‘Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu’ và khát vọng của tự do dưới tinh thần Lão Tử | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 11, 2020
Điện ẢnhDVD

‘Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu’ và khát vọng của tự do dưới tinh thần Lão Tử

'One Flew Over The Cuckoo's Nest' - một bộ phim với phép ẩn dụ về chính trị phương Tây thì có thể liên quan gì đến Lão Tử?

‘Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu’ và khát vọng của tự do dưới tinh thần Lão Tử

.

Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu (One Flew Over the Cuckoo's Nest) là một trong những bộ phim Mỹ vĩ đại nhất mọi thời đại. Tác phẩm này là 1 trong 3 bộ phim trong lịch sử giải Oscar đoạt 5 giải quan trọng nhất (gọi là Big Five) bao gồm: Phim, Đạo diễn, Kịch bản & Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Sức hấp dẫn của bộ phim kinh điển này không chỉ nằm ở nghệ thuật kể chuyện hoàn hảo của đạo diễn gốc Séc Miloš Forman mà còn ở chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, thời điện ảnh còn tác động lớn đến nhận thức của xã hội và con người.

Trong lần giới thiệu mới này, chúng tôi thử soi chiếu bộ phim dưới tinh thần của triết gia Trung Quốc Lão Tử.

Ẩn dụ của sự toàn trị hay tinh thần tự do trong một trại điên tập thể

Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu diễn ra trong một trại tâm thần của nước Mỹ những năm 60s của thế kỷ trước. Randle McMurphy (Jack Nicholson đóng), một kẻ tội phạm bất trị được cho là tâm thần đã làm đảo lộn và phá vỡ trật tự của trại điên này. Anh đã kích động tinh thần tự do của những bệnh nhân khiếp nhược trước sự cai trị tàn bạo của bác sỹ và y tá.

alt
Nguồn cơn của cách mạng - nhân vật chính Randle McMurphy. | Nguồn: Fantasy Films

Trại tâm thần trong Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu thực ra là một ẩn dụ của nước Mỹ những năm 60-70s. Đó là thời của chiến tranh Việt Nam, của phong trào hippy và giải phóng tình dục, và của những công dân Mỹ bị chính phủ dắt mũi như những chú cừu non. Nhưng với Miloš Forman, trại điên với những bệnh nhân bị bóp nát tính cách và nhân cách còn mang một ý nghĩa khác.

Miloš Forman là một đạo diễn Séc từng trải qua hai chế độ toàn trị trên đất nước ông là phát xít Đức trong Thế chiến 2 và Liên Xô năm 1968. Sau đó ông phải chạy sang Mỹ và trở thành công dân nước này.

Miloš Forman từng nói: “Đảng toàn trị với tôi là mụ y tá tàn bạo Ratched, kẻ luôn nói với tôi những gì tôi được và không được làm, những điều tôi được và không được phép nói, chỗ nào tôi được và không được đi; thậm chí, tôi là ai và tôi không được là ai”.

alt
Y tá xấu xa Ratched. | Nguồn: Fantasy Films

Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu là một bộ phim khiến ta phải choáng váng khi xem xong. Hình ảnh Randle McMurphy làm đảo lộn trại điên là một hình ảnh mang tính ẩn dụ giữa trật tự và hỗn loạn, cá nhân và hệ thống, giữa cái tôi và đám đông, giữa những chú cừu non ngoan ngoãn và đám cáo già gian ác. McMurphy đã kích động, đã thách thức, đã dần dần mang lại nhân tính cho những bệnh nhân tâm thần, và đã dẫn dắt họ thoát khỏi trại điên để thực hiện một chuyến phiêu lưu vô tiền khoáng hậu.

Nhưng cuối cùng, cuộc cách mạng mà McMurphy mang đến cho trại tâm thần bị đàn áp thảm thương. Chế độ cầm quyền đã biến anh thành một kẻ sống thực vật, điều mà anh từng ra sức chống phá. Người thủ lĩnh đã bị đánh bại, nhưng trại tâm thần đó mãi mãi không còn là cái trại điên của ngày hôm qua…

alt
Sự bất kham của Randle đã khiến anh phải trả giá bằng lý trí của mình. | Nguồn: Fantasy Films

Hơn cả một kiệt tác điện ảnh, Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu là một bộ phim đầy tính biểu tượng về tinh thần tự do, về quyền làm người, về khát vọng được sống như một con người đích thực. Và dù cuối cùng McMurphy có thất bại, anh cũng đã mang đến một nguồn sáng soi rọi cái tăm tối trong trại tâm thần này, đã khiến những bệnh nhân bị cho là điên phải hành động thay vì chỉ ngồi đó mà than vãn hay kêu ca nhưng không bao giờ dám thay đổi.

Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu được soi chiếu dưới tinh thần của… Lão Tử

Tháng 4/2018, Miloš Forman qua đời ở tuổi 86. Trong những bộ phim xuất sắc mà ông để lại, phải kể đến hai tuyệt phẩm điện ảnh từng thắng giải Oscar cho Phim hay nhất là Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu (1975) và Amadeus (1984 – một góc nhìn khác về cuộc đời của thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart).

Để tưởng niệm đạo diễn thiên tài này, tôi được mời trò chuyện về bộ phim Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu tại Cà phê thứ 7.

Trong buổi chiếu phim và thảo luận, có một khán giả đặc biệt là Giáo sư, Tiến sĩ, Dịch giả Nguyễn Văn Trọng. Đây là lần đầu tiên ông xem bộ phim này, nhưng ông có một nhận xét vô cùng thú vị khiến tôi phải chú ý.

Ông cho rằng để đạo diễn bộ phim này, Miloš Forman không chỉ dùng trải nghiệm của ông dưới chế độ Cộng sản ở Séc mà phần nào đó, đạo diễn gốc Séc này chịu ảnh hưởng triết lý Lão Tử trong việc xây dựng nhân vật và tính biểu tượng cho bộ phim.

Dù không diễn giải cụ thể cảm nhận chủ quan của mình, giáo sư Trọng cho rằng nhân vật người tù trưởng da đỏ Bromden, là một biểu tượng của tinh thần Lão Tử với triết lý vô vi và câu nói kinh điển của bậc triết gia này “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (Biết thì không nói, mà nói thì không biết).

alt
Bramden tưởng khù khờ, thật sự lại là một người thông thái. | Nguồn: Fantasy Films

Một trong những triết thuyết quan trọng của Lão Tử là ông cho rằng đời sống tinh thần và tâm lý của con người có 3 giai đoạn phát triển.

“Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn bắt đầu tạo sanh bản ngã. Con người còn ở trình độ sơ khai, chưa có bản ngã, hay nói cho đúng hơn, họ chưa có cá tính rõ rệt. Họ cảm giác và suy nghĩ theo phần đông. Họ là những người có rất nhiều thành kiến, sống theo dư luận. Họ sống như một đàn cừu, cúi đầu đi theo nhịp bước của con dẫn đạo, không dám lạc đoàn.”

Trong Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu, hầu hết bệnh nhân trong trại tâm thần đều thuộc giai đoạn này. Họ là những con cừu đã được thuần dưỡng và mất khả năng chống cự, dưới sự cai trị quỷ quyệt của mụ y tá Ratched.

Một trong những nhân vật điển hình nhất cho hình ảnh con cừu bị thuần dưỡng là Billy Bibbit, chàng thanh niên cà lăm, tinh thần yếu nhược và vô cùng khiếp sợ mụ Ratched. Khi được McMurphy truyền cảm hứng sau chuyến tạm trốn trại tới đại dương, Billy có vẻ tự tin hơn một chút. Nhưng khi McMurphy rủ anh bỏ trốn đến Canada, Billy đã đáp lại yếu ớt rằng: “Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng”.

alt
Billy Bibbit yếu đuối. | Nguồn: Fantasy Films

Giai đoạn thứ hai của đời người, theo Lão Tử, là “Giai đoạn trưởng thành của bản ngã. Bắt đầu bước qua giai đoạn này, cá tính con người lần lần xuất hiện. Những tính hay bắt chước, chạy theo thời thượng bắt đầu tiêu biến, để lại một tâm hồn độc đáo, với những sáng kiến và óc phê bình sâu sắc. Họ sẽ là người không chịu làm tôi tớ của cổ nhân nữa”.

Đây chính là minh họa chính xác nhất cho hình ảnh của McMurphy. Anh có một tâm hồn độc lập, sáng tạo và tinh thần tự do vô bờ bến, khiến bộ máy cai trị của mụ Ratched phải bất lực. Anh thích làm cách mạng, thích làm người dẫn đạo hơn là rụt rè phụ họa.

Giai đoạn thứ ba và cuối cùng là “giai đoạn cứu cánh, giác ngộ” theo tư tưởng của Lão Tử. “Giai đoạn cuối cùng là vượt khỏi bản ngã hay tiêu diệt bản ngã, để trở về sát nhập với đời sống của chân thể, của trời đất. Ở giai đoạn này, bản ngã không còn thấy mình là một vật riêng biệt nữa mà là một với vạn vật.”

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho hình ảnh của người tù trưởng Bromden — kẻ giả câm điếc để thoát khỏi sự cai trị của mụ Ratched — và cuối cùng đã thực hiện cuộc cách mạng của McMurphy. Bromden, đích xác đã đạt đến giai đoạn thứ ba của đời người, đã vượt khỏi bản ngã để trở về sát nhập với đời sống vô cùng của trời đất.

alt
Bramden là người duy nhất kế thừa di sản của McMurphy. | Nguồn: Fantasy Films

Cho dù McMurphy có thể gặp sai lầm, nhưng nếu không có những người dám xả thân như anh, liệu người tù trưởng Bromden có phá cũi sổ lồng, đập vỡ cửa kính bệnh viện để vọt ra ngoài đi tìm tự do đích thực không?

Bromden khiến tôi kính nể về sự khôn ngoan và tinh thần tự do từ bên trong. Nhưng tôi luôn luôn dành tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình cho McMurphy là vậy.