Kinh tế phi chính thức là gì? Vì sao có thể bạn đang tham gia nền kinh tế này? | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 06, 2020
Xu Hướng Kinh Doanh

Kinh tế phi chính thức là gì? Vì sao có thể bạn đang tham gia nền kinh tế này?

Nền kinh tế phi chính thức là gì? Nền kinh tế phi chính thức đã thay đổi những gì? Vì sao nền kinh tế phi chính thức cần được quan tâm?

Kinh tế phi chính thức là gì? Vì sao có thể bạn đang tham gia nền kinh tế này?

Nguồn: Shutterstock

1. Kinh tế phi chính thức là gì?

Kinh tế phi chính thức (informal economy) bao gồm các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý, không có số liệu thống kê và không được kiểm soát bởi nhà nước. 

Kinh tế phi chính thức thường xuất hiện nhiều tại các quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, khu vực kinh tế phi chính thức là khu vực tạo ra nhiều việc làm thứ hai, sau khu vực nông nghiệp (khoảng gần 11 triệu việc làm năm 2007 và lên tới hơn 12 triệu việc làm năm 2017).

2. Đặc điểm của nền kinh tế phi chính thức

Kinh tế phi chính thức tuy có tạo ra giá trị kinh tế, nhưng không được tính vào GDP (tổng sản phẩm nội địa) hoặc GNP (tổng sản phẩm quốc dân) của quốc gia. Vì vậy không phản ánh đúng tình hình của nền kinh tế dẫn tới không có chính sách hỗ trợ hợp lý cho khu vực này.

Các đơn vị trong kinh tế phi chính thức thường hoạt động với quy mô tổ chức nhỏ. Quan hệ lao động chủ yếu dựa trên lao động thời vụ, quan hệ họ hàng hoặc quan hệ cá nhân hơn là những quan hệ qua hợp đồng với những quy định chính thức. 

Người lao động trong khu vực này có công việc bấp bênh, thiếu ổn định. Họ không có hỗ trợ xã hội từ nhà nước (bảo hiểm xã hội, mức lương tối thiểu, số giờ làm).

Cá nhân hoặc hộ kinh doanh không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ví dụ như hỗ trợ về nguồn vốn, quyền thế chấp tài sản, bảo vệ quyền lợi và tính pháp nhân trong các giao dịch. Họ cũng không có tiếng nói hay ảnh hưởng khi nhà nước xây dựng các chính sách điều chỉnh nền kinh tế.

3. Liệu bạn có đang tham gia vào nền kinh tế phi chính thức?

Theo báo cáo của tổng cục thống kê, trong năm 2017, 77% đơn vị của nền kinh tế phi chính thức Việt Nam hoạt động trong các dịch vụ xe ôm, hàng rong, bán lẻ hàng hóa ở chợ cóc.

Với sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế phi chính thức thời nay đã có nhiều thay đổi và xuất hiện các ngành nghề mới tương ứng như cho thuê Airbnb, YouTuber, livestream bán hàng Online, xe ôm công nghệ,...

Kinh tế phi chính thức là gì Vì sao có thể bạn đang tham gia nền kinh tế này0

4. Vì sao nền kinh tế phi chính thức tồn tại

Đảm bảo tạo ra việc làm cho lực lượng lao động, trong đó có lao động không có chuyên môn hay bị ảnh hưởng việc làm vì nền kinh tế yếu kém.

Giảm bớt gánh nặng chi phí, thuế và thủ tục pháp lý cho nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, như kê khai, xin giấy phép kinh doanh, giấy phép môi trường,... 

5. Thế giới đang làm gì để hỗ trợ nền kinh tế phi chính thức

Ở Thái Lan, tổ chức HomeNet Thailand làm việc với chính phủ để quy hoạch những người lao động tại nhà sang khu vực tái định cư ven trung tâm thành phố. Chính phủ cũng xây dựng hệ thống giao thông cần thiết cho khu vực này để người lao động có thể vào trung tâm bất cứ lúc nào.

Ở Ấn Độ, chính phủ và tổ chức của người bán hàng rong cùng hợp tác để xây dựng kiot lớn, tập hợp những người bán hàng rong về một khu vực. Điều này giúp họ có nơi bán hàng cố định mà không bị quấy rối hay tịch thu.

Chính phủ Colombia ban hành sắc lệnh để công nhận và trả tiền cho những người làm nghề thu gom rác, khuyến khích họ thu gom rác, di chuyển và phân loại rác thải để tái chế. Điều này giúp làm sạch đường phố, người lao động có thu nhập ổn định và tăng số lượng rác tái chế.

Còn ở Việt Nam: Từng có nhiều tranh cãi về việc đảm bảo quyền lợi cho tài xế xe ôm công nghệ và giao hàng công nghệ, đặc biệt là sau sự việc tài xế Grab bị thiệt mạng trong quá trình chở khách. Hiện nay, một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ như Foody, đã tiến hành ký hợp đồng chính thức với người lao động làm công việc tài xế xe ôm và giao hàng. 

Kinh tế phi chính thức là gì Vì sao có thể bạn đang tham gia nền kinh tế này1

6. Thuật ngữ liên quan

Kinh tế chưa quan sát được (Non-observed economy) bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế không thu thập được dữ liệu cơ bản để thống kê vào hệ thống sổ sách quốc gia.

Ngoài hoạt động kinh tế phi chính thức, khu vực kinh tế chưa quan sát được bao gồm:

  • Hoạt động sản xuất ngầm (Underground production): là hoạt động hợp pháp nhưng bị che giấu có chủ ý đối với các cơ quan pháp quyền.
  • Sản xuất bất hợp pháp (Illegal production): tạo ra hàng hóa và dịch vụ bị cấm hoặc bất hợp pháp khi thực hiện không có giấy phép.
  • Hoạt động tự sản tự tiêu (Economic activity undertaken by households for their own final use): hàng hóa, dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ bởi hộ gia đình sản xuất ra chúng.
  • Các hoạt động bị bỏ qua do thiếu sót trong hệ thống thống kê.