Giữa COVID-19, người kinh doanh thời trang direct-to-consumer nên làm gì? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 04, 2020
Kinh doanh Thời trang

Giữa COVID-19, người kinh doanh thời trang direct-to-consumer nên làm gì?

Để giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch và tăng cường sức khỏe cho doanh nghiệp thời trang DTC mùa COVID-19, sau đây là một vài phương án bạn có thể áp dụng.

Giữa COVID-19, người kinh doanh thời trang direct-to-consumer nên làm gì?

Kể từ đầu năm 2020, bức tranh về ngành thời trang toàn cầu dần trở nên ảm đạm bởi dịch bệnh COVID-19. Ở thời điểm hiện tại, thời trang — vốn dĩ không phải là mặt hàng thiết yếu — đã và đang trượt dài, sức mua sụt giảm, sản xuất đình trệ, thiếu hụt nguồn lực và nguồn hàng… là điều mà rất nhiều doanh nghiệp thời trang đang phải đối mặt.

Tại Việt Nam, hầu hết các thương hiệu nội địa đang dần ngấm đòn mùa dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu hoạt động theo hình thức phân phối trực tiếp sản phẩm tới tay người dùng (DTC–direct-to-consumer), đang phải chịu nhiều tổn thất nặng nề từ chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, và hệ thống phân phối… Để giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch và tăng cường sức khỏe cho doanh nghiệp thời trang DTC, sau đây là một vài phương án bạn có thể áp dụng.

1. Kiểm tra lại nguồn cung ứng nguyên vật liệu

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, nhiều nước trên thế giới đã chủ động đóng cửa hoặc thắt chặt giao dịch biên giới, đặc biệt tại Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây lại là những quốc gia chủ lực cung ứng nguyên liệu cho các chợ vải truyền thống tại Việt Nam.

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì0
Mùa này, nếu bạn hỏi tiểu thương tại các chợ vải lớn là khi nào vải lại về, thì họ cũng chỉ thở dài ngán ngẩm.

Các vấn đề khó khăn trong nhập biên đã tác động nhiều đến giá thành của nguồn vải tại chợ đầu mối lớn, gây trở ngại hay thậm chí là dẫn đến tình trạng khan hiếm và thiếu hụt nguồn hàng cho sản xuất. Một số thương hiệu dần rơi vào thế bị động và buộc phải chấp nhận thời gian nhập hàng chậm hơn dự kiến, hay thậm chí có thể bị huỷ đơn bất kỳ lúc nào.

Trước thực trạng chung của toàn ngành, các phương án khác nhau đã được tính đến. Nhiều thương hiệu nhanh chóng thống kê lại toàn bộ số lượng nguyên vật liệu và hàng tồn kho trong thời điểm hiện tại, tính toán hợp lý lượng hàng cần sản xuất thêm, cân nhắc cắt giảm một số các sản phẩm đã qua mùa hoặc có lượng tiêu thụ kém trước đó để tránh ôm đồm số lượng lớn làm gia tăng rủi ro cho thương hiệu.

Việc liên tục liên hệ, kiểm tra với các nguồn cung cố định cũng là cách để xác nhận chắc chắn nguồn nguyên liệu có đang bị gián đoạn hay không. Ngoài ra, hãy chủ động tìm kiếm thêm vài nơi cung ứng khác để có những biện pháp thay thế phù hợp nhất.

Ngoài ra, chủ động thương lượng với bên cung ứng về thời gian giao, các yêu cầu hàng hóa hoặc mức giảm phù hợp đối với những nguồn cung dài hạn và cố định để có thể được mức giá tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì1
Kế hoạch merchandise phù hợp trong thời điểm này là một trong những yếu tố trực tiếp quyết định lãi lỗ của doanh nghiệp.

2. Xây dựng kế hoạch merchandise hợp lý để tối ưu vốn đầu tư và đạt lợi nhuận kỳ vọng

Thời điểm nhạy cảm và khó khăn hiện nay buộc các thương hiệu phải có phương án xây dựng kế hoạch merchandise (hàng hóa) chi tiết để tối ưu nhất nguồn vốn hiện tại. Kế hoạch merchandise phù hợp trong thời điểm này là một trong những yếu tố trực tiếp quyết định lãi lỗ của doanh nghiệp.

Một kế hoạch merchandise hiệu quả đòi hỏi người phụ trách vừa có đầu óc logic của người kinh doanh vừa có trực giác nhạy bén về thị hiếu khách hàng, đòi hỏi sự cân bằng một lúc giữa nhiều yếu tố, ví dụ như: nguồn lực doanh nghiệp và phạm vi bao phủ nhu cầu khách hàng; số lượng sản xuất, đơn giá sản xuất một đơn vị hàng hoá và rủi ro hàng tồn kho; lợi nhuận và tốc độ bán…

Hãy tính toán lại số lượng và giá bán lẻ của các bộ sưu tập. Việc này sẽ giúp hỗ trợ chuyển lượng hàng tồn kho trong kinh doanh hợp lý hơn với nhu cầu mua sắm hiện tại. Việc dự đoán doanh số của các sản phẩm trong chiến lược merchandise trong và sau đại dịch sẽ giúp các thương hiệu kịp thời điều chỉnh kế hoạch thu mua và sản xuất.

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì2
Dottie — một thương hiệu thời trang được giới trẻ ưa chuộng tại Việt Nam — sản xuất khẩu trang để tặng cho khách mua hàng trong những ngày này. | Nguồn: Dottie.

Ngoài ra, nhằm tối ưu hóa nguồn vốn hiện nay, nhiều thương hiệu thay vì sản xuất các mặt hàng quần áo như thường lệ đã chuyển sang sản xuất thêm các mặt hàng cấp thiết như khẩu trang và găng tay, phục vụ cho nhu cầu trong đại dịch.

3. Xem xét, điều chỉnh lại các kênh truyền thông và kênh phân phối hàng hoá

Theo chỉ thị cách ly xã hội do chính phủ đề ra, các thương hiệu nội địa hiện đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khoảng sau Tết Nguyên đán.

Việc gồng gánh các chi phí cố định duy trì cửa hàng và nhân sự (thường chiếm từ 20-25% tổng doanh thu) cũng tạo nên rất nhiều áp lực. Vì thế, đại dịch là dịp để doanh nghiệp xem xét lại chiến lược phân phối trước đây, liệu việc thuê mặt bằng phân phối qua cửa hàng có thật sự hiệu quả chưa hay chỉ là gánh nặng cho chi phí vận hành?

Từ những hạn chế trong mua sắm trực tiếp, văn hóa mua sắm trực tuyến ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Đa số người tiêu dùng dần thích nghi và thay đổi thói quen của mình, tạo cơ hội cho các local brand chuyển đổi sang các hình thức quảng bá và phân phối mới, thúc đẩy phát triển và mở rộng các kênh mua sắm, đa dạng hình thức tiếp cận sản phẩm đến người mua như thông qua website, mạng xã hội, hoặc các trang mua hàng trực tuyến trong khu vực.

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì3
Liệu việc thuê mặt bằng phân phối qua cửa hàng có thật sự hiệu quả chưa hay chỉ là gánh nặng cho chi phí vận hành?

Với 3 kênh phổ biến tại Việt Nam là Facebook, Instagram và website, các thương hiệu cần xác định rõ vai trò của từng kênh để xây dựng chiến lược nội dung và quảng cáo hiệu quả. Ở nước ta, Facebook vừa là kênh bán hàng vừa là kênh xây dựng thương hiệu, vì vậy cần đánh vào cả sản phẩm và câu chuyện thương hiệu đằng sau.

Qua Instagram, có thể tập trung vào hình ảnh hơn nếu vai trò của nó là truyền cảm hứng cho khách hàng… Thông qua việc khai thác các kênh mua sắm, và áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, các thương hiệu có thể mở rộng tìm kiếm thêm đối tượng khách hàng hoàn toàn mới.

Ngoài ra, việc chuyển toàn bộ đội ngũ nhân viên tại cửa hàng sang làm việc trực tuyến theo ca cũng là cách giúp doanh nghiệp bảo toàn nguồn nhân lực và duy trì độ ổn định của việc kinh doanh.

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì4
Nosbyn Studio cũng thông báo tạm đóng cửa hàng, chuyển mọi hoạt động mua bán lên trực truyến. | Nguồn: Nosbyn Studio.

4. Tập trung xây dựng hình ảnh và câu chuyện thương hiệu

Bán hàng trực tuyến đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần đầu tư về mặt nội dung và hình ảnh. Đối với thời trang, hình ảnh là ngôn ngữ truyền tải câu chuyện thương hiệu và concept sáng tạo mạnh mẽ nhất, giúp kết nối đến khách hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời điểm này.

Để tạo ra những hình ảnh hay thước phim thể hiện đúng tinh thần của thiết kế, cần cả một ekip sản xuất hiểu và có phong cách phù hợp làm nên cái hồn của sản phẩm, từ giám đốc sáng tạo, nhà tạo mẫu và đặc biệt là nhiếp ảnh gia và người mẫu.

Việc tận dụng thời điểm hiện tại để điều chỉnh lại visual guideline (định hướng hình ảnh) cho thương hiệu, đảm bảo tính thẩm mĩ, truyền tải tinh thần thương hiệu đồng nhất sẽ tăng lượng khách hàng trung thành, góp phần bán hàng hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì5
Thương hiệu SSStutter lấy lòng khách hàng bằng việc gởi tặng công thức chỉnh ảnh và khuyến khích khách hàng ở nhà. | Nguồn: SSStutter.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu bằng cách phát huy trách nhiệm xã hội của mình để hỗ trợ cộng đồng. Hãy tận dụng những thế mạnh có sẵn và ghi điểm trong mắt người tiêu dùng bằng những hành động thiết thực trong thời gian này.

5. Tập trung chăm sóc khách hàng và chú ý kỹ đến khâu hậu cần, giao nhận

Đối với ngành thời trang, việc chăm sóc khách hàng là yếu tố quyết định chiếm được cảm tình cũng như sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Các chương trình tri ân hay khuyến mãi sẽ là những hình thức hiệu quả trong việc thu hút cả khách mới và cũ vào thời điểm này.

Ngoài ra, việc hỗ trợ giao hàng cũng là một yếu tố được các thương hiệu chú ý khi thời gian này việc giao nhận hàng hóa trở nên hạn chế. Hãy tìm hiểu và hợp tác với các đơn vị giao hàng khác nhau để thuận lợi kinh doanh, đồng thời tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.

Giữa COVID19 người kinh doanh thời trang directtoconsumer nên làm gì6
Floralpunk cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí cho tất cả mọi đơn hàng trong mùa dịch. | Nguồn: Floralpunk.

Thương hiệu cũng cần đưa ra một số phương án dự phòng, như bố trí nhân viên hỗ trợ trong trường hợp việc giao nhận hàng hóa gặp sự cố, tránh gây ra gián đoạn trong quá trình kinh doanh.

Kết

Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, các thương hiệu thời trang Việt muốn đứng vững buộc phải thay đổi để đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất ở mức tối thiểu nhất, bỏ qua lợi nhuận, thậm chí là chấp nhận thua lỗ để có thể giữ vững được những nguồn lực chủ chốt của mình.

Ngoài ra, những kịch bản ứng phó hậu khủng hoảng cũng cần được lên kế hoạch chi tiết. Thay vì mạnh tay cắt giảm nhân sự hay ngưng trệ hoàn toàn sản xuất…, khiến thương hiệu mất đi cơ hội khi thị trường khôi phục, thì hãy tận dụng thời gian này để tạo nên những bước đi khôn ngoan, đón đầu thời cơ ngay sau khi đại dịch kết thúc.

Bài viết được thực hiện bởi HA.

Xem thêm:

[Bài viết] Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Lời chia sẻ từ 5 chuyên gia

[Bài viết] Deadstock — Sự khởi đầu mới của thời trang từ vải cũ