Giờ học sử buồn ngủ? Hãy để nghệ thuật đánh thức giới trẻ | Vietcetera
Billboard banner

Giờ học sử buồn ngủ? Hãy để nghệ thuật đánh thức giới trẻ

Trong nhiều năm, người ta nói đi nói lại thông điệp cải cách dạy và học sử. Sau nhiều phương án không thành công, nghệ thuật và mỹ thuật có thể là lời giải đáp.
Giờ học sử buồn ngủ? Hãy để nghệ thuật đánh thức giới trẻ

Tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm ở ngoại ô Sài Gòn, 1975 | Nguồn: National Gallery Singapore

alt

Bên cạnh Hóa học, Lịch sử là môn học ít được ưa chuộng trong nhà trường. Nhưng nếu nhiều bạn ghét hay sợ môn Hóa vì sự phức tạp của nó, thì hầu hết ý kiến tiêu cực về môn Sử tập trung vào chương trình học nặng nề, yêu cầu học thuộc nhiều, và có phần xa lạ với đời sống và thực tại của các bạn học sinh.

Quả thực, trong thời đại nghe nhìn nơi văn hóa đại chúng và các nền tảng phát trực tiếp thống trị truyền thông, việc học lịch sử theo kiểu đọc chép, ghi nhớ ngày tháng dần trở nên cổ hủ. Để giải quyết vấn đề tiếp cận lịch sử, nghệ thuật có thể bổ sung những màu sắc mới bên cạnh những trang sách sử đơn sắc.

Từ điện ảnh tới nhiếp ảnh, từ âm nhạc tới hội họa, nghệ thuật giúp các bạn học sinh được trải nghiệm lịch sử dưới những góc nhìn khác. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu một số hình thức nghệ thuật có hiệu quả giáo dục lịch sử cao nhất, với ví dụ điển hình là hình thức ký họa chiến tranh.

Những thước phim nhuốm màu thời gian

Với sự ra đời của nhiếp ảnh, của máy quay và của điện ảnh, con người có thể bắt trọn một khoảnh khắc trong thời gian, hay tái tạo lại các sự kiện lịch sử, hoặc thậm chí mô phỏng cả một thời đoạn trong quá khứ. Chính vì thế, nhiếp ảnh và điện ảnh có thể là cầu nối giúp các bạn trẻ “du hành thời gian” để tiếp cận lịch sử một cách chân thật và sống động.

Nhiếp ảnh: Lịch sử “động” trong hình ảnh tĩnh

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, những bức ảnh là “người kể chuyện” chân thực. Với khả năng “đóng băng” một khoảnh khắc trong dòng thời gian, mỗi bức ảnh như một ô cửa sổ để thế hệ tương lai nhìn về quá khứ.

Từ hai cuộc chiến của dân tộc, nhiều bức ảnh đã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi khả năng bóc trần sự thảm khốc của chiến tranh, mà còn bởi hàm lượng nội dung và những cảm xúc mà chúng có thể truyền tải. Đó là những tác phẩm nổi tiếng như Em bé Napalm hay bức Vụ hành quyết Sài Gòn.

01nov2022embenapaljpg
Bức ảnh Em bé Napalm từng gây chấn động thế giới, cho thấy quy mô của sự tàn phá mà chiến tranh gây nên tại Việt Nam | Nguồn: Nick Út
01nov2022ap746400184512jpg
Vụ hành quyết Sài Gòn | Nguồn: Eddie Adams/AP

Việc sử dụng những tư liệu trên trong nhà trường thay cho những con số hay trang sách khô khan có thể mang lại hiệu quả lớn. Việc xem ảnh kết hợp với lời dẫn dắt và diễn giải của giáo viên có thể tạo ấn tượng mạnh với người học, giúp các bạn nhớ sự kiện lịch sử mà không cần học thuộc quá nhiều địa danh và con số.

Điện ảnh: Tái hiện dòng chảy của thời gian

Nếu nhiếp ảnh tập trung vào việc bắt trọn những khoảnh khắc đắt giá, thì điện ảnh để ra những khoảng trống cho sự sáng tạo trong việc phục dựng và mô phỏng lịch sử. Với sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng, và góc quay, các tác phẩm điện ảnh có thể tái hiện lại cả một không gian lịch sử trong khi kể những câu chuyện về các nhân vật lịch sử.

Thay vì học thuộc những con số về ngày tháng hay thương vong trong Thế chiến I, các bạn trẻ có thể gián tiếp cảm nhận sự khủng khiếp của chiến trường qua các tác phẩm điện ảnh xuất sắc như 1917. Hoặc thay vì “ngụp lặn” trong những thông tin về các chiến dịch quân sự, thì những thước phim tài liệu như The Vietnam War sẽ cung cấp kiến thức dưới một hình thức thân thiện và hấp dẫn hơn.

Mỹ thuật thời chiến: những góc nhìn cá nhân về lịch sử

Người Mỹ gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam là “cuộc chiến truyền hình” (television war), bởi đó là lần đầu tiên những hình ảnh tại chiến trường xuất hiện trên màn hình vô tuyến của từng hộ gia đình Mỹ. Nhưng đối với những người Việt thời ấy, những hình ảnh chiến tranh không chỉ tới từ ảnh, mà còn từ những bức tranh ký họa của các họa sĩ ở chiến khu, hoặc ở các điểm nóng trên chiến trường.

Ký họa là cách các họa sĩ “ghi chép” một sự kiện, sự vật, hay con người nhanh nhất có thể. Trong thời bình, các bức ký họa là một cầu nối, một lăng kính, một ô cửa sổ để thế hệ trẻ nhìn về quá khứ như điện ảnh hay nhiếp ảnh. Mỗi họa sĩ có cách vẽ và góc nhìn khác nhau về lịch sử, do đó một tuyển tập các tác phẩm ký họa sẽ là một tập hợp những ô cửa, lăng kính khác nhau về quá khứ.

Họa sĩ ký họa Phạm Thanh Tâm và họa sĩ kháng chiến miền Nam Huỳnh Phương Đông là hai cái tên nổi bật trong dòng mỹ thuật thời chiến. Cùng kể lại lịch sử bằng hội họa, nhưng hai họa sĩ có những xúc cảm và cách triển khai đề tài khác nhau.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm trưởng thành từ lớp hội họa kháng chiến tại miền Bắc. Chặng đường mỹ thuật của ông là chặng đường chiến đấu của dân tộc, với điểm nhấn là những bức ký họa ngay trên quá trình hành quân, chiến đấu.

01nov2022a0439jpg
Tác phẩm Lăng quan sát Mường Thanh (Điện Biên Phủ), 18/3/1954 | Nguồn: National Gallery Singapore
01nov2022a043721jpg
Tác phẩm Bắc Quảng Trị, 1966 | Nguồn: National Gallery Singapore
01nov2022w071196jpg
Tác phẩm Nạn nhân chiến tranh, 1964 vẽ tại biên giới Việt-Lào | Nguồn: National Gallery Singapore

Những bức ký họa của họa sĩ Phạm Thanh Tâm giới thiệu những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến qua những nét phác thảo không quá phức tạp bằng chì. Mỗi tác phẩm như một lát cắt ký ức của chính họa sĩ, chúng không quá rõ ràng nhưng luôn lột tả được những chi tiết đắt giá nhất.

Phong cách vẽ này không giống với cách triển khai của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, người đã làm ra những kho sử thi bằng mỹ thuật. Xuất thân từ trường vẽ Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TPHCM), ông dành phần lớn tuổi trẻ của mình làm một người chiến sĩ-họa sĩ trên chiến trường miền Nam.

Tài năng hội họa kết hợp với sự nhạy cảm của một người lính đã giúp họa sĩ Huỳnh Phương Đông tái hiện những khoảnh khắc đặc biệt của dân tộc với bút pháp khỏe khoắn và phóng khoáng.

01nov2022142922249682303543f21hjpg
Tác phẩm Vượt cầu dây Đại Lộc Quảng Nam | Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
01nov20221447547555145667fdbc2hjpg
Tác phẩm Chiến khu rừng Sác | Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
01nov202214475345091b283bc30cdhjpg
Tác phẩm Lộc Ninh giải phóng | Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Trong khi đó, họa sĩ người Mỹ Peter Saul lại thể hiện cuộc chiến qua một góc nhìn và phong cách khác. Tác phẩm Saigon, 1967 của ông là một bức tranh rất lớn, khắc họa thành phố Sài Gòn dưới sự ảnh hưởng của người Mỹ.

01nov2022large69103saulp12jpg
Tác phẩm Saigon, 1967 của Peter Saul | Nguồn: Whitney Museum of American Art

Có rất nhiều thứ trong bức tranh này: những anh lính Mỹ phè phỡn hãm hiếp các cô gái bản xứ, những hình ảnh tượng trưng cho bom và khói lửa, máu và những viên đạn,... Các chi tiết được trải rộng ra trên những nét vẽ phóng khoáng và có phần kệch cỡm cùng những màu sắc lòe loẹt như muốn tả lại những gì mà tác giả nghĩ về Sài Gòn và về cuộc chiến: một thứ phi nghĩa, kệch cỡm nơi người Mỹ chỉ phá hủy thiên nhiên và con người.

Tạm kết: Để Lịch sử không còn là môn học “ác mộng”

Dù môn Lịch sử không được các bạn học sinh ưa chuộng, điều đó không đồng nghĩa rằng giới trẻ hoàn toàn thờ ơ, quay lưng lại với lịch sử. Sự xuất hiện của các nội dung sử trên mạng xã hội, trên Youtube, Tiktok, và các hội nhóm nghiên cứu tự phát đã cho thấy rằng đang có một nhu cầu tìm hiểu lịch sử rất lớn trong các thế hệ con cháu của những người đã trực tiếp cầm súng năm xưa.

Điều này có nghĩa là môn Lịch sử vẫn có thể ghi điểm với các bạn học sinh, nếu phương pháp dạy và học bộ môn này được thay đổi. Đây tất nhiên là một nhận định quen thuộc tới mức dần trở nên khuôn mẫu, nhưng cũng là một sự thực và một giải pháp không thể không nhắc tới.

Trong bối cảnh ấy, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng hoàn toàn có thể là chất xúc tác, là “nhân tố X” làm thay đổi cảm nhận của các bạn học sinh với lịch sử và với môn Lịch sử. Trải qua hàng chục năm chiến đấu, di sản mỹ thuật chiến tranh là vô vàn. Tất cả đang nằm im trong các phòng tranh, trong các kho tư liệu, chờ đợi các giáo viên tiếp cận và khai thác.

Được thành lập từ năm 1991, Lotus Gallery là một trong những phòng tranh nghệ thuật tư nhân đầu tiên của TP.HCM (Sài Gòn) với mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển và mang hội họa Việt Nam vươn ra tầm thế giới. Trong hơn ba mươi năm qua, dưới sự dẫn dắt của người sáng lập, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, Lotus Gallery đã từng bước chuyển mình từ một cửa hàng tranh địa phương trở thành đơn vị tổ chức triển lãm cho họa sĩ và nghệ sĩ Việt Nam tại nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ.