Chúng ta đã khá quen thuộc với khái niệm “giá trị tài sản ròng” (net worth). Cách tính giá trị tài sản ròng cá nhân rất đơn giản:
- Đầu tiên, liệt kê toàn bộ những tài sản bạn sở hữu, và tính tổng giá trị của chúng, bạn sẽ có tổng tài sản hiện tại.
- Tương tự, bạn liệt kê những khoản nợ cá nhân, tính tổng và bạn có được tổng nợ phải trả.
- Cuối cùng, bạn lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ cần trả. Kết quả thu được chính là giá trị tài sản ròng của bạn.
Chúng ta thường có xu hướng đặt nặng vấn đề giá trị tài sản ròng cá nhân. Nhưng thực tế thì con số này chỉ thể hiện một phần rất nhỏ hạnh phúc của chúng ta. Bạn có thể hiểu hơn về chất lượng cuộc sống của mình bằng cách tính “giá trị hạnh phúc ròng” (net happiness).
Cách tính giá trị hạnh phúc bắt nguồn từ “Gross National Happiness” – GNH (tạm dịch: Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia). Cụm từ này được dùng lần đầu bởi Hoàng Đế Jigme Singye Wangchuck – vị vua nhiệm kỳ trước của Bhutan. Khái niệm này bắt nguồn từ Phật giáo, với ý nghĩa rằng mục đích cao cả của cuộc sống chính là sự hạnh phúc từ tâm hồn.
Vua Wangchuck cho rằng, sự phát triển kinh tế không nhất thiết sẽ tạo ra niềm hạnh phúc. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào con số GDP, ông còn chú ý đến bốn yếu tố chính của GNH: sự tự chủ kinh tế, môi trường trong lành, việc bảo tồn và phát triển văn hoá Bhutan, và nền dân chủ phù hợp.
Theo như ý tưởng trên, thay vì chỉ đặc biệt chú ý đến số tài sản bạn sở hữu, hãy bắt đầu cân nhắc đến hạnh phúc của mình. Giá trị hạnh phúc ròng được tính dựa trên:
- Chỉ số Hạnh phúc (Happiness Index)
- Khoảng thời gian Hạnh phúc (Happiness Time Log)
- Bảng cân đối Hạnh phúc (Happiness Balance Sheet)
Chỉ số Hạnh Phúc (Happiness Index)
Năm 2006, Med Jones – chủ tịch Học viện Quản lý Quốc tế, đã đề xuất một chỉ số, theo đó coi sự hạnh phúc là thước đo kinh tế xã hội. Thước đo này kiểm tra sự phát triển kinh tế xã hội dựa trên nhiều khía cạnh, trong đó có cả sức khoẻ tâm lý và cảm xúc của người dân. Gross National Happiness được đề xuất như một chỉ số, dựa trên tổng bình quân đầu người, theo từng thước đo về các lĩnh vực: kinh tế, môi trường, thể chất, tinh thần, công việc, xã hội, và chính trị.
Dựa theo các điều kiện trên, chỉ số hạnh phúc của bạn cũng có thể được đánh giá như sau:
- Sự ổn định kinh tế: Giá trị tài sản ròng của bạn cũng là một yếu tố không thể thiếu khi tính toán chỉ số hạnh phúc.
- Điều kiện sống: Bạn có cảm thấy hạnh phúc tại thành phố đang sinh sống không? Bạn cảm thấy thế nào về khu vực và ngôi nhà bạn đang ở?
- Sức khỏe thể chất: Bạn có khoẻ mạnh không? Bạn thường có nguồn năng lượng sống tích cực hay là tiêu cực?
- Sức khỏe tâm thần: Bạn có cảm thấy chán nản không? Bạn có thấy giận dữ hay sợ hãi không? Bạn có thấy hạnh phúc từ trong tâm hồn không?
- Mức độ hài lòng với công việc: Bạn có thích công việc hiện tại không? Bạn thấy công việc đó có ý nghĩa không? Mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp, cấp trên như thế nào?
- Các mối quan hệ xã hội: Bạn có mối quan hệ tốt với nửa kia không? Bạn có thân thiết với gia đình không? Bạn có những người bạn có thể tin tưởng không?
- Cộng đồng xung quanh: Bạn có thường hay tham gia hoạt động tình nguyện không? Bạn có thuộc bất kỳ tổ chức giúp cải thiện cuộc sống của mọi người không?
- Sức khỏe tinh thần: Bạn có liên kết chặt chẽ với điều gì không? Bạn có cảm thấy bình an trong tâm hồn không?
Chỉ số hạnh phúc của bạn có thể bao gồm bất cứ khía cạnh cuộc sống nào mà bạn cảm thấy quan trọng đối với mình.
Khoảng thời gian Hạnh phúc (Happiness Time Log)
Một cách khác để đo lường mức độ hạnh phúc là theo dõi cách bạn đang sử dụng thời gian của mình, và cách bạn cảm thấy như thế nào khi làm những hoạt động thường nhật. Bạn có thể dựa trên các hạng mục:
- Hoạt động
- Thời gian cần để thực hiện hoạt động này
- Cảm xúc của bạn khi thực hiện hoạt động này
Sau đó, tính tổng số thời gian bạn dành ra mỗi ngày để làm những hoạt động mình yêu thích và không yêu thích. Cuối cùng, lấy số thời gian làm việc yêu thích trừ đi số thời gian làm việc không thích, và bạn sẽ có được số lượng thời gian thật sự vui vẻ .
Bảng cân đối Hạnh phúc (Happiness Balance Sheet)
Hãy lập bảng với hai cột: “Những điều làm bạn vui” và “Những điều làm bạn không vui”. Dưới mục đầu tiên, hãy liệt kê những gì đang làm bạn hạnh phúc. Với cột còn lại, hãy ghi ra những gì khiến bạn buồn phiền. Sau đó, hãy chấm điểm từ 1-5 cho mỗi việc dựa theo mức độ quan trọng hoặc tầm ảnh hưởng của chúng đến bạn.
Ví dụ:
Kết
Một khi đã tính được chỉ số hạnh phúc của mình, bạn có thể lên kế hoạch để tăng chỉ số này lên. Ví dụ, bạn có thể tự hỏi bản thân làm cách nào để dành ít thời gian vào việc mình không thích, hoặc tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng từ những thứ khiến bạn phiền muộn.
Những gợi ý trên là cách tương đối để bạn lượng hóa được mức độ hạnh phúc của mình, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Marelisa tại Daring to Live Fully