Nhắc đến thời trang, trở thành nhà thiết kế có vẻ là con đường hiển nhiên nhất, và vai trò này đòi hỏi bạn phải có năng khiếu và kỹ thuật điêu luyện. Thế nhưng kể cả khi bạn chưa bao giờ vẽ nổi một bức phác thảo hay khâu một chiếc cúc áo, thì làm việc trong lĩnh vực thời trang vẫn là điều hoàn toàn khả thi.
Dưới đây là một số gợi ý [chưa phải là tất cả] về những cơ hội việc làm trong ngành thời trang, tùy theo cá tính và năng khiếu của bạn.
Quản lý sản xuất
Nếu bạn là người có hứng thú với việc mày mò “công thức thần thánh” giúp tạo ra quần áo chất lượng cao với chi phí sản xuất phải chăng nhất, thì công việc quản lý sản xuất là dành cho bạn.
Một nhân viên quản lý sản xuất (Production Management) là người chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất các sản phẩm thời trang và dệt may tại các nhà máy, công xưởng.
Thêm vào đó, họ còn là cầu nối giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ để đảm bảo sản phẩm được hoàn thành một cách đúng chất lượng, đúng thời điểm, và đúng ngân sách đã đề ra.
Theo The New York Times, ngành thời trang đang từng bước trải qua cuộc cách mạng xanh hóa chuỗi sản xuất, nhằm giảm thiểu tối đa rác thải trong sản xuất.
Vì thế, những người làm quản trị sản xuất đang đối diện với những thách thức vô cùng thú vị, ở cả phương diện thiết kế lẫn sản xuất. Những quyết định được đưa ra ở giai đoạn sản xuất có thể tạo ra những tác động dài lâu đến cả kinh tế lẫn môi trường.
Quản lý & kinh doanh thời trang
Đây là nơi nghệ sĩ và “con buôn” gặp nhau. Với hiểu biết về thời trang, cấu trúc cơ thể và óc sáng tạo, nhân viên quản lý và kinh doanh thời trang (Fashion Merchandising) là người giám sát, theo dõi xu hướng thời trang và nhu cầu tiêu dùng để giúp nhà thiết kế đưa sản phẩm ra thị trường một cách trơn tru và thành công nhất.
Có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp để bạn có thể chọn dưới trướng “Fashion Merchandising”, trong đó bao gồm nghề quản lý chuỗi bán lẻ (Retail Management).
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về giá trị của công việc này. Là người quản lý chuỗi bán lẻ, bạn phải là người có kiến thức uyên thâm về sản phẩm và thương hiệu, xác định được chiến lược tiếp thị, cũng như quản lý nhân sự, quản lý kho lưu trữ tại cửa hàng.
Thu mua (Buying) là một hướng rẽ khác bạn có thể chọn để theo đuổi sự nghiệp quản lý và kinh doanh thời trang. Nghề này đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ và làm việc ở vai trò trợ lý thu mua.
Là một buyer (người thu mua), bạn chịu trách nhiệm lựa chọn nhà cung cấp, quyết định xem cửa hàng nào sẽ bày bán sản phẩm gì, dự tính ngày nhận hàng và ước tính số lượng hàng hóa cần mua mỗi mùa, dựa trên xu hướng, nhu cầu theo mùa và dự đoán cung – cầu.
Vì thế, là một buyer, bạn phải có khả năng dự đoán xu hướng thời trang, định giá sản phẩm sao cho tương xứng với giá trị, nhằm cạnh tranh với các đối thủ của mình.
Quảng cáo & Quan hệ quần chúng
Là người giỏi sáng tạo hơn là làm việc với những con số? Thế thì bạn có thể chọn ngành Quảng cáo (Advertising). Công việc của một người làm Quảng cáo là xây dựng những thông điệp, chiến dịch quảng cáo sáng tạo và tích cực về thương hiệu để thuyết phục người tiêu dùng tin dùng sản phẩm của họ.
Trong kỷ nguyên truyền thông với tốc độ ánh sáng như hiện nay, thì sức ảnh hưởng của quảng cáo chưa có dấu hiệu dừng lại. Bạn có thể cân nhắc làm việc tại các tập đoàn lớn hoặc thương hiệu nổi tiếng trong ngành bán lẻ.
Ngoài ra, bạn còn có thể chọn theo đuổi công việc Quan hệ quần chúng (Public Relations – PR). Là trung gian giữa sản phẩm với nhà phân phối hoặc người tiêu dùng, người làm PR giữ cho hình ảnh thương hiệu xuất hiện một cách chỉn chu và hoàn hảo nhất.
Tính cách nhiệt thành và lôi cuốn chính là điều kiện cần, bên cạnh điều kiện đủ–chứng chỉ về giao tiếp, marketing hoặc kinh tế, tổ chức sự kiện, cộng với những công việc thực tập giá trị–để bạn dấn thân vào ngành PR.
Đa phần các bạn PR đều có thể hiện sự đồng cảm một cách chân thành và vô điều kiện với khách hàng của họ. Nghĩ cũng đúng, khách hàng còn mong đợi gì khác ngoài sự đồng điệu trong cảm xúc?
Phụ trách trưng bày & Định hình phong cách
Trưng bày thị giác (Visual Merchandising) và định hình phong cách (Styling) là hai nghề nghe có vẻ trùng lặp, tuy nhiên, lại hoàn toàn tách bạch. Stylist (chuyên viên định hình phong cách) là một công việc đòi hỏi sự kết hợp rất nhiều vai trò trong một con người: người chịu trách nhiệm về phong cách thời trang, khả năng thiết kế và phối hợp trang phục, am hiểu về makeup và làm tóc.
Công việc này là minh chứng của việc bằng cấp không phải là tất cả, sự hiểu biết tường tận về thời trang, óc thẩm mỹ, và kỹ năng giao tiếp là điều cốt yếu. Bên cạnh đó, thực tập và mối quan hệ là cần thiết đối với một stylist hơn bất cứ vị trí nào khác.
Còn nếu là người có khả năng sắp đặt, yêu thời trang, nhưng cũng yêu kiến trúc và nội thất thì sao? Vậy thì bạn có thể theo đuổi công việc phụ trách trưng bày (Visual Merchandising).
Cụ thể, bạn là người chịu trách nhiệm lên ý tưởng trưng bày sản phẩm thời trang bên trong cửa hàng cũng như cửa sổ trưng bày, nhằm gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của các tín đồ thời trang, và góp phần trực tiếp vào việc tăng doanh số bán hàng tại cửa hàng của thương hiệu.
Để trở thành một visual merchandiser giỏi, bạn phải hiểu rõ tinh thần của thương hiệu cũng như phân khúc của thương hiệu (bình dân hay cao cấp). Thêm vào đó, bạn cũng phải hiểu câu chuyện đằng sau từng bộ sưu tập để có thể tạo ra những tác phẩm trưng bày mang tiêu chí 3T: truyền cảm hứng, truyền thông tin và thuyết phục người xem.
Người viết về thời trang
Bạn yêu thích viết lách và thời trang? Thử nghĩ về cơ hội viết về bất cứ điều gì tác động đến thời trang thế giới, điều đó không tuyệt vời ư?
Nhiều chuyên trang mở rộng hoạt động ở thị trường online và thuê blogger cập nhật tin tức từng phút từng giây. Ngoài ra, bạn còn có thể viết cho các trang thương mại điện tử, agency quảng cáo, và các trang tin thương mại.
Thời trang không chỉ gói gọn với các xu hướng đang dẫn đầu hay cách ăn mặc của sao.Vietcetera đang tìm kiếm 5 cộng tác…
Posted by Vietcetera on Saturday, 15 February 2020
5 giây quảng cáo: Vietcetera cũng đang tuyển cộng tác viên cho mục Thời Trang đấy!
Để có thể trở thành một cây bút thời trang chuyên nghiệp (Fashion Journalist), trước tiên, bạn phải là một người viết tốt trước đã. Tiếp đến, bạn cũng phải tự trang bị cho mình một kho tàng kiến thức uyên thâm về thời trang. Hãy chịu khó tìm hiểu về lịch sử thời trang cũng như những nhân vật quan trọng.
Thêm vào đó, hãy không ngừng cập nhật những xu hướng mới nhất về thiết kế, kinh doanh thời trang cùng những cơ hội, thách thức mà ngành công nghiệp thời trang đang đối mặt. Hãy tự nâng cao nhận thức của bản thân để có thể trở thành một tay bút thời trang có ý thức, có chiều sâu.
Bài viết của tác giả Cheryl Wischhover tại Fashionista, được bình dịch bởi Peachylicious.