Đại dịch COVID-19 đã thay đổi toàn bộ cục diện ngành thời trang. Đối với Sanjeev Bahl, nhà sáng lập của Saitex, đây là một tín hiệu cho rằng ngành thời trang cần đi chậm lại.
Saitex International ra đời năm 2011 tại Việt Nam, đến nay trở thành nhà sản xuất denim công nghiệp bền vững nhất thế giới. Được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế như Blue Sign, Fair Trade, LEED và B Corp, Saitex hoạt động dưới mô hình sản xuất tuần hoàn và trung lập carbon (carbon neutral). Saitex cũng là đối tác cho nhiều thương hiệu như Everlane, Madewell và G-Star Raw.
Tuy đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Saitex vẫn đang tiếp tục theo đuổi các chiến lược và mục tiêu lâu dài của mình. Đây là những điều Bahl đã làm để thực hiện điều này.
Tái định nghĩa thành công
Bahl chia sẻ, hoạt động của Saitex cần cân bằng giữa các yếu tố môi trường, xã hội và bình đẳng kinh tế. Thay vì tập trung vào năng suất và lợi nhuận, công ty chú trọng vào GPI (Genuine Progress Indicator — Chỉ số Tiến bộ Thực) bằng cách giảm thiểu những tác động tiêu cực đi cùng với tăng trưởng như suy giảm giá trị lao động và ô nhiễm môi trường. Ông nói: "Chúng tôi muốn vận hành một doanh nghiệp có trách nhiệm hơn".
Đầu tư mô hình lâu dài
Saitex cam kết giữ vững mô hình hoạt động tuần hoàn, ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Bahl cho rằng đây là những giá trị cốt lõi giúp công ty có thể tồn tại đến bây giờ. Từ nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đến chi nhánh sắp phát triển tại Los Angeles, ông vẫn giữ nguyên một cách tiếp cận — sản xuất tuần hoàn, rút gọn quy trình phát triển và sản xuất sản phẩm và duy trì tính minh bạch trong kinh doanh. Vào đầu tháng 5, Saitex đã lắp hệ thống năng lượng mặt trời tái chế, giúp giảm 25% dấu chân carbon (carbon footprint).
Tập trung vào chất lượng sản phẩm
Theo Bahl, một doanh nghiệp có trách nhiệm sẽ đặt chất lượng và quá trình sản xuất lên trên doanh thu. “Khi một doanh nghiệp chỉ theo đuổi doanh thu, họ sẽ chuyển từ nơi này sang nơi khác để cắt giảm chi phí. Những ai quan tâm đến chất lượng sẽ làm khác.”
Đối với Saitex, điều này có nghĩa là đầu tư vào tận dụng tài nguyên, hóa học xanh (green chemistry), thiết kế mô phỏng sinh học (biomimicry) và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư vào các dự án xã hội. Rekut — niềm tự hào lớn nhất của Bahl, hoạt động từ cuối tháng 4 — là dự án doanh nghiệp xã hội tạo việc làm cho các nhóm yếu thế. Trước ảnh hưởng của COVID-19, Rekut đã giúp Saitex hồi phục nhân sự khi phải cắt giảm 498 trong 4100 nhân sự, làm giảm khoảng 20-25% hiệu suất nhà máy.
Luôn sẵn sàng cho khủng hoảng tiếp theo
Chính sách cân bằng năng suất và tính bền vững trong sản xuất của Saitex đã giúp công ty vượt qua thời kỳ khủng hoảng. “Chúng tôi đã cùng với các đối tác giải quyết các đơn hàng cũ nhằm tránh tồn đọng kho. Điều này cũng giúp duy trì việc làm cho công nhân, tránh phải sa thải hàng loạt như các doanh nghiệp khác”.
Điều này cũng chính là phương châm phát triển khác biệt của Saitex. Bahl cho rằng nếu doanh nghiệp chỉ vận hành dựa trên lợi nhuận, thì 5/6 nhà máy đã phải đóng cửa. Ông khuyến khích các lãnh đạo hãy chọn một lối đi khác, "Hãy chọn quy mô, sản phẩm và đối tác phù hợp để có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn".
Bài viết được chuyển ngữ từ bài viết gốc của Zoe Suen trên Business of Fashion.
Hình ảnh được thực hiện bởi Whitney Bauck.