Ở độ tuổi 30 nhưng Maitinhvi (tên thật: Lại Sao Mai) đã có hơn 18 năm gắn bó với văn hóa Hip-Hop. Là một trong những nữ nghệ sĩ Việt Nam tiên phong với nghệ thuật nhảy, Maitinhvi đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau bởi sự nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng với đam mê. Không những thế, cá tính và sự "tinh vi" của cô đã tạo nên một phong cách riêng, không lẫn với ai.
Maitinhvi rất thẳng thắn, hào sảng khi trò chuyện với Vietcetera, được chia sẻ về quan điểm sáng tạo trong cuộc sống cũng như những dự án nghệ thuật của mình.
Bạn định nghĩa "tinh vi" là như thế nào? Vì sao lại là Maitinhvi?
"Tinh vi" chính là sự tinh xảo, kỹ càng và cao cấp giống như một chiếc đồng hồ tourbillon Thụy Sỹ hoặc chi tiết máy của chiếc Harley Davidson Softtail 1000cc. Khi những quán net xuất hiện ở Hà Nội, mình cũng là một nhân tố đóng tiền điện cho quán khá nhiều. Và tên Yahoo lúc đó của mình là Maitinhvi_đã_đi_là_không_về@yahoo.com. Cả nhà mình đều có chữ "tinh vi" phía sau luôn, do mình đặt. Còn tên Sao Mai nghe cứ như một cuộc thi ca nhạc hay một chị múa ballet vậy.
Maitinhvi liệu có phải là một nghệ danh "tinh vi" quá không?
Từ "tinh vi" định hình cho mình trong nhiều thứ trong cuộc sống. Mình không thích sự xuề xòa cẩu thả, trong nhảy mình luôn có những câu hỏi: Tại sao lại chuyển động như này? Nó bắt nguồn từ đâu và mình sẽ phát triển nó như thế nào? Nó có thực sự là một ý kiến hay không?
Và sự tinh vi đó bắt mình phải luôn học hỏi để làm mọi thứ tốt nhất có thể.
Có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi, nản chí khi vừa phải nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật, vừa phải "tỉnh táo" để kinh doanh, kiếm sống?
Mình khá thích một câu trong track Dị Nhân (DSK feat. Ling): "Mày nói làm nghệ thuật thì phải gồng mình, còn tao thấy muốn sống tốt mới phải gồng mình." Cảm xúc của mình như nào thì mình nhảy thế thôi. Vui nhảy kiểu vui, muốn khóc thì nhảy kiểu muốn khóc. Còn không buồn không vui thì rap kiểu ông Đen. Cái quan trọng nhất là cái "thật". Nhảy đẹp hay xấu mỗi người có một cảm quan riêng nhưng người ta sẽ luôn cảm nhận được cái "thật" của mình. Đó chính là Hip-Hop.
Còn khi đứng trên một sân khấu nhà hát, một dự án nghệ thuật, hóa thân vào một nhân vật nào đó nó lại khác. Cái đó thì cần thời gian, cần kỹ năng của não, cần mình quên đi cái "thật" của chính mình để tròn vai trong một tác phẩm có chủ đích.
Cá nhân mình, mình làm đủ mọi công việc có thể kiếm tiền một cách tử tế ở bên ngoài để Hip-Hop của mình thuần chủng nhất và không bị ảnh hưởng hay thao túng bởi bất cứ thứ cơm áo gạo tiền gì.
Gần đây, bạn có tham gia một vài dự án kết hợp nghệ thuật Hip-Hop với các thể loại văn hóa truyền thống. Bạn có thể chia sẻ thêm về dự án này?
Yes, dự án gần nhất mình thực hiện cùng đạo diễn Harry Nguyễn và team Lên Ngàn kết hợp với nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo có tên: Âm -Thanh Sắc - Màu. Đó là cách mà bọn mình truyền tải những giá trị truyền thống như Chèo, Tuồng và các tác phẩm văn học phê phán kinh điển theo một cách khác trước đây.
Không phải là truyền thống khoác áo hiện đại. Mà là sự đan xen một cách tự nhiên. Giá trị truyền thống vẫn ở đó, nó không cần khoác lên mình bộ áo mới nào cả. Nó có trong máu mỗi chúng ta, là tổ tiên, ông bà, là những lời ru của mẹ hay sự gồng gánh của cha. Và việc của những người trẻ chúng ta là tiếp nối và phát triển nó qua từng hành động nhiệt huyết và cách sống của mình.
Quan điểm của Maitinhvi về "nhảy cover" và "tạo ra flavor cho riêng mình"?
Đó là một sự việc khá thú vị, khi mình chia sẻ clip trên TikTok nói về việc nhảy cover các tác phẩm Kpop và tự sáng tạo ra bài nhảy của mình. Tất nhiên mình không thích những quan điểm không mang tính xây dựng dù là ở phía nào. Như chia sẻ, mình tinh vi trong việc nhảy và các dự án nghệ thuật. Mình cũng luôn trân trọng sự tìm tòi và chắt lọc để tạo ra bản sắc riêng.
Và trong một clip khác mình cũng có nói: Hip-Hop đối với những người như mình, nó vượt ra ngoài những bước nhảy hay bài nhạc, bức vẽ. Mà nó là niềm tự hào của người chơi. Tự hào với cuộc đời mình, câu chuyện của mình, thậm chí đồng cảm với câu chuyện của người khác khi họ kể câu chuyện của họ qua bước nhảy, bài nhạc.
Năm 2008, một vài người trong nhóm nhảy của mình - người mà mình cảm thấy đang rất có triển vọng để theo đuổi đam mê mà nhưng họ đã chuyển sang hoạt động cover Kpop hay những thứ khác. Mình đã cảm thấy mất mát vô cùng.
Những năm sau nhìn lại, mình thấy họ hạnh phúc với những thứ họ làm. Mình cũng cảm thấy vui và nhẹ nhàng hơn với những gì ngoài Hip-Hop. Có lẽ nếu họ vẫn theo đuổi Hip-Hop như mình họ sẽ không đạt được những điều như vậy. Thế nên sự lựa chọn là ở mỗi người. Còn mình, mình vẫn sẽ tiếp tục kể những câu chuyện của chính mình.
Là một trong những nữ dancer thế hệ đầu của Hip-Hop Việt Nam, ai là người truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi nghiệp nhảy lâu đến vậy?
Mọi người! Nguồn cảm hứng của mình chính là tất cả những gì hiện diện trong cuộc sống. Mỗi một con người, sự vật sự việc xảy ra đều có lý do cho việc nhảy của mình. Từ lâu việc mình vẫn đi đấu, đi cypher và tham gia các hoạt đông liên quan. Nó không còn là một cái gì đó mang tính cá nhân nữa.
Bạn nghĩ sao khi những dancer Gen Z hiện nay đang xem bạn là một tượng đài của nữ dancer?
Khi những dancer Gen Z đang yêu mến và dõi theo mình, mình càng muốn cho các em thấy được vẻ đẹp của một thứ văn hóa cực kỳ thú vị này. Đơn giản là cách mà mình lớn lên, cách mình theo đuổi, mình thất bại, mình học hỏi, chia sẻ và cả những thành công.
Khi mà có rất nhiều người cùng thế hệ đã rời bỏ hoặc đi một con đường khác vì nhiều lý do thì mình vẫn muốn tiếp tục là cầu nối của thế hệ trước với những bạn trẻ. Chẳng phải để dạy dỗ hay chỉ bảo mà là để đồng hành và chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm mình có với các bạn. Và chính mình cũng tiếp tục học hỏi những điều mới mẻ từ những Gen Z.
Hiện nay, với tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, bạn dùng cách gì để duy trì tình yêu và phong độ nhảy?
Mình có tổ chức một cuộc đấu Freestyle Battle online tên là Monsta Corona, và nhận được sự phản hồi hết sức căng và máu của anh em. Từ đó kéo theo nhiều cuộc thi online khác được diễn ra, hết sức vui và nhiệt.
Mình hy vọng anh em tiếp tục giữ vững đam mê, nhân thời gian này có thể tìm hiểu thêm về những gì mình chưa biết và chia sẻ những kiến thức mới mình học được. Hoặc là "cày thêm quả" để khi chúng ta có thể gặp nhau là lôi ra "khè" nhau (tạm dịch: đấu nhảy).
Đây cũng là thời gian tốt để có thể cho mọi người ở ngoài văn hóa Hip-Hop thấy cái hay cái đẹp của Hip-Hop qua những hình ảnh mà các bạn chia sẻ. Chúc mọi người bình an và có thêm nhiều điều thú vị.