Điều gì cản trở bạn vượt ra khỏi những giới hạn của chính mình? | Vietcetera
Billboard banner

Điều gì cản trở bạn vượt ra khỏi những giới hạn của chính mình?

Một người lớn chỉ sử dụng trung bình 10% não bộ của họ trong cuộc sống hàng ngày. Vậy làm thế nào để “mở khóa” được 90% còn lại, từ đó nâng cao nhận thức và mở rộng hiểu biết của bạn về bản thân?
Điều gì cản trở bạn vượt ra khỏi những giới hạn của chính mình?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Binh Pháp Tôn Tử có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vốn xuất phát từ ngữ cảnh chiến đấu, giờ đây câu nói còn áp dụng với nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, mà việc thấu hiểu bản thân là một ví dụ điển hình.

Trên thực tế, việc đối diện với cảm xúc và tính cách của bản thân (true self) vốn không hề dễ dàng. Chúng ta phải bắt đầu từ việc chấp nhận chúng, cũng như chấp nhận những rủi ro đi kèm khi sống là chính mình.

Chỉ khi hiểu bản thân là ai, ta mới có thể nâng tầm nhận thức về thế giới xung quanh, để từ đó tìm ra cách hành xử phù hợp trong từng hoàn cảnh. Đây là chìa khóa giúp chúng ta “sống thật” với chính mình mà vẫn “điều hướng” được các tình huống xã hội.

Dù vậy, việc đi tìm bản thân không chỉ dừng lại ở đó. Theo thầy Minh Niệm, chúng ta là một thực thể lớn hơn những gì chúng ta biết. Việc hiểu về cảm xúc và cách hành xử cũng là tiền đề giúp bạn tìm ra những góc cạnh khác, mà bạn chưa từng nghĩ là tồn tại trong mình.

Thế nhưng việc “thoát” khỏi phiên bản hiện tại của chính mình cũng lại là một hành trình gian nan khác. Vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, chúng ta không thể thoát khỏi “chiếc khuôn” mà ta nghĩ định hình cho cả cuộc đời mình.

Điều gì cản trở chúng ta vượt ra khỏi chính mình?

Chúng ta ở quá lâu trong vùng an toàn

Hầu hết chúng ta đều từng nhận lời khuyên “hãy ra khỏi vùng an toàn” ở một thời điểm nào đó trong đời. Nhưng vì sao phải ra khỏi vùng an toàn, nếu bạn hoàn toàn thấy ổn trong đó?

Câu hỏi này cũng chính là câu trả lời. Khi sống quá lâu trong những gì bạn thấy thoải mái, bản năng sinh tồn của bạn sẽ bị mai một trong vô thức, khiến bạn không thể thích nghi khi có biến cố xảy ra. Giống như con hổ bị nhốt quá lâu trong chuồng sẽ không thể tồn tại khi được thả về rừng, bởi nó không còn khả năng tự mình đi kiếm ăn hay chiến đấu.

10aug2023screenshot20230810154026jpg
Con hổ bị nhốt quá lâu trong chuồng sẽ mất dần bản năng sinh tồn. | Nguồn: The Conversation

Một ví dụ khác là phi công trong thời kỳ COVID-19 hoành hành. Đây vốn là nghề nghiệp với đặc thù rất khó thay thế, khiến bạn gần như không lo mất việc. Nhưng khi dịch bệnh buộc các chuyến bay hoãn lại dẫn đến nhiều phi công mất việc, họ khủng hoảng vì không biết phải làm gì khác ngoài công việc lái máy bay mà họ đã làm suốt nhiều năm.

Vùng an toàn dù mang lại cảm giác thoải mái, nhưng nó cũng khiến bạn nhận thức sai về bản thân. Điều này không chỉ làm mai một bản năng sinh tồn, mà còn cản trở bạn tìm tòi và tận dụng những tiềm năng khác của chính mình.

Chúng ta bị tác động bởi những yếu tố xung quanh

Môi trường giáo dục, nhận thức cộng đồng hoặc những điều ta được tiếp xúc đều ảnh hưởng ít nhiều đến cách ta nhìn nhận bản thân và thế giới. Đôi khi nó khiến ta nhìn nhận một cách chưa hoàn toàn chính xác, mà tư duy “tôi tưởng” là ví dụ điển hình.

Chẳng hạn không ít người cho rằng, mình chỉ có thể trở nên tốt đẹp nếu hạ bệ người khác xuống. Đây có thể là hệ quả của việc thường xuyên bị so sánh với "con nhà người ta" từ nhỏ.

Nhận thức này lại dẫn đến những cảm xúc sai, như đố kị khi thấy người khác xinh đẹp hoặc thành công hơn mình. Đây chính là căn nguyên của “nghiệp” - những năng lượng tiêu cực ta tạo ra cho người khác, hoặc nhận lại do chính những quan niệm sai lệch của bản thân.

Làm sao để bắt đầu quá trình vươn ra khỏi chính mình?

Thế giới này luôn thay đổi không ngừng. Vì vậy, chúng ta luôn phải ở trong một chu trình học, học nữa, quên bớt và học lại. Nó không chỉ giúp bạn xây dựng khả năng thích nghi với thay đổi, mà còn tìm thấy những tiềm năng khác mà bạn chưa từng biết mình sở hữu.

Theo thầy Minh Niệm, chúng ta nên bắt đầu bằng việc rời khỏi chiếc hộp đã đóng khung nhận thức của chính mình. Đó có thể là vùng an toàn, hoặc những niềm tin hạn chế mà bạn có. Nhiều người thường gắn liền nó với việc “đi bụi”. Nghĩa là họ phải tạm thời dừng công việc hiện tại, đi trốn ở một nơi xa để có trải nghiệm mới và thời gian phản tư lại những gì đã xảy ra.

Lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng có thời gian, tài chính hay điều kiện thích hợp để làm điều này. Dù vậy, vẫn có những cách khác giúp bạn bước dần ra khỏi vùng an toàn và nâng cao trình độ nhận thức của chính mình.

Chẳng hạn để thoát khỏi vùng an toàn, bạn có thể làm một việc mà bình thường bạn không hay làm: thử một món ăn mới, học một kỹ năng mới hay tham gia một câu lạc bộ mới. Cuối mỗi ngày, bạn nên dành ít nhất 30 phút ngồi thiền, phản tư lại dòng suy tưởng của chính mình. Bạn có thể tự vấn và ghi xuống giấy những câu hỏi như:

  • Hôm nay bạn có học được điều gì không?
  • Tâm trạng bạn có tốt không?
  • Bạn có lỡ nói điều gì bạn không muốn nói không?
  • Có điều gì bạn nghĩ mình có thể làm tốt hơn?

Bạn cũng có thể nhờ một người bạn tin tưởng đưa ra lời nhận xét, góp ý. Khi có điểm nhìn của người khác, bạn sẽ “nhìn” được chính mình một cách khách quan hơn.

10aug2023dsc03331jpg
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nếu có thể, bạn thử tập “cai” mọi thiết bị điện tử trong vòng 1-2 tiếng mỗi ngày. Bởi khi lạc trôi vào thế giới công nghệ, bạn vô thức bị nghiện chúng và rồi bị “máy hóa”, dẫn đến sự suy giảm về chỉ số cảm xúc (EQ). Việc tạm rời khỏi chúng giúp bạn có thời gian nhìn nhận cuộc đời thực, ghi nhận các cảm xúc thực cũng như sự kiên nhẫn.

Không ai chưa biết bơi mà thả xuống bể nước sâu lại bơi được ngay - họ sẽ chết đuối. Việc bước ra khỏi giới hạn nhận thức cũng vậy - nó cần diễn ra từ từ, từng bước một. Thậm chí khi cần thiết, bạn nên dừng lại, đánh giá quá trình và điều chỉnh trước khi tiếp tục bước đi.

Làm sao để biết mình đã “rộng lớn” hơn hay chưa?

Để đánh giá tầm ảnh hưởng của bản thân, thì phản ứng của người khác với mình có lẽ là điều ta nhìn vào đầu tiên. Liệu có cách nào đo đạc được hạnh phúc của những người xung quanh? Liệu có phải sống trên đời phải làm được việc gì đao to búa lớn, thực sự để lại một di sản khiến người ta phải nhớ đến bạn?

Trên thực tế để tạo được ảnh hưởng tích cực tới người khác, bạn không cần phải làm điều gì quá lớn lao. Đơn cử như bạn dành 30 phút lắng nghe người thân tâm sự mà không phản ứng, hoặc cho họ một bờ vai để tựa vào mà khóc, như vậy là tâm bạn đã “lớn” hơn rất nhiều.

Trong công việc hàng ngày, bạn cũng có thể dành thời gian thiền để làm việc một cách có tỉnh thức, tạo ra những kết quả ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Chẳng hạn với một biên tập viên, khi tâm trí tỉnh thức, sẽ chấp bút những bài viết với nội dung bổ ích, giúp nâng cao kiến thức cho người đọc của mình.

10aug2023dsc03401jpg
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Cũng theo thầy Minh Niệm, làm mới bản thân là một quá trình kết hợp giữa nguyên tắc và không nguyên tắc. Những nguyên tắc trên giúp bạn có sự chuẩn bị tương đối cho hành trình vượt ngoài bản thân, nhưng không phải là cố định trong cuộc sống.

Khi có nhân duyên xuất hiện làm thay đổi kế hoạch ban đầu, bạn không nên từ chối mà hãy thử đón nhận để có thêm cơ hội trưởng thành. Bản thân thầy Minh Niệm trong quá trình tu tập cũng gặp những nhân duyên, khiến thầy luôn phải “bỏ cũ làm mới” nhưng hạnh phúc vì học hỏi được nhiều.

Khi một nhân duyên cũ đóng lại, một nhân duyên mới sẽ mở ra. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta nắm rõ điều gì đang xảy ra ở hiện tại, và tận dụng mọi cơ hội để “mở rộng” bản thân trong hoàn cảnh ấy.

Được “sống thật” với bản thân là một niềm hạnh phúc, tuy nhiên nó không phải điểm kết của hành trình đi tìm bản thân. Trên thực tế bạn là một thực thể lớn hơn những gì bạn biết, và cuộc sống có những rào cản ngăn bạn vươn ra khỏi phiên bản hiện tại của chính mình. Vậy để “mở rộng” bản thân, ta cần bắt đầu từ đâu và đánh giá quá trình đó thế nào?

Tập 3 của podcast Bạn Thân - Bản Thân đã sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm những khía cạnh khác của chính mình. Cùng lắng nghe podcast và chiêm nghiệm những chia sẻ từ host Thùy Minh và thầy Minh Niệm nhé.