Là loài sống theo bầy đàn, việc ở cạnh và sinh hoạt cùng những người khác đã được khắc tạc vào DNA của con người như một phần tất yếu của sự sinh tồn. Trong bối cảnh hiện đại, khi "đại dịch cô đơn" (The Loneliness Epidemic) đang diễn ra, đặc biệt ở vùng đô thị và các quốc gia phát triển, chúng ta càng có một nhu cầu bức thiết phải lấp đầy mọi khoảng trống với sự hiện diện của người khác.
Song, nếu bạn từng cảm thấy trống trải sau một buổi tiệc, hay mất sức sau khi ở cạnh bạn bè, đó có thể là dấu hiệu bạn cần dành thời gian ở một mình.
Một mình không đồng nghĩa với cô đơn. Học cách ở cạnh chính mình là cũng là một trong những điều mà các triết gia và nhà khoa học đề cao và chủ động thực hành.
Một hệ DNA chống đối sự cô đơn
Không phải tự nhiên mà chúng ta gặp khó khăn với việc ở một mình. Theo The New York Times, trong lịch sử loài người, cô đơn gắn liền với sự xa lánh và là biểu hiện của trạng thái không an toàn. Bởi trước đây, sự cô lập thường được áp dụng như một dạng hình phạt: khi phạm lỗi, con người bị buộc phải đóng cửa, ở một mình để tự suy ngẫm và cảnh tỉnh.
Từ xưa con người buộc phải ở cạnh nhau để sinh tồn. Những công việc quan trọng như săn bắn, giữ ấm, và nuôi lớn những đứa trẻ đều không thể làm một mình. Vì thế, con người học cách sống hòa hợp và gắn bó với nhau theo quần thể, và “bản năng" cô đơn cũng vì thế mà hình thành. Nếu cơn đói thôi thúc chúng ta đi tìm đồ ăn, sự cô đơn nhắc nhở ta đi tìm đồng loại nhằm đảm bảo sự an toàn về mặt xã hội.
Khi xã hội phát triển, con người hiện đại bị “kẹt" ở một trạng thái trung gian: chúng ta có thể ở một mình, nhưng lại không biết cách.
Chúng ta cô đơn và bất an khi bị cô lập thụ động, điển hình là trong thời gian cách ly xã hội. Còn chủ động cô lập mình thì chúng ta không dám, bởi định kiến rằng chỉ có người hướng nội hoặc phản xã hội (anti-social) mới sống ẩn dật như vậy.
Thực tế, ở một mình là một kỹ năng quan trọng mà chúng ta ít khi được dạy, nên cần chủ động học và rèn luyện.
Cô đơn là thụ động, một mình là chủ động
Khi được làm đúng, việc ở một mình có vai trò quan trọng với chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của con người hiện đại. Tức là bạn phải học được cách chủ động, hiểu rõ lý do vì sao mình lại chọn ở một mình và trong bao lâu.
Có 7 lợi ích của việc ở một mình đã được khoa học chứng minh:
1. Tăng sự thấu cảm
Khi dành phần lớn thời gian để giao lưu theo nhóm, bạn vô thức phát triển tâm lý chia rẽ “chúng ta và họ" (we vs. them). Khi dành thời gian ở một mình, bạn sẽ có cái nhìn khách quan và bao dung hơn với những người nằm ngoài vòng tròn xã hội của mình.
2. Làm việc hiệu quả
Kể cả khi văn phòng thời hiện đại ngày càng ít tường và cửa để mọi người có thể giao tiếp với nhau tốt hơn; những đầu việc quan trọng nên được hoàn thành trong không gian riêng tư và yên tĩnh, nơi bạn có thể tập trung cao độ.
3. Chất xúc tác cho sự sáng tạo
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nghệ sĩ, nhà văn chọn lui về ở ẩn trong quá trình sáng tác một album, hay viết một cuốn sách. Sự thanh tĩnh của việc ở một mình cho phép chúng ta được nghĩ, được nghỉ, và hơn hết là được khám phá thấu đáo những ý tưởng của chính mình.
4. Rèn luyện tinh thần bền bỉ
Giống như cách bạn đến phòng gym để luyện tập cơ bắp, ở một mình là bài tập cho “bó cơ" vô hình của tâm trí. Rèn luyện kỹ năng ở một mình với tâm thế chủ động sẽ giúp bạn trở nên bình tĩnh và vững vàng hơn.
5. Giảm những hành vi tiêu cực ở trẻ nhỏ
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ học được cách ở một mình thường độc lập và tự giác hơn. Vì thế, dạy cho trẻ rằng ở một mình là một điều hoàn toàn bình thường và lành mạnh là một điều quan trọng.
6. Cơ hội để lên kế hoạch cho cuộc sống
Nếu bạn quá bận rộn, cuộc sống của bạn cũng giống như một bản nhạc nhiều tạp âm. Khi ở một mình, bạn mới có thể nhận ra nốt nhạc nào hay, nốt nào dở; từ đó quyết định xem việc gì mình đang làm là thực sự có mục đích, việc nào chỉ đơn thuần là sự bận rộn vô nghĩa.
7. Giúp bạn hiểu mình rõ hơn
Khi ở cạnh người khác, nhiều quyết định của bạn thường được điều chỉnh để chiều lòng đa số. Khi ở một mình, bạn mới có cơ hội hiểu rõ những ưu tiên và mong muốn của chính mình.
Học cách một mình là học cách ở cạnh chính mình
“Nếu bạn cô đơn khi ở một mình, tức là bạn đang không ổn với chính mình." - Jean-Paul Sartre. (If you’re lonely when you’re alone, you’re in bad company.)
Việc ở cạnh người khác đôi khi là cách để chúng ta đánh lạc hướng bản thân khỏi sự bất an với chính mình. Trong lúc lặng yên một mình, những suy nghĩ và khúc mắc của bạn sẽ trở nên “ồn ào" hơn bao giờ hết. Bạn đã biết cách ở cùng với những ý nghĩ của mình một cách thành thật và kiên nhẫn chưa?
Nhiều nhà hiền triết và tác gia thực hiện những tác phẩm quan trọng của họ trong sự thanh tịnh tuyệt đối khi ở một mình. Ở trạng thái phi-cô-đơn đó, chúng ta mới có được sự thông suốt trong ý nghĩ, và sự sâu sắc đặc biệt của một tư duy ít tạp âm.
Thay cho cái kết, nếu bạn ở một mình và thấy ổn, ấy là bạn đã học được cách thoải mái với chính mình. Chỉ khi bạn có thể ở cạnh chính mình một cách trọn vẹn thì bạn mới có thể ở bên người khác. Khi đó, bạn hiện diện không phải vì nỗi sợ sự cô đơn, mà bởi bạn muốn cùng chia sẻ những khoảng không gian thực sự ý nghĩa và có giá trị.