Khoa Phung: 'Tới số' thì ra đường vấp con kiến cũng 'die' | Vietcetera
Billboard banner

Khoa Phung: 'Tới số' thì ra đường vấp con kiến cũng 'die'

"Còn năm 10 tuổi nghĩ về nghề nghiệp hiện tại, mình chỉ biết thốt lên: wow, thích quá, wow."
Khoa Phung: 'Tới số' thì ra đường vấp con kiến cũng 'die'

Tác phẩm Hầu Thánh. | Nguồn: Khoa Phung/Minh Hong cho Vietcetera

Phùng Nguyễn Anh Khoa (1995), hay còn được biết đến với cái tên Khoa Phung là một họa sĩ trẻ, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Anh yêu thích nhiều loại hình nghệ thuật; hiện đang tìm hiểu sâu về hội họa, đặc biệt là sơn mài.

Biểu hiện và Hậu Ấn tượng là hai trường phái Khoa Phung theo đuổi từ khi còn học ở trường Mỹ thuật và thực hành cho đến nay. Từ hai trường phái này, anh xây dựng nên các tác phẩm mang hướng đương đại, giúp bạn trẻ tiếp cận văn hóa dân tộc Việt Nam một cách năng động hơn.

Họa sĩ trẻ Khoa Phung.

Với hội họa, Khoa Phung là người vừa chọn con tim vừa nghe theo lý trí. Khi có ý tưởng, anh thường không vẽ ngay lập tức, thay vào đó, thư giãn ngắm nhìn và đợi cảm xúc tới. "Nếu thấy cảm xúc vẹn tròn, mình sẽ tính toán thật chi tiết để hoàn thiện tác phẩm."

Điều gì trong nghệ thuật khiến bạn nổi da gà?

Đó là năng lực khiến cho tác phẩm trở nên thật giả khó phân biệt của một người nghệ sĩ.

Series tranh "Thập Nhị Tố Nữ"

Bạn muốn hợp tác với nghệ sĩ nào nhất?

Mình mong ước được hợp tác với Gustav Klimt. Từ lúc mới biết nghệ thuật, mình đã thần tượng ông ấy. Nhưng đáng tiếc là, Klimt đã mất trước khi mình ra đời.

"Trong Nhà Chúa".

Nhân vật giả tưởng nào khiến bạn cảm thấy đồng điệu nhất?

Mỗi người là một cá thể với màu sắc riêng biệt. Các nhân vật giả tưởng cũng vậy. Mỗi nhân vật mang đến cho mình một điều gì đó rất khác biệt. Là người xem, mình đồng cảm với câu chuyện của từng nhân vật chứ không rõ ràng là đồng điệu.

"Nguyệt Phủ"

Các tác phẩm của bạn đi ra từ trí tưởng tượng hay là phóng tác của một hình ảnh có thật?

Nghệ thuật, khởi đầu chính là mô phỏng lại tự nhiên. Ví dụ hội họa là sự mô phỏng ngoại hình của tự nhiên, hý kịch là mô phỏng hành vi và tình cảm nhân vật.

"Se Métamorphoser".

Các tác phẩm nghệ thuật lúc thì sẽ mô phỏng về một hình ảnh, sự kiện có thật; lúc thì mô phỏng những tác phẩm kinh điển; cũng có khi từ những nhân vật giả tưởng khiến người nghệ sĩ thật sự có cảm xúc. Bằng tư duy riêng, người nghệ sĩ lột tả những cảm xúc đó, thể hiện qua từng tác phẩm.

Bạn làm gì khi không nghĩ ra gì để làm?

"Cô Huân".

Mình sẽ tìm một cách giải trí nào đó để khiến mình “bận”. Thỉnh thoảng mình phát hiện những cái đẹp xung quanh, hay những ý tưởng “điên rồ” khi đầu óc được thoải mái. 

Không gian sáng tác nào khiến bạn thấy thoải mái nhất?

"Đám Cưới Vùng Cao".

Một quán cà phê vắng vẻ nào đó ở Đà Lạt là sự lựa chọn tuyệt vời.

Nếu được vẽ lại một cảnh phim, bạn sẽ vẽ cảnh nào, trong phim nào?

"Kẻ Cắp Bà Già".

Cảm xúc tới thì mình mới có thể sáng tác được. Nên câu trả lời, có lẽ sẽ nằm ở một tương lai không xa.

Bạn năm 10 tuổi sẽ nghĩ gì về công việc hiện tại của mình?

"Đệ Ngũ Nhân Cách".

Wow, thích quá, wow… Mình nghĩ là vậy đó. Từ nhỏ mình đã rất mê những thứ liên quan tới nghệ thuật rồi.

Nếu tất cả các nghề đều trả cùng một mức thu nhập, bạn sẽ làm nghề gì?

"Moana Đông Hồ".

Họa sĩ, tất nhiên rồi!

Bạn sẽ dùng tác phẩm nào để thuyết phục thần chết tha mạng?

Series "TANG".

Trời kêu ai nấy dạ. Mình nghĩ “tới số” thì ra đường vấp con kiến cũng "die". Nên lỡ thần chết có kêu thì mình dạ thôi (cười.)