Với 10 nghìn, bạn có thể làm gì?
Mua được vài thứ lặt vặt như gói bim bim, quyển sách hay lạng thịt… Nhưng 10 nghìn cũng là toàn bộ số vốn ban đầu để xây dựng căn nhà chống bão lũ của một bà cụ nghèo 83 tuổi – người mà cả đời chỉ cố gắng tích cóp mua chiếc quan tài đề phòng trường hợp lũ dâng thì bản thân sẽ bị ngập chết.
Jang Kều là người phụ nữ đứng đằng sau Nhà Chống Lũ – một dự án từ thiện nhằm tạo ra những căn nhà có khả năng thích ứng với các kiểu thiên tai như bão lũ, ngập mặn... Dự án thành lập vào tháng 11/2013, và sau 7 năm phát triển đã hỗ trợ thành công hơn 900 ngôi nhà an toàn cho bà con, mở ra cơ hội “bám đất” quê hương cho những người dân vùng lũ. Những căn nhà an toàn tạo ra nhiều thay đổi mới, nơi người dân không phải chạy loạn mỗi khi lũ dâng, những đứa trẻ không bị trôi đi sách vở hay quần áo theo dòng nước dữ.
Trước khi có những dự án từ thiện, Jang Kều là một người mẹ, một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng không hạnh phúc. Chị từng cảm thấy mất phương hướng khi vừa chăm sóc cậu con trai Taka bị chứng tự kỷ, vừa quản lý khoảng chục công ty. Cậu bé sáu tuổi mới bắt đầu biết đi vệ sinh, biết ăn cơm, dám cho tắm rửa mà không sợ hãi… đã là động lực đưa chị tạm rời xa công việc để đi tìm thứ mà bản thân thật sự mong muốn.
Có tiền rồi nhưng không vui, vậy điều gì mới khiến mình hạnh phúc nhất?
Jang Kều đã từng tự vấn bản thân như vậy, và kí ức nhiều lần tham gia dự án cộng đồng ùa về. Năm 2009, miền Trung trải qua trận lũ lịch sử, chị cùng nhóm bạn đi cứu trợ tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Khắp nơi đều tan hoang nhưng điều Jang Kều ám ảnh nhất là ánh mắt vô hồn của 1 ông cụ khi chứng kiến nền nhà ngập trong bùn đất, ngay cả bàn thờ cũng bị cuốn trôi. Chị cất tiếng gọi, gọi mãi nhưng ông không trả lời. Còn gì để nói lúc ấy? Cơn lũ cướp trắng tất cả, không chỉ tài sản mà còn là niềm tin. Điều đó làm Jang Kều nhận ra: Nếu vẫn tiếp tục quyên góp quần áo, thức ăn hay thậm chí tiền, thì những cơn lũ sau vẫn vậy, vẫn lấy đi tất cả của người dân.
Từ đó chị nung nấu xây dựng một ngôi nhà có thể chống chọi với lũ, bảo đảm kế sách an toàn lâu dài. Mãi đến năm 2013, chị tình cờ xem được một hình ảnh trên mạng xã hội, một ngôi nhà trăm tuổi được đặt trên sáu cột bê tông vững chãi giữa biển nước. Đó là công trình của GS. Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng cho người hàng xóm ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Chị tự hỏi làm sao một căn nhà gỗ 100 năm vẫn có thể sống bình yên trong bão lũ được chục năm? Và càng bất ngờ hơn, khi chi phí làm khung nhà có 6 cột bê tông, một cầu thang bê tông chỉ khoảng 25 triệu đồng. Chính những căn nhà thế này mới là giải pháp bền vững cho nhân dân vùng lũ.
Những căn nhà tránh thiên tai cũng vì thế ra đời, như muốn khẳng định một điều: Rồi đây, người dân vùng lũ sẽ không phải tha phương nữa và ai cũng có thể tự tạo ra nơi an toàn cho chính mình.
Từ năm 2013, Jang Kều bắt đầu dự án Nhà Chống Lũ. Chỉ với 11 nhân lực và thuần túy hoạt động trên mạng xã hội, dự án đã xây dựng 795 căn nhà an toàn cho bà con, ngoài ra còn 2 ngôi làng hạnh phúc với 120 ngôi nhà, nâng tổng số gia đình được đến hỗ trợ lên đến hơn 900.
Dự án đã phát triển 9 mô hình an toàn thích ứng với các kiểu điển hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét và một số loại lũ đặc biệt. Trong đó với 3 loại hình nhà chính là: nhà phao, nhà kê nền và nhà có gác.
Chi phí xây dựng trong khoảng 80 - 180 triệu đồng, trong đó Nhà Chống Lũ hỗ trợ 45 triệu/hộ, còn lại do người dân tự huy động kinh phí. Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn sâu xa là muốn tạo cảm giác tự tin cho người dân khi tự tay bỏ công sức và tiền bạc, từ đó gắn bó với cuộc sống của chính mình.
Với phương châm “làm nhiều hơn nói”, dự án Nhà Chống Lũ đã có những bước đi thật chậm, tập trung vào hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng, môi trường và con người bền vững. Vì vậy, dự án đã hoàn thiện Cẩm nang Nhà An toàn với 11 mô hình nhà ở để ai cũng có thể nhìn vào mà tự xây dựng nên căn nhà an toàn cho chính mình.
Chị từng nói Nhà Chống Lũ ra đời sau khoảnh khắc mà cậu con trai Taka nhặt nắng. Liệu Taka không nhặt nắng hôm đó thì sẽ có không có dự án Nhà Chống Lũ?
Thực ra cái thời điểm tôi nhìn thấy một nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên 6 cột bê tông vẫn có thể chống chọi qua cơn bão lũ cả chục năm thì đã nghĩ đến phương thức xây nhà tránh lũ. Tôi ngạc nhiên khi thấy chi phí làm khung nhà có sáu cột bê tông, một cầu thang bê tông chỉ khoảng 25 triệu đồng. Một cộng đồng sẽ làm nền tảng và một hộ gia đình sẽ làm những phần phát triển trên đó.
Tuy nhiên, câu chuyện nhặt nắng của Taka giúp tôi nhận ra hạnh phúc là khi người ta thực sự mong muốn và được tự do làm điều mình muốn, chứ không phải chỉ nhận những thứ người khác muốn cho. Và ý tưởng xây nhà cũng như vậy. Nhà Chống Lũ được xây hoàn toàn theo ý nhân dân, cả quy trình và thời gian đều do họ quyết định, tất cả đều được đo ni đóng giày cho người dân. Bởi bạn thử nghĩ, nhiều người kiên quyết giữ lại ngôi nhà dù đã xập xệ vì lý do “đây là nhà hương hỏa tổ tiên”, “cái cửa này phải để đây, bàn thờ phải để góc này”. Thế nên chúng tôi chiều theo ý họ. Cũng giống như cách Taka nhặt nắng, hạnh phúc chỉ có khi được làm thứ mình mong muốn.
Nếu kêu gọi được 100 tỷ trong 1 tuần, chị Giang sẽ làm gì với số tiền khổng lồ này?
Thật ra thì đợt quyên góp vừa rồi, con số nhận được sẽ là 100 tỷ nhưng tôi chỉ nhận 25 tỷ vì đã từ chối không nhận một số bên. Lý do như thế này: Thực ra cộng đồng của mình vẫn chưa thực sự hiểu câu chuyện của việc “chung tay”. Mọi người thường nghĩ đơn giản chung tay là cùng nhau góp tiền và cho những người kém hơn mình, có thể là những đồ vật như: cơm, áo… hoặc cũng có thể là cho một ngôi nhà.
Nhưng phương châm của Nhà Chống Lũ lại khác. Chúng tôi không thể để việc chung tay kia trở nên quá dễ dàng và nhanh chóng. Tôi muốn thay đổi nhận thức của người cho và người nhận. Cho không chỉ đơn giản là cho. Bởi nếu mình cho tiền một người nào đó, nhưng người ta lười, không chịu lao động, thì đó lại làm hại người ta, khiến họ chây ì thêm.
Xây nhà cũng thế. Chúng tôi đã từng đi đến rất nhiều ngôi làng. Có những ngôi nhà tình thương, người ta làm xong nhà rồi nhưng các thành viên vẫn hàng ngày vác rổ đi ăn xin. Bởi họ lười quá, chỉ uống rượu. Cả gia sản duy nhất là căn nhà, đã được xây an toàn rồi, thì chết làm sao được? Có những hộ gia đình mà chúng tôi 3 lần đến đều không thể nói chuyện được vì họ đang say. Vậy nên nhiều khi số tiền không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ người nhận là ai.
Có những người cho tiền nhưng lại kiểu: “Tôi muốn cho luôn tiền xây nhà. Tôi không muốn chung tay, chung tiếc gì cả. Cứ cho tôi biết danh sách”. Nhưng Nhà Chống Lũ không hoạt động như thế. Chúng tôi phải khảo sát, xem tiền tiêu vào đâu, hộ ấy hoàn cảnh như thế nào, họ sẽ đóng góp bao nhiêu công sức… Và nếu như người cho không cùng phương pháp làm việc ấy thì rõ ràng không thể đồng hành cùng nhau được.
Lý do thứ 2, một số bên lại yêu cầu làm ngay bây giờ, phải năm nay, phải xây ngay trước Tết. Thế nhưng phải bắt nguồn từ nhân sự của Nhà Chống Lũ, đâu có vô số người để làm ngay được. Chúng tôi đã khảo sát, tầm tháng 10/2020 đã lên hết kế hoạch cho năm 2021. Tức là chốt làm nhà nào, khả năng bao nhiêu tiền, làm được bao nhiêu hộ. Có nhận tiền thêm nữa thì kế hoạch vẫn như thế, không thể làm khác hơn.
Và lý do cuối cùng, một số cá nhân và tổ chức lại đưa ra rất nhiều điều kiện marketing ABC này nọ thì thực sự chúng tôi cũng không làm được. Bởi vì Nhà Chống Lũ không muốn giao một căn nhà đề biển “Nhà Tình Thương”. Bạn thử nghĩ xem, bây giờ mình ở trong một căn nhà rồi khi bước ra cửa, đã nhìn thấy chữ “Tình Thương” to đùng thì có tự tin sống không? Chắc chắn là không rồi!
Năm nay chỉ cần 25 tỷ, trên 25 tỷ đó thì chúng tôi sẽ dừng quỹ và không tiếp nhận nữa. Hoặc nếu có thì cho năm sau. Những căn Nhà Chống Lũ bị làm sơ sài sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Như đợt vừa rồi, chúng tôi làm căn nhà phao cho vùng lũ sâu, nơi không thể làm nhà gạch bình thường được. Mọi người cứ thế nhao nhao tự bỏ tiền ra làm theo mô hình sao cho giống. Nhưng những ngôi nhà ấy xây xong lại không an toàn, sai kỹ thuật nên khi lũ cao đỉnh điểm 7 - 8 mét thì nhà bị trôi hoặc lộn xuống rất nguy hiểm.
Chúng tôi ước tính năng suất xây nhà mỗi năm tăng trưởng khoảng 20%. Nhưng bây giờ, chúng tôi muốn xây nhà tăng theo chiều sâu. Tức là trước đây mình chỉ xây nhà an toàn thôi, tiết kiệm thôi, mở rộng công năng thôi. Nhưng bây giờ những ngôi nhà đấy cần có chiều sâu hơn nữa là được thiết kế dùng năng lượng mặt trời thế nào, có nhà vệ sinh và hệ sinh thái ra sao.
Thay vì Nhà Chống Lũ làm rất nhiều ngôi nhà thì tôi mong có rất nhiều nhóm Nhà Chống Lũ khác nhau. Vì thế, dự án đã làm ra 1 cuốn cẩm nang gồm 10 mô hình nhà an toàn đã làm trên khắp đất nước, được đăng tải công khai và rộng rãi trên mạng. Nếu như các bạn muốn xây nhà cho người nghèo, cứ tra đúng loại nhà đó rồi làm theo mô hình. Các bạn làm, còn chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật miễn phí.
Thay vì chỉ có 1 Nhà Chống Lũ thì sẽ có 10 dự án hoặc 100 dự án thậm chí 1000 Nhà Chống Lũ khác nhau. Vậy nên theo quan điểm của tôi: Phải làm thật tốt để nhân rộng ra, và đi theo hướng chiều sâu.
Chị Giang từng chia sẻ bản thân là người phụ nữ mang khát khao kiến tạo cuộc sống. Cuộc sống mà chị hướng tới như thế nào? Phải chăng là một cuộc sống có giá trị bền vững, lâu dài hơn?
Tôi luôn khao khát kiến tạo một cái gì đó mới mẻ, theo hướng phát triển bền vững. Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh hay kể cả River Ơi, đều hướng đến việc kiến tạo hoặc phục hồi những ngôi làng hạnh phúc, trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ những giá trị văn hóa.
Tôi nhìn nhận xã hội trên 3 phương diện quan trọng nhất: Con người, thiên nhiên và văn hóa. Với tôi, con người và thiên nhiên có 1 sợi chỉ ở giữa, là sợi chỉ văn hóa. Con người ta chỉ có thể hạnh phúc khi được kết nối với chính bản thân mình, họ được kết nối với nhau và cao nhất là được kết nối với thiên nhiên. Tôi mong muốn được kiến tạo một cộng đồng trong đó con người thực sự hạnh phúc, được kết nối. Xã hội ấy sẽ là xã hội hạnh phúc, và hạnh phúc ấy có màu xanh.
“Xây nhà chỉ đặt 10 - 20% kiến thức kỹ thuật thôi, còn lại phải trở thành đứa con trong gia đình, để người dân tin tưởng chia sẻ”.
Sự sáng tạo của chị mang vào dự án Nhà Chống Lũ khác với những dự án cộng đồng xây nhà hay từ thiện khác thế nào?
Yếu tố thứ nhất là Co-Design, phải cùng nhau đóng góp. Chung tay thiết kế ngôi nhà. Bình thường bạn chỉ thấy khi đi xây nhà, người ta xây xong rồi phát, đúng không?
Yếu tố thứ 2 là Co-Fiancing - cùng nhau đóng góp tài chính. Co-construction, cùng nhau xây dựng và giám sát. Trước kia mọi người thường chỉ hô hào đóng góp tiền là chính. Thì bây giờ chúng tôi là những người đầu tiên gây quỹ bằng việc bán tranh. Nhà Chống Lũ cũng rất nghiêm túc trong việc lựa chọn tranh để bán, nhờ đó chúng tôi đem đến cho nhà từ thiện rằng họ nhận được điều gì đó chứ không đơn thuần là làm từ thiện. Từ việc họ chỉ cho tiền, bây giờ họ tài trợ bằng việc mua tác phẩm. Nhờ đó thay đổi cách thức quyên góp của người giàu và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.
Và điều cuối cùng là “sự đo ni đóng giày trong mọi việc”. Tức là tất cả thành viên Nhà Chống Lũ, không coi yếu tố kỹ thuật là quan trọng nhất, mà đặt yếu tố nhân văn lên hàng đầu. Tôi luôn nói với các kiến trúc sư: “Các anh dùng 20 % kiến thức kỹ thuật thôi, còn lại phải trở thành một đứa con trong gia đình, để người dân tin tưởng chia sẻ và có thể tư vấn từng đường đi nước bước. Xây nhà với mình chỉ là một việc, nhưng lại là cả cuộc đời của người dân”. Cái sự đo ni đóng giày đó giúp tất cả người đi làm và người nhận nhà đều trân trọng sự đóng góp của mình. Vậy nên khi xây nhà xong, chúng tôi cũng trở thành người thân trong gia đình. Cái đấy chính là sự sáng tạo, và sự sáng tạo hình thành nên giá trị nhân văn sâu sắc hơn.
Có thể nói rằng Nhà Chống Lũ đã đi ngược lại xu thế hiện nay là không mỳ tôm – không lương thực – không tiền – không muốn người dân xoay quanh chuyện ủng hộ rồi lại tiếp tục đón bão. Vậy chung quy lại, mục tiêu bền vững của Nhà Chống Lũ là như thế nào?
Mục tiêu bền vững của Nhà Chống Lũ là đến năm 2023, chúng tôi có thể làm đầy đủ tất cả các mô hình nhà an toàn trên khắp Việt Nam để tất cả các vùng địa lý, địa chất và bất kỳ khí hậu, thổ nhưỡng như lũ bùn, lũ ống, lũ quét… đều có mô hình nhà an toàn.
Sau đó, Nhà Chống Lũ sẽ tiếp tục chia sẻ cho tất cả các vùng miền, những người đi giúp người khác cho đến công ty kiến trúc, chính quyền địa phương, để họ có sử dụng kiến thức này tự làm nhà chống lũ. Dự án sẽ không chỉ là những ngôi nhà vật chất, mà trở thành cẩm nang đem lại sự an toàn và bền vững cho cộng đồng.
Hành trình 7 năm trôi qua, Nhà Chống Lũ đã bắt đầu từ những “viên gạch” thế nào. Những khó khăn chị phải đối mặt và cách giải quyết nó ra sao?
Khó khăn đầu tiên chính là thay đổi tư duy cho – nhận của người dân. Họ đã quen với những căn nhà được cho, không phải mất công sức làm ra. Nhà Chống Lũ không phải dự án từ thiện, mà là dự án chung tay xây nhà để người dân tự làm ra với sự chung tay của cộng đồng. Nhờ thế họ mới có cảm giác “đây là nhà của tôi, tôi cần có trách nhiệm với nó”.
Chúng tôi gặp và lựa chọn những người không có nhà, nhà bị sập hoặc nhà bị lũ cuốn trôi để tìm ra sự cố gắng của họ. Họ dám đứng ra “thôi, tôi sẽ cố gắng xây nhà”, và khuyến khích họ tìm cách để xây nhà, từ cùng chung tay, bàn bạc với con cái họ, với gia đình, xem xét ngôi nhà cũ còn bao nhiêu viên gạch… Cứ thế tất cả đều được tính toán, với sự kiên nhẫn để cho người ta tin tưởng mình.
Quan trọng cuối cùng, vẫn là lòng tin. Tôi nghĩ trong tất cả dự án cộng đồng, thì số tiền không phải quan trọng nhất, mà chính là lòng tin: “Mình thực tâm muốn giúp đỡ người dân, không bố thí cho họ. Mình trở thành người bạn đồng hành, một thành viên trong gia đình để cùng chia sẻ khó khăn, cùng họ thay đổi số phận”.
Nhà Chống Lũ phải kiên nhẫn rất nhiều trong thời gian đầu để người dân tin tưởng, phải kiên nhẫn rất nhiều để chính quyền đồng hành. Và dần dần, chính quyền giờ đây đã cùng chung tay làm với chúng tôi. Nhà Chống Lũ có thể làm được mọi điều miễn giúp người dân thay đổi theo chiều hướng tốt lên, là được. Nhiều khi cần có sự đồng hành của chính quyền thì dự án mới thành công, như dự án Làng Hạnh Phúc ở Bắc Trà My và Nam Trà My.
Và sự thay đổi lớn nhất đến từ tư duy của người dân. Từ những người chỉ nhận nhà, họ trở thành người cùng tạo nên ngôi nhà, có tầm nhìn dài hạn về cuộc sống quê hương. Bản thân dự án muốn được vậy thì phải kiên trì, minh bạch và dùng hết tâm sức thì mới có được lòng bà con và chính quyền.
Để làm một căn Nhà Chống Lũ thì cần ít nhất 90 triệu đồng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 45 triệu và phải tự bỏ ra số còn lại. Đây là số tiền không nhỏ đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Vậy với người nghèo thì lấy đâu ra tiền?
Đúng vậy, ai cũng nói người nghèo lấy đâu ra tiền, nhưng thực chất tiền có rất nhiều khía cạnh. Tiền có thể là nguyên liệu, có thể là chính những cây keo chặt ra để làm gỗ trong nhà. Nhà Chống Lũ đưa ra khuôn để làm gạch thì mỗi tuần người dân bỏ một chục, hai chục mua xi măng. Có hộ hai vợ chồng phụ hồ, sáng họ đi làm thuê xây nhà người khác, tối về ăn cơm xong thì bắt đầu trộn xi măng xây nhà mình. Vậy thực ra đâu phải họ không có gì?
Ngoài ra, đây cũng là lúc người dân quyết tâm dám vay tiền. Bình thường 45 triệu họ không dám vay vì không có nỗ lực. Nhưng lúc này được làm chủ, họ có thể vay 15 - 20 triệu của hàng xóm, còn lại thì vay những chương trình nhà nước.
Nhà Chống Lũ chỉ ra cách thức để họ có thể kiếm tiền, vay tiền và cần dành dụm bao nhiêu. Một kế hoạch tài chính được vạch ra để người dân dễ dàng xây được căn nhà an toàn nhất. Thậm chí với nhiều căn nhà, hàng xóm còn chung tay vào làm cùng. Như anh cho tôi vay vài cây gỗ trước cửa để xây nhà, lần sau tôi trả lại cho anh. Họ nhận được sự chia sẻ của người khác, thì cũng lại sẵn sàng chia sẻ lại sự giúp đỡ này.
Theo chị, từ “một căn nhà an toàn” khi nào sẽ trở thành “một khu vực an toàn” thay vì những căn nhà đơn lẻ, rời rạc như bây giờ?
Dự án Làng Hạnh Phúc được tôi giới thiệu 2 năm nay rồi. Dự án không chỉ hỗ trợ người dân xây nhà, mà còn hỗ trợ cụm dân cư trong việc quy hoạch từ khảo sát địa chất, xây dựng hệ thống thông tin địa lý cho đến vẽ bản đồ quy hoạch. Ra được cái hạ tầng thì địa phương sẽ chăm lo cơ sở hạ tầng như trường, trạm, điện nước… để tái định cư cho người dân.
Để tạo ra một khu vực an toàn, thứ nhất, là họ có đặc điểm văn hóa giống nhau. Ví dụ như ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), có người Khmer ở Nam Trà My và người Kadong ở Bắc Trà My. Họ có nét văn hóa giống nhau, tại sao lại không giúp luôn cả cộng đồng? Giúp thế vừa đỡ tốn công, vừa dễ hơn. Bên cạnh đó, một cộng đồng dân cư khi được giúp đỡ thì sẽ tạo ra sự kết nối. Họ tạo ra một ngôi làng đẹp, ngôi làng bền vững, gắn kết với nhau. Rồi những người trẻ sẽ bỏ đi thành phố làm thuê, nhưng bởi vì họ có cộng đồng gắn kết quê hương, nên họ sẽ lại quay trở về, tạo nên Làng Hạnh Phúc.
Thứ hai, mình xây dựng kiến trúc ngôi nhà sao cho vừa đảm bảo an toàn, vừa giữ được kiến trúc truyền thống cho ngôi làng đó nữa.
Thứ ba, về phần sinh thái môi trường (bao gồm nhà vệ sinh, cụm nhà tắm, hệ thống thoát nước và vườn cây), chúng tôi có sáng kiến đưa cho mỗi hộ dân 100 – 200 nghìn rồi tổ chức cuộc thi, làm thành những khu Vườn Hạnh Phúc. Khu nào đẹp sẽ được chấm điếm và thưởng con giống. Sau những cuộc thi như vậy, làng Cù Lao Dung từ một nơi đồng không mông quạnh đã trở thành một làng xanh mướt.
Chúng tôi bước từ câu chuyện an toàn sang bền vững, từ 1 hộ đơn lẻ sang câu chuyện cộng đồng. Từ câu chuyện cứu giúp sự an toàn của 1 hộ dân để biến thành cộng đồng gắn kết, cùng nhau gìn giữ văn hóa và môi trường sống.
Quỹ Nhà Chống Lũ do Bộ Nội vụ quyết định thành lập nhưng nguồn quỹ lại từ cộng đồng. Vậy quỹ sẽ được hạch toán và quản lý thế nào?
Điểm khác biệt các nguồn của Nhà Chống Lũ và Sống Foundaton cũng như chương trình Hạnh Phúc Xanh đều gây dựng từ cộng đồng, và chúng tôi không bao giờ gây quỹ trước khi có chương trình hành động. Tức là tháng 10 gây quỹ thì đã có đủ kế hoạch cho năm 2021 - 2023 rồi. Gây quỹ xong, khi đủ số tiền thì sẽ dừng lại. Còn nếu như thiếu tiền thì bọn tôi sẽ chốt lại và có thể làm thêm một đợt gây quỹ tiếp theo chứ không bao giờ có tiền rồi mới tính toán. Mỗi lần gây quỹ, chúng tôi đều báo cáo công khai trên mạng xã hội và website.
Mỗi năm, quỹ đều mời Kiểm toán Quốc tế đến để kiểm toán. Mặc dù nhà nước không yêu cầu kiểm toán quốc tế những công ty kiểm toán độc lập đều tính toán và báo cáo kết quả hàng năm với Bộ Nội vụ và một bên chủ quan nữa là Bộ Xây dựng.
Có những cá nhân, ngôi sao hay nhóm từ thiện nhỏ lẻ muốn giúp người dân ngắn hạn bằng cách quyên góp. Nhưng họ lại loay hoay với số tiền quyên góp quá lớn rồi trở thành gánh nặng với niềm tin cộng đồng. Chị muốn cho lời khuyên nào với những trường hợp như thế?
Tôi thấy yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất: Sự minh bạch. Tức là dù làm gì thì làm, mình phải hoạch toán được phần thu và phần chi rõ ràng. Mình phải có trách nhiệm công khai điều đó. Nếu là tiền của mình thì không sao, nhưng tiền của cộng đồng thì phải minh bạch bằng mọi giá.
Lời khuyên thứ hai là biết lượng sức mình. Nhà Chống Lũ từ chối 75 tỷ vì có nhận nữa thì cũng không làm được trong năm nay. Mình đừng tự gây áp lực cho bản thân, vì việc mọc thêm một người kiến trúc sư đã khó, kiếm một kiến trúc sư có tầm nhìn và tâm huyết cho cộng đồng lại càng khó gấp nghìn lần.
Khi nhìn những trở ngại đó, mình luôn phải có kế hoạch, có dự trù, khảo sát cẩn thận. Và đến cái ngưỡng có thể làm được thì nên dừng để có thể kiểm soát khối lượng công việc. Không làm bản thân bị áp lực quá, cũng không làm áp lực cho những người đóng góp cho mình.
Câu chuyện nào khiến chị ấn tượng và xúc động nhất trong tất cả những cảnh khốn khó mà chị từng gặp? Và chị dự tính sẽ xây Nhà Chống Lũ cho bà con đến khi nào?
Bà Hồ Thị Nga (83 tuổi, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Bà không lo việc giữ ngôi nhà, không dám lo ngôi nhà mà chỉ lo cho cái chết, để cỗ quan tài ở trên cao vì từng chứng kiến cảnh chồng chết trong cơn lũ, chỉ có manh chiếu để cuốn tạm. Lúc đó trong túi bà chỉ đúng 10 nghìn, nhưng chúng tôi đã thuyết phục bà bán hết đồ đạc cũ, vay tiền của con cháu và địa phương để xây cho bằng được căn nhà an toàn.
Câu chuyện thứ 2 là chị Hồ Thị Hoa (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), xây nhà trong thời gian dài nhất, đến 3 năm trời dai dẳng. Một người mẹ đơn thân nuôi con bệnh đao, một người mẹ mù lòa nhưng vẫn kiên định xây nhà.
Những mảnh đời như vậy, dù cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn quyết tâm xây nhà đã đem lại cho tôi nguồn cảm hứng: Đóng góp cho xã hội là điều quan trọng nhất. Tất cả những công việc kinh doanh chỉ để cho mình quan hệ xã hội và điều kiện kinh tế cơ bản. Còn với bản thân tôi, tôi mong muốn trở thành người full-time, làm việc cộng đồng miễn phí và trọn đời.
Bài viết được sản xuất và đăng tải lần đầu tại WeChoice.vn.