Manabie và kỳ vọng đổi sắc "chiếc áo đồng phục" của ngành giáo dục | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
04 Thg 09, 2020
Xu Hướng Kinh Doanh

Manabie và kỳ vọng đổi sắc "chiếc áo đồng phục" của ngành giáo dục

Manabie - cải cách phương thức học giúp khai thác tiềm năng học viên khi tận dụng và hòa hợp thế mạnh của 2 hình thức online và offline.

Manabie và kỳ vọng đổi sắc "chiếc áo đồng phục" của ngành giáo dục

Nguồn: Shutterstocks.

Nhắc đến giáo dục Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, chúng ta thường nghe đến những cụm từ như “truyền thống, nguyên tắc và toàn diện”. Quả thật chính tính phổ cập và bao quát là thế mạnh điển hình, cung cấp cơ hội tiếp cận nguồn kiến thức nền tảng khổng lồ cho người học. 

Tuy nhiên, xu thế phát triển của ngành công nghệ, cộng với những biến động về kinh tế, xã hội, đặc biệt trong năm 2020, đã thúc đẩy ngành giáo dục thay đổi. Nổi bật nhất trong sự chuyển mình này là xu thế: Học trực tuyến.

Nội dung “giáo dục số” có cơ hội lớn tại Việt Nam

Hiện nay, thang điểm đánh giá sự thành công của một học sinh khi vừa ra trường không chỉ còn là bằng cấp. Ngành giáo dục nhận ra cách trang bị hành trang tương lai tốt nhất cho mỗi học sinh đó chính là sự điều chỉnh riêng biệt, phù hợp với khả năng của từng em và phát triển chương trình học giúp các em tự bồi dưỡng khả năng tiếp thu kiến thức, thông qua đa kênh.

Theo Thầy Lê Phong Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường chuyên THPT Nguyễn Thiện Thành, tỉnh Trà Vinh: “Vì nhiều yếu tố khác nhau nên phần lớn sự tiếp thu của các em học sinh trong trường phổ thông là thụ động. Ứng dụng rộng rãi việc học trực tuyến sẽ giúp tạo nên cầu nối tốt, khơi gợi khả năng tự học trong các em.

Qua đợt dịch vừa rồi thì tôi cho rằng, giá trị lớn nhất của những nền tảng trực tuyến này là giúp thu gần khoảng cách, khiến cho trải nghiệm và tương tác giữa người dạy, người học tiện lợi và chân thực hơn.”

Tuy nhiên, số hóa trong giáo dục vẫn cần nhiều điều chỉnh để thực sự hữu ích

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM gửi UBND thành phố, Bộ Giáo dục và đào tạo, hiện nay có đến 25 - 50% học sinh không học trực tuyến, mà vẫn duy trì phương pháp tiếp thu cũ. Lý do là việc tiếp thu nội dung số chưa hiệu quả và các bậc phụ huynh vẫn chưa giám sát tốt được việc học này. 

Hẳn nhiên, để thiết lập nên một hệ thống nội dung trực tuyến thực sự bổ ích, không chỉ đơn thuần là “số hóa bài giảng giấy”. 

Theo Bà Christy Wong – đồng sáng lập nền tảng học tập trực tuyến nổi tiếng Manabie (Singapore), thì việc học trực tuyến cần nhấn vào điểm mạnh là sự đa dạng và nội dung chất lượng cao. 

Đội ngũ Manabie Nguồn Manabie
Đội ngũ Manabie. Nguồn: Manabie.

Các nội dung số của Manabie là các video, hướng dẫn học tập và trò chơi, câu đố được thiết kế như cầu nối giữa chương trình học với các ví dụ đi từ thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, các công cụ học tập online tích hợp với Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) và Máy Học (machine learning) sẽ giúp cá nhân hóa trải nghiệm của từng học viên.

Với mục tiêu nuôi dưỡng và phát triển những cá nhân độc lập, ổn định về cảm xúc, có phẩm chất tốt và một tinh thần hội nhập, mô hình của Manabie tập trung khai thác tiềm năng học viên bằng cách không chỉ trang bị kiến thức chính quy, mà còn huấn luyện kỹ năng tự học, là một trong 10 năng lực cốt lõi cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Toàn diện cách học giúp thay đổi thế hệ

Hiện nay dù các cơ sở giáo dục quốc tế hay của chính phủ rất cởi mở với cái mới, nhưng vẫn chưa thể hòa hợp được hai phương thức dạy online và offline.

Cơ sở vật chất tại Manabie Nguồn Manabie
Cơ sở vật chất tại Manabie. Nguồn: Manabie.

Từng thành công với Quipper – startup học online đình đám của Anh Quốc, các nhà sáng lập Takuya Homma và Christy Wong đã mang Manabie đến Việt Nam và xây dựng được những nội dung giáo dục chất lượng cao, có ứng dụng các công nghệ mới nhờ biết hòa hợp, cũng như tận dụng thế mạnh của 2 phương thức online và offline. 

Cơ sở vật chất tại Manabie Nguồn Manabie
Cơ sở vật chất tại Manabie. Nguồn: Manabie.

Tuy nhiên, Manabie chưa tham vọng thay đổi hoàn toàn tư duy về học trực tuyến tại Việt Nam, mà đang từng bước tiếp xúc với nhiều đối tượng học viên và người dạy, nhằm cải thiện các kỹ năng của lực lượng lao động trẻ (40% dân số dưới 24 tuổi) và tăng năng suất để đưa nước sở tại chuyển mình thay đổi. 

Chỉ trong 1 năm qua, Manabie đã có mặt tại hơn 350 trường phổ thông, hỗ trợ đào tạo cho hơn 100 giáo viên, và đem đến môi trường học tập thú vị cho hơn 130.000 học sinh qua nền tảng miễn phí của mình.

Em Nguyễn Phi Long - học sinh lớp 11 Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội - ứng dụng Manabie vào việc học của mình đã được một thời gian, và làm bố mẹ hoàn toàn bất ngờ vì sự chuyên cần của mình, cùng với thành tích học tập ngày càng tích cực, đặc biệt là ở môn Vật Lý và Hóa Học. 

Phi Long chia sẻ: “Lớp học Manabie hỗ trợ và chuẩn bị giúp em khá tốt cho các kỳ kiểm tra.

Các lớp học trực tuyến là các buổi luyện tập và củng cố lại kiến thức em đã học trong cả một học kỳ vừa rồi. Ngoài ra, em thấy bộ ôn tập và luyện thi cho từng chặng trong năm học như kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ rất đa dạng và phong phú. Nên chỉ cần làm thật nhiều và làm hết các bài ôn luyện được chuẩn bị là cũng đủ để hình dung sẽ có những dạng câu hỏi nào được ra trong đề thi.

Ngoài ra thì tiến độ bài giảng chậm mà chắc, những khái niệm hay công thức tụi em mới gặp lần đầu được giáo viên nói rất kỹ. Nhờ vậy, chúng em không chỉ được đọc lại những lý thuyết đã viết ra, mà còn hiểu cả bản chất và tính thực tiễn của những kiến thức đó.”

Nguyễn Phi Long trái Học sinh lớp 11 trường THPT Phạm Hồng Thái Hà Nội
Nguyễn Phi Long (trái) - Học sinh lớp 11 trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội.

Nhiều bậc cha mẹ như phụ huynh của em Phi Long cho rằng, mình không thể quyết định thay con cả đời được, đặc biệt trong việc học tập. Vì thế để các em tự tìm được cách học phù hợp ngay từ giờ là rất cần thiết.

Ngoài ra, so với lớp học thêm ngoài thì giờ đây, con được ở nhà mà vẫn thuận tiện cho việc kết nối, giao lưu với thầy cô và bạn bè. Còn kiến thức thì đều dựa theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục, vì thế rất tiện lợi để cha mẹ có thể đồng hành với con trong suốt quá trình học tập.

Tương lai của Giáo dục trực tuyến tại Việt Nam

Học sinh đang trở nên thoải mái và quen thuộc hơn với cuộc sống kỹ thuật số, vì thế, sự khao khát kiến ​​thức và giáo dục tốt của các em sẽ không dừng lại. Khi đất nước hiện đại hóa, học sinh sẽ phải chấp nhận và dựa nhiều hơn vào giáo dục trực tuyến để có thể thành công trong cuộc sống.

Điều này đã được chứng thực trong nửa năm đầu 2020, và những lớp học trực tuyến sẽ còn tiếp tục phát huy tác dụng của mình trong mùa thi gần kề. 

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục cộng đồng sẽ không được cải thiện mạnh mẽ nếu quan niệm của chúng ta về học từ xa còn hạn chế.

Về mặt công nghệ, chất lượng mạng truyền dẫn sẽ là một thách thức lớn tại Việt Nam. Chúng ta chỉ mới thử nghiệm công nghệ truyền dữ liệu 5G. Với cơ sở hạ tầng và tốc độ băng thông như hiện nay thì chưa đủ để đưa các giải pháp dạy và học online hiện đại nhất vào ứng dụng, nhất là trong thời gian dài. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sáng tạo chương trình giáo dục trực tuyến cũng tin rằng, chính phủ sẽ sớm giải quyết được bài toán này khi Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực số hoá trong 5 năm tới.

“Nếu thử nhìn lại về sự tiến bộ của thương mại điện tử trong 8-10 năm trở lại, bạn có thể thấy được bức tranh của giáo dục trực tuyến trong thời gian tới. Chúng tôi rất tự tin khi chọn Việt Nam để làm mặt trận đầu tiên trong cuộc chinh phục dài hơi tại thị trường Đông Nam Á, vì tiềm năng con người mà chúng tôi nhìn thấy được, cũng như mức độ đầu tư cho giáo dục của các gia đình đang ngày càng tăng lên” - Bà Christy Wong kết luận.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong một tương lai gần, ít nhất là 5 hay 10 năm tới, ngành giáo dục Việt Nam cần mạnh dạn đổi sắc “chiếc áo đồng phục” đã mặc quá lâu, để hướng đến phát triển một nền giáo dục điện tử lấy trọng tâm là mô hình cá nhân hóa khung đánh giá năng lực. 

Đây cũng chính là nỗ lực của những tổ chức giáo dục tư nhân, cùng với Chính phủ, muốn dốc sức để tạo nên một nền giáo dục sánh ngang tầm vóc khu vực và thế giới.