Làm đầy môi, tưởng dễ nhưng có 9 điều cần lưu ý | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 03, 2022
Thời TrangBeauty

Làm đầy môi, tưởng dễ nhưng có 9 điều cần lưu ý

Bác sĩ CK I Mai Anh sẽ giúp giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc làm đầy môi được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Làm đầy môi, tưởng dễ nhưng có 9 điều cần lưu ý

Những lưu ý khi tiêm môi | Nguồn: 3CE

Một đôi môi đầy đặn, căng mọng luôn là thứ khiến các cô gái muốn có một lần trong đời. Với sự phát triển của ngành thẩm mỹ, việc làm đầy môi (tiêm môi) ngày càng trở nên phổ biến. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy những nơi cung cấp dịch vụ tạo hình môi và lựa chọn các hình thức thẩm mỹ phù hợp với nhu cầu.

Tuy nhiên, tiêm môi, cũng giống như những can thiệp thẩm mỹ khác cần được thực hiện bởi các bác sĩ có thâm niên trong nghề. Song song đó, một đôi môi sau tiêm có đẹp, chất lượng hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của loại filler mà bạn sử dụng.

Vậy nên, để làm môi an toàn, thẩm mỹ, bạn cần trang bị những kiến thức cơ bản nhất về thủ thuật này.

alt
Bác sĩ Da liễu Mai Anh | Nguồn: NVCC

Vietcetera mời bác sĩ Da liễu Mai Anh, hiện là BS CKI (tốt nghiệp ĐH Y Dược TP.HCM) để đưa ra những kiến thức và tư vấn chuyên môn cho những ai đang mong muốn “tân trang” đôi môi của mình.

1. Tiêm môi thực chất là gì?

Làm đầy môi hay tiêm môi là phương pháp làm cho môi căng mọng, đầy đặn, tạo đường nét và kiểu dáng môi phù hợp với khuôn mặt. Ngoài ra, đây còn là phương pháp giúp chỉnh hình môi lệch, không cân xứng, đem lại cảm giác tự tin hơn cho đôi môi nhiều khuyết điểm.

Các phương pháp làm đầy môi hiện tại bao gồm tiêm filler, cấy mỡ tự thân, độn môi implant (vật liệu đặc biệt có cấu tạo như sụn). Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là tiêm filler.

2. Tiêm môi là thủ thuật đơn giản hay phức tạp?

Về mặt chuyên môn thì tiêm môi là một thủ thuật đơn giản, tuy nhiên cần thực hiện bởi các sĩ có tay nghề và nhiều kinh nghiệm. Lý do là để mũi tiêm được chuẩn xác về liều lượng, cách tiêm và vị trí tiêm để giúp môi được đẹp mắt.

Về quá trình, trước khi thực hiện tiêm môi chỉ cần ủ tê môi hoặc tiêm tê đơn giản. Quá trình tiêm chưa đầy 30 phút và bạn có thể thấy kết quả rõ rệt ngay sau khi thực hiện.

alt
Tuy là thủ thuật đơn giản nhưng tiêm môi đòi hỏi tay nghề cao của bác sĩ | Nguồn: Town & Country Mangazine

3. Có cần phải trên 18 tuổi mới được đi tiêm môi hay không?

Tiêm môi là thủ thuật khá an toàn, mang tính thẩm mỹ, nên tùy nhu cầu của mỗi người, độ tuổi tiêm không bắt buộc trên 18 tuổi.

4. Những ai không nên làm thủ thuật tiêm môi?

Hầu như ai cũng có thể thực hiện việc tiêm môi, và tùy theo sở thích làm đẹp mà của mỗi người sẽ tiêm những dáng môi phù hợp. Tuy nhiên, có một vài trường hợp không tiêm được do mong muốn của khách hàng không phù hợp với thể trạng hiện có.

Chẳng hạn như người có đôi môi dày, khuôn môi rộng muốn tiêm môi theo mẫu trong hình là khuôn môi nhỏ trái tim thì không thể thực hiện được. Lý do vì kết quả làm đẹp mang lại không nhiều và không phù hợp với mong đợi của khách hàng. Trường hợp này, bạn chỉ có thể chỉ tiêm cân chỉnh lại đường nét để nhìn hài hoà hơn.

5. Chất lượng của một đôi môi tiêm phụ thuộc vào yếu tố gì?

Một đôi môi sau tiêm đẹp, bền sẽ phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ, loại filler được tiêm (tốt nhất hiện nay là dòng filler Juvederm và restylane).

6. Giá cả của tiêm môi được định như thế nào?

Hiện nay, giá cả của tiêm môi dựa trên chất lượng filler là chính, các dòng filler chính hãng giá sẽ cao hơn filler trôi nổi bên ngoài rất nhiều. Đơn cử như Filler Juvederm giá tiêm 10 -15 triệu/cc, thời gian giữ được 8 tháng - 1 năm.

Filler Restylan giá tiêm 8-10 triệu/cc và giữ trong 6 tháng- 8 tháng. Trong khi đó filler Hàn Quốc chỉ có giá tiêm 1,8-5 triệu/cc và thời gian giữ tầm 3 tháng - 8 tháng.

alt
Giá của tiêm môi phần lớn phụ thuộc vào giá của loại filler | Nguồn: Realself

7. Sau tiêm môi có cần kiêng điều gì để giữ hiệu quả được lâu dài hơn?

Sau khi tiêm môi, điều bạn nên làm là kiêng xông hơi nóng, tránh để môi tiếp xúc nóng nhiều vì sẽ nhanh làm tan filler hơn. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước để vì bản chất filler là acid hyaluronic có tính ngậm nước sẽ nở ra giữ cho môi luôn căng mọng.

8. Một vài phản ứng sau tiêm và cách để giải quyết chúng?

Ngay sau khi tiêm có thể sẽ đau và sưng bầm nhẹ. Bạn có thể xử lý đơn giản bằng cách chườm lạnh, thoa dưỡng môi bằng mỡ kháng sinh, uống thuốc giảm đau và giảm sưng vài ngày đầu (3-5 ngày).

Tuy nhiên hầu hết các phản ứng là nhẹ, môi có chút cảm giác hơi căng và đẹp ngay sau tiêm nên không cần lo lắng nhiều.

alt
Nếu tiêm môi thất bại thì vẫn có cơ hội sửa sai bằng thuốc giải filler | Nguồn: Realself

9. Dấu hiệu để biết môi tiêm đã thất bại?

Tiêm môi bị hư có một số cách để nhận biết như nhìn dáng môi không đẹp, không phù hợp với khuôn mặt. Môi tiêm bị lệch, không đều, bị vón cục. Thủ thuật tiêm bị sai dẫn đến tiêm vô mạch máu, nhiễm trùng, sưng, bầm tím nghiêm trọng...

Để xử lý trưởng hợp này, chúng ta cần tiêm tan filler bằng thuốc giải hyaluronidasa, tan sau tiêm 30 phút - 72h dáng môi sẽ trở lại như cũ hoàn toàn. Bạn cũng sẽ được kê uống kháng sinh trong trường hợp nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.