Gần một thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự trỗi dậy của lĩnh vực du lịch. Trước đại dịch, mỗi năm Việt Nam chào đón hơn 15 triệu du khách quốc tế (so với 4 triệu du khách của thập kỷ trước), cùng với khoảng 80 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Khi mà nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch, ngành du lịch trong nước được kỳ vọng sẽ phát triển, mặc dù chính sách tạm ngưng cấp thị thực cho du khách nước ngoài vẫn đang diễn ra. Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Ngay lập tức, hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch, các hiệp hội, các doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác về du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi, giải trí, tạo các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá cả hợp lý.
Các chương trình kích cầu đã và đang chứng minh được hiệu quả. Pieter van der Hoeven, General Manager của Minor Hotels tại khu vực Đông Dương (đơn vị sở hữu khách sạn Anantara và Avani Việt Nam) cho biết ông nhìn thấy nhu cầu du lịch nội địa ngày một gia tăng, “không ít khách du lịch muốn được nghỉ ngơi, thưởng thức món ăn ngon và bãi biển đẹp.”
Không chỉ hướng đến khách hàng ngoại quốc như trước, giờ đây, hầu hết các địa điểm đều giới thiệu các gói ưu đãi, chương trình, và sự kiện hấp dẫn dành riêng cho đối tượng du khách Việt.
Đối với anh Kendall Nguyễn, Managing Director tại Luxstay — một ứng dụng đặt phòng online ra đời tại Việt Nam, anh cho biết: “Dù số lượng chưa quá nhiều, nhưng trong giai đoạn ngừng mọi chi phí marketing mà lượng người du lịch vẫn tăng một cách tự nhiên thì đó là một điều đáng mừng.”
“Du khách Việt đang tìm kiếm các địa điểm ở phạm vi ngoại thành để du lịch cùng bạn bè và gia đình, đặc biệt là những địa điểm chỉ mất vài giờ chạy xe, ví dụ như Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn tại miền Bắc, Vũng Tàu và Hồ Tràm tại miền Nam. Thời gian đặt phòng cũng sát ngày và tuỳ hứng hơn.” Vì tránh đi máy bay, nhiều khách hàng chuyển qua thuê xe tự lái. Luxstay cũng có một số chương trình ưu đãi với sản phẩm Luxcar cho nhóm khách hàng này.
Kendall cũng cho biết Luxstay mong đợi nhu cầu du lịch trong nước sẽ còn tăng cao vào đợt du lịch hè.” Về điều này, Pieter cũng đồng tình Kendall. “Khách sạn và resort của chúng tôi tại các tỉnh thành trong nước đều đang chứng kiến nhu cầu du lịch nội địa tăng cao trong vòng 2 tháng qua, đặc biệt là khi chỉ thị giãn cách xã hội được gỡ bỏ, các chuyến bay nội địa bắt đầu hoạt động trở lại và học sinh trở lại trường học.”
Với “bong bóng du lịch” và “du lịch cầu hàng không" giữa các quốc gia với tỉ lệ lây nhiễm thấp, Pieter cho biết các khách sạn trong hệ thống của Minor Hotels tại Việt Nam là một trong số các thị trường được chọn để phục hồi đầu tiên. “Chúng tôi đã chuẩn bị chiến lược cho từng thị trường để sẵn sàng hoạt động trở lại khi các chỉ định hạn chế du lịch được gỡ bỏ. Hiện tại vẫn chưa có gì là chắc chắn nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.”
Về lượng khách quốc tế, Kendall tin rằng “bong bóng du lịch" giữa Việt Nam và Hàn Quốc là điều đáng mong chờ. “Năm 2018, có 15,5 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, và 20% trong số đó là du khách Hàn Quốc (tương đương 3,5 triệu).”
Du lịch an toàn
Cùng với việc mọi người bắt đầu du lịch trở lại, các đơn vị trong ngành Du lịch đang thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ cho du khách.
Luxstay đều đặn nhắc nhở các chủ nhà làm công tác vệ sinh, diệt khuẩn, cũng như trang bị sản phẩm rửa tay, diệt khuẩn cho khách lưu trú. “Thời gian vừa qua mọi người đã nhận được rất nhiều thông tin và hiểu tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh và an toàn khi đi ra ngoài,” Kendall chia sẻ. “Du lịch cũng nên an toàn như vậy.”
Anantara cũng triển khai một chương trình mới, tăng cường các biện pháp vệ sinh, diệt khuẩn tại các chi nhánh của mình trên toàn cầu, cũng như cử ra một “Guest Guardian" với nghĩa vụ kiểm tra nội bộ dựa trên các quy định do thương hiệu thiết lập.
“Các chi nhánh của chúng tôi hiện đang vận hành tuân thủ theo yêu cầu từ chính quyền địa phương, cũng như các biện pháp mà cả Anantara và Avani đề ra cho tất cả các khách sạn. Chúng tôi thực hiện tất cả các hướng dẫn giãn cách xã hội tại nhà hàng, quán bar, và khu vực hồ bơi của mình,” Pieter cho biết. “Chúng tôi cảm thấy cực kỳ may mắn khi có mặt tại Việt Nam vào thời điểm này, khi mà du lịch quốc tế vẫn còn rất hạn chế, sự hiện diện và uy tín của chúng tôi tại thị trường trong nước mang đến cho chúng tôi nhiều lợi thế, đảm bảo với khách hàng về một môi trường nghỉ dưỡng an toàn.”
Đầu tư vào trải nghiệm
Khi mà các doanh nghiệp du lịch và lữ hành đang cải cách cơ cấu, cơ hội để phát triển ngành du lịch trong nước ngày càng hiện rõ. Thay vì tập trung vào số lượng, các doanh nghiệp đang tập trung để thực hiện những thay đổi dài hạn trong hệ thống và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
“Luxstay cũng đang sử dụng khoảng thời gian này để nâng cấp các nền tảng (website, apps cho cả khách du lịch lẫn chủ nhà) cũng như cải thiện trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi nhận ra rằng, lý do thị trường homestay ở Việt Nam chưa bùng nổ mạnh mẽ là vì chưa có thước đo cụ thể cho chất lượng cũng như dịch vụ (nếu có). Nếu như khách sạn có thang điểm theo sao thì chất lượng homestay vẫn phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế cũng như lời khuyên từ người thân. Hiện chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng một tổ chức có thẩm quyền đánh giá cũng như tiêu chuẩn hoá các homestay để mang lại sự an tâm cho khách hàng,” Kendall chia sẻ.
Có nhiều lý do khiến chúng ta cần cảnh giác du lịch đại trà và rủi ro mà nó mang lại cho môi trường. Nhưng thậm chí là trong kỷ nguyên của những chuyến du lịch trọn gói với mức ưu đãi khủng, vẫn có những sản phẩm du lịch được đầu tư một cách kỹ lưỡng. Tháng 7 này, Anantara sẽ ra mắt The Vietage, một dự án tàu được đóng mới hoàn toàn trong nước có hành trình khứ hồi hàng ngày giữa Đà Nẵng và Quy Nhơn, với 12 chỗ ngồi, dịch vụ massage và bar phục vụ xuyên suốt chuyến đi qua miền quê Việt Nam.
“Nhu cầu du lịch vào dịp hè hứa hẹn sẽ đầy triển vọng,” Pieter cho biết. “Dự án tàu thu hút được rất nhiều sự quan tâm và lượt booking, cả cho chuyến tàu lẫn Anantara Hội An và Anantara Quy Nhơn Villas.”
Kết
Sau một khởi đầu chậm đầu năm, ngành du lịch Việt Nam dường như đã sẵn sàng để trở lại phục vụ cho du lịch nội địa, với lượt booking cho mùa hè tăng trưởng khả quan cũng như sự tự tin của khách hàng khiến cho việc hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn.
Sự thật là ngành du lịch Việt Nam có giá trị hơn phần lớn là do Việt Nam thành công trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 và đảm bảo cho người dân có thể du lịch trở lại một cách an toàn. Cho dù biên giới có mở lại trong vài tháng sắp tới hay không, ngành du lịch Việt Nam vẫn đã tìm thấy một cơ hội để phát triển giữa thời điểm khó khăn này.