ biến của nghệ sĩ trẻ Việt Nam? | Nguồn: Vọc Records

Ngoài ra, đĩa than đi kèm những thứ độc quyền mà âm nhạc ở nền tảng khác không thể có được. Ở trên nền tảng streaming thì mọi người sẽ chỉ nhìn thấy bìa trước của album, nhưng bìa đằng sau mới là nơi mà những thông tin thú vị được ghi lên, chẳng hạn như tay bass trong dàn quartet này là ai, bản cover này lấy cảm hứng từ nghệ sĩ nào.

Album đĩa than của các nghệ sĩ đương đại | Nguồn: Vọc Records
Album đĩa than của các nghệ sĩ đương đại | Nguồn: Vọc Records

Một lý do khác là đĩa than thuộc về phạm trù giá trị truyền thống, cho dù thời thế có hiện đại mấy thì vẫn sẽ có những người bảo vệ giá trị ấy. Cho dù máy ảnh số có trở nên hiện đại đến cỡ nào, vẫn sẽ có người tìm thấy niềm vui trong chiếc máy ảnh phim, và mình tin với đĩa than cũng thế.

Đĩa than ngoài chức năng chứa nhạc còn là biểu tượng bất diệt đại diện cho âm nhạc, là nhân chứng lịch sử của văn hóa âm nhạc. Nó là cái nôi của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong thời đại này. Vì thế sức hút của nó là vĩnh cửu chứ không phải chỉ là một xu hướng nhất thời.

Đọc thêm: