Không đẻ có phải ích kỷ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 05, 2020
Gia Đình

Không đẻ có phải ích kỷ?

Đẻ là việc của ai? Liệu việc sinh đẻ con có còn là một 'gánh nặng' xã hội cho phụ nữ? Cùng Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) xem xét nhé

Không đẻ có phải ích kỷ?

Không đẻ có phải ích kỷ?

Bài viết thể hiện góc nhìn và trải nghiệm của tác giả, không phải của Vietcetera.

Những ngày gần đây có khá nhiều thảo luận thú vị xoay quanh sinh sản và tình dục được các bạn độc giả gửi tới Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE).

Vậy nên, hôm nay VOGE cũng muốn chia sẻ và lắng nghe ý kiến từ các bạn về vấn đề này.

1. Sinh sản mang lại lợi ích cho ai?

Về mặt tự nhiên, có lẽ đa số mọi người đồng ý rằng việc sinh sản là thiết yếu để duy trì một giống loài.

Đối với loài người, sinh sản cũng đóng vai trò thiết yếu cho an ninh quốc gia. Cụ thể hơn là về quốc phòng và kinh tế. Mọi chính sách được đưa ra luôn được cân nhắc các nhu cầu rất cần thiết của đất nước.

Con người là nguồn tạo ra thặng dư. Với vị thế của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam không tránh khỏi những áp lực nhất định từ những nước lớn với nguồn lao động mạnh, sức mạnh quân sự cùng nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.


Đan Mạch làm quảng cáo khuyến khích người dân đẻ vì mức sinh quá thấp.

Nói một cách đơn giản, về mặt quốc phòng, đông dân hơn đồng nghĩa với khả năng có một lực lượng quân đội tinh nhuệ hơn, lớn mạnh hơn để bảo vệ độc lập tự do.

Về mặt kinh tế, đông dân đem đến nguồn lao động lớn hơn. Việc đảm bảo dân số không bị “già hoá” giúp Việt Nam không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động nước ngoài.

Vì vậy, khuyến khích sinh con và kết hôn sớm là một cách để duy trì nguồn lao động nhằm đảm bảo sức mạnh cũng như tốc độ phát triển kinh tế.

Thế nhưng kì diệu thay, việc sinh sản trước hết lại không phải quốc gia thích là có.

Lợi ích cho cộng đồng, cho giống loài, chỉ là điều đến sau. Người hưởng lợi – và chịu đựng đầu tiên, là người mẹ, rồi đến người cha.

Đối với không ít người, việc sinh sản không nằm trong lộ trình đời họ. Đó không phải cách duy nhất, và không phải cách họ chọn để đóng góp cho quốc gia.

2. Vậy, việc sinh sản có đang được đối xử đúng với tầm quan trọng của nó không?

Nếu cho rằng sinh sản là trách nhiệm xã hội, hãy so sánh sự đền đáp và “hình phạt” với người phụ nữ.

Sự đền bù là sự ngợi ca thiên chức được hoàn thành, là sự vui mừng của gia đình dòng họ vì đã chạm đến một cột mốc trong đời, là chế độ tài chính cho việc sinh sản, là ngày nghỉ nguyên lương.

Còn hình phạt? Có nhiều sự phân biệt đối xử đối với lao động nữ:

  • Các công ty hỏi về ý định lập gia đình hay sinh sản của ứng cử viên nữ ngay trong khâu tuyển dụng;
  • Nhiều cơ hội thăng tiến bị tước bỏ với suy nghĩ phụ nữ hợp chăm sóc con cái, nội trợ hơn là đi làm, nhưng lại luôn nói rằng phụ nữ không nỗ lực, đến cơ quan thì đi muộn về sớm (vì nội trợ).
  • Xã hội không trả một đồng công nội trợ nào nhưng liên tục sử dụng lập luận rằng sự bất tài chính là lí do phụ nữ có thu nhập thấp hơn;
  • Phụ nữ có sinh học hợp với chăm con hơn đàn ông nên bị quy chụp rằng đi làm không tốt bằng đàn ông;

Như bài viết trước đề cập, kì vọng chăm sóc chỉ vì phụ nữ có khả năng sinh sản là một sự khát quát hóa có dụng ý.

Kỳ vọng này cột phụ nữ vào những vai trò không được ghi nhận giá trị tài chính và càng bị coi thường. Sự tiếp tay cho chênh lệch quyền lực này, đáng tiếc thay, lại nấp sau câu nói “Đừng ích kỷ, hãy nghĩ cho cộng đồng đi”.

“Lười đẻ” một tính từ kém duyên
“Lười đẻ”, một tính từ kém duyên.

3. Liệu đẻ và hôn nhân có nhất thiết phải đi với nhau?

Quan niệm này cho rằng sinh nở chỉ nên tồn tại và được công nhận trong một cuộc hôn nhân “đàng hoàng” với cả bố và mẹ.

Ý tưởng này về cơ bản không còn phù hợp.

Thứ nhất, quan niệm này bỏ qua những người muốn có con nhưng không thoải mái với việc gắn bó hoàn lâu dài. Nó đồng thời bỏ qua nhóm LGBT+.

Tiếp theo, “đẻ” bắt buộc đi liền hôn nhân đi kèm rủi ro bố mẹ bước vào một mối quan hệ mà họ không sẵn sàng, hay thậm chí là không muốn.

Điều này có thể dẫn đến những gia đình tan nát. Hệ quả tâm lý tồi tệ hơn rất nhiều việc quyết định nuôi con độc thân ngay từ đầu.

Trên thực tế, nếu chỉ quan tâm đến sinh con (dù có kết hôn hay không) thì mọi lợi ích kinh tế, quốc phòng đều không bị mất đi. Nếu hệ thống không muốn tiếp nhận những người chung sống và sinh sản không hôn nhân, các vấn đề về quản lý xã hội sẽ xuất hiện .

Bình đẳng giới là mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc
Bình đẳng giới là mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

4. Liệu “đẻ” và “tình dục” có nhất thiết phải đi với nhau?

Một người quan hệ tình dục có thể vì nhiều mục đích: sinh sản, nhu cầu sinh lý, hoặc để giúp mối quan hệ thêm thân thiết và bền chặt.

Có những quan điểm thúc đẩy và trách nhiệm hóa sinh sản nhưng lại song hành với cấm cản, kì thị, bêu tiếu toàn bộ các hoạt động tình dục phi hôn nhân.

Chúng cho thấy sự kiểm soát với cơ thể lẫn hoạt động tình dục của con người.

Tư tưởng này đôi khi đi xa đến mức nói rằng hoạt động quan hệ tình dục nhưng không có con hay không kết hôn là sai trái. Nó củng cố rằng mục đích cuối cùng của quan hệ tình dục là vì sinh sản, không phải vì khoái cảm, cảm xúc.

Quan niệm rằng tình dục chỉ để đẻ có thể củng cố cho suy nghĩ cấm dục thêm mạnh mẽ, thậm chí làm mạnh hơn việc kiểm soát cơ thể và hoạt động tình dục.

Tình dục là một vấn đề thú vị với nhiều luồng quan điểm. Có người dành nó cho hôn nhân, có người dành cho tình yêu, có người dành cho sở thích.

Việc tuyên truyền hiểu biết về tình dục an toàn là cần thiết. Nhưng việc núp bóng sự truyền đạt kiến thức để kì thị, phán xét, đánh giá, áp đặt mục đích, áp đặt cách thức cho đời sống tình dục cá nhân, là không cần thiết và nguy hiểm.

Trong việc sinh đẻ người hưởng lợi và chịu đựng đầu tiên là mẹ cha chứ không phải cộng đồng
Trong việc sinh đẻ, người hưởng lợi và chịu đựng đầu tiên là mẹ cha chứ không phải cộng đồng.

5. Không đẻ có phải ích kỷ?

Sinh đẻ đang bị coi là trách nhiệm cộng đồng, trong khi nuôi dạy con sau khi sinh đẻ lại là trách nhiệm cá nhân.

Có thể coi quan niệm “đẻ là trách nhiệm của phụ nữ” như một sự đánh tráo khái niệm. Sinh đẻ là một khả năng tự nhiên của họ, nhưng lại bị “đánh tráo” thành trách nhiệm phải sử dụng khả năng đó.

Và cũng có thể gọi là “bóc lột” khi sự trả công cho những trở ngại trong công việc hay tâm lý của phụ nữ cả trước lẫn sau sinh được gói gọn trong cảm xúc “thỏa mãn” khi đã hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể.

Kể cả khi có sự giúp đỡ của các hình thức hỗ trợ thì nhiều năm vất vả mang thai, nuôi trẻ sơ sinh cũng là vượt quá khả năng đối với họ.

Như thế nào được coi là ích kỷ? Là khi không muốn đau đớn, muốn được sung sướng, mặc kệ họ hàng quở trách? Hay là khi không muốn nghe câu chuyện của ai khác và nhất quyết rằng làm theo mình mới là tốt cho cộng đồng?