Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật

Những chia sẻ cá nhân của nghệ sĩ trẻ Kenny Nguyễn về triển lãm “Vảy | Mực” diễn ra tại The Factory Contemporary Arts Centre.

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật

Vảy | Mực” sẽ là triển lãm cá nhân đầu tiên của Kenny Nguyễn, chàng nghệ sĩ trẻ sinh năm 1993 hiện đang sinh sống tại Sài Gòn. Khi chúng tôi đến thăm anh tại Trung tâm Nghệ thuật Đương Đại The Factory Contemporary Arts Centre – nơi triển lãm diễn ra từ ngày 28/9 tới đây, Kenny đang chăm chú hoàn thiện những chi tiết cuối cho khâu sắp đặt các tác phẩm của mình.

Bao quanh chúng tôi là gần 13 tấm tranh in kết hợp màu nước và bút lông dầu trên nền giấy dó, thuật tả những sinh vật hư cấu được lấy cảm hứng từ các thực thể sống dưới biển sâu. Nhìn thoáng qua, chúng không khỏi khiến người xem liên tưởng đến thế giới viễn tưởng, đa sắc màu trong các tác phẩm điện ảnh của Hayao Miyazaki và Studio Ghibli. Nhưng khi quan sát gần hơn, ta có thể nhận ra những chi tiết được nghệ sĩ tỉ mỉ vẽ tay giúp làm nên lớp vỏ bọc, hay hình hài của các sinh vật trên, đều mang dáng dấp của kiến trúc cổ tại Việt Nam.

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật0
Tác phẩm Phấn Hoa, 64×100 cm, mực, màu nước, bút lông dầu, bút nhũ vàng, giấy dó.

Bên cạnh đó, triển lãm “Vảy | Mực” còn trưng bày tác phẩm sắp đặt “Giáp Mực”, được kết thành từ 320 bản in lino trên giấy dó, giấy kozo Nhật và giấy vàng mã. Trên mỗi tấm giấy, Kenny đã chọn in nổi hình ảnh tượng trưng cho các tế bào làm nên lớp vảy cá dưới ống kính hiển vi.

Chàng nghệ sĩ trẻ đã dành chút thời gian trò chuyện cùng chúng tôi bên tách cà phê, chia sẻ về những cảm hứng và suy tư về triển lãm sắp tới của mình.

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật1

Cơ nguyên gì đã đưa anh đến với con đường nghệ thuật? Vì sao anh lại chọn in ấn đồ họa (printmaking) làm phương thức sáng tác chính?

Ông nội là người truyền cảm hứng cho tôi trong công việc sáng tác và dẫn dắt tôi đến với nghệ thuật. Lúc còn bé, ông cháu tôi thường hay lui tới nhiều phòng tranh, cũng như các bảo tàng ở Hà Nội để thưởng ngoạn. Ngoài ra, ông cũng dạy tôi cách cảm thụ những điều tinh tế và vô thường trong cuộc sống như cây cảnh, thú kiểng, và âm nhạc.

Với vốn sống khá phong phú tích lũy được từ bé, tôi cũng ao ước một ngày nào đó sẽ trở thành nghệ sĩ, dù bản thân nhận không ít chỉ trích từ gia đình khi mới khởi nghiệp. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, tôi vẫn tiến bước theo những gì bản năng mình dẫn dắt.

Xuyên suốt khoảng thời gian du học ở Mỹ, tôi tình cờ bén duyên với in ấn đồ họa từ việc học in lõm, in nổi, in đá, cho đến đóng sách truyền thống. Bản thân tôi cũng không suy nghĩ quá nhiều về việc tại sao mình lại có cơ duyên với in ấn đồ họa đến thế. Có lẽ một phần nó đến từ cái tôi của tuổi trẻ, cùng sự tò mò vốn có của một người học sinh. Học vấn đối với tôi luôn bao gồm cả duyên số và phúc phận.

Anh nghĩ sao về mối quan hệ giữa mình và Thành phố Hồ Chí Minh? Đặc biệt là với những tòa nhà thuộc địa và ngôi chùa cổ – nguồn cảm hứng cho triển lãm lần này?

TP. HCM là nơi tôi có nhiều kỷ niệm từ thuở bé cho đến giờ. Tôi theo chân gia đình vào Nam định cư từ khoảng thời gian trung học cho đến những năm cấp ba, nên TP. HCM, hay Sài Gòn, đối với tôi luôn là một nơi chốn ấm áp và đủ đầy.

Khi còn là học sinh, tôi luôn bị hấp dẫn bởi sự pha trộn của kiến trúc thuộc địa và chùa cổ Việt. Mỗi lần dạo phố, tôi vẫn thường đảo mắt để ý đến những tòa nhà thuộc địa hay các ngôi chùa cổ còn đọng lại. Chúng là tàn tích đại diện cho một quá khứ lạ lẫm, xa lạ mà ngày nay ít ai quan tâm và đề cập đến. Nhưng đối với riêng tôi, những di chỉ từ thời thuộc địa và đền chùa Việt đều là minh chứng đẹp và đầy hoài niệm.

Anh thường cảm thấy gì khi đứng trước một khối kiến trúc cổ? Đâu là nơi mà anh thích nhất trong tất cả những chuyến đi thăm thú của mình?

Thân thuộc có lẽ là tính từ tròn trịa nhất mà tôi có thể nghĩ tới. Mỗi lần đứng trước một di chỉ cổ, tôi luôn cảm thấy như mình hoàn toàn thuộc về nơi đó. Việc đầu tiên tôi làm khi tham quan một di chỉ mới luôn là tản bộ xung quanh để làm quen với không gian nơi đó. Nghĩa trang Bình An ở Bình Dương có lẽ là một trong những nơi chốn mà tôi vô cùng yêu thích. Trong tác phẩm Phấn Hoa mà tôi trưng bày tại triển lãm, bạn sẽ có thể nhận ra hình hài của loài ong nhằm đại diện cho sự cần mẫn của những người lính đã tận tâm vì đất nước.

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật2
Một phần tác phẩm “Giáp Mực” của Kenny Nguyễn.

Trong các tác phẩm của anh, những sinh vật kì bí đã được khoác lên tấm áo choàng/lớp vảy cấu thành từ các chi tiết kiến trúc cổ. Vậy ngoài đời thực, anh có xem những ngôi nhà, tòa nhà… như là các cá thể mang trong mình nguồn sống riêng?

Vốn dĩ ngay từ thuở đầu, những ngôi nhà cổ luôn để lại ấn tượng trong tôi về những loài sinh vật kì bí. Hình dáng vững chãi của các trụ cột, kết hợp với mái vòm chóp nhọn, cùng từng ô cửa sổ đen nhánh… luôn kích thích trí tưởng tượng trong tôi. Trước đây, tôi cũng từng cho ra đời một số tác phẩm mà trong đấy, các tòa nhà được chuyển hóa thành những cỗ máy thời gian.

Nhắc đến lớp vảy sinh học như là đề tài và chất liệu chính trong các tác phẩm của triển lãm, có phải chăng anh muốn bày tỏ ước muốn bảo vệ những tàn dư của quá khứ, đồng thời là danh tính bản thân?

Đối với tôi, vỏ bọc hay lớp vảy đại diện cho sự chở che cũng như kỹ năng ẩn giấu của từng cá thể trong môi trường sống xung quanh. Sinh vật nào cũng mang trên mình lớp vỏ như một cách tự nhiên bảo vệ chủ thể. Tính năng của nó cũng phần nào phản ánh đặc tính và mục đích sống của từng sinh vật. Ví như tắc kè thì hay chuyển màu để ẩn náu, côn trùng thì ngụy trang…

Lớp vảy mà tôi muốn đề cập đến ở đây là những mảnh ghép chắp vá mà tôi sưu tầm được sau 3 năm khám phá và nhìn nhận các tàn chỉ văn hóa ở Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng. Tôi không chủ động tạo ra lớp vỏ để ôm trọn lấy những tàn dư của quá khứ, mà khoác chúng lên mình lên mình như một chiếc áo choàng hộ vệ.

Các sinh vật biển mà anh lấy cảm hứng cho tác phẩm có phải là hình ảnh đại diện cho bản thân? Anh cảm thấy mình có mối tương quan như thế nào đến chúng?

Kenny Nguyễn là nghệ danh, còn tên thật của tôi là Hải Hoàng, tức là biển vàng hay vua biển. Bên cạnh đó, gốc gác của gia đình tôi lại từ Hà Nội và Hải Phòng, vốn đều là hai thành phố gần với nguồn sông, nguồn biển. Đây có lẽ là lý do khiến tôi luôn cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào của nước trong việc tạo dựng nên các sinh vật trong tác phẩm. Chúng đại diện cho những thức thần, hay nói một cách gần gũi hơn là những bằng hữu. Tôi vốn không phải là một người theo đạo, vì vậy nên việc tạo ra các sinh vật biển như trong triển lãm kì này giúp bện nên một sợi dây móc nối giữa tôi và chúng. Đồng thời, nó còn giúp thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà tôi vẫn cảm thấy hiếm có trong đời sống hiện tại.

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật3
Tôi thích được tự tay tạo nên những nét vẽ từ mực, chạm vào bề mặt giấy, cũng như lăn từng lớp mực in theo nhịp điệu rõ rệt.

Có thể nói, ngôn ngữ thị giác trong các tác phẩm của anh mang màu sắc rất riêng và đậm dấu ấn cá nhân. Đây có phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài, cũng như được truyền cảm hứng từ nghệ sĩ nào mà anh hâm mộ?

Đó là quá trình xảy ra một cách khá tự nhiên. Phong cách của tôi cho đến thời điểm hiện tại cũng đa phần dựa vào nhiều lần thử nghiệm với các chất liệu, đường nét mới, cùng nhiều hình khối hữu cơ mà tôi luôn hứng thú.

Khởi sự, tôi bị hấp dẫn bởi tranh vẽ nét (line art) của một người bạn thân. Sau nhiều lần tò mò, tôi cũng đi mua bút vẽ và giấy về tập thử. Những phút lóng ngóng và khó chịu vì sự chưa tường tận của mình đối với tác phẩm lúc sơ khai quả thực là điều khó tránh khỏi. Nhưng tôi cũng mau chóng vượt qua được bản tính quá cầu toàn của bản thân, và tìm cho mình con đường thực hành nghệ thuật mang tính bản năng hơn.

Việc học hỏi từ các nghệ sĩ lão luyện là điều tất yếu mà tôi nghĩ ai mới vào hoặc đã làm nghề lâu năm đều cần theo đuổi. Hai nghệ sĩ mà tôi luôn hâm mộ đó là Louise BourgeoisJames Jean.

Trong quá trình sáng tác, anh có thường vạch sẵn ý tưởng trong đầu và bám sát theo đó, hay đơn giản để trực giác dẫn lối? Các tác phẩm trong triển lãm đợt này đã thành hình ra sao?

Tôi thường dựa vào từng dự án để lên kế hoạch, hoặc không nhất thiết tuân theo một định hướng cụ thể. Khi bắt đầu sáng tác một tác phẩm mới, tôi không tạo dựng một hệ thống quá chỉn chu, mà để cho bản năng tự dẫn dắt. Các sinh vật trong triển lãm kỳ này được khởi dựng từ năm 2016 và hoàn thành trong năm nay. Trước khi đúc kết thành hình, tôi thường khởi sự bằng chì rồi mới dùng mực xanh đồ nét theo các hình khối khá hữu cơ.

Thời gian cho các tác phẩm “nghỉ dưỡng” cũng rất quan trọng đối với tôi. Lắng nghe nhịp thở cũng như rời mắt khỏi chúng một thời gian cũng là một bài tập vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc. Các tác phẩm thường chỉ mang một ý nghĩa cụ thể khi mà tôi dừng bút, lục tìm thông tin liên quan, rồi kết thúc bằng một chữ ký. Bên cạnh đó, giấy là chất liệu chủ đạo trong công việc sáng tác của tôi ở thời điểm hiện tại. Tôi chọn chúng vì đặc tính mỏng và xuyên thấu, cùng khả năng biến hóa vô cùng bất biến khi bị tác động bởi bàn tay hay khi tiếp xúc với mực và màu nước.

Kenny Nguyễn và những giá trị truyền thống trong nghệ thuật4
Dưới vai trò là một người nghệ sĩ, tôi mong các tác phẩm của mình có thể góp phần như những minh chứng giúp phản ánh sự tồn tại và tầm quan trọng của những di chỉ lịch sử.

Dường như từ chất liệu, phương thức thực hành, cho đến chủ đề trong các tác phẩm của anh đều xuất phát từ những giá trị truyền thống. Trong thời đại mà công nghệ thống lĩnh đời thực lẫn đi vào nghệ thuật, điều gì khiến anh nghiêng về kỹ thuật làm tay?

Ở thời điểm hiện tại, khi mà công nghệ thông tin đang thống trị mọi ngóc ngách của cuộc sống, tôi vẫn thấy sự hiện diện của những tinh hoa truyền thống là điều cần thiết. Sự tồn tại của giá trị văn hóa không chỉ kể cho chúng ta câu chuyện về lịch sử cá nhân, mà đồng thời còn đào sâu về gốc rễ của cội nguồn. Đó có lẽ là lý do tôi bị hấp dẫn bởi đặc tính hình thể mà từng nguyên vật liệu và in ấn đồ họa có thể đem lại.

Vốn dĩ không phải là một người chuyên sâu về nghệ thuật kỹ thuật số, nên tôi thích được tự tay tạo nên những nét vẽ từ mực, chạm vào bề mặt giấy, cũng như lăn từng lớp mực in theo nhịp điệu rõ rệt. Tất cả các yếu tố đó kết thành một sợi dây liên kết giữa tôi và các nguyên vật liệu. Giống như một người bảo hộ hay sinh thành của tác phẩm, tôi muốn nhào nặn chúng bằng chính đôi bàn tay của mình hơn là sự tiếp xúc phẳng lặng trên màn hình máy tính.

Anh có cảm thấy các quần thể kiến trúc cổ tại các đô thị lớn có phần bị ngó lơ? Ta có thể học được gì từ quá khứ để tiến đến tương lai?

Tại TP. HCM nói riêng, các di tích lịch sử và tàn chỉ thường ít khi được đánh giá cũng như xếp hạng. Một phần vì nơi đây đóng vai trò chủ yếu là trung tâm kinh tế của Việt Nam, khiến cho mọi người còn chưa nhận thức được tiềm năng văn hóa ẩn sâu trong lòng thành phố.

Theo suy nghĩ cá nhân, tôi thấy việc lưu trữ và bảo tồn di tích tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại còn là một quá trình dài hơi, do chúng ta bị ảnh hưởng từ chiến tranh và nhiều vấn đề xã hội khác… Dưới vai trò là một người nghệ sĩ, tôi mong các tác phẩm của mình có thể góp phần như những minh chứng giúp phản ánh sự tồn tại và tầm quan trọng của những di chỉ trên. Chúng chính là nhân chứng lịch sử toàn vẹn và đáng trân quý hơn hết cả, giúp ta hiểu được giá trị của bản thân cũng như gốc rễ cội nguồn.

Xem thêm:

[Bài viết] Cùng Bùi Công Khánh nhìn lại chặng đường của nghệ thuật đương đại Việt Nam

[Bài viết] Tipsy Art và trải nghiệm vẽ tranh cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam