Với sự tiến hóa không ngừng của vi khuẩn thì mọi cuộc chiến chống lại các loại vi sinh vật đều gần như là vô ích. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định việc vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là “mối đe dọa nằm ngay trước mắt của nhân loại.” Một báo cáo khác đến từ Đại học Columbia gọi sự lạm dụng thuốc kháng sinh là sự đảo ngược quá trình chống lại các bệnh nhiễm trùng bởi tác hại của nó nghiêm trọng không kém thời kỳ chưa có thuốc kháng sinh.
Vào năm ngoái, tờ New York Times đã ghi nhận trường hợp tử vong của một phụ nữ lớn tuổi qua đời không phải vì ung thư, viêm phổi hay bệnh tim, mà vì “vi khuẩn đã kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê đơn.” Quay ngược về những năm 1950, việc lạm dụng penicillin và erythromycin cũng đã từng làm giảm tác dụng của thuốc. Từ đó đến nay, vấn đề này chưa bao giờ có dấu hiệu thuyên giảm bởi việc chữa trị không đúng cách, tự kệ đơn hoặc dùng sai liều lượng vẫn tiếp tục tái diễn – ví dụ điển hình là việc lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa trị các bệnh phổ biến như cảm cúm.
Dân gian có câu “tốt quá hóa lốp”, có nghĩa là việc gì làm quá mức thì cũng không tốt. Câu thành ngữ này rất thích hợp khi nói về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trên thế giới và đặc biệt là Việt Nam – nơi mà bệnh nhân thà nghe theo lời khuyên của gia đình hoặc bạn bè rồi tự chữa trị chứ nhất quyết không chịu xếp hàng để được bác sĩ kê đơn. Có lẽ một phần là do các dược sĩ ở Việt Nam chưa thật sự chú tâm trong quá trình kê đơn. Hoặc có thể là do việc mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc ở Việt Nam quá dễ dàng – lấy dẫn chứng từ một thống kê gần đây. Theo đó, thuốc kháng sinh được bày bán tại 88% nhà thuốc trong thành phố và 91% nhà thuốc ở nông thôn.
Trước những số liệu đáng báo động đó, chúng tôi đã tìm đến bác sĩ Nguyễn Văn Sĩ, Trưởng khoa Nội của Phòng khám Đa khoa Jio Health để được tư vấn rõ hơn về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh tại Việt Nam cũng như những lời khuyên thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ này.
Thuốc kháng sinh là biện pháp chữa trị hiệu quả đối với các bệnh nhiễm khuẩn
Không thể phủ nhận việc thuốc kháng sinh đã bảo vệ sức khỏe cho chúng ta một cách lâu dài hơn. Cụ thể, “thuốc kháng sinh vẫn là biện pháp chữa trị hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, các bệnh lây lan qua đường tình dục, viêm thận, viêm màng não, mụn (trong những trường hợp nghiêm trọng) và loét da,” – bác sĩ Sĩ giải thích.
Thuốc kháng sinh không nên dùng trong việc điều trị những bệnh nhiễm khuẩn có nguy cơ lây nhiễm cao
Tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh vẫn không mấy chuyển biến mặc dù đã được cảnh báo rộng rãi về tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
“Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho tình trạng này, từ việc các bác sĩ gặp nhiều khó khăn hơn khi chữa trị bệnh nhiễm khuẩn, cho tới việc họ sử dụng thuốc kháng sinh như biện pháp phòng ngừa – vấn đề này thường xảy ra khi các bác sĩ vẫn chưa thể chắc chắn về tình trạng bệnh thông qua chẩn đoán.” Chuyên gia của Jio Health tiếp lời. “Thuốc kháng sinh còn thường được dùng để chữa trị cho các loại bệnh nhiễm khuẩn có nguy cơ lây lan cao như viêm họng, các bệnh viêm tai, ho, cảm lạnh và cúm. Tuy nhiên, việc làm này hầu như không đem lại hiệu quả, ngược lại còn có thể gây ra tác dụng phụ, cũng như góp phần làm tăng khả năng kháng sinh của vi khuẩn.”
Những biện pháp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh
Có rất nhiều biện pháp để tránh tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam. Mặc dù không thể can thiệp trực tiếp vào quá trình kê đơn chữa trị, nhưng chúng ta có thể tự ý thức trong việc phòng tránh sử dụng thuốc kháng sinh nhằm nâng cao sức khỏe. Sau đây là một số lời khuyên đến từ các chuyên gia của Jio Health.
Sử dụng thuốc kháng sinh một cách có liều lượng
Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong các trường hợp cần thiết cũng như dùng đủ liều lượng đã được kê đơn. “Việc ngưng chữa trị quá sớm có thể dẫn đến trường hợp vi khuẩn chưa bị tiêu diệt triệt để và nguy cơ tái phát cao,” – Bác sĩ Sĩ giải thích. “Chúng tôi luôn khuyến nghị bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh theo thời gian đã được chỉ định và tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc – thuốc chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất nếu được sử dụng một cách điều độ. Thêm vào đó, tuyệt đối không tiết kiệm thuốc để sử dụng cho những lần bệnh tiếp theo cũng như áp dụng đơn thuốc cá nhân cho các bệnh nhân khác. Lý do là vì mỗi loại vi khuẩn cần một loại thuốc kháng sinh khác nhau,” – bác sĩ Sĩ cho biết thêm.
Luôn sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của những cơ sở y tế có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề
Việc mua thuốc có sẵn tại các quầy thuốc làm giảm thiểu tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra tại các bệnh viện và phòng khám một cách đáng kể. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng việc xếp hàng chờ đợi để được chữa trị mặc dù có thể tốn khá nhiều thời gian nhưng hoàn toàn cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Thay vào đó, “chúng ta có thể sử dụng dịch vụ tư vấn tại nhà thông qua ứng dụng đặt lịch hẹn của Jio Health,” bác sĩ Sĩ giải thích. “Đội ngũ bác sĩ của chúng tôi giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được chứng nhận bởi những bệnh viện uy tín nhất.”
Ý thức giữ gìn sức khỏe
Cách đơn giản nhất để tránh sử dụng thuốc kháng sinh là giữ gìn sức khỏe cẩn thận. “Một hệ miễn dịch khỏe mạnh cộng với các vi khuẩn có lợi rất quan trọng cho sự sống của chúng ta,” bác sĩ Sĩ chia sẻ. “Hãy ý thức rằng hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể rất mạnh mẽ. Đã có rất nhiều nghiên cứu về phương pháp tăng cường hệ miễn dịch – tuy nhiên, việc chúng ta có thể hoặc có nên nâng cao hệ miễn dịch hay không vẫn còn là một vấn đề đang gây tranh cãi. Trong khi chờ câu trả lời chính thức, việc quan tâm đến chế độ ăn uống, luyện tập cũng như phòng tránh các tác nhân gây căng thẳng cũng là những cách hữu hiệu để giữ gìn sức khỏe. Từ bỏ thuốc lá cũng là một việc làm quan trọng.” – bác sĩ Sĩ nói thêm.
Không nôn nóng trong việc chữa trị
Không nhất thiết phải sử dụng thuốc kháng sinh để đẩy lùi các triệu chứng một cách nhanh hơn. Lời khuyên đến từ bác sĩ Sĩ: “Không nên nôn nóng trong quá trình chữa trị. Thay vào đó, nghỉ ngơi vẫn là cách hồi phục sức khỏe hiệu quả nhất. Sử dụng thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Khi bạn uống thuốc kháng sinh cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể.
Sử dụng thực phẩm không chứa kháng sinh
Những trang trại đông đúc, thiếu vệ sinh thường là nơi phát sinh các mầm bệnh. Mặc dù đã bị cấm tại nhiều quốc gia nhưng việc động vật bị tiêm thuốc kháng sinh để chữa bệnh và cho các mục đích khác như tăng trưởng, vẫn tiếp tục tái diễn. Tất cả nhằm phục vụ thói quen ưa chuộng thịt giá rẻ của người tiêu dùng. Tuy nhiên một số nông dân vẫn sẵn sàng nói không với thuốc kháng sinh – lưu ý con dấu và nhãn dán chứng nhận thực phẩm hữu cơ trên bao bì sản phẩm. Một vài dây chuyền sản xuất lớn trên thế giới như Subway mới đây cũng đã cam kết loại bỏ hoàn toàn thuốc kháng sinh khỏi sản phẩm từ thịt của họ.
“Đương nhiên, cách dễ dàng nhất để đảm bảo rằng bạn không ăn phải thực phẩm chứa kháng sinh là ăn chay hoặc ăn chay dưỡng sinh,” – bác sĩ Sĩ cười nói.
Tham khảo những phương pháp chữa trị thay thế
Khi đi khám bác sĩ, hãy yêu cầu được tư vấn về những phương thuốc thay thế cho thuốc kháng sinh. Rất nhiều bệnh nhân tại Việt Nam yêu cầu được phát thuốc kháng sinh bởi họ đã quá quen với việc bị kê đơn như vậy. Thay vì ép buộc bạn sử dụng kháng sinh, các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao nên ủng hộ quyết định của bạn và giúp bạn tìm kiếm những liệu pháp thay thế khác. “Cá nhân tôi ý thức được việc kê đơn kháng sinh quá liều sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho bệnh nhân. Tôi chỉ kê đơn cho những trường hợp thật sự cần kháng sinh – còn nếu không cần thiết, tôi sẽ tìm các phương pháp chữa trị thay thế khác,” – chia sẻ cuối cùng của bác sĩ Sĩ trong buổi trò chuyện hôm nay.
Bài viết được dịch bởi Vy Lam.