Điệu Bond giã từ (*) | Vietcetera
Billboard banner
31 Thg 12, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

Điệu Bond giã từ (*)

James Bond xuất hiện sáng chói trong nền điện ảnh khi xã hội đang cần một cuộc "cách mạng văn hoá" và cũng giã từ trọn vẹn với những đổi thay bùng nổ và sâu sắc.
Điệu Bond giã từ (*)

Điệu Bond giã từ

Dù là thương hiệu đắt giá và lâu đời nhất của lịch sử điện ảnh thế giới, loạt phim về Bond có một đặc điểm, mà với trải nghiệm thưởng ngoạn điện ảnh của tôi, là lạ lùng đến mức hiếm có. Đó là khiến người xem quên hết sạch nội dung của các tập phim trước đây khi bước vào rạp xem tập phim mới. Lúc nào cần nhớ thì chỉ lướt qua tập phim cũ là tất cả ký ức lại hồi về.

Có thể vì chức năng lớn nhất của Bond là giải trí, nên mua vui được một vài trống canh như thế với tôi đã là quá đủ.

Bond. James Bond!

Nhớ về Bond, đôi khi chỉ cần nhớ vài câu thoại đầu môi đã trở thành biểu tượng. Chẳng hạn như “Bond. James Bond”. Gã điệp viên ngắt tên mình thành 2 câu ngắn khi cần tự giới thiệu với vẻ tự tin và kiêu hãnh hiếm có. Hay khi bước vào bất cứ quán bar nào trên thế giới, gã sẽ gọi “A Martini. Shaken, not stirred.” (Một Martini. Lắc, không khuấy.) Món đồ uống này về sau cũng trở nên trứ danh khiến nhiều gã đàn ông ti toe khác bắt chước theo.

Điều kinh điển khác có thể kể đến là những ả Bond girl, người tình của James Bond, với những bộ bikini hai mảnh khoe trọn những đường cong cơ thể. Với dân mê điện ảnh chính hiệu, trong 6 thập niên qua, họ có thể không nhớ nổi một cô hoa hậu thế giới nào, nhưng những ả Bond girl gợi tình thì nhất định phải nhớ.

Mỗi lần coacute tập James Bond mới lagrave caacutec quotbảng xếp hạng Bond girlquot lại trở necircn socirci nổi hơn  Nguồn Everett CollectionCollage by David VoVogue
Mỗi lần có tập James Bond mới là các "bảng xếp hạng Bond girl" lại trở nên sôi nổi hơn. | Nguồn: Everett Collection/Collage by David Vo/Vogue

Đó có thể được xem là mốc son hay niềm kiêu hãnh của bất cứ nữ diễn viên nào, cho dù những vai diễn này chẳng mang lại một milligram giá trị nào cho con đường nghệ thuật của họ. Bởi đơn giản, mỗi khi có một tập mới về James Bond, bộ sưu tập “Bond girls” lại xuất hiện kiểu liệt kê thành danh sách cho thiên hạ bình chọn cô nàng nào nóng bỏng nhất.

Giới mộ điệu vẫn nhắc đến Ursula Andress trong vai Honey Ryder của bộ Dr. No (1962), Bond girl đầu tiên có cơ thể mật ngọt như tên nàng, mặc dù đố ai nhắc nổi một vai diễn khác của bà. Hay Halle Berry, nàng Bond girl da màu đầu tiên xuất hiện trong bộ bikini màu cam, trồi lên từ biển và đốt cháy mọi ánh nhìn của các gã đàn ông trong Die Another Day (2002) cũng trở thành biểu tượng của vẻ đẹp gợi cảm. Bond girl của Halle Berry hấp dẫn đến nỗi người ta định làm hẳn một phim ngoại truyện (spin-off) về nàng.

Nhưng trên hết, vẫn là Bond. James Bond!

Bond là một biểu tượng nam tính của điện ảnh, một nhân vật đàn ông quyến rũ bậc nhất trong thế giới giải trí, kẻ “phá đảo” hình mẫu nam giới rồi tự xây cho mình một hình tượng nam giới mới.

Bond và sự phá đảo hình mẫu nam giới

Năm 1962, Bond đầu tiên xuất hiện qua diễn xuất của gã trai xứ Scotland quyến rũ chết người là Sean Connery (cụ vừa tạ thế năm trước) đã khiến giới điện ảnh chao đảo.

Thời đó, hình mẫu đàn ông phải là những quý ông chính trực, có địa vị cao, đấu tranh vì công lý như viên luật sư Atticus Finch do Gregory Peck đóng trong To Kill A Mockingbird. Hoặc không nữa thì cũng là nhân vật tiến sĩ, nhà khảo cổ học T. E. Lawrence do Peter O’Toole đóng trong thiên sử dài hơn 3 tiếng đồng hồ - Lawrence of Arabia của đạo diễn David Lean.

Thế nhưng, Atticus Finch hay T.E. Lawrence là hai nhân vật biểu tượng của giới hàn lâm, còn với công chúng, nhất định phải là Bond. Gã điệp viên "giai lơ đĩ tình" ấy xuất hiện và khiến công chúng phát cuồng. Bọn đàn ông ước được giống gã. Các quý bà quý cô dĩ nhiên muốn có một gã đàn ông lịch lãm như gã bên mình.

Gã là một dạng biểu tượng “phản văn hóa” trong thập niên 60, thời mà người ta cần có một cú nổ về cách khắc hoạ tình dục trong văn hoá đại chúng. Nói cách khác là người ta cần một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn phong cách sống quá chuẩn mực, gò bó trước đó.

Với những điệp vụ diễn ra trên khắp thế giới, Bond mang theo những vật ngoài thân đơn giản nhưng có thể trở thành thứ vũ khí giết người như chiếc bút máy, bật lửa và đặc biệt là bộ sưu tập siêu xe. Chúng trở thành những thứ đồ chơi đắt giá, khiến các hãng công nghệ, xe hơi hái ra tiền nhờ ăn theo.

Một tấm aacutepphiacutech quảng caacuteo bộ buacutet maacutey vagrave bật lửa của James Bond  Nguồn James Bond Lifestyle
Một tấm áp-phích quảng cáo bộ bút máy và bật lửa của James Bond. | Nguồn: James Bond Lifestyle

Những phi vụ chính trị mang tầm thời đại của Bond đều được mô-đi-phê với những màn hành động phô trương và đôi lúc lố lăng, mở đường cho hàng loạt phim hành động sau này. Họ bắt chước theo nhưng với cấp độ ngày càng “siêu thực” hơn.

Và sau khi hoàn thành một phi vụ bất khả thi nào đó cho tổ chức tình báo Anh quốc - MI6, gã điệp viên có mật danh dễ nhớ 007 ấy lại hưởng trọn một tuần trăng mật với một ả Bond girl trên một chiếc du thuyền xa hoa hoặc một hòn đảo biệt lập xa xôi nào đó. Một công thức quá lý tưởng cho món thực đơn giải trí đơn giản mà vẫn ăn khách.

Nhà sản xuất của loạt phim này mài mòn công thức hái ra tiền ấy suốt mấy thập niên mà không thèm đổi vị, mặc cho bao thương hiệu điện ảnh khác xuất hiện có khả năng cho Bond về vườn. Nhưng lạ thay, Bond vẫn tồn tại bất chấp thời gian, và trở thành niềm kiêu hãnh cho thương hiệu điện ảnh số 1 thế giới đến từ Anh quốc.

Trong 6 đời Bond, ai là Bond đáng nhớ nhất?

6 đời James Bond
Qua 6 đời, James Bond có nhiều nốt thăng, nốt trầm. | Nguồn: Smooth Radio

James Bond là một siêu điệp viên, đồng thời cũng là một “siêu nhân vật” do Ian Fleming sáng tạo ra trong cuốn tiểu thuyết Casino Royale vào năm 1953. Nhưng phải 9 năm sau, khi Bond được điện ảnh hóa với bộ phim Dr. No, nhân vật này mới thực sự trở thành biểu tượng và mở đường cho một thương hiệu lâu đời nhất trong lịch sử điện ảnh.

Sean Connery “mở hàng” quá mát tay với bộ phim đầu tiên, Dr. No và ông tiếp tục tái xuất vài lần nữa trong các tập phim khác về Bond. Hầu hết đều được đánh giá cao và vẫn được coi là James Bond mẫu mực nhất. Vẻ quyến rũ chết người với gương mặt góc cạnh, cái nheo mắt tinh quái hay khóe miệng gợi tình, lối diễn xuất phớt tỉnh Ăng lê với những câu thoại hóm hỉnh khiến Sean Connery gần như “chết vai” với Bond.

Dr. No đưa tên tuổi Bond lan ra khắp thế giới, nhờ thế Connery tiếp tục chinh phục giới mộ điệu trong hai tập tiếp theo với chất lượng không hề kém cạnh là From Russia with Love (1963) và đặc biệt là Goldfinger (1964) – được giới phê bình đánh giá là tập phim xuất sắc nhất về James Bond đến nay.

Cuộc đối đầu trên từng cây số và dữ dội giữa Bond và Auric Goldfinger, một kẻ buôn lậu vàng quốc tế, luôn được xem là mẫu mực về anh hùng và kẻ ác (hero vs. villain) trong giới điện ảnh. Goldfinger cũng trở thành nhân vật phản diện khét tiếng nhất trong cả thương hiệu này đến nay.

Vì Sean Connery tạo ra ấn tượng gắn với Bond quá mạnh, nên những đàn em đi sau luôn bị đem ra so sánh, từ George Lazenby, Roger Moore cho đến Timothy Dalton. Và tất nhiên những kẻ "tiếp quản" này đều gần như bị quên lãng, một phần vì cái bóng quá lớn từ người đi trước, phần khách vì các tập phim đều theo một công thức quá quen thuộc.

Cho đến thập niên 90, tiếp bước Dalton, Pierce Brosnan - gã diễn viên điển trai đến từ Ireland vào vai Bond trong GoldenEye (1995) đã khiến thương hiệu này hồi sinh một lần nữa. Vẻ quyến rũ lịch lãm của Brosnan, những nàng Bond girl nóng bỏng và các cảnh hành động liều cao gần như diễn ra suốt cả bộ phim là chất kích thích adrenaline cho lần tái xuất này của Bond.

Nhưng đáng tiếc là công thức lặp lại một cách nhàm chán trong ba tập phim tiếp theo là Tomorrow Never Dies (1997), The World is not Enough (1999) và Die Another Day (2002) khiến thương hiệu Bond một lần nữa bị đóng trong cái khung quá an toàn, và bị xem là cũ kỹ già nua trước các thương hiệu điện ảnh thức thời khác.

Năm 2006, khi nghe hãng MGM và Universal Pictures công bố người kế nhiệm Pierce Brosnan là Daniel Craig, phản ứng đầu tiên của giới mộ điệu là… tẩy chay. Daniel Craig có một sự nghiệp khá mờ nhạt trước đó, và đặc biệt là gương mặt hơi thô kệch, nếu không nói là xấu trai, khác xa hình dung của họ về một gã điệp viên quyến rũ lịch lãm kiểu Brosnan.

Khocircng được ủng hộ từ ban đầu Daniel Craig chứng tỏ mọi người đatilde sai
Không chỉ "tiếp quản", Daniel Craig còn "lột xác" hình ảnh James Bond. | Nguồn: 007

Nhưng khi Craig xuất hiện với Casino Royale, đưa Bond trở lại với hình mẫu nguyên thủy trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên về gã điệp viên này của Ian Fleming, những lời dèm pha ngưng bặt. Bond của Craig khiến gã siêu điệp viên này trở nên đáng tin cậy hơn và sâu sắc hơn hẳn các bộ phim trước đó, trong khi chất hành động vẫn không suy giảm, nếu không nói là được nâng tầm.

Khi điện ảnh thế giới đã có những nhân vật điệp viên kiểu mới như Ethan Hunt (Tom Cruise đóng) trong loạt phim Mission Impossible hay Jason Bourne (Matt Damon), kẻ đi trước như Bond phải lột xác, nếu không muốn bị đàn em bỏ lại sau lưng.

Và Daniel Craig là kẻ thực hiện sứ mệnh đó tốt nhất. Casino Royale có nhiều cảnh mang tính biểu tượng của dòng phim hành động, như cảnh rượt đuổi kiểu “parkour” (môn thể thao mạo hiểm, nổi bật với những cú nhảy qua vách toà nhà cao tầng) cực kỳ hấp dẫn ngay đầu phim.

Mad Mikklsen cũng cống hiến cho bộ phim với một vai phản diện quá ấn tượng, đặc biệt là cảnh đối đầu với Bond ở sòng bài khi mắt gã hằn máu. Trong khi đó, nàng Bond girl đến từ Pháp Vesper Lynd do Eva Green đóng mang lại một khí chất mới, quyến rũ nhưng vẫn tinh tế và thanh lịch.

Dù có “xuống tay” một chút với tập tiếp theo là Quantum of Solace (2008), Bond lấy lại phong độ với Skyfall (2012) do đạo diễn đoạt Oscar là Sam Mendes dàn dựng.

Niềm tin của khán giả được phục hồi khi Skyfall có đầy đủ những phẩm chất của một bộ phim hành động điệp viên xuất sắc, từ những cảnh hành động mãn nhãn, những bối cảnh hoành tráng, và dàn nhân vật đều đáng nhớ.

Và dĩ nhiên, ai có thể quên được ca khúc cùng tên do Adele cất lên trong một trường đoạn đầy kịch tính đậm chất sử thi, giúp cô đoạt giải Oscar cho ca khúc nhạc phim hay nhất. Đó cũng là một trong hai giải Oscar mà Skyfall giành được, điều hiếm hoi đối với thương hiệu James Bond.

Đây cũng là bộ phim đầu tiên về James Bond vượt doanh thu 1 tỷ USD khắp toàn cầu. Thành tích quá đẹp để thương hiệu này kỷ niệm tròn nửa thế kỷ - 50 năm tồn tại trên màn ảnh.

Điệu Bond giã từ

Cho dù được đánh giá là người thể hiện vai Bond tốt nhất, kể từ Sean Connery, cũng đã đến lúc Daniel Craig nói câu giã từ với thương hiệu điện ảnh này sau 15 năm. Và No Time to Die, bộ phim thứ 5, cũng là bộ phim cuối cùng mà Craig hóa thân thành James Bond.

Sau hai tập phim Skyfall và Spectre, vị đạo diễn tài danh người Anh Sam Mendes nhường ghế đạo diễn cho một đồng nghiệp trẻ tuổi hơn đến từ Mỹ (gốc Nhật) là Cary Joji Fukunaga. Dù không có bề dày thành tích và tên tuổi như Mendes, Fukunaga là một trong những đạo diễn thế hệ mới được đánh giá cao nhờ tài năng đạo diễn những bộ phim độc lập gai góc như Sin Nombre (2009) hay Beast of No Nation (2015) hay mini-series xuất sắc về đề tài thám tử là True Detective (phần đầu, với diễn xuất tuyệt hảo của Matthew McConaughey).

Ngoài dàn sao của các tập trước, những cái tên đáng tin cậy khác tham gia vào dự án này là:

  • Rami Malek – ngôi sao từng đoạt Oscar vào vai phản diện, một “truyền thống” gần đây của loạt phim về Bond;
  • Ana de Armas – cô đào nóng bỏng đến từ Cuba cho một vai Bond girl;
  • Billie Eilish – nữ ca sĩ từng đoạt Grammy hát ca khúc chủ đề, cũng là một “chiêu bài” câu khách khác sau thành công của Adele và Sam Smith trong 2 tập phim trước.

Với bộ sậu như vậy, tất nhiên, No Time to Die không thể dở. Hầu hết giới mộ điệu đều tin rằng nó sẽ là một màn giã từ xứng đáng, quan trọng là nó có đủ tầm để khiến người ta phải xuýt xoa hay không thôi.

Và 2h43 phút của No Time to Die quả nhiên chinh phục được khán giả và khiến họ xuýt xoa. Đây chắc là tập phim dài nhất về Bond, nhưng nó vẫn khiến khán giả dính chặt vào ghế để thưởng thức những màn hành động ngoạn mục, và đôi khi điên rồ khi Bond bị bao vây tứ phía và tưởng như không có kẻ hở nào thoát được, rồi bằng cách nào đó, Bond vẫn thoát, trong đường tơ kẻ tóc.

Chất hành động trong các tập phim về Bond gần đây được nâng lên một tầm cao mới, dữ dội hơn và cũng chân thực hơn, cộng với hiệu quả của góc máy và thiết kế âm thanh khiến chúng gây đe dọa thực sự. Điểm yếu của bộ phim, cũng như hai tập về Bond gần đây, luôn là nhân vật phản diện, cho dù được diễn xuất bởi các tên tuổi hàng đầu như Christoph Waltz hay Rami Malek.

Nhưng bù lại, chất lãng mạn của bộ phim được chú trọng hơn, đặc biệt là mối quan hệ giữa James Bond và Madeleine (Léa Seydoux) được tiếp nối từ phần trước. Đó là một mối quan hệ đầy phức cảm, khác xa những cuộc tình qua đường khác của Bond trước đây.

Trong một cảnh phim, Bond tơi tả trở về sau khi thoát khỏi một vụ gài bẫy, và nói với Madeleine rằng: “Em nói đúng, buông bỏ là điều rất khó”.

Nhưng cuộc vui nào cũng phải đến lúc kết thúc.

No Time to Die là lời giã từ xứng đáng của Daniel Craig với thương hiệu James Bond. Một cuộc chia tay hoành tráng, bùng nổ và cả những giọt nước mắt của xúc cảm – điều hiếm thấy ở những bộ phim khác về Bond.


(*) Chơi chữ từ nhan đề cuốn tiểu thuyết “Điệu Valse giã từ” của Milan Kundera.