Bắt đầu làm nhạc từ 2014, Larria (tên thật là Nguyễn Trường Di) còn được biết đến là một DJ thường xuyên sử dụng những "chất liệu âm nhạc" nước nhà - đó là sử dụng sample từ những bản nhạc xưa của Việt Nam. Anh đã từng biểu diễn tại sự kiện trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa Nhật Bản và Việt Nam vào năm 2019, cùng với đó là sự xuất hiện tại sự kiện Boiler Room cùng 17 nghệ sĩ/DJ nước nhà.
Larria được biết đến rộng rãi với các sản phâm âm nhạc theo phong cách Funk, R&B, Hip-Hop. Nhưng anh đang nỗ lực tạo ra một phong cách cá nhân của mình, pha trộn tất cả các thể loại nhạc đã từng chơi. Điều này đã từng được anh thể hiện rõ nét qua series SOUP-RICE hay sản phẩm Muzik Dập Dịch của mình vừa rồi.
Vietcetera đã có buổi trò chuyện với Larria. Anh đã có những chia sẻ chân thành về hoạt động âm nhạc hiện tại, cũng như những điều đã giúp Larria đến được như ngày hôm nay.
Larria có thể chia sẻ về nghệ danh của mình được không?
Nó chỉ là cái tên ngẫu nhiên mà mình nghĩ ra, mình dùng biệt danh này từ còn học lớp 4. Trải qua nhiều trải nghiệm, cuộc vui thì nó vẫn là tên mình cảm thấy ưng ý và ý nghĩa với mình nhất.
Hành trình đến với âm nhạc của Di như thế nào?
Năm 2014, mình chính thức bắt tay vào làm nhạc bằng sự tò mò, tìm tòi, tự học và thu được những demo nho nhỏ. Song song đó, mình vẫn phải đảm bảo việc học ở trường cấp 3.
Sang 2015, mình dành nhiều thời gian hơn cho việc âm nhạc. Việc gặp gỡ, có sản phẩm hợp tác với chjuljnh cùng những nghệ sĩ khác và trở thành một phần của Sad Ninja có thể coi là điểm nhấn đặc biệt với mình.
Từ 2016, mình vừa làm nhạc và vừa nhận show tại Sài Gòn. Hoạt động này giúp mình mở rộng và đa dạng hơn những trải nghiệm của bản thân. Những bản remix của mình bắt đầu được chia sẻ và nhận biết rộng rãi hơn như Xổ Số Kiến Thiết, Cho Nhau Tình Yêu, Bằng Lòng Em Nhé. Các sản phẩm của mình dần được đón nhận và yêu thích hơn, chạm đến nhiều đối tượng trẻ hóa hơn.
Âm nhạc hiện tại đối với bản thân mình như là một bộ phận không thể thiếu trong cơ thể. Mình đã từng mất khá nhiều thời gian để cân bằng giữa việc học và đam mê cũng như ổn định bản thân. Và mình lựa chọn bước đi thật chậm để hoàn thiện cả hai.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Di trên con đường hoạt động âm nhạc từ trước đến nay?
Đó là buổi diễn đầu tiên của mình tại Hà Nội, sự kiện có tên là Xôn Sound. Dưới cái lạnh rét của thủ đô khi thời điểm giao mùa, tại đường Xuân Diệu chật cứng người để vào tham dự. Set diễn hôm đó kéo dài 4 giờ đồng hồ, từ lúc mình bắt đầu mở màn, cho đến kết thúc bằng một loạt những bài nhạc Việt sôi động.
Mọi người vẫn ở đó và liên tục hò reo tên mình. Đó là một trong số kỷ niệm đáng nhớ giúp cho mình luôn có động lực để đi khắp nơi chơi nhạc, chia sẻ với mọi người.
Theo Di, beatmaker khác với DJ/producer như thế nào?
Beatmaker về cơ bản là người sáng tạo, soạn nhạc, sắp xếp bản nhạc, sáng tác bài nhạc. Nhưng đến lúc ngồi xuống bàn làm việc, suy nghĩ, sắp xếp, chỉnh sửa và lên kế hoạch cho bản ghi thì bạn sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn.
Một nhà sản xuất âm nhạc không chỉ tập trung vào việc làm beat một cách nghiệm ngặt. Người ta có thể so sánh vai trò ấy với một đạo diễn phim.
Di thấy mình là "ai" trong những danh phận đó?
Hiện tại mình vẫn dừng lại ở là nhà sưu tầm và một người làm beat hay là DJ. Ở trong lĩnh vực này, nơi mọi người thành công nổi tiếng theo nhiều cách khác nhau. Nhưng mình vẫn cứ làm tốt những gì mình thích. Điều đó làm mình không phân định được ranh giới.
Di tìm hiểu, tích lũy kiến thức và thực hành như thế nào?
Ở đâu cũng có những thứ tuyệt vời, và internet là nguồn mở lớn nhất để chúng ta khai thác. Mình thuộc lứa nghệ sĩ lớn lên từ SoundCloud và các diễn đàn âm nhạc. Rõ ràng và cảm nhận nhiều nhất vẫn là tiếp cận qua giao tiếp con người với con người.
Mình luôn sắp xếp âm nhạc của mình có hệ thống. Việc nghe nhạc nhiều nên mình có thể nhận ra tất cả gia vị để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Nó giúp mình điều chỉnh lại các sản phẩm, chọn âm thanh phù hợp, nhịp bắt tai,…
Để ý thấy Di rất hay lồng ghép anime vào sản phẩm của mình. Nó đã ảnh hưởng tới âm nhạc của Di như thế nào?
Mình rất thích những thứ hoài cổ, cổ điển. Mình bị hấp dẫn nhất bởi những bản nhạc phim của anime thập niên 80-90. Những nét vẽ, thông điệp, ý nghĩa, sự sáng tạo vô hạn đã tạo cũng nên nguồn cảm hứng và chất liệu cho mình.
Chưa có duyên với nhạc lý, nhưng Di lại gắn bó với âm nhạc khá lâu và những tác phẩm của bạn đều khá độc đáo, Di có thể chia sẻ nhiều hơn về hành trình này được không?
Tạo ra giai điệu với mình là trộn lẫn, sự tự do, truyền tải cảm xúc. Mình làm nhạc cũng một phần là do bản năng, điều đó làm mình thiếu đi sự chuyên nghiệp. Hiện tại mình vẫn đang dành thơi gian học hỏi, cũng cố kiến thức để có thể làm tốt hơn nữa.
Nhiều người hâm mộ thường gọi Di là "đám mây hồng của làng nhạc Việt", sau một thời gian hoạt động âm nhạc, đám mây ấy vẫn hồng hay có thêm những sắc màu khác rồi?
Thực ra mọi người nghĩ tới "đám mây hồng" là vì ảnh đại diện mình để vài năm trước: logo có chữ Larria ở giữa, vòng vòng xung quanh là bầu trời màu hồng, viền khung trắng ở ngoài. Mình sử dụng hình đó làm ảnh đại diện của SoundCloud, rồi đến khi mọi người nghe nhạc nhìn cái hình đó rồi quen gọi mình như vậy.
Bản thân mình vẫn tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều "màu" khác nhau mỗi ngày. Mình không quan trọng nó đang ở "màu gì". Mình chỉ đang thực hiện những kế hoạch đã đặt ra cho bản thân và tập trung hơn. Tùy vào ngữ cảnh nên mình có thể thay đổi để thích nghi.
Ví dụ, mình luôn muốn thật là tận hưởng và năng lượng khi biểu diễn ở sân khấu, nhưng đối với dự án cá nhân, mình lại "chill" và nhẹ nhàng hơn. Những điều này làm mình thấy thú vị, vì chúng cân bằng được năng lượng trong cơ thể của mình.