Hiệu ứng rắn hổ mang: Khi giải pháp trở thành vấn đề | Vietcetera
Billboard banner

Hiệu ứng rắn hổ mang: Khi giải pháp trở thành vấn đề

Không phải lúc nào giải pháp được đưa ra cũng giải quyết được vấn đề.
Hiệu ứng rắn hổ mang: Khi giải pháp trở thành vấn đề

Nguồn: New York Post

1. Cobra effect là gì?

Cobra effect /ˈkəʊbrə ɪˈfɛkt/ hay hiệu ứng rắn hổ mang là hiện tượng một giải pháp được đề ra để giải quyết một vấn đề lại dẫn đến kết quả tệ hơn cả vấn đề ban đầu. Cụm từ này được sử dụng phổ biến trong kinh tế và chính trị để miêu tả những hệ quả không mong muốn mà một chính sách sai lầm có thể gây ra.

2. Nguồn gốc của cobra effect?

Thuật ngữ này do nhà kinh tế học Horst Siebert phát minh dựa trên một sự cố xảy ra trong thời kỳ thực dân Anh cai trị Ấn Độ. Vì quan ngại với số lượng rắn hổ mang ở Delhi, họ treo thưởng tiền mặt cho mỗi người dân giao nộp một bộ da rắn.

Chính sách này ban đầu thành công cho đến khi một số lái buôn nhận thấy cơ hội kiếm tiền từ nó. Họ nuôi rắn hổ mang để lấy da săn tiền thưởng. Ngay khi phát hiện ra điều này, chính quyền Delhi cho dừng chính sách nhưng đã quá muộn. Một lượng lớn người nuôi rắn bị bế tắc và thả xổng bầy rắn, khiến Delhi một lần nữa chìm trong thảm họa rắn độc còn tệ hơn trước kia.

3. Nguyên nhân gây nên cobra effect

Lối tư duy tuyến tính (linear thinking) là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng này. Trong tư duy tuyến tính (còn gọi là tư duy đường thẳng), kết quả đầu ra sẽ tỉ lệ thuận với tác nhân đầu vào. Cách suy nghĩ một chiều này giúp ta đơn giản hóa tình huống, vì vậy nó được áp dụng rộng rãi để nhìn nhận, suy luận các vấn đề.

Nhưng thế giới thực tế không vận hành như vậy. Theo tư duy hệ thống (systems thinking), mọi vấn đề đều đi theo một vòng tuần hoàn có nhiều yếu tố. Thay đổi xuất hiện ở một trong số đó sẽ ảnh hưởng toàn hệ thống. Những thay đổi này rơi vào 2 dạng là phản hồi củng cố (reinforcing feedback) và phản hồi cân bằng (balancing feedback).

Ở phản hồi củng cố, hệ thống ghi nhận một thay đổi lớn nhưng vẫn đi theo định hướng ban đầu. Ở phản hồi cân bằng, thay đổi đi ngược so với định hướng ban đầu để khôi phục sự cân bằng cho tình huống.

08dec2021c2jpg
Sự khác biệt giữa tư duy tuyến tính và tư duy hệ thống. | Nguồn: Kindling.xyz

Trong vấn đề rắn hổ mang, chính quyền cho rằng càng giết được nhiều rắn thì càng giải quyết nhanh vấn đề. Và dùng tiền thưởng là cách dễ nhất để khuyến khích người dân tham gia. Như vậy khi toàn bộ rắn bị diệt, chế độ tiền thưởng sẽ kết thúc - đây chính là điểm gây mất cân bằng cho tình huống. Trong trường hợp này, phản hồi cân bằng đã xảy ra khi người dân nuôi rắn để chế độ tiền thưởng tiếp tục.

Không phải lúc nào tư duy tuyến tính cũng có hại. Nhưng khi áp dụng nó vào một tình huống không vận hành theo đường thẳng, thì rất dễ xảy ra những hệ quả ngoài ý muốn.

4. Ảnh hưởng của cobra effect

Hiệu ứng này xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, chính trị, xã hội đến văn hóa doanh nghiệp.

Gần đây nhất, chính quyền Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm 5 năm so với lộ trình gốc là 2030. Đây vốn là dự định được thành phố xem xét từ lâu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và tắc đường. Tuy nhiên cả công chúng lẫn giới chuyên môn đều thắc mắc về tính khả thi của kế hoạch này.

08dec2021vnpuntacgiaothong2512jpg
Cấm xe máy là điều được Hà Nội dự định từ lâu để giảm ùn tắc. | Nguồn: Vietnamplus

Nỗi lo lắng của họ hoàn toàn có cơ sở. Năm 1989, chính quyền Mexico City từng áp dụng một chính sách tương tự để giảm ô nhiễm trong thành phố. Theo đó, những xe biển chẵn chỉ được đi ngày chẵn, biển lẻ chỉ được đi ngày lẻ và cả 2 loại được lưu thông vào chủ nhật.

Để lách luật, người dân thành phố đã mua cả 2 xe biển chẵn và lẻ. Xe họ mua lại chủ yếu là ô tô cũ, loại xả rất nhiều khói. Hệ quả là 3 năm sau, Mexico City trở thành đô thị ô nhiễm nhất thế giới với mức carbon tăng 13% so với thời điểm trước quy định trên.

Theo các chuyên gia, Hà Nội rất khó rút ngắn lộ trình cấm xe máy, bởi thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng. Do đó, việc cấm xe máy sớm có thể dẫn đến lượng ô tô tăng đột biến (cả xe cá nhân và taxi). Điều này sẽ khiến thành phố càng thêm ùn tắc và ô nhiễm.

"Hiện giá ôtô đang giảm, người dân sẽ mua nhiều hơn, trong khi một ôtô chiếm dụng đường gấp 5 lần xe máy, chưa chắc cấm xe máy mà giảm được ùn tắc giao thông", chuyên gia kỹ thuật hạ tầng Phan Lê Bình chia sẻ trên VnExpress.