Gặp nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc trong cuộc đối thoại âm bản | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Gặp nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc trong cuộc đối thoại âm bản

Cầm máy ảnh lên chụp chỉ là chức năng cơ bản. Để cho ra sản phẩm mang tính sáng tạo, có tư tưởng và sử dụng chất liệu nhuần nhuyễn mới là điều quan trọng.
Gặp nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc trong cuộc đối thoại âm bản

Nguồn: Photographer Zen Nguyen

Ảnh đen trắng, hay còn gọi là nhiếp ảnh đơn sắc luôn là một sự thách thức. Bởi nó buộc nhiếp ảnh gia phải vượt qua giới hạn màu sắc, khám phá hình dạng, kết cấu và tông màu của môi trường để có được một bức ảnh hấp dẫn hơn.

Mọi trải nghiệm và quan sát của bạn khi ngắm nhìn những bức ảnh đen trắng sẽ dễ khơi gợi câu chuyện và cảm xúc đằng sau. Đó cũng là điều tôi tìm thấy trong các tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc.

Là người sáng lập Noirfoto với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Phạm Tuấn Ngọc đã dành thời gian ngồi cùng Vietcetera để chia sẻ về nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng.

Tại sao anh thường lựa chọn chất liệu ảnh đen trắng cho các tác phẩm của mình?

Nhiếp ảnh có rất nhiều chất liệu cho bạn thỏa sức sáng tác, một trong số đó là đen trắng. Anh thích ảnh đen trắng đầu tiên vì nó hợp với mình. Từ chất liệu phim đẹp, đến tính thẩm mỹ giản dị nhưng vẫn đủ cảm xúc. Sau đó là quá trình sản xuất, chụp phim, tráng phim, rửa ảnh. Cảm giác tự làm ra một sản phẩm mang tính thủ công và cá nhân khiến anh bị hấp dẫn.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Giống như trong nấu ăn, có người nấu món Á thì cũng sẽ có người thích món Âu. Mỗi món đều có đặc thù của nó. Âu có kiểu khó của Âu, Á có cái hay của Á. Nhiếp ảnh cũng vậy. Quan trọng là bạn tìm ra được thế mạnh và sở thích của mình.

Anh có quan niệm cụ thể về một bức ảnh đen trắng chất lượng không?

Anh nghĩ đó là cách thể hiện. Ảnh màu hay ảnh đen trắng đều vậy. Bản thân nó không loại trừ nhau. Một bức ảnh đẹp khi là đen trắng thì có thể sang ảnh màu vẫn đẹp và ngược lại.

Nếu chọn chất liệu là ảnh đen trắng thì sẽ có hai kiểu ảnh đen trắng. Ảnh kỹ thuật số mà chụp đen trắng thì phải đạt trình độ chuyên môn đủ tốt. Còn ở tính phổ thông là khán giả xem bức ảnh đen trắng thấy đẹp.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Ngoài những yếu tố chung như bố cục hài hoà, nội dung hay, ánh sáng tốt, chi tiết độc đáo,... ảnh đen trắng còn đòi hỏi thêm các yêu cầu về sắc độ, sắc nét, sự tương phản, chất liệu giấy.

Chất lượng ảnh đen trắng mà mọi người hay nhắc đến phụ thuộc vào chất lượng giấy và phim. Cái đó là tính thẩm mỹ và chuyên môn nghề nghiệp. Khán giả đại chúng có thể không thấy khác nhau nhiều.

Theo anh, những yếu tố quan trọng cần có của một nhiếp ảnh gia là gì?

Đối với bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, người nghệ sĩ cũng cần phẩm chất là sự sáng tạo, cần cù lao động và tính thẩm mỹ. Nhiếp ảnh bây giờ có thể mang yếu tố thương mại, thời trang hay phóng sự, tài liệu. Mỗi loại hình nhiếp ảnh đều có một đặc trưng riêng.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Khi coi nhiếp ảnh là nghệ thuật thì mỗi sản phẩm phải có ý tưởng, cảm xúc, câu chuyện, tính độc đáo. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật cũng phải tốt.

Để thoả mãn những yếu tố đó, người cầm máy phải chăm chỉ, khổ luyện, đam mê, sáng tạo và quyết tâm. Nếu làm mọi thứ hời hợt, không chỉ ở nhiếp ảnh, với bất kỳ lĩnh vực nào bạn cũng khó có thể thành công.

Khi tái hiện một chủ thể dưới ống kính, anh hướng đến sự sắp đặt về bố cục hay các yếu tố tự nhiên?

Có hai giai đoạn sáng tác trong nghề anh đã đi qua. Giai đoạn đầu tiên là khi anh cầm máy đi ra ngoài tìm cái đẹp. Ví dụ ở bộ ảnh Paris mà anh đang làm lại đã được chụp cách đây 10 năm, lúc đó anh ra đường thấy cái gì đẹp, cái gì chạm đến mình, phù hợp với cảm xúc thì chụp.

Bộ ảnh đó đẹp vì có xúc cảm, kết hợp lại thành câu chuyện, thể hiện chính anh chứ không phải Paris. Đó là cảm xúc cô đơn, buồn bã, lãng mạn. Khi đó kỹ thuật và kinh nghiệm còn ít, anh chụp vì có cảm xúc chứ không có nhiều ý định. Nhưng cũng không có nghĩa chụp là có ngay. Chụp xong, anh về phải chỉnh sửa để chọn ra những bức ảnh tiêu biểu nhất.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Còn bây giờ, anh đã qua cái thời chụp những gì có sẵn rồi. Anh không chụp đường phố, không đi ra ngoài nữa mà tự tạo nên tác phẩm của mình. Đó là giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp. Khi đủ độ chín, anh tìm được các cảm hứng, kỹ thuật để phát triển hơn và đi theo một hướng khác.

Ví dụ với một bông hoa, người chụp màu, người chụp đen trắng, người chụp gần, người chụp xa. Bản chất của nhiếp ảnh xét cho cùng vẫn phải có chủ thể đứng trước ống kính. Chúng ta vẫn cần người mẫu, vật thể nhưng sử dụng chất liệu như thế nào lại là câu chuyện khác.

Chất liệu ở đây là kĩ thuật, sự sáng tạo, kinh nghiệm và những thử nghiệm khác nhau. Khi đó, bức ảnh mình tạo ra chính là sự biến đổi của hiện thực.

Anh quan niệm như thế nào là một bức ảnh đẹp?

Tất nhiên sẽ không có công thức chung cho một bức ảnh đẹp. Cái đẹp là quan niệm thẩm mỹ cá nhân. Nhưng trong nhiếp ảnh, anh luôn đề cao tính sáng tạo hơn kỹ thuật máy móc. Máy móc bây giờ đang làm rất tốt.

Nếu mục tiêu của một bức ảnh thủ công là làm nó đẹp như bằng máy thì anh thấy nó bình thường. Sản phẩm khi đó không có tính sáng tạo. Điều quan trọng là phải làm được những thứ máy móc và nghệ sĩ khác không làm được.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Thứ hai là phải có tư tưởng và ý tưởng. Nếu sáng tạo chỉ vì tò mò, làm ra trông hay hay rồi thôi thì cũng có nhiều sáng tạo như thế. Sản phẩm nhìn kỳ quái, lạ lẫm, trông lạ mắt, nhưng thiếu đi câu chuyện và ý tưởng sâu sắc nên bị dở dang và chưa “tới”.

Mỗi người nhìn bức ảnh sẽ thấy khác nhau. Nếu nói nó đẹp thì phải giải thích được tại sao. Đấy cũng là thách thức với mỗi khán giả, bất kể là ai. Không thể vì bạn bè hay người quen chụp mà bảo nó đẹp, như thế rất chủ quan. Người ta có quyền thích nó nhưng không có quyền biến nó thành đẹp.

Cái tôi nghệ sĩ anh luôn hướng đến trong những dự án cá nhân của mình là gì?

Đầu tiên phải là một khán giả không dễ dãi. Sản phẩm của mình phải thoả mãn được bản thân trước. Nếu không hài lòng thì không dám đem đi triển lãm. Có thể, khán giả xem những tác phẩm sẽ thấy ổn, nhưng khi anh biết các kĩ thuật, thực hành thì phải khắt khe hơn. Anh luôn áp đặt một tiêu chuẩn cao nhất, khó tính nhất với các sáng tác.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Thứ hai là những trải nghiệm cá nhân. Anh làm dự án hay chụp ảnh bởi vì muốn làm và cần làm. Khi có một ý tưởng và suy nghĩ, anh tìm hiểu, thí nghiệm, làm đến lúc nào ưng thì thôi. Cảm xúc mạnh mẽ là khi anh khám phá ra được một thứ mới mẻ với bản thân, hoặc tìm được kĩ thuật đang tìm kiếm. Đó là động lực và cái tôi anh hướng đến.

Hiểu được rõ điều đó thì mình cũng sẽ cởi mở và thoải mái hơn, với các luồng ý kiến trái chiều cho từng sản phẩm.

Với những trải nghiệm của bản thân, anh có cho rằng nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng sẽ trường tồn với thời gian?

Ảnh phim âm bản có trước, ảnh màu kỹ thuật số có sau. Ảnh kỹ thuật số dựa trên ảnh đen trắng mà phát triển lên. Cái hay của ảnh đen trắng là nó đơn giản và trừu tượng. Thế giới vốn dĩ có màu, khi không có màu nữa thì sẽ trở thành trừu tượng và phi thực.

Nguồn: Phạm Tuấn Ngọc

Những thứ đơn giản nhiều khi truyển đạt được cảm xúc, ý tưởng mạnh mẽ hơn. Chất liệu càng bớt cầu kỳ thì thông điệp, cảm xúc càng được thể hiện rõ. Nhiều chi tiết màu sắc quá lại dễ bị rối rắm.

Nói như thế không có nghĩa là một thứ hấp dẫn hơn hay kém lâu bền hơn so với cái kia. Xét cho cùng, mọi thứ đều là chất liệu, mà chất liệu thì chính là phương tiện. Hãy sử dụng phương tiện làm sao để có thể thỏa sức sáng tạo và làm ra những sản phẩm chất lượng nhất.