Hà Nguyên Long: Scenography phải mở được cánh cửa đưa khán giả đến gần sân khấu | Vietcetera
Billboard banner

Hà Nguyên Long: Scenography phải mở được cánh cửa đưa khán giả đến gần sân khấu

Scenography xét cho cùng vẫn là nghề có tính thiết kế, tức là vẫn cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản cân bằng giữa mỹ thuật và kỹ thuật hay công nghệ.
Hà Nguyên Long: Scenography phải mở được cánh cửa đưa khán giả đến gần sân khấu

Nghệ sĩ Hà Nguyên Long | Nguồn: XplusX Studio

Scenography là một thuật ngữ khá mới trong bối cảnh thực hành nghệ thuật biểu diễn và thiết kế không gian tại Việt Nam. Trong tiếng Pháp, người ta hay sử dụng “decorateur,” gần nghĩa nhất với “scénographe,” dành cho người dàn dựng và sáng tạo bối cảnh sân khấu.

Trước đây, decorateur thông dụng hơn scénographe, để chỉ người phụ trách về vẽ/sáng tạo/dựng bối cảnh trang trí/cảnh trí sân khấu. Ngày nay, decorateur có thể coi là phụ trách mảng mỹ thuật của một bối cảnh sân khấu, trong khi scénographe là người chịu trách nhiệm thiết kế/sáng tạo concept và vận hành chính của không gian biểu diễn.

Trong tiếng Anh, “set designer,” hay “stage designer” cũng có nghĩa là người thiết kế bối cảnh sân khấu biểu diễn.

Ngày nay khái niệm “scenography” bắt đầu được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh, không chỉ bao hàm việc thiết kế không gian cho sân khấu biểu diễn, mà hiểu rộng ra còn là thiết kế không gian nói chung. Scenography có thể chuyển đổi các loại nội dung khác thành ngôn ngữ không gian, đồng thời tạo ra không gian cho nội dung đó sao cho phù hợp với trải nghiệm của khán giả.

Hà Nguyên Long là một nghệ sĩ độc lập, làm việc với vai trò đạo diễn sân khấu và thiết kế phối cảnh, hoạt động tại cả Hà Nội và Paris. Các vở diễn tiêu biểu của anh có thể kể đến như Sơn Hậu-Beyond The Mountain, Antigone-Âm Mù, Giấc mơ Tạo nghĩa, v.v.

Về nước sau thời gian học tập tại nước ngoài, anh đã dành những điều học hỏi được để xây dựng XplusX Studio. Với kinh nghiệm trên những sân khấu lớn nhỏ, tính ứng dụng và thực hành của nghề scenography trong lĩnh vực này như thế nào? Mời bạn cùng tham gia cuộc trò chuyện của chúng tôi.

Sân khấu đương đại đang có những lối đi mới nào?

Khi nhìn vào bức tranh tổng quát về sân khấu đương đại Việt Nam, khán giả sẽ thấy một phần chúng thuộc về các loại hình sân khấu truyền thống Việt Nam đang được biểu diễn như Tuồng, Chèo, Cải Lương, và một phần dành cho sân khấu kịch nói. Sau đó mới đến các loại hình sân khấu mới như kịch đương đại, múa đương đại hay sân khấu thể nghiệm.

Hiện nay, ở miền Bắc nói riêng hay Việt Nam nói chung, sân khấu nghệ thuật truyền thống và sân khấu kịch nói, phần lớn các đơn vị biểu diễn đều là đơn vị công lập.

Những đơn vị này thường có cách tiếp cận nhiều đối tượng khán giả khác nhau theo cách làm trước đây, nhưng gần đây đã có những đổi mới. Bên cạnh đó thì các tác phẩm sân khấu đương đại và thể nghiệm thường được dàn dựng bởi các đơn vị nghệ thuật độc lập. Cái nhân tôi và XPlusx Studio không mong muốn mở ra những lối mới trong nghệ thuật sân khấu tại Việt Nam, mà mong muốn tìm ra những cách nhìn nhận tác phẩm, tiếp cận khán giả mới, và có tính liên ngành, để không đi vào lối mòn.

Bởi khi tiếp cận thế hệ khán giả mới ở Việt Nam cho nghệ thuật sân khấu, tôi muốn hướng nhiều hơn đến lớp khán giả tương lai. Họ chính là những người sẽ nuôi dưỡng môn nghệ thuật này bên cạnh những người thực hành.

Điều thứ hai tôi luôn trăn trở đó là phương thức làm việc và sáng tạo tác phẩm. Điều này không thể đến từ riêng những thực hành của bản thân tôi mà còn liên quan đến việc kết nối, bồi dưỡng nhóm cộng đồng thực hành sân khấu trong tương lai.

Trong quá trình dàn dựng và giới thiệu tác phẩm, chúng tôi thường tự hỏi làm thế nào để người thực hành và khán giả có cơ hội được tiếp xúc, cọ xát và tiếp cận với nhau thường xuyên.

Người sáng tạo phía sau sân khấu và diễn viên đứng trên sân khấu phải liên tục thử nghiệm và tìm cách đến gần hơn với khán giả, dù trong điều kiện nào.

Anh nghĩ khán giả có được trải nghiệm gì từ những hướng mới đó?

Những người đứng sau sân khấu như chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động bên ngoài sân khấu, mở rộng khả năng tìm hiểu, mở ra các cánh cửa để khán giả đi vào.

alt
Hà Nguyên Long (ngoài cùng bên phải) trong vai trò một scenography trên sân khấu | Nguồn: XplusX Studio

Khi tiếp cận được khán giả rồi thì cũng cần chuẩn bị sẵn cho khán giả thấy đằng sau cánh cửa có thể tìm thấy những gì. Tiếp cận khán giả, theo tôi con đường có lợi ích lâu dài nhất là xây dựng nền móng tri thức, đi từ việc dịch và giới thiệu tác phẩm với đầy đủ ý nghĩa của nó, kết hợp với mong muốn tạo ra nhiều điểm kết nối mà kết quả là sự giao thoa trong cảm nhận giữa người làm và người xem.

Trong tương lai sẽ có một thế hệ các nhà thực hành sân khấu mới, đương nhiên sẽ cần điều kiện hoạt động đầy đủ hơn, có hệ thống hơn.

Một scenographer cần sáng tạo những gì để kết nối được với khán giả?

Đầu tiên, khái niệm sân khấu với riêng tôi khá rộng và mang tính bao quát. Sân khấu bây giờ đang được hiểu là nghệ thuật biểu diễn, nhằm phân biệt với Nghệ thuật trình diễn (một phần của nghệ thuật đương đại).

Khi chúng ta đặt một sự vật/con người lên trước một không gian để trình diện, thể hiện trước khán giả thì đó đã là sân khấu hoá.

Sân khấu là một môn liên ngành, bên cạnh các yếu tố nghệ thuật như nghệ thuật diễn xuất, dàn dựng, âm nhạc, ánh sáng, còn có thể cần nhiều yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cơ bản. Vì thế, biên độ sáng tạo trong nghệ thuật sân khấu rất rộng.

Trên thế giới, những người thực hành đang có xu hướng làm mờ các định nghĩa trước đây về nghệ thuật sân khấu.

alt
Scenographer Hà Nguyên Long | Nguồn: XplusX Studio

Khán giả Việt Nam ngày nay đang dần được tiếp cận với rất nhiều loại hình sân khấu và nghệ thuật thị giác khác nhau.

Vậy nên, với tư cách một người làm scenography, bản thân tôi cũng mong muốn có thể kết hợp và ứng dụng nhiều phương pháp và tư duy sáng tạo của các hình thức sân khấu và loại hình nghệ thuật khác nhau vào một tác phẩm.

Khi ứng dụng scenography trên sân khấu, bước nào với anh là khó nhất?

Với không gian thực hành rộng lớn gồm thiết kế sân khấu, bối cảnh phim, nội thất, không gian bảo tàng, hay các cuộc triển lãm thì khó khăn cũng sẽ khác nhau. Tôi nghĩ thử thách lớn nhất chính là làm sao để kết nối và hợp tác một cách ăn ý nhất với đạo diễn hay người chịu trách nhiệm nội dung của tổng thể dự án.

Trong nghệ thuật biểu diễn nói riêng, scenographer là người có quan hệ rất gần gũi với đạo diễn. Nếu đạo diễn chỉ đạo trực tiếp diễn xuất của diễn viên thì scenographer sẽ chịu trách nhiệm cho toàn bộ yếu tố thị giác trên sân khấu, từ mĩ thuật cho đến sự sắp xếp và di chuyển của các yếu tố này.

Điều đó đồng nghĩa với việc scenographer phải có cái nhìn bao quát và xử lý theo các thay đổi cần thiết trong nội dung dàn dựng của đạo diễn, đủ kiến thức và hiểu biết từ thiết kế ánh sáng, phông nền, kiến trúc sân khấu, khu vực di chuyển của diễn viên hay tất cả những vấn đề liên quan đến thị giác khác.

alt
Vở diễn Signifiant Dream do Hà Nguyên Long làm scenography | Nguồn: XplusX Studio

Một thiết kế sân khấu/bối cảnh thành công góp phần vào một tác phẩm sân khấu thành công rất cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn và mượt mà của đạo diễn và scenographer. Đây luôn là điều tôi nghĩ mỗi người làm nghề cần hiểu và biết cách thực hành, ứng dụng qua mỗi dự án sân khấu.

Tôi nghĩ đó là việc người làm nghề scenography phải có vốn hiểu biết, kỹ thuật và kỹ năng làm việc liên ngành cùng chuyên ngành đủ sâu. Để từ đó, scenography có thể tạo ra một ý tưởng thị giác và vận hành chủ đạo trong không gian thông suốt giữa mọi yếu tố của một vở diễn.

Scenography xét cho cùng vẫn là nghề có tính thiết kế, tức là vẫn cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản cân bằng giữa mỹ thuật và kỹ thuật hay công nghệ. Ví dụ như với vở diễn Antigone-Âm Mù, nó không diễn ra trong một sân khấu vật lý, mà được khán giả theo dõi trên không gian sân khấu ảo.

Như vậy, trong vai trò là một scenographer, công việc của tôi lúc ấy không phải là chỉ tạo ra các bối cảnh trang trí cho không gian biểu diễn hay áp đặt nó vào không gian vật lý đơn thuần mà phải tìm hiểu, sáng tạo và lên ý tưởng những khâu liên quan đến thiết kế ánh sáng, âm thanh, đi sâu vào chi tiết từng cảnh, từng diễn viên trong mối quan hệ với khán giả thưởng thức vở diễn qua không gian ảo. Vì cách mà khán giả cảm nhận và tương tác với một vở diễn trong không gian ảo khác rất nhiều với cách thức cảm thụ của họ trong không gian biểu diễn vật lý.

Một trong những yếu tố thúc đẩy sáng tạo của thực hành scenography đó là yêu cầu của đạo diễn và những tính chất riêng biệt của từng không gian thực tế. Trong thực hành scenography, mỗi thiết kế sân khấu đều cần thoát khỏi định nghĩa sẵn có được đóng khung về set design và mối quan hệ giữa không gian biểu diễn và khán giả, để mang vào đó các ẩn dụ và ý tưởng độc đáo, đột phá hơn, nhiều thử thách hơn.