Thông thường, sau khi chuyển công ty, những lời mời ăn uống sau giờ làm, hay các bữa tiệc cuối năm cùng đồng nghiệp và sếp cũ cũng thưa thớt dần. Vậy mà, tại KAZE Interior Design Studio, luật chơi lại diễn ra theo một cách hoàn toàn khác. Ngày công ty thiết kế này kỷ niệm 10 năm thành lập vào đầu tháng 10 vừa qua, các “cựu học sinh” KAZE có dịp cùng nhau quay về văn phòng xưa, cùng nhìn lại những kỷ niệm đẹp, và chia sẻ hành trình mới mẻ trong sự nghiệp của riêng mình
Mariia Ivanova
Kể về những tháng năm gắn bó với KAZE, cô thiết kế nội thất trẻ người Nga vẫn nhớ như in khoảng thời gian làm việc trên dự án Le Meridien Cam Ranh Resort & Spa, những chuyến công tác đến Bangkok, Taipei, những cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa đa dạng...
Con đường nào đưa chị đến với ngành thiết kế nội thất ở Việt Nam?
Tôi tin rằng những điều tốt đẹp nhất thường bắt đầu một cách vô cùng ngẫu nhiên. Khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào năm 2015, trong đầu tôi chỉ đơn giản hình dung về một kì nghỉ ngắn nằm dài trên bãi biển Nha Trang. Nhưng sức hấp dẫn của Việt Nam nhanh chóng khiến tôi quyết định gắn bó lâu dài, và bắt đầu tìm kiếm công việc trong ngành thiết kế nội thất - vốn dĩ là nền tảng chuyên môn của mình, rồi bén duyên với KAZE trong một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm.
Công việc của chị ở KAZE bao gồm những gì?
Những năm ở KAZE, ngoài việc chạy dự án, tôi còn đảm nhiệm việc tìm kiếm nhà thầu cung cấp vật liệu và điều hành phòng trưng bày sản phẩm mẫu. Tôi giữ trách nhiệm cập nhật cho cả team về xu hướng chất liệu mới và nghiên cứu các nguồn cung mới trên thị trường. Tôi cũng tổ chức các buổi workshop để chia sẻ với cả team những bước tiến và xu thế mới trong thiết kế. Phải nói lịch làm việc của tôi khá dày đặc đấy!
Ấn tượng đầu tiên của chị về văn phòng KAZE?
Tôi còn nhớ rất rõ ấn tượng ban đầu trước không gian văn phòng rộng mở và cách sắp xếp bày vô cùng khéo léo tại KAZE. Văn phòng nơi đây đáp ứng đủ mọi nhu cầu của chúng tôi, họ có đầy đủ các “tài nguyên” cần thiết để sáng tạo. Bất cứ công cụ nào chúng tôi cần để biến ý tưởng thành hiện thực, họ đều có sẵn. Và làm việc trong một môi trường như vậy, thật dễ dàng giữ được cảm hứng.
Văn hóa làm việc ở KAZE như thế nào?
Fong-Chan thực sự chú trọng đến việc các nhân viên phát triển bản thân cũng như chuyên môn nghề nghiệp. Cô thúc đẩy chúng tôi phải luôn thử thách chính mình. Tôi vẫn nhớ những buổi workshop hàng tuần, cả team cùng đi tìm hiểu, nghiên cứu các tòa nhà đặc trưng, kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới. Tôi thường thu hoạch được thêm ý tưởng mới và cảm hứng làm việc từ các buổi workshop này.
Mỗi năm, chúng tôi có các chuyến du lịch nước ngoài cùng nhau, kết hợp nghỉ ngơi và học hỏi từ thực tế. Tôi đã tham gia những chuyến đi đến Chiang Mai, Bangkok, và Taipei để tận mục sở thị các khách sạn, nhà hàng với thiết kế thú vị, trải nghiệm các nền văn hóa, và mang kiến thức mới thu thập về các vật liệu này lưu trữ, cập nhật, và chia sẻ cùng team qua các buổi workshop tổng kết sau chuyến đi.
Bài học đáng giá nhất về chuyên môn mà chị đã học được ở KAZE là gì?
Đó là giá trị của việc chia sẻ và làm việc nhóm. Tại công ty cũ của tôi ở Moscow, họ có một hệ thống cấp bậc chặt chẽ, nơi mọi quyết định đều được đưa ra từ cấp trên. KAZE thì khác. Chúng tôi học cách cùng nhau đưa ra quyết định, cũng như đồng hành để tìm ra giải pháp.
Trong các dự án chị đã tham gia, đâu là dự án thể hiện rõ nhất phong cách và hướng tiếp cận của KAZE? Tại sao vậy?
Với tôi, đó là Le Meridien Cam Ranh Resort & Spa, một dự án thiết kế nhà hàng - khách sạn quốc tế mà mình gắn bó trong hai năm. Tôi đảm nhiệm phần thiết kế phòng nghỉ và các biến thể của phòng, và làm việc sâu sát với đội ngũ của Marriott. Điểm thú vị mà tôi nhận thấy đó là, mặc dù Le Meridien trực thuộc tập đoàn Marriott, một tập đoàn nhà hàng - khách sạn quốc tế, họ vẫn có những tiêu chuẩn và định hướng thiết kế cho riêng mình. Sự hợp tác nhịp nhàng giữa KAZE, nhà đầu tư, và nhà vận hành Marriott chính là khích lệ tinh thần to lớn.
Đâu là nơi bạn thường tìm đến ở Sài Gòn khi cần tìm cảm hứng trực quan?
Sài Gòn chưa bao giờ ngừng khiến tôi bất ngờ với tốc độ xuất hiện của các cửa hàng, quán cà phê, và khách sạn với thiết kế độc đáo, gần như đổi mới hàng tuần. Trong số đó, một vài nơi được thực hiện với ngân sách vô cùng khiêm tốn - và đó là các ví dụ điển hình về độ tháo vát của người Việt.
Các khách hàng địa phương của chị có thường bắt nhịp với các xu hướng thiết kế quốc tế không, hay ‘khẩu vị' của họ vẫn theo phong cách đặc thù Việt Nam?
Những ngày đầu đến Việt Nam, tôi đã nhận ra một điểm tương đồng giữa thẩm mỹ của giới thượng lưu Nga và Việt chính là cả hai đều yêu thích tông màu vàng và những thứ lấp lánh. Nhưng càng về sau thị trường Việt Nam bắt đầu hướng đến phong cách nội thất tối giản mang hơi hướng Bắc Âu, do thế hệ trẻ dẫn đầu. Khác với niềm yêu thích các họa tiết công phu trau chuốt của cha mẹ họ, thế hệ sinh cuối 1990 - đầu 2000 lại tìm đến những dòng thiết kế với màu sắc hiện đại.
Uyên Trần
Khi được Fong-Chan đón vào đội ngũ KAZE năm 2013, Uyên là một cô sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngày nay, dù không còn làm công việc thiết kế nội thất (mà gắn bó với hãng sơn Jotun Paints kể từ 2016), Uyên vẫn thường xuyên cộng tác với KAZE trong nhiều dự án.
Tại sao chị lại lựa chọn con đường thiết kế nội thất?
Tôi vốn luôn yêu thích hội họa và các không gian đẹp. Thời điểm đó, là một người thực tế, tôi cảm thấy ngành thiết kế nội thất sẽ là một lựa chọn nghề nghiệp ổn định. Đến Năm 2012, khi vừa ra trường và đang tìm kiếm công việc, tôi tình cờ đọc được bài phỏng vấn Fong-Chan thực hiện trên Tờ Elle, và nó đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ. Tôi tìm cách liên hệ với Fong-Chan và được nhận vào làm với vị trí thiết kế dự án junior. Nhìn lại chặng đường đã qua, KAZE chính là một bàn đạp quan trọng trong sự nghiệp của tôi.
Trải nghiệm làm việc của chị ở KAZE như thế nào?
Tôi luôn nghĩ về KAZE như một gia đình lớn. Đến tận bây giờ, mỗi lần tôi ghé thăm, mọi người trong team vẫn luôn rộng mở vòng tay chào đón tôi như một thành viên trong gia đình, mặc dù đã bốn năm trôi qua kể từ khi tôi rời KAZE.
Về mặt nghề nghiệp, trong vô vàn những điều học được từ Fong-Chan, tôi luôn nhớ nhất bài học về giá trị của tinh thần làm việc nhóm và nghệ thuật quản lý thời gian: làm thế nào để hoàn thành công việc một cách nhanh - gọn - hiệu quả.
Với chị, dự án nào thể hiện rõ nhất phong cách và hướng tiếp cận của KAZE trong thiết kế nội thất?
Tôi từng làm việc trực tiếp trên dự án khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint, một trong các dự án tiêu biểu của KAZE. Để có thể biến ý tưởng của Fong-Chan thành hiện thực, chúng tôi cần hết sức nhất quán về mục tiêu mà mình mong muốn đạt được. Nhờ vào tinh thần đồng đội đáng nể ấy, chúng tôi không chỉ thành công trong việc thiết kế một trong những khách sạn nổi tiếng nhất thành phố, mà còn đưa tinh thần và phong cách của KAZE đến với đông đảo quần chúng.
Chị có lời khuyên nào cho những ai đang muốn thử sức với ngành thiết kế nội thất?
Nếu bạn đã có sẵn nhiệt huyết với nghề thiết kế nội thất, bạn cần phải tìm đúng công ty nơi họ có thể dẫn dắt và tạo dựng nền tảng sự nghiệp vững chãi. Và luôn duy trì ngọn lửa đam mê mà bạn mang theo mình khi mới vào nghề. Thiết kế nội thất là công việc đòi hỏi nhiều công sức, vì thế bạn cần một công ty nơi bạn có thể tận hưởng và tìm cảm hứng mỗi khi đi làm. KAZE chính là một nơi như thế.
Marine Bachellerie
Hiện đang định cư ở vùng Caribê, Marine là thành viên của KAZE từ tháng Một 2015 cho đến tháng Ba 2018. Đam mê du lịch, nghệ thuật, và thời trang, cô đã tìm được ‘đầu ra' hoàn hảo cho óc sáng tạo của mình tại KAZE.
Công việc của chị ở KAZE gồm những gì?
Nhờ có bốn năm làm việc ở KAZE, tôi đã trở thành chuyên gia cho các dự án khách sạn - nhà hàng. Bên cạnh đó, tôi có nhiệm vụ gặp gỡ các nhà thầu và quản lý phòng trưng bày vật liệu để giữ mọi người luôn cập nhật với các xu thế mới.
Văn hóa ‘công sở' ở KAZE như thế nào?
KAZE là một tổ hợp đa văn hóa, với cách quản lý phong cách Đan Mạch và các designer đến từ cả Việt Nam và nước ngoài. Tôi tin rằng đây là điểm tạo ra nguồn lực giàu có cho các dự án của KAZE: sự kết hợp hài hòa giữa các quan điểm sống cũng như dấu ấn cá nhân riêng biệt đã tạo nên các ý tưởng thiết kế có sức nặng và chiều sâu.
Bài học đáng giá nhất về mặt nghề nghiệp của chị ở KAZE là gì?
Làm việc thông minh hơn là cần cù!
Chị đánh giá dự án nào thể hiện trọn vẹn nhất phong cách và hướng tiếp cận của KAZE?
Khách sạn Courtyard by Marriott in Phnom Penh ở Campuchia. Đó là dự án nhà hàng - khách sạn quốc tế đầu tiên của chúng tôi, nơi chúng tôi phải khéo léo cân bằng giữa kỳ vọng của một khách hàng Campuchia và những yêu cầu thiết kế của một đơn vị điều hành Mỹ (Marriott). Thành quả thiết kế của dự án đó quả thật mỹ mãn – một khách sạn ấm cúng sử dụng chất liệu bản địa để mang đến nét chấm phá hiện đại trong văn hóa Campuchia.
Các khách hàng địa phương của chị có thường bắt nhịp với các xu hướng thiết kế quốc tế không, hay ‘khẩu vị' của họ vẫn theo phong cách đặc thù Việt Nam?
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi nhận thấy rằng đất nước này ngày một cởi mở hơn. Cụ thể trong ngành thiết kế nội thất, có rất nhiều thương hiệu quốc tế đang len lỏi vào thị trường, mang theo những chất liệu mới. Tôi tin rằng mạng truyền thông xã hội cũng góp một phần không nhỏ vào quá trình này. Các khách hàng địa phương, vì thế, thường bắt nhịp với các xu hướng thiết kế nội thất toàn cầu. Và đó cũng là lý do họ chọn KAZE, một công ty thiết kế đa quốc gia, để có được ý kiến và khả năng chuyên môn.
Chị có lời khuyên nào cho những ai mới đặt chân vào ngành thiết kế nội thất?
Hãy thăm thú thật nhiều nơi. Mở lòng mình ra với những văn hoá mới lạ, ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chú tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh thế giới. Bạn cần sẵn sàng để nỗ lực hết mình, đôi khi làm việc thâu đêm, nhưng hãy nhớ rằng tất cả công sức ấy rồi sẽ được đến đáp xứng đáng.
Nghề này đòi hỏi hiểu biết về các nguyên lý bày trí, về chất liệu và đồ nội thất, cũng như năng lực kỹ thuật. Bạn cần phải thử sức với mọi thứ để tìm xem điều gì thu hút mình nhất trước khi lựa chọn con đường cho sự nghiệp. Thiết kế nội thật là một ngành chạm đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống con người, từ nhà ở và văn phòng cho đến những nhà hàng chúng ta thường tới lui… Đây thực sự là một công việc rất đáng theo đuổi!