Khám phá những “góc khuất” mỹ phẩm Hàn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
31 Thg 03, 2022
Beauty

Khám phá những “góc khuất” mỹ phẩm Hàn

Với sự đổ bộ của mỹ phẩm Hàn Quốc hiện nay, người tiêu dùng cần cẩn thận hơn trước những “mặt trái” của ngành công nghiệp đang nở rộ này.
Khám phá những “góc khuất” mỹ phẩm Hàn

Mỹ phẩm Hàn còn nhiều góc khuất mà khách hàng chưa tường tận | Nguồn: TeenVogue

Khi làn sóng văn hoá Hàn Quốc lan rộng khắp thế giới, phong cách làm đẹp của xứ sở kim chi cũng ảnh hưởng đến thói quen trang điểm và chăm sóc da của người tiêu dùng. Thế nhưng, bên cạnh các sản phẩm được đánh giá cao, nền công nghiệp này vẫn còn những góc khuất ít ai biết.

Sự bành trướng của mỹ phẩm Hàn

Mỹ phẩm Hàn Quốc ngày càng trở nên phổ biến. Một nghiên cứu trên Research and Markets chỉ ra rằng thị trường quốc tế của mỹ phẩm Hàn Quốc được dự đoán sẽ đạt đến 21,8 tỷ USD vào năm 2026. Năm 2021, lượng mỹ phẩm Hàn Quốc xuất khẩu được ghi nhận đã tăng vọt 16,1% chỉ sau một năm.

Một trong những yếu tố tạo nên sự bành trướng này đến từ làn sóng văn hoá Hallyu thông qua âm nhạc và phim ảnh. Mỹ phẩm Hàn thường được xuất hiện trong các bộ phim, được quảng bá bởi những gương mặt nổi tiếng.

alt
Mỹ phẩm Hàn có mặt khắp mọi nơi trên thế giới | Nguồn: The DC Edit

Từ đó, hàng loạt xu hướng làm đẹp đã nở rộ và trở thành một bước không thể thiếu trong chu trình chăm sóc da hay trang điểm như mặt nạ giấy, double cleansing, trang điểm “glass skin” với lớp nền căng bóng...

Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc đã đặt trụ sở tại Việt Nam như Innisfree, The Face Shop, Laneige,..

Một báo cáo từ Korea International Trade Association (KITA) cho thấy mỹ phẩm Hàn Quốc chiếm đến 48,1% trên tổng thị trường mỹ phẩm nhập khẩu tại Việt Nam trong năm 2020 và vị trí đầu bảng này đã kéo dài 5 năm liên tục.

alt
Mỹ phẩm Hàn vẫn gặp nhiều câu hỏi về chất lượng | Nguồn: Peach & Lily

Ngày nay, không khó để bước vào các hệ thống phân phối lớn như Beauty Box, Sociolla, Watsons và nhận thấy sự bao phủ của mỹ phẩm Hàn từ đồ trang điểm đến dưỡng da. Tuy nhiên, đây có phải là bức tranh đầy đủ về mỹ phẩm Hàn?

Mặt trái của các mỹ phẩm Hàn

Vừa qua, beauty blogger Võ Hà Linh gây tranh cãi trong cộng đồng mạng khi review về sản phẩm serum B5 của GoodnDoc. Cô cho rằng sản phẩm “mờ nhạt” và “như nước lã” cũng như không hề tương xứng với giá thành.

Từng có thời, sản phẩm trị mụn của Some By Mi được quảng cáo hết sạch mụn trong 30 ngày. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng cho biết họ bị nổi mụn viêm, mụn bọc.

alt
Nhiều review trái chiều về các loại mỹ phẩm Hàn | Nguồn: Popsugar

Nhiều thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc nằm ở phân khúc giá trung bình và bình dân và chọn cách rút ngắn chu kỳ R&D xuống chỉ còn bốn tháng để nhanh ra sản phẩm. Trong khi đó, quy trình này của hầu hết các thương hiệu làm đẹp ở nước khác thường mất hơn một năm.

Trước đây, sản phẩm chăm sóc da “quốc dân” mặt nạ giấy cũng từng đối mặt với các cáo buộc về việc mất vệ sinh trong khâu sản xuất. Với lợi thế về gia công, hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm nhỏ lẻ được sinh ra tại Hàn Quốc và phân phối khắp nơi.

Mặt trái của việc này là khó quản lý thấu đáo. Sản phẩm đến tay người dùng chưa được kiểm định kỹ về chất lượng, hiệu quả và cả độ an toàn.

Bên cạnh đó, mỹ phẩm Hàn còn bị làm giả với số lượng lớn. Nhiều báo cáo từ các nước như Việt Nam, Thái Lan hay Hồng Kông cho thấy các sản phẩm bị làm giả đã lên tới hàng nghìn, đa dạng từ son môi, nước tẩy trang, kem dưỡng trắng và cả nước rửa tay!

Mặt khác, dường như các cơ quan chức năng tại Hàn Quốc cũng bị động trong việc quản lý hàng giả và hàng kém chất lượng. Người đại diện phát ngôn của tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc - Amore-Pacific cho biết các sản phẩm bị làm giả rất tinh vi và được bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử.

alt
Các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm | Nguồn: Self

Trong khi đó, tờ Global Cosmetics News nhận định Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đang phải chịu nhiều áp lực để đảm bảo rằng các sản phẩm không chứa chất độc hại bị tung ra thị trường.

Ngoài ra, danh tiếng của mỹ phẩm Hàn còn bị mượn khá nhiều. Các nhãn hiệu Việt quảng bá nhà máy tại Hàn Quốc, dán mác Hàn nhưng thực chất lại không rõ ràng về xuất xứ và quy trình sản xuất.

Vì không trải qua quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt, các sản phẩm này có thể chứa hàm lượng quá mức cho phép các chất như thuỷ ngân, chì, beryllium... Điều này không chỉ gây lãng phí tiền mà còn hại cho sức khỏe của người dùng.

Người dùng Việt nên làm gì?

Để có thể sử dụng mỹ phẩm Hàn thật tự tin, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Chọn lựa kỹ các thương hiệu đã có danh tiếng từ lâu cũng như nên mua tại những cửa hàng chính hãng (online và offline) để đảm bảo chất lượng.
  • Đừng để những bao bì đẹp “đánh lừa” bạn. Thay vào đó, bạn cần nhìn vào bảng thành phần để nắm rõ tính năng của từng sản phẩm. Việc biết được các chất sẽ giúp bạn tránh được những sự kết hợp sai lầm trong chu trình chăm sóc da.
  • Xem xét và cân nhắc về giá cả. Nhiều sản phẩm vốn không có tính năng đặc trị nhưng lại có mức giá khá cao, dễ gây lãng phí và không cần thiết. Ngược lại, các sản phẩm thiên về đặc trị như serum, BHA/AHA, vitamin C... nếu có giá thành quá thấp thì cần xem xét lại tính hiệu quả.
  • Xác định rõ nhu cầu của mình để phân chia tài chính cho những sản phẩm chủ lực. Tránh để bản thân sa đà vào những sản phẩm được tung hô với nhiều công dụng nhưng thật ra lại không tập trung điều trị hay có một lợi ích nổi trội.

Tóm lại, ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc đang mang lại cho người tiêu dùng đa dạng các sự lựa chọn với hàng loạt công dụng, mẫu mã và mức giá khác nhau. Đứng trước vô vàn sản phẩm như hiện nay, người dùng cần tỉnh táo để không phải tốn tiền một cách vô ích.