Người tiêu dùng đặt niềm tin vào các loại kem chống nắng có các chỉ số SPF cao. Tuy vậy, chỉ số này có “sống” một cách trung thực như những gì được ghi trên nhãn?
Kem chống nắng có chống được nắng?
Vào đầu tháng 5/2021, tổ chức EWG (một tổ chức phi chính phủ vì môi trường, với mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua nghiên cứu chuyên sâu) vừa công bố cẩm nang về kem chống nắng phiên bản thứ 15. Trong đó nhắc lại và nhấn mạnh việc cần phải cân bằng chống cả tia UVA và UVB.
UVA và UVB đều có thể gây hại cho da, và một loại kem chống nắng tốt sẽ bảo vệ da khỏi cả hai loại tia trên. Tuy nhiên, các sản phẩm ngày nay thường truyền thông về sự tăng chỉ số SPF mà lại lờ đi việc SPF chỉ thể hiện khả năng ngăn chặn tia UVB. Vậy còn UVA thì sao? Nó có thể thâm nhập sâu hơn vào lớp hạ bì và gây ra tác hại của các gốc tự do và làm hỏng collagen dưới da.
Liên minh châu Âu yêu cầu khả năng chống tia UVA (UVA-PF) so với tia UVB trên nhãn kem chống nắng phải ít nhất là 1/3 (Theo mindbodygreen.com). Ví dụ: Nếu một nhãn có SPF 30, thì khả năng chống tia UVA ít nhất phải là 10. Tuy nhiên, chỉ số dành riêng cho UVA lại không được thể hiện rõ ràng. Thay vào đó, các nhãn hàng lại thường in cụm từ “Broad Spectrum” nhằm ngụ ý rằng đã chống nắng phổ rộng và (có lẽ) cũng đã bao hàm cả UVA!
Trong khi câu chuyện UVA còn mập mờ thì chỉ số SPF lại ngày càng tăng (bắt đầu với SPF 2 và nay đã lên đến 50++). Việc tăng chỉ số này đang gây ra nhiều câu hỏi cho người dùng. Trong số đó, liệu SPF có phải là con số ảo và ai sẽ kiểm chứng tính trung thực từ nhãn hàng?
Nếu SPF chỉ là chỉ số “để cho vui”?
Câu hỏi trên thật ra đã được một chuyên viên nghiên cứu công thức mỹ phẩm người Trung Quốc kiểm chứng bằng xương bằng thịt. Lele và một người bạn đã kiểm tra 18 loại kem chống nắng với SPF 50 dưới cái nắng 34 độ C tại Quảng Châu. (elle.com)
Kết quả là nhãn một nẻo, chống nắng một đường, không loại nào giống loại nào. Điều gì đã khiến cho các chỉ số SPF dù rất cao nhưng dường như không phản ánh hiệu quả thật sự?
Sự thật là các kết quả đánh giá chỉ số SPF có thể khác nhau dựa trên người đánh giá, thiết bị đo kiểm tra hoặc loại da của người tham gia.
Tiến sĩ Curtis Cole đã dẫn một nghiên cứu được đăng trên Consumer Reports mô tả sự khác biệt lớn về chỉ số SPF trên sản phẩm và kết quả thử nghiệm của chúng. Tiến sĩ Cole cho biết: “Một vài sản phẩm với SPF 50 lại chỉ cho kết quả như SPF 8. Báo cáo này chỉ ra rằng có tới 50% kem chống nắng không đáp ứng các yêu cầu trên nhãn của chúng”.
Vừa qua, Beauty Blogger Cá Vàng (Cavangwearsnoprada) đăng tải thông tin về việc kem chống nắng Purito của Hàn Quốc không đủ độ chống nắng như hàng in trên bao bì. Cụ thể hãng Purito tuyên bố kem chống nắng của họ có SPF 50+++ - tương đương SPF 85.
Nhưng khi team INCIDecoder (chuyên thẩm định các thành phần trong mỹ phẩm) gửi 4 mẫu Purito đi kiểm tra tại các phòng thí nghiệm của Đức thì sau 3 bài kiểm tra, SPF thật chỉ nằm trong khoảng 15,8-21. Đầu tháng 4/2021, sản phẩm kem chống nắng Beet The Sun của Krave Beauty cũng gặp phải vấn đề với chỉ số SPF và phải thu hồi (theo teenvogue.com).
Cá Vàng nhận định “Kem chống nắng là một trong những sản phẩm khó pha chế nhất. Mất 6 tháng đến 1 năm để phát triển lên một công thức hoàn chỉnh cũng như đưa vào sản xuất. Các sản phẩm này thường đáp ứng nhu cầu thị trường là tính thoáng, nhẹ hơn là tập trung vào việc cung cấp các giá trị như SPF, PPD để đạt được độ bảo vệ tốt cho làn da.”
Đồng thời, nam chuyên gia còn cho rằng, lí do các chỉ số SPF khi kiểm tra không chính xác còn có nguyên nhân có thể bị các công ty gia công mỹ phẩm qua mặt trong quá trình sản xuất.
Phải làm gì khi mất niềm tin vào các chỉ số?
Việc một tuýp kem chống nắng không đủ lực để che chắn cho làn da như nó mô tả có thể khiến bạn cảm thấy hoang mang. Tuy nhiên, sự tác động từ môi trường, các tia có hại, khói bụi là có thật, vậy liệu có nên dùng kem chống nắng nữa hay chọn một phương pháp thay thế?
Vietcetera đã liên hệ với Cá Vàng và nhận được những chia sẻ về vấn đề kem chống nắng từ anh.
Có cách nào để biết kem chống nắng của mình có đủ chỉ số SPF không?
Thực tế một người dùng bình thường không thể tự biết được mà phải gửi sản phẩm đó đến các nơi chuyên kiểm tra.
Nếu lo ngại về tính trung thực của kem chống nắng thì phải bảo vệ da như thế nào?
Nên chọn các loại kem chống nắng từ Châu Âu vì quy trình kiểm duyệt gắt gao hơn*. Tuy nhiên, các thương hiệu từ Châu Âu chỉ hạn chế khả năng gian lận chỉ số SPF chứ không thể đảm bảo 100%.
*: Các sản phẩm kem chống nắng tại Châu Âu trước khi lưu hành phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền là Liên minh châu Âu. Vậy nên mức độ tin cậy cao hơn. Đồng thời có các quy định rõ ràng hơn về UVA và UVB so với FDA của Mỹ.
Có phải vai trò của kem chống nắng đang bị làm quá khi mà rất có khả năng từ trước đến nay người tiêu dùng đã sử dụng những loại kem không có khả năng chống nắng?
Sự thật là kem chống nắng là thứ dưỡng da quan trọng nhất mà một người phải có. Đặc biệt ở những nước có khả năng ung thư da cao.
Về ý nghĩa thẩm mỹ, kem chống nắng là sản phẩm nên đầu tư nhất trong tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên việc dùng phải kem chống nắng không đủ chất lượng do tìm hiểu không đủ sâu sẽ để lại hậu quả nặng nề về lão hóa và sức khỏe da.
Những thương hiệu kem chống nắng anh có thể giới thiệu về tính an toàn và trung thực của sản phẩm?
Martiderm DSP SPF 50+. Sản phẩm này có với SPF 71.7 (50+) và PPD là 48.9. Trong sản phẩm có thành phần là Vitamin C, Salicylic acid, niacinamide nên có tác dụng vừa điều trị, vừa bảo vệ. Tuy nhiên khuyết điểm là sẽ bóng dầu và phải kết hợp với phấn chống nắng.
Cảm ơn Cá Vàng về những thông tin hữu ích này!