2200 kilomet, 6 tuần, 2 lần suýt chết trên đường, rất nhiều lần nghĩ đến việc bỏ cuộc, cuối cùng tôi đã hoàn thành chuyến hành trình đạp xe xuyên Việt đã luôn ước ao bấy lâu nay. Chuyến đi này là một dấu ấn khó quên cho tuổi 20 của tôi với tất cả những trải nghiệm và xúc cảm mà một người lữ hành mới có thể kinh qua. Và quan trọng hơn cả, tôi có một khoảng lặng dài để nghiệm ra những bài học mà có lẽ trường lớp và các công việc 9-5 khó có thể dạy.
Những con đường tưởng chừng nguy hiểm nhất, hóa ra lại đẹp nhất
Khi về đến miền Trung, tôi có 2 lựa chọn: Một là đi đường quốc lộ 1A dọc biển, bằng phẳng và đông dân cư. Hoặc hai, rẽ trái lên con đường Hồ Chí Minh dọc theo đường Trường Sơn, nhiều đồi dốc, thưa dân, và dĩ nhiên nguy hiểm hơn rất nhiều.
Với một tay cua-rơ nghiệp dư như tôi, để qua đường đồi núi cao nguyên cùng 15kg hành lý, tôi cần uống 6-7 lít nước và ăn 5 bữa một ngày. Phần lớn đường đi không có đèn nên mỗi khi trời choạng tối, tôi chẳng có gì hơn ngoài bản năng, chiếc đèn pin con và ánh trăng để mò mẫm.
Đạp xe trên đường mòn Hồ Chí Minh có lẽ là kỉ niệm đẹp nhất chuyến đi này. Lần đầu tiên tôi đến thăm làng của những người đồng bào thiểu số, uống rượu cần trong rẫy cà phê như dân bản địa chính hiệu, và nghe câu chuyện của họ giữa vẻ đẹp hùng vĩ của núi non Tây Nguyên. Đứng trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, bên dưới là cả vùng thung lũng bạt ngàn, để gió lùa vào gáy tóc, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi nhận ra mọi nỗ lực của mình đều xứng đáng.
Những trải nghiệm để đời này, có lẽ đã chẳng bao giờ đến với tôi nếu đã không thử mạo hiểm và thoát khỏi vùng an toàn của mình. “Nothing worth having comes easy” (Những thứ đáng giá thì không dễ có được).
Có một thứ hạnh phúc mang tên “tĩnh lặng”
Ngày thứ 15, trời Tây Nguyên mưa, tôi ghé vào một quán cà phê để nghỉ chân. Cái lặng lẽ của núi rừng cao nguyên, khói thuốc hòa vào vị đắng của ly cà phê Buôn Ma Thuột như ru tôi vào giấc ngủ. Trong khoảng thời gian rất dài trước đó, công việc, đại học, chia tay, và cách ly xã hội dường như đã làm tôi quên mất hạnh phúc là như thế nào.
Claude Debussy từng nói “Vẻ đẹp trong âm nhạc không nằm ở các nốt nhạc, mà là ở những khoảng lặng giữa chúng” (Its the silence between the notes, that hold the key to all music). Sáu tuần liền rong ruổi trên đường, nhìn ngắm hoàng hôn ở mọi miền đất nước, 'thiền' trên chiếc xe đạp của mình, dường như là khoảng lặng dài và tĩnh nhất mà tôi từng có.
Không phải cảnh đẹp, mà là con người
Bình Định, ngày thứ 23. Hôm đó trời nắng gắt, tôi đi chậm hơn dự kiến, khi đến dưới chân một con đèo dài 9km thì đã 6 giờ tối, không một ánh đèn nào xung quanh. Đói, mệt, và sợ, tôi tuyệt vọng nhìn ánh hoàng hôn tắt dần bên kia sườn núi.
Bỗng ánh đèn pha từ một chiếc xe tải con từ xa tiến đến gần, rồi dừng lại ngay trước tôi. Anh tài xế mặc quần jean, ngực trần, trên mình là những hình xăm đã phai màu. Tôi chết khiếp.
“Cái chi đó bây? Cua-rơ mà vượt đèo không nổi hả mậy?” Anh Hải nói bằng thứ giọng nẫu rất ngọt. Anh chủ động chở cả tôi và chiếc xe đạp vượt đèo đến thị trấn gần nhất, tìm một nhà trọ qua đêm, còn mời tôi ghé nhà ăn cơm tối. Sự tử tế, nhiệt tình của anh khiến tôi ngượng ngùng và áy náy về ấn tượng ban đầu của mình. Ngày hôm đó, một người lạ đã cứu mạng tôi.
Đã bao lần khi bước lên xe bus hay đi bộ dọc đường, tâm trí bỗng ‘vụt bay’ và bạn chợt nghĩ về những con người xa lạ xung quanh, không tên, không tuổi, không một chút ảnh hưởng đến cuộc sống của mình? Nếu cuộc đời bạn là cuốn phim, thì có lẽ những con người này thậm chí sẽ chẳng được giới thiệu ở phần 'vai quần chúng' trong đoạn end credits. Với bạn, sự tồn tại của họ dường như là vô nghĩa. Và trong thế giới của họ, bạn cũng vô nghĩa chẳng kém.
Đến cuối hành trình, tôi chợt nhận ra câu chuyện của những chuyến đi chẳng phải là về bản thân mình nữa, mà là về những con người này – những ‘kẻ vô danh’ mang theo màu sắc của cuộc đời họ, tô vẽ thêm cho câu chuyện cuộc đời tôi.
Đến đích
Ngày thứ 43, Hà Nội chào đón tôi về đích với một một cơn mưa mùa hạ. Tôi trầm ngâm khi đứng trước Lăng Bác.
Tôi chợt nhớ về lần xe đứt thắng khi đang thả dốc trên con đèo dài ở Gia Lai, cả lần suýt bị một chiếc xe tải tông thẳng trên đường quốc lộ ở Quảng Nam lúc 8 giờ tối. Đã bao lần khi đứng trước vẻ hoang vu của những con đường, mệt mỏi và cô đơn cùng cực, tôi tính đến chuyện bỏ cuộc. Thế rồi sau bao lần, tôi vẫn cứ đi.
Cả chuyến hành trình cứ trôi đi trước mắt tôi như một cuốn phim. Và có lẽ là ngay khoảnh khắc này, khi đứng giữa lòng Hà Nội cùng chiếc xe đạp đã bám đầy bụi đường, tôi nhận ra mình đã viết nên một đoạn kết đẹp cho cuốn phim ấy.
Nếu như trước đây tôi luôn thở dài, “Tại sao mình lại phải hành xác để đi cho bằng được?”, thì bây giờ, mọi thứ dần mang ý nghĩa riêng. Chẳng có gì là vô nghĩa cả, chỉ là do tôi chưa đến đích mà thôi.
Lần cuối bạn cho phép mình cất bản đồ vào túi, cứ đi rồi "tới đâu thì tới" trong một thành phố xa lạ là khi nào? Đôi khi những kỉ niệm đẹp đẽ nhất lại là điều hoàn toàn ngoài dự tính. Với tôi, đó là lần tình cờ phát hiện một khu phố với những bức graffiti lạ mắt, một quán cà phê nhỏ xinh nép ở góc phố, và một cuộc trò chuyện với người dân địa phương thú vị. Riêng lần này, bằng một cách tình cờ nào đó, cái tinh thần "cứ đi thôi" ấy đã đưa tôi về Hà Nội.
Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân đôi khi không đòi hỏi những quyết định to lớn. Cho phép mình mắc sai lầm và đi lạc ra khỏi những chuẩn tắc cá nhân cũng là một cách. Hãy cứ đi thôi. Và bạn sẽ bất ngờ vì những điều mới lạ ở ngoài kia.
Nếu bạn cũng muốn một chuyến hành trình cho riêng mình
- Hãy chọn cho mình một chiếc xe đạp touring thật tốt (như Giant Escape City 2), loại có thể đi đường dài và tải được ít nhất 10kg hành lý.
- Dành ít nhất một tháng trước khi khởi hành để luyện tập. Bạn có thể bắt đầu với những khoảng ngắn 10-20km, và kéo dài ra theo thời gian.
- Học cách tháo, vá bánh xe và tự sửa chữa những bộ phận cơ bản.
- Uống đủ nước, và chọn những bữa xế nhẹ nhưng giàu năng lượng dọc đường (Sô-cô-la, bánh quy, nước mía pha muối, nước bổ sung muối khoáng như Revive,...)
- Mang theo một cuốn sách.
- Cuối cùng, luôn giữ một tinh thần tích cực và lạc quan!
Mặc dù đã hoàn thành chuyến hành trình dài này một mình, tôi vẫn khuyến khích mọi người hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành. Ngoài nguyên nhân là những rủi ro vẫn luôn tồn tại, thì cơ hội để chia sẻ những khoảnh khắc trên đường cùng nhau là điều quý báu hơn cả.